banner

KHOA ĐÔNG PHƯƠNG HỌC - ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

[Tóm tắt báo cáo] Sự thay đổi vị trí của người phụ nữ trong xã hội hiện đại so với xã hội phong kiến ở Hàn Quốc



[Tóm tắt báo cáo] Sự thay đổi vị trí của người phụ nữ trong xã hội hiện đại so với xã hội phong kiến ở Hàn Quốc
Báo cáo "Sự thay đổi vị trí của người phụ nữ trong xã hội hiện đại so với xã hội phong kiến ở Hàn Quốc" được thực hiện bởi sinh viên Trịnh Hương Ly - K58 Hàn Quốc học trong năm 2016.

Có thể nói Hàn Quốc là quốc gia tiếp thu một cách trung thành và đầy đủ nhất văn hóa Trung Hoa nói chung và Nho giáo nói riêng. Trong các giá trị nhận thức của người dân Hàn Nho giáo có ảnh hưởng vô cùng sâu rộng đặc biệt là nhận thức về vị trí của người phụ nữ. Từ xã hội truyền thống cho đến hiện đại, vị thế của phụ nữ Hàn Quốc đã có bước tiến khá lớn. Mục đích chủ yếu của đề tài này là đưa ra một cách cụ thể, chi tiết về vị trí của người phụ nữ qua từng thời kì xã hội ở Hàn Quốc để so sánh, đánh giá sự thay đổi vị trí phụ nữ xưa và nay.

Trước tiên là vị trí của phụ nữ trong xã hội Hàn Quốc thời kì phong kiến chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi bối cảnh và quan điểm lúc bấy giờ. Sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Nho giáo (đặc biệt là thời vua Chosun Nho giáo chiếm vị trí độc tôn) tới mọi ngóc ngách xã hội phong kiến là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới quan niệm không mấy tốt đẹp về người phụ nữ. Chế độ phong kiến là chế độ trọng nam khinh nữ rõ rệt. Người phụ nữ không được coi trọng thậm chí là phải chịu đựng sự chà đạp, coi khinh. Nho giáo cho rằng phụ nữ là những kẻ khó dạy, tâm tính hèn mọn, tri thức nông cạn nên phải được dạy bảo trong khuôn phép “tam tòng tứ đức”. Có thể nói tư tưởng “trọng nam khinh nữ” được thể hiện rõ nét trong đạo “Tam tòng, tứ đức” này. Người phụ nữ bắt buộc phải tuân theo đạo Tam tòng dù chưa kết hôn hay đã có chồng. Nếu không tuân theo thì người phụ nữ đó sẽ bị cả xã hội chế giễu, coi thường. Không chỉ vậy họ còn phải có đầy đủ bốn phẩm chất: Công, dung, ngôn, hạnh. Xã hội xưa cho rằng nếu thiếu một trong những phẩm chất đó người phụ nữ đó không tốt, không xứng lấy về làm vợ. Chính vì tư tưởng “trọng nam khinh nữ” mà người phụ nữ bị tước đi hết quyền lợi, họ không được bình đẳng với chồng mình. Dù họ có cống hiến đến mức nào đi chăng nữa thì những nỗ lực của họ cũng không được coi trọng. Xã hội xưa luôn coi công việc nội trợ chỉ là những công việc nhỏ nhặt, chẳng đáng là bao so với công việc của người đàn ông. Người phụ nữ Hàn xưa nếu không sinh được con trai để nối dõi tông đường cho nhà chồng thì sẽ bị coi thường, ghẻ lạnh. Họ không được tham gia các hoạt động bên ngoài, không được đi học, cả những quyền lợi cơ bản nhất cũng không được hưởng. Họ chỉ có thể tự tạo niềm vui, niềm hi vọng cho bản thân trong bốn bức tường gia đình ấy. Niềm vui của họ đơn giản chỉ là chồng đỗ làm quan hay sinh được con trai nối dõi. Có lẽ những tư tưởng, giáo điều đã ăn quá sâu vào tư tưởng con người xã hội đó vào ngay cả bản thân những người phụ nữ- nạn nhân của xã hội thời ấy.Chúng ta không nên so sánh giữa xưa và nay vị trí của người phụ nữ ở thời nào tốt hơn bởi như vậy có chút khập khiễng. Ở mỗi thời, quan niệm về hạnh phúc bản thân lại khác nhau. Chúng ta- những con người hiện đại sẽ không thể hiểu hết được xã hội và con người truyền thống. Ở mỗi một thời kì nó lại có những nét hay và những han chế nhất định.

