banner

KHOA ĐÔNG PHƯƠNG HỌC - ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

Giáo trình Phong tục tập quán Ấn Độ



Giáo trình Phong tục tập quán Ấn Độ
Giáo trình “Phong tục tập quán Ấn Độ” của PGS.TS Đỗ Thu Hà (Chủ nhiệm bộ môn Ấn Độ học, khoa Đông phương học, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN) do NXB Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản năm 2012. Cuốn giáo trình là tài liệu tham khảo có giá trị cho sinh viên cũng như những người yêu thích, muốn tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của đất nước Ấn Độ

Tác giả PGS.TS Đỗ Thu Hà chụp hình lưu niệm cùng ngài Phó đại sứ Cộng hòa Ấn Độ

và tập thể sinh viên chuyên ngành Ấn Độ học, khoa Đông phương học

Ấn Độ là đất nước của 5000 năm lịch sử với nền văn minh toả sáng rực rỡ không chỉ đối với phương Đông mà còn đối với toàn nhân loại. Thành phần góp phần quan trọng tạo nên khuôn mặt vừa thống nhất vừa đa dạng của đất nước này chính là văn hoá. Song, để biết và hiểu một cách thấu đáo về một trong những nền văn hoá lâu đời nhất trên thế giới như Ấn Độ không phải là điều dễ dàng, điều đó đòi hỏi công sức và trí tuệ dành cho việc nghiên cứu. Phần này chỉ trình bày một khía cạnh của nền văn hoá đồ sộ ấy là phong tục tập quán trong cuộc sống đời thường của người dân Ấn Độ.

Phong tục là thứ trở thành luật tục, ăn sâu, bén rễ trong nhân dân rất bền chặt, có sức mạnh hơn cả những đạo luật. Trong truyền thống văn hoá của các dân tộc, có nhiều thuần phong mĩ tục cần cho đạo lí làm người, kỉ cương xã hội. Một cuộc cách mạng có thể thay đổi chính thể nhanh chóng, tiếp theo sau hàng loạt hệ thống pháp luật được thay đổi. Phong tục cũng không ngừng biến đổi theo trào lưu biến đổi văn hoá xã hội, nhưng dai dẳng hơn và có quy luật riêng của nó, không dễ gì một sớm một chiều đã được mọi người, mọi nhà, mọi tầng lớp tuân theo. Tục hay thì nhiều người bắt chước nhau làm, tục dở nhiều người cũng sẽ bắt chước nhau bỏ dần(1).

Bản thân các phong tục cũng nằm trong cuộc đấu tranh xã hội đó, đang và sẽ tiếp diễn giữa cái cũ và cái mới. Quan niệm về thẩm mĩ cũng luôn biến đổi(2). Ví dụ, cái búi túc của nam giới ở Việt Nam rõ ràng là lạc hậu song cũng phải qua quá trình đấu tranh lâu dài mới mất đi, nhưng bộ răng đen của nữ giới ngày xưa được ca tụng là đẹp, là duyên dáng ở Việt Nam, mấy năm sau Cách mạng Tháng tám chẳng ai bắt buộc mà tự nhiên biến mất nhường chỗ cho hàm răng trắng.

Phong trào xây dựng nếp sống văn hoá mới ở Việt Nam hay các nước Phương Đông khác hiện nay, không phải chỉ đơn thuần dựa vào ý nghĩ chủ quan mà phải biết vận dụng thuần phong mĩ tục vào nếp sống, nếp suy nghĩ, hành động, cách đối nhân xử thế, hợp với trào lưu tiến hoá. Có những phong tục cổ truyền xuất xứ từ kinh nghiệm thực tiễn trong cuộc sống thời xưa, đến nay không hợp thời nữa, trở thành đồi phong bại tục, ta cũng cần nghiên cứu để biết nguyên do, từ đó mới vận dụng cho thích hợp với hiện tại và tương lai, hoặc tìm những phong tục hay để bổ sung mà loại trừ dần những cái dở. Tất nhiên, bản chất mỗi cá nhân cũng phải sống, giao tiếp, hoà nhập với cộng đồng xã hội, những kiểu cách rởm, trái với phong tục, bản sắc dân tộc, trái với con mắt của đông đảo quần chúng sẽ tự đào thải và bị loại trừ dần. Suy rộng ra phong tục cũng vậy, phục hồi và phát huy thuần phong mĩ tục, chắc chắn sẽ được mọi tầng lớp nhân dân ủng hộ, hoan nghênh; phục hồi làm sống lại những đồi phong bại tục sẽ bị xã hội lên án. Trước khi đi sâu tìm hiểu những vấn đề cụ thể về phong tục tập quán của người dân Ấn Độ trong cuộc sống đời thường, chúng ta sẽ xem xét qua những khái niệm cơ bản có tính công cụ.

