banner

KHOA ĐÔNG PHƯƠNG HỌC - ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

Khái niệm văn hóa văn minh & Văn hóa truyền thống Hàn



Khái niệm văn hóa văn minh & Văn hóa truyền thống Hàn
Cuốn sách Văn hóa văn minh & Yếu tố văn hóa truyền thống Hàn của GS.TS.NGND Lê Quang Thiêm (nguyên Chủ nhiệm đầu tiên của Bộ mộn Hàn Quốc, khoa Đông phương) được NXB Văn học ấn hành năm 1998 là một trong những công trình khảo cứu đầu tiên tại Việt Nam về văn hóa Hàn Quốc. Sách được NXB Đại học Quốc gia Hà Nội in lại năm 2002 với tựa đề Khái niệm văn hóa văn minh và văn hóa truyền thống Hàn.

Đây là tập bài nghiên cứu đã được tóm lược dùng làm bài giảng cho sinh viên năm cuối ngành Đông phương học từ niên học 1993 - 1994 trở lại đây.  Bố cục của cuốn sách được chia làm hai phần

Phần 1: Về cách hiểu văn minh, văn hóa, bản sắc văn hóa

Phần 2: Yếu tố văn hóa truyền thống Hàn

Khái niệm văn hóa văn minh thường được dùng kết liền nhau, có khi thay thế cho nhau nhưng theo chúng tôi đó là hai khái niệm, hai thực thể khác nhau, mặc dù có mối quan hệ và có phần trùng khít nhau. Văn hóa theo nghĩa rộng là chỉ sự tích hợp toàn bộ các giá trị sáng tạo (vật chất và tinh thần) của con người. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực và là mục tiêu của sự phát triển xã hội. Văn hóa gắn với con người với sự sáng tạo qua quá trình hoạt động của con người, tích hợp từ thế hệ này qua thế hệ khác nên hàm chứa tính nhân văn, tính dân tộc và tính khu vực sâu sắc. Văn minh là thành tựu sáng chế phát minh, vận dụng, thực hành những tri thức phát kiến, sáng tạo khoa học công nghệ, các ứng dụng vào đời sống để làm cho cuộc sống ngày càng văn minh, tiến bộ, phát triển hơn. Văn minh cũng là sản phẩm của con người, do con người làm ra nhưng nó thiên về kỹ thuật, vật chất, thiên về khoa học, công nghê, kinh tế xã hội nhiều hơn. Văn hóa có mặt trong mọi mặt, mọi ngành hoạt động, mọi thời kỳ phát triển của loài người, tồn tại ở mọi dân tộc, không gian, thời gian có con người sinh tồn. Văn minh chỉ tồn tại trong hình thái xã hội đã chuyển vào thời đại văn minh không có trong xã hội thời mông muội, hoang sơ. Chúng tôi tạm chấp nhận một cách hiểu một quan niệm về văn hóa như vậy để đi vào tìm hiểu nhận diện văn hóa Hàn. Phần I của tập này là nhằm làm sáng tỏ một số cách hiểu quan niệm nói trên. Nó cũng là tiền đề cho việc nhận hiểu các yếu tố Văn hóa nêu ở phần II - phần văn hóa truyền thống Hàn.

Văn hóa Hàn như một tổng thể thống nhất là một nền văn hóa phong phú và đầy bản sắc. Trong trường kỳ sinh tồn và tích hợp nhân dân, các nhà nước tồn tại trên bán đảo Hàn từ xưa đến nay đã sáng tạo nên những giá trị vật chất và tinh thần quý giá, từng làm tự hào cho “quê hương cẩm tú”, cho “vương quốc ẩn dật” “xứ sở của những buổi bình minh êm ả” xưa kia và “những thần kỳ bên sông Hàn”, “đất nước hóa rồng” ngày nay.

(Trích Lời mở đầu bản in năm 1998)

GS. TS. NGND Lê Quang Thiêm

 

 

Bình luận của bạn