Đến thời kì hiện đại, vị thế phụ nữ Hàn Quốc có sự thay đổi rõ rệt. Chính sự phát triển mọi mặt: Kinh tế, xã hội… đã kéo theo sự tiên tiến trong nhận thức của người dân. Từ đó mà những chính sách, luật pháp được Nhà nước ban hành nhằm giúp đỡ, hỗ trợ cho người phụ nữ. Trong một đất nước tiến bộ, tư tưởng hiện đại, người phụ nữ sẽ có điều kiện để phát triển tốt hơn. Xã hội hiện đại với rất nhiều đổi thay đặc biệt là trong quan niệm nhận thức của con người là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến địa vị, vị trí của người phụ nữ Hàn được nâng cao. Quan niệm về tứ đức của thời xưa nay đã khác. Những chuẩn mực về tứ đức mỗi thời một khác nhau. “Công, dung, ngôn, hạnh” nay đã được giải phóng khỏi bốn bức tường gia đình ra ngoài phạm vi xã hội. Những yêu cầu của thời nay cũng không còn khắt khe như trước nữa. nhưng dù ở thời nào thì đức hạnh vẫn là phẩm chất không thể thiếu được của bất kì người phụ nữ nào. Trong xã hội hiện đại, vai trò của người phụ nữ đối với gia đình được coi trọng, đề cao. Người con gái có thể tự do tìm hiểu, kết hôn với người mình yêu mà không phải “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” nữa. Sau khi kết hôn, người phụ nữ có quyền bình đẳng với chồng trong gia đình. Họ có quyền được đưa ra quan điểm của mình, có thể phản đối hay đồng tình và góp ý kiến cá nhân vào mọi việc gia đình. Trách nhiệm của họ đối với chồng con cũng không nặng nề như trước. Khác với thời kì phong kiến, người phụ nữ dù chồng có đối xử tệ bạc thế nào cũng phải cắn răng chịu đựng, giờ đây Luật pháp Hàn Quốc đã có những chính sách để bảo vệ người phụ nữ. Tuy ngày nay, phụ nữ vẫn là nội trợ chính trong gia đình nhưng do sự tác động của xã hội xung quanh mà họ không còn chú tâm vào bếp núc nữa. Một biểu hiện rõ ràng của sự thay đổi vị trí phụ nữ trong gia đình đó chính là họ được tự do, thoải mái trong việc sinh đẻ. Họ không chịu áp lực nặng nề của việc sinh con trai nối dõi. Dù trai hay gái đều bình đẳng, được yêu quý như nhau. Thậm chí ngày nay có nhiều gia đình thích con gái hơn là có con trai. Người phụ nữ không còn bị bó buộc trong bốn bức tường gia đình nữa mà được tự do thoải mái tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội. Họ được học hành, tham gia vào hoạt động kinh tế hỗ trợ gia đình, thậm chí còn tham gia vào lĩnh vực chính trị- lĩnh vực vốn được mặc định là của phái mạnh. Như vậy, có thể thấy vị trí của người phụ nữ trong xã hội hiện đại đã thay đổi rất nhiều tuy nhiên do ảnh hưởng của Nho giáo từ lâu đời nên sự bình đẳng giữa nam và nữ mới chỉ dừng lại ở mức độ tương đối. Trong xã hội đâu đó vẫn có sự hiện đại của tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, “gia trưởng”.

Tuy rằng mỗi thời kì một khác nhưng không thể phủ nhận được rằng, vị trí phụ nữ Hàn Quốc luôn bị hạ thấp so với nam giới. Dù vậy nên công nhận những nỗ lực của xã hội trong việc thay đổi cách nhìn nhận với người phụ nữ. Trong xã hội hiện đại, vai trò của người phụ nữ được nhìn nhận một cách tích cực, khách quan hơn. Hàn Quốc là một quốc gia phát triển vì thế mà quan điểm nhận thức của họ cũng khá tiên tiến. Tuy nhiên họ cũng có những chuẩn mực đạo đức, lối sống được truyền lâu đời trong đó có quan niệm về phụ nữ. So với các nước phương Tây hay ngay cả với một số nước trong khu vực thì Hàn Quốc vẫn là một nước có tỉ lệ bất bình đẳng giới rất cao. Điều này đòi hỏi Hàn Quốc cần có nhiều biện pháp, chính sách hữu hiệu hơn nữa để nâng cao vị thế của người phụ nữ trong xã hội.

Tác giả: Trịnh Hương Ly - K58 Hàn Quốc học

Bình luận của bạn