Mục đích, ý nghĩa của môn học

Bộ môn Ấn Độ học của Khoa Đông phương học mới mở, vì vậy, tài liệu giảng dạy và nghiên cứu của bộ môn còn rất hạn chế. Ngay cả các sách báo trong nước bằng tiếng Việt viết về Ấn Độ học cũng rất thiếu và chưa có hệ thống. Đây quả là một khó khăn cho giáo viên và sinh viên của Bộ môn chúng tôi. Để góp phần giải quyết những khó khăn đó và giúp sinh viên có được những tài liệu bước đầu, chúng tôi đang cố gắng biên soạn các giáo trình cho Bộ môn Ấn Độ học nói chung và cho môn Văn hoá Ấn Độ nói riêng.

Khi nghiên cứu về Ấn Độ học, Bộ môn chúng tôi giảng dạy một số chuyên đề, trong đó môn Phong tục tập quán Ấn Độ là môn chiếm ba tín chỉ. Chúng tôi dự định sẽ phác hoạ những nét chính của phong tục tập quán Ấn Độ trong tang ma, cưới xin, xây nhà, sinh con, hành hương, thờ cúng tổ tiên… theo trật tự vòng đời. Để sinh viên có thể tiếp thu bài giảng dễ dàng hơn, chúng tôi sẽ phác hoạ chung một số nét về đặc điểm của văn hoá Ấn Độ trước khi đi sâu vào chi tiết.

Chúng tôi đặt vấn đề như trên là vì đã có các môn khác trong Bộ môn dạy song song về các phương diện khác của Ấn Độ học như Tôn giáo Ấn Độ, Lịch sử Ấn Độ, Văn học Ấn Độ, Tộc người và ngôn ngữ Ấn Độ, Thể chế chính trị và quan hệ quốc tế của Ấn Độ, Tiến trình lịch sử văn hoá Ấn Độ… Chúng tôi không muốn lặp lại những thông tin đã được đưa ra sâu và rộng về từng chuyên đề nên sẽ chỉ tập trung vào phong tục tập quán, nghi lễ cổ truyền và những biến đổi về văn hoá trong giai đoạn hiện đại hoá và toàn cầu hoá đang diễn ra mạnh mẽ trong cuộc sống đời thường của người dân Ấn Độ mà thôi.

Khi đi sâu vào giới thiệu về phong tục tập quán và các nghi lễ của Ấn Độ, chúng tôi xin được tập trung vào phong tục tập quán, nghi lễ của những người theo Hinđu giáo vì họ chiếm tới gần 82% dân số Ấn Độ (con số năm 2004 của BBC). Tuy nhiên, để làm rõ những đặc điểm của phong tục tập quán Ấn Độ qua những ví dụ cụ thể, chúng tôi cũng sẽ so sánh những vấn đề được đặt ra trong mối quan hệ với các dân tộc anh em tại Ấn Độ vốn có số lượng rất lớn, sự đa dạng rất phức tạp và phong phú để sinh viên có được cái nhìn tổng quát hơn.

