banner

KHOA ĐÔNG PHƯƠNG HỌC - ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

Ngọn nguồn giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ (trường hợp chùa Đót Sơn)



Ngọn nguồn giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ (trường hợp chùa Đót Sơn)
Khi bàn về giá trị văn hóa của một địa danh, một vùng miền, cần phải khảo chứng, xem xét nơi đó và những khu vực có liên quan trên nhiều bình diện: địa lý tự nhiên, lịch sử, đặc biệt là con người - đối tượng trung tâm tạo nên giá trị văn hóa. Từ cách tiếp cận đó, bài viết tập trung lý giải về giá trị văn hóa của Trung tâm Phật giáo Câu Lâu, mà chùa Đót Sơn (xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) là một điểm nhấn.

PGS, TS Lê Văn Toan
TS Nguyễn Việt Anh
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

1. Về niên đại đạo Phật hoằng dương chính pháp
Hoàng đế của đế quốc Mauryan (273-232 trước Công Nguyên) là A Dục Vương (Asoka Đại Đế). Ông là vị vua đầu tiên của nước Ấn Độ cổ đại, là người ủng hộ sự hình thành, phát triển và lưu truyền Phật giáo. Ông đã lập nhiều bia đá ghi lại những thánh tích trong cuộc đời Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong bộ sách Đạo Phật và dòng sử Việt(1), Hòa thượng Thích Đức Nhuận cho rằng: “… Phật giáo được 218 năm, thánh quân Asoka hết lòng hoằng dương chính pháp và đã thực hiện được ba việc lớn:
(1) Triệu tập Đại hội kết tập kinh điển kỳ III;
(2) Dựng tháp thờ Phật và xây tu viện;
(3) Thành lập phái đoàn tăng sĩ hoằng pháp.
Được sự hỗ trợ tích cực của vua A Dục (Asoka) và Đại lão Hòa thượng chủ tọa Moggaliputta Tissa, sau khi kết tập kinh điển lần thứ III, Phật giáo đã cử chín đoàn tỏa đi khắp nơi trong và ngoài nước Ấn Độ để hoằng dương chính pháp. Trong đó, ngài Sona và Uttara dẫn đầu đoàn thứ tám đến các vùng Kim địa, bao gồm các nước Miến Điện, các nước Đông Dương và Mã Lai, trong đó có Việt Nam.
Như vậy, thời kỳ vua A Dục cử chín đoàn truyền giáo đi khắp nơi là khoảng thế kỷ thứ II, thứ III trước Công Nguyên.
2. Thời gian và địa điểm đạo Phật du nhập vào Việt Nam
Về niên đại, thời kỳ Asoka cử đoàn đi truyền giáo sang Đông Nam Á trùng với thời kỳ cuối của văn hóa Đông Sơn - cuối thời đại Hùng Vương và đầu thời kỳ An Dương Vương. Nhưng khi nào đạo Phật du nhập vào Việt Nam? Thật khó xác định thời gian cụ thể.
Từ các truyện cổ tích Việt Nam, ta thấy, truyện Tấm Cám, khắc họa hình ảnh ông Bụt nhiều lần hiện lên, cứu độ cho cô Tấm hiền lành; truyện Trầu Cau kết thúc bằng sự luân hồi thác sinh thành cây, thành đá; truyện Cây Nêu và Tấm áo Cà sa – tấm áo của Đức Phật,v.v. cho thấy, từ rất lâu trong lịch sử dân tộc, người Việt đã tiếp nhận sâu sắc giáo lý nhân quả, luân hồi, nghiệp báo của đạo Phật, những triết lý bàn về cái khổ và phương pháp diệt khổ từng bước thấm nhuần tự nhiên, gần gũi trong tâm tưởng con người Việt Nam thời cổ đại.
Khảo cứu từ các sử liệu, nhiều học giả cho rằng, Phật giáo du nhập vào Việt Nam bằng hai con đường, đường biển từ phương Nam và đường bộ từ phương Bắc. Nước ta nằm dọc theo bờ Biển Đông, do vậy, đi đường biển thuận lợi hơn nên Phật giáo từ Ấn Độ du nhập trực tiếp vào Việt Nam sớm hơn rất nhiều từ phương Bắc.
