banner

KHOA ĐÔNG PHƯƠNG HỌC - ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

Xây dựng nền Đông phương học Việt Nam



Xây dựng nền Đông phương học Việt Nam
Khái niệm “phương Đông” vốn xuất phát từ cách nhìn của phương Tây để chỉ một không gian rộng lớn bao gồm toàn bộ châu Á trải rộng sang cả Đông Phi và ngành khoa học nghiên cứu về khu vực đó được gọi là “Đông phương học”. Cách nhìn này được biểu thị rõ ràng nhất khi lấy khoảng cách xa gần so với phương Tây - châu Âu để phân biệt các vùng Cận Đông, Trung Đông và Viễn Đông. Dưới góc độ địa lý hay địa - văn hoá, địa - chính trị, phạm vi “phương Đông” được hiểu theo nhiều quan niệm khác nhau.

Trong lịch sử, quan hệ Đông-Tây cũng như nhận thức về mối quan hệ đó đã trải qua nhiều thay đổi phản ánh lịch sử lâu đời và đa dạng, phức hợp của Đông phương học.
Từ thời cổ đại và sơ kỳ, trung kỳ thời trung đại, quan hệ Đông-Tây được thực hiện qua các cuộc chiến tranh của những đế chế lớn từ phương Tây bành trướng sang phương Đông như đế chế Hy Lạp, hay từ phương Đông bành trướng sang phương Tây như đế chế Ả Rập Hồi giáo, đế chế Mông Cổ, đế chế Ottoman... và chủ yếu qua giao lưu kinh tế-văn hoá, qua hoạt động của những nhà thám hiểm, nhà truyền giáo. Trong thời kỳ này, “con đường tơ lụa” giữ một vai trò quan trọng như một hành lang thông thương về kinh tế và giao lưu về văn hoá. Con đường này hình thành từ trước thế kỷ IV TCN trong quan hệ buôn bán, chủ yếu là mặt hàng tơ lụa, từ Trung Quốc qua Tây Vực sang Ấn Độ và Tây Á. Từ thời Tây Hán (206 TCN-25), con đường này được khai thông và phát triển, thịnh đạt trong thời Tuỳ (589-618), Đường (618-907). Thực tế, đó là một hệ thống đường xuyên Ágồm nhiều tuyến đường theo hướng Đông-Tây nối liền kinh đô Trường An (Trung Quốc) qua vùng Trung Á đến Tây Á và từ đó, toả sang các nước vùng Địa Trung Hải. Cùng với con đường tơ lụa trên bộ đó, dần dần hình thành "con đường tơ lụa trên biển" mở ra hải trình giao thương từ các nước ven biển Đông Á qua Đông Nam Á sang Nam Á đến Tây Á, Ai Cập rồi chuyển sang các tuyến hàng hải vùng Địa Trung Hải. Năm 627, nhà sư Huyền Trang theo con đường tơ lụa trên bộ sang Tây Trúc (Ấn Độ) thỉnh kinh rồi trở về Trường An cũng bằng con đường này. Nhưng Đỗ Hoài năm 751 theo đường tơ lụa trên bộ qua Trung Á, Tây Á đến Địa Trung Hải rồi năm 762 lại theo đường biển trở về Trung Quốc. Năm 1275 Marco Polo sang Trung Quốc bằng đường bộ và năm 1292 cũng trở về bằng đường biển qua Đông Nam Á. Những năm cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV, nhiều giáo sĩ phương Tây như John Monte Corvino, Franciscan Odoric... qua Ấn Độ, Đông Nam Á, Trung Quốc bằng đường ven biển qua vịnh Ba Tư. 
Cho đến thế kỷ XIV, XV con đường tơ lụa trên bộ phải nhường bước dần cho con đường tơ lụa trên biển do những thuận lợi của giao thông trên biển và những tiến bộ của kỹ thuật đóng tàu và hàng hải. Đầu thế kỷ XV, triều Minh (1368-1644) phái Tam bảo Thái giám Trịnh Hoà, một nhà hàng hải nổi tiếng, tổ chức thám hiểm vùng biển “Tây Dương” tức vùng biển Đông Nam Á và Nam Á. Từ năm 1405 đến 1433, trong vòng 28 năm, Trịnh Hoà cùng hạm đội của ông đã 7 lần vượt biển, đi qua 30 nước, từ bờ biển Nam Trung Quốc qua các nước Đông Nam Á, sang Ấn Độ, vào vịnh Ba Tư, Hồng Hải, các nước Á Rập rồi theo bờ biển Đông Phi đến tận Somalie, Mozambique. Thành công của cuộc vượt biển đường dài đầu tiên trong lịch sử nhân loại chứng tỏ kỹ thuật đóng tàu và trình độ hàng hải cao của văn minh Trung Quốc đương thời, phản ánh những kiến thức và kinh nghiệm phong phú đã được tích luỹ của “con đường tơ lụa trên biển”. Đấy chính là hệ thống thương mại Á châu tồn tại và phát triển trước khi chủ nghĩa tư bản phương Tây bành trướng sang phương Đông.
 

(Xem bài viết toàn văn tại Báo cáo tại Hội thảo Đông Phương học Việt Nam lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội ngày 29 và 30-12-2000. In lại tại cuốn Phương Đông: Truyền thống và Hiện đại, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2015)

Tác giả: GS. Phan Huy Lê 

Nguyên Chủ nhiệm Khoa đầu tiên Khoa Đông phương học

Bình luận của bạn