Một phương diện khác mà chúng tôi cũng rất chú ý là tại Ấn Độ, phong tục tập quán gắn rất chặt với tôn giáo. Phong tục tập quán ở Ấn Độ đã hoà trộn rất chặt chẽ với nghi thức, nghi lễ tôn giáo nên chúng tôi buộc phải trình bày các vấn đề và hiện tượng trong phong tục tập quán Ấn Độ trong cảnh huống tôn giáo. Chắc chắn là phong tục của người theo Hinđu giáo hay Hồi giáo… không thể tách rời tư tưởng, nghi lễ, nghi thức của các tôn giáo này. Các nghi lễ, nghi thức tôn giáo đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của phong tục tập quán Ấn Độ. Vì vậy, chúng tôi buộc phải trình bày phong tục tập quán Ấn Độ cùng với các nghi lễ, nghi thức của nó.

Phương pháp nghiên cứu

Trong giáo trình này, chúng tôi sẽ cố gắng lí giải các hiện tượng văn hoá theo hướng “Toàn bộ lịch sử, toàn bộ văn hoá” như nhà nghiên cứu Ấn Độ Bhagwat Saran Upadhyaya đã đề ra. Điều này có nghĩa là mỗi đặc điểm hay hiện tượng văn hoá sẽ được chúng tôi đi tìm căn nguyên dựa trên nền tảng của tôn giáo, lịch sử, tộc người, tư duy… của người Ấn Độ. Chúng tôi sẽ cố gắng áp dụng các phương pháp nghiên cứu liên ngành, so sánh, liệt kê… để làm rõ các luận điểm của mình.

Lịch sử vấn đề

Cho đến nay, sách báo về Văn hoá Ấn Độ nói chung, phong tục tập quán Ấn Độ nói riêng tại Việt Nam chưa nhiều. Điểm qua, chúng ta thấy đã có một số tác phẩm như sau:

Vào năm 1986, nhà nghiên cứu Nguyễn Thừa Hỉ viết hai cuốn Tìm hiểu văn hoá Ấn Độ (in ở NXB Văn hoá) và Tìm hiểu văn hoá Ấn Độ (NXB Giáo dục, Hà Nội), trong đó đề cập đến nhiều mặt của văn hoá Ấn Độ với những nhận xét rất thú vị và xác đáng, đối tượng là đông đảo bạn đọc và những người quan tâm đến văn hoá Ấn Độ nói chung. Tuy nhiên, hai cuốn sách này đều chưa đề cập gì tới phong tục và tập quán của các dân tộc tại Ấn Độ mà chỉ đi vào các mặt như văn học, lịch sử, tôn giáo…

Năm 1993, nhà nghiên cứu tài năng Cao Huy Đỉnh sau khi tu nghiệp tại Ấn Độ về đã cho ra đời hàng loạt các tác phẩm và bài viết về Ấn Độ trong đó có cuốn Văn hoá Ấn Độ (NXB Văn hoá, Hà Nội, 1993). PGS. TS. Đinh Trung Kiên lại giới thiệu chung về Ấn Độ qua cuốn Ấn Độ, hôm qua và hôm nay (NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995). Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cũng có cuốn Ấn Độ xưa và nay xuất bản tại NXB Khoa học Xã hội năm 1997 với 350 trang. Đặc biệt, GS. Nguyễn Tấn Đắc có cuốn chuyên khảo về Văn hoá Ấn Độ tại NXB Thành phố Hồ Chí Minh năm 2000 – 342 trang với rất nhiều thông tin quý báu.

Đứng trên một điểm nhìn khác là so sánh và đối chiếu văn hoá Ấn Độ với các nền văn hoá khác, nhà nghiên cứu Cao Xuân Huy đã viết cuốn Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu (NXB Văn học, 1995) và nhóm nghiên cứu của GS. Lương Duy Thứ đã cho ra đời cuốn Đại cương văn hoá Phương Đông (NXB Giáo dục, 1997).