Sách Đạo Giáo nguyên lưu của Thiền sư Ân Thiền (thế kỷ XIX), trong chương “Hùng Vương Phạm Tăng” đã bàn riêng về Phật giáo Hùng Vương, liên hệ gần gũi với Phật giáo thời Đại đế Asoka.
Tác giả Lê Mạnh Thát, trong tác phẩm Lịch sử Phật giáo Việt Nam – từ khởi nguyên đến thời Lý Nam Đế, cho rằng: “Phật giáo đã đặt nền móng tại Việt Nam từ thời Hùng Vương, sư dạy đạo đầu tiên là sư Phật Quang, phật tử Việt Nam đầu tiên là Chử Đồng Tử”(2). Các tác giả Vũ Quỳnh và Kiều Phú, khi khảo về sách Lĩnh Nam chích quái, đều cho rằng, Chử Đồng Tử là ông tổ của đạo Phật Việt Nam. Ông là người làng Chử Xá, xã Văn Đức, nay là huyện Gia Lâm, Hà Nội(3).
Theo sách Lĩnh Nam chích quái(4), Tiên Dung, Công chúa Vua Hùng thứ 18 và Chử Đồng Tử gặp một thương gia đi thuyền buôn và nói: “Quý nhân bỏ một dật vàng ra ngoài biển mua vật quý, sang năm có thể thành mười dật”. Ngoài biển có hòn đảo tên là Quỳnh Viên (có sách ghi là Quỳnh Vi). Người đại thương gia và Chử Đồng Tử đã ghé thuyền vào đảo để lấy nước ngọt. Nơi đây có một am và có một vị tăng sĩ tên là Phật Quang (có sách ghi là Ngưỡng Quang). Đồng Tử được vị tăng sĩ Phật Quang thuyết pháp và truyền pháp khí là “chiếc gậy và cái nón lá” rồi bảo rằng: “những cái ấy làm chìa khóa cho mọi năng lực thần bí”. Theo các tác giả Đồng Hồng Hoàn và Trịnh Minh Hiên trong bài viết Thành Nê Lê - Đồ Sơn thời Asoka thì địa danh Quỳnh Viên – núi Quỳnh trong Lĩnh Nam chích quái nói đến tức là núi Mẫu (hay còn gọi là núi Ngọc, núi Tháp ở Nê Lê, Đồ Sơn, Hải Phòng,… Truyện Chử Đồng Tử học Đạo Phật ở Nê Lê - Đồ Sơn, đến việc cứu con Bà Đa thoát chết ở trang Minh Liễn là hoàn toàn hợp lô gích về truyền thuyết, lịch sử, địa lý Đồ Sơn như: sông, nhánh sông, địa điểm thờ cúng, chùa Hang - Đồ Sơn và miếu Bà Đa.
Sách Thiền Uyển tập anh(5) có chép câu chuyện đối đáp giữa Quốc sư Thông Biện (Trí Không) trả lời câu hỏi của bà Phù Thánh Cảm Linh Nhân Hoàng Thái Hậu (tức Ỷ Lan Nguyên phi) về lịch sử truyền thừa của Phật giáo Việt Nam. Sau đó, Trí Không còn dẫn lại lời pháp sư Đàm Thiên Trung Quốc khi vua Tùy Cao tổ (581-604)(6) ngỏ ý với pháp sư Đàm Thiên là muốn làm chùa tháp ở Giao Châu và tuyển danh tăng sang hoằng hóa… Pháp sư tâu: “Xứ Giao Châu có tường thông với Thiên Trúc. Khi Phật pháp mới đến Giang Đông chưa khắp thì ở Luy Lâu (Liên Lâu) đã có tới hai mươi ngôi bảo tháp; độ được hơn 500 vị tăng và dịch được 15 quyển kinh rồi”. “Như vậy là Phật giáo đã được truyền đến Giao Châu trước nước ta. Hồi ấy đã có các vị cao tăng như Ma La Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác,v.v. cư trú tại đó”. Từ chứng cứ trên, Trần Văn Giáp nêu giả thuyết rằng: “Thuyền buôn Ấn Độ sang Quảng Châu có ghé Giao Châu mua bán hàng hóa. Nhà tu hành đi theo làm công việc cúng lễ trên tàu biển và chữa bệnh dọc đường. Khi vào Giao Châu, thầy tu lên chữa bệnh cho dân bản xứ và giảng đạo”(7) Sau này, trong các công trình nghiên cứu liên quan, các tác giả Mật Thể, Hoàng Xuân Hãn, Nhất Hạnh, Lê Mạnh Thát đều nhất trí với giả thuyết của Trần Văn Giáp. Đặc biệt, Nguyễn Lang (Thích Nhất Hạnh)(8) Lê Mạnh Thát(9), Bùi Văn Nguyên đã minh chứng xác đáng rằng, Phật giáo theo đường biển từ phương Nam truyền giáo vào Giao Châu sớm hơn theo đường bộ từ phương Bắc truyền xuống, vì đi đường biển an toàn và thuận lợi hơn. Bùi Văn Nguyên còn nêu giả thuyết về hai con đường thỉnh Kinh ngày xưa: 1/Từ chùa Dâu (Luy Lâu, Bắc Ninh) qua Ninh Bình hoặc Hòa Bình và miền Thanh Hóa sang Sầm Nưa - Lào. Từ Sầm Nưa đi Tích Lan - Ấn Độ. Đây là con đường thỉnh Kinh của quận Giao Chỉ cũ. 2/Chùa Hương Tích - Nghệ Tĩnh đi Linh Cảm qua Na Phê - Lào. Từ Lào đi Tích Lan - Ấn Độ. Đây là con đường thỉnh Kinh của quận Cửu Chân cũ(10). Hồi ấy, Giao Châu là một trung tâm truyền bá Đạo Phật rất lớn mà Luy Lâu (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay) là thủ phủ. Từ trung tâm Luy Lâu, Phật giáo truyền sang trung tâm Bành Thành, sau đó đến trung tâm Lạc Dương ở Trung Quốc. Điều này chứng tỏ trung tâm Phật giáo Luy Lâu có trước trung tâm Phật giáo Bành thành và Lạc Dương. Như vậy, trung tâm Phật giáo Luy Lâu đóng vai trò trung gian truyền bá đạo pháp. Các vị sư Ấn Độ, Trung Á muốn đến Trung Quốc thì phải đến Luy Lâu một thời gian để học tập Hán ngữ; còn các vị sư Trung Quốc muốn qua Ấn Độ học tập thì trước tiên phải đến Luy Lâu để học Phạn ngữ.
Các tác giả Trần Văn Giáp, Mật Thể, Hoàng Xuân Hãn, và Henri Maspéro và P. Pelliot đều căn cứ theo sách Thiền uyển tập anh, cho rằng, Mâu Bác (thế kỷ thứ II), Khương Tăng Hội (thế kỷ thứ III), Ma Ha Kỳ Vực (thế kỷ thứ III), Chi Cương Lương (thế kỷ thứ III) là bốn vị sư đầu tiên truyền đạo ở Việt Nam. Theo các tài liệu lịch sử Phật giáo thì Mâu Bác và Khương Tăng Hội tuy là người nước ngoài, nhưng đã sống và xuất gia học đạo, viết sách, dịch Kinh Phật tại Việt Nam. Điều đó có nghĩa là, thời gian ấy, đạo Phật đã truyền và bắt đầu thịnh hành, phát triển mạnh ở Việt Nam rồi, nên hai vị này mới có điều kiện quy y, thọ giới và học đạo tại Giao Châu. Chính khi viết và đề tựa chú giải kinh sách, Khương Tăng Hội đã đề cập đến thiền học và phương pháp thiền quán. Về sau, ông còn truyền bá Đạo Thiền sang tận kinh đô Kiến Nghiệp của Đông Ngô (Trung Quốc) vào năm Xích Ô thứ hai, năm 247.
Như vậy, từ những sử liệu đã dẫn, có thể khẳng định rằng:
- Đạo Phật từ Ấn Độ trực tiếp truyền sang Việt Nam bằng đường biển sớm nhất có thể vào thời kỳ Asoka (thế kỷ thứ III, II trước Công Nguyên), thời kỳ này, trong lịch sử Việt Nam là thời kỳ Vua Hùng.