Đặc biệt còn có tác phẩm dài hơi của nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Đàn về Tư tưởng triết học và đời sống văn hoá văn học Ấn Độ, NXB. Văn học, Hà Nội, 1996. Đây là tác phẩm tương đối công phu, đi sâu chi tiết vào các mặt của văn hoá Ấn Độ như triết học, tôn giáo, xã hội, văn học…

Các tác phẩm của các nhà nghiên cứu trên thế giới về văn hoá Ấn Độ cũng được chọn dịch tại Việt Nam như Lịch sử văn minh Ấn Độ của W. Durant do Nguyễn Hiến Lê dịch, Trung tâm Thông tin Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh xuất bản năm 1992 (NXB Văn hoá Thông tin xuất bản lại vào quý I năm 2004) hay cuốn Phát hiện Ấn Độ của J. Nehru do Phạm Thuỷ Ba, Lê Ngọc, Hoàng Tuý và Nguyễn Tâm dịch năm 1990 do NXB Văn học, Hà Nội xuất bản; cuốn Ấn Độ huyền bí của P. Pruton (NXB Văn học, Hà Nội, 1993)…

Bên cạnh đó, còn một số các bài báo chuyên sâu về các mặt của văn hoá Ấn Độ như Nghệ thuật cổ Ấn Độ (Tạp chí Mĩ thuật, số 1 năm 1989)…

Tuy nhiên, chúng tôi soạn giáo trình này chỉ để giới thiệu những phong tục tập quán của Ấn Độ như một chuyên khảo chứ không đi về diện rộng và dàn trải trên tất cả các mặt như những tác giả khác. Về cách làm này, chúng tôi thấy có một phần chừng 15 trang trong cuốn Ấn Độ, hôm qua và hôm nay của PGS. TS. Đinh Trung Kiên có vẻ gần với quan điểm của chúng tôi nhất.

Trong khi giảng dạy môn học này, chúng tôi sẽ sử dụng một số tài liệu khác mà chúng tôi đã biên soạn là phần Hệ biểu tượng của Ấn Độ cổ đại trong công trình nghiên cứu khoa học cấp trường năm 2001 về Hệ biểu tượng trong sử thi Mahabharata và Ramayana, phần giới thiệu về văn hoá Ấn Độ trong công trình Ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ đối với khu vực – bài giảng cho học viên cao học tại Khoa Đông phương năm 2001 và Giáo trình về Tiến trình lịch sử văn hoá Ấn Độ năm 2010 để làm cơ sở hiểu sâu hơn về ngọn nguồn văn hoá Ấn Độ.

Yêu cầu của môn học

Khi học môn học này, sinh viên phải nắm vững những phong tục tập quán chính của Ấn Độ, nguồn gốc, sự biến đổi dựa theo sự phát triển của thời gian; các phong tục tập quán đó của Hinđu giáo có gì giống và có gì khác với các tộc người và tôn giáo khác và cuối cùng là biết so sánh với thực tế ở Việt Nam.

Để có được kết quả nghiên cứu này, chúng tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc tới Khoa Đông phương học, Ban Giám hiệu Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội); Hội đồng Giao lưu Văn hoá Ấn Độ (ICCR – Indian Council for Cultural Relations); Quỹ học bổng dành cho học giả trẻ châu Á – Asian Scholarship Foundation, Ford Foundation… Đặc biệt, tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn tới PGS. TS. Ngô Văn Doanh, người đã có những góp ý vô cùng quý báu. Chính nhờ sự ủng hộ và giúp đỡ tận tình cả về vật chất lẫn tinh thần của tất cả những bên có liên quan mà tôi đã hoàn thành cuốn giáo trình này sau gần 10 năm nghiên cứu.

Mặc dù chúng tôi đã cố gắng hết sức mình nhưng do thời gian cũng như trình độ còn hạn chế, chắc chắn giáo trình vẫn còn nhiều sai sót, bất cập. Chúng tôi rất mong nhận được sự chỉ giáo và đóng góp của bạn đọc gần xa để những lần in sau sẽ có chất lượng tốt hơn.

Xin chân thành cảm ơn.

______

1 Becker, Howard S, 1982, “Culture: A Sociological View,” Yale Review, 71(4): 513-27.
2 Boyd, Robert and Peter J. Richerson, 1985, Culture and the Evolutionary Process, Chicago: University of Chicago Press .

Nguồn: http://www.ussh.vnu.edu.vn/d4/news/Giao-trinh-Phong-tuc-tap-quan-An-Do-1-73.aspx

Bình luận của bạn