- Địa danh mà Đạo Phật du nhập, truyền bá đầu tiên ở Việt Nam vào thời vua Hùng là Đồ Sơn, Hải Phòng. Theo các sử liệu, địa lý học, khảo cổ học, Đồ Sơn, Hải Phòng thời vua Hùng là bộ Dương Truyền, thời thuộc Hán là quận Giao Chỉ, sau là Giao Châu, đời thuộc Tấn thuộc lộ Hải Đông, thời thuộc Minh là đất của phủ Tân An, đến thời Lê Quang Thuận mới đặt vào phủ Kinh Môn. Các di chỉ khảo cổ học ở Kiến An, Thủy Nguyên, Tiên Lãng, An Lão, Hải Phòng cho thấy, vùng đất này bao bọc 9 ngọn núi Đồ Sơn nhô ra biển, tạo nên giá trị văn hóa khảo cổ phong phú ở Hải Phòng vào thời tiền sử. Trầm tích văn hóa Đông Sơn ở vùng này đã ghi rõ dấu ấn văn hóa biển của nước Văn Lang, Âu Lạc thời Vua Hùng.
- Đạo Phật được truyền trực tiếp từ Ấn Độ đến Việt Nam bằng đường biển đến Đồ Sơn, Hải Phòng trước khi được truyền đến Trung Quốc. Đồ Sơn, Hải Phòng là nơi giao thương sầm uất của đất nước thời vua Hùng. Từ đây, có thể đi theo sông Thái Bình hay đi lối cửa sông Văn Úc (lấy núi Voi làm mốc) vào đất liền hay ra biển vào cửa sông Bạch Đằng lên thành Luy Lâu, Kẻ Chợ, phố Hiến rất thuận lợi. Đây cũng là con đường mà Chử Đồng Tử truyền phát Đạo Phật từ Đồ Sơn, Hải Phòng đến Phố Hiến, Kẻ Chợ, Thăng Long, Luy Lâu, Bắc Ninh, tạo tiền đề đầu tiên khởi phát, hình thành nên kinh đô Phật giáo Luy Lâu, từ Luy Lâu du truyền Phật giáo sang Bành Thành, Lạc Dương (Trung Quốc). Điều này đã được nhà sư Đàm Thiên (Trung Quốc) khẳng định với Vua Tùy Cao Tổ (581-604) và được các học giả Trung Quốc thế kỷ XX như Hồ Thích, Phùng Hữu Lan thừa nhận trong các công trình nghiên cứu của mình(11).
3. Giá trị văn hóa, lịch sử chùa Đót Sơn và một số kiến nghị
Chùa Đót Sơn là một ngôi chùa cổ, khi xưa nằm trong vùng đất thuộc tổng Kinh Lương, một phần của vùng văn hóa Câu Lâu thời cổ đại. Vùng đất này nằm trong cửa biển, nơi dễ có điều kiện tiếp nhận sự du nhập, giao lưu kinh tế, văn hóa với thế giới và trung chuyển những giá trị kinh tế, văn hóa đến các vùng miền trong khu vực.
Cùng với các thời kỳ lịch sử, chùa có nhiều tên gọi khác nhau:
- Giai đoạn đầu, khi hình thành, chùa có tên gọi Chuyết sơn tự, tiếng Phạn là Juisan, với nghĩa là nơi bắt đầu của ánh sáng, nơi tiếp nhận và tỏa sáng ánh sáng tư tưởng Phật giáo. Sau đó, chùa có tên là Non Đông, với nghĩa gốc là núi ở phía Đông, hay nơi thuộc vùng phía Đông của đất nước. Đến năm 1491, khi Lê Thánh Tông vi hành đến vùng này, tức cảnh bài thơ có câu: “Đót Sơn tên gọi/ Sải vải dựng xây/ Vẹn tròn tượng Phật/ Nền phúc căng đầy…” thì chùa có tên gọi Đót Sơn từ đó đến nay. Tên gọi đọc là “Đót” hay “Đốt”, đều có nghĩa gốc là một “mắt” trong “mắt xích”; cây tre, cây nứa, cây luồng… có từng đốt… với nghĩa rộng, tức là một mắt khâu trong một chuỗi, một quy trình. Lê Thánh Tông đặt tên chùa là “Đót Sơn Tự”, phải chăng có hàm ý, ngôi chùa này là một “mắt xích” quan trọng trong hệ thống chùa thời kỳ đầu Đạo Phật du nhập và phát triển ở Việt Nam?
Qua các tên gọi của chùa từ khi bắt đầu xây dựng từ thời kỳ thuộc nhà Lương (Trung Quốc) thế kỷ thứ VI đến nay, chùa Đót Sơn là nơi hội tụ và lan tỏa tư tưởng Phật giáo ở Việt Nam. Qua tư liệu hệ thống văn bia ở chùa(12), qua hệ thống thần phả, thần tích, thần sắc, đạo sắc,… về làng Kinh Lương, tổng Kinh Lương - nay là thôn Kinh Lương, xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng(13), cũng như qua các sử liệu, dư địa chí Hải Phòng và các di tích hiện tồn như nền chùa cũ, gian nhà bếp của chùa, cây bồ đề nghìn năm tuổi, v.v.. có thể khẳng định rằng, chùa Đót Sơn và vùng đất Kinh Lương là di tích lịch sử văn hóa không những của huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, mà còn là của quốc gia, như văn bia Tân Tạo Bồ Đề La Hán Bi Ký từng viết:
“Danh viết Đót Sơn,
Việt Nam cảnh đẹp,
Hưng công xây dựng”.
Từ xưa, vùng đất Kinh Lương đã trở thành trung tâm Phật giáo xứ Đông, gắn liền với Đức Tổ Huyền Quang và là kinh đô của Pháp môn Tịnh Độ Thiền Tông. Nơi đây là vùng văn hóa hướng biển, tạo lợi thế giữ biển.
Theo các sử liệu về vùng Tiên Lãng, Hải Phòng cũng như những ghi chép trong sách Giọt nước của dòng sông (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản năm 2004), và rất nhiều truyện kể trong nhân dân, thì vùng Kinh Lương, chùa Đót, ngoài những giá trị lịch sử, văn hóa, nơi đây còn là căn cứ địa cách mạng, góp phần đảm bảo an ninh cho vùng Tiên Lãng, và cả vùng Liên Khu Ba, Quân khu Tả Ngạn sông Hồng giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp 1946-1954(14).
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Đót Sơn bị tàn phá. Từ năm 2009, sau khi được cấp phép xây dựng, công việc phục dựng chùa Đót Sơn đã từng bước được triển khai. Với sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân xã Cấp Tiến, cũng như của các nhà hảo tâm, đến nay, hình dáng một chùa Đót Sơn mới đã được hình thành. Ngày 15-3-2015, Nhà nước đã cấp bằng công nhận cây bồ đề ở chùa Đót Sơn là Cây Di sản Việt Nam.
Trong thời gian tới, vẫn còn nhiều việc cần phải làm, như tiếp tục sưu tầm nguồn tư liệu (tư liệu khảo cổ, tư liệu viết bằng chữ Hán, chữ Nôm) để khẳng định giá trị lịch sử văn hóa của chùa Đót Sơn - một điểm nhấn của trung tâm phật giáo Câu Lâu. Đây là công việc đầy khó khăn, phức tạp, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền phải đặc biệt quan tâm, huy động các nhà khoa học tìm tòi, khảo nghiệm, góp phần minh giải khoa học về vùng văn hóa tâm linh, văn hóa hướng biển, giữ biển ở Tiên Lãng, Hải Phòng. Những nguồn tư liệu này là cơ sở để Nhà nước vinh danh di sản văn hóa chùa Đót Sơn, cũng như Đống Dõi, Mâu Trúc, Đồng Khoán; góp phần nghiên cứu và phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam - một nền văn hóa, văn minh Đại Việt được thế giới xếp vào một trong 34 nền văn minh đầu tiên của nhân loại.
Trên bình diện văn hóa đối ngoại, công việc này nếu được quan tâm triển khai đầy đủ trên mọi bình diện còn góp phần hiện thực hóa đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam, góp phần làm phong phú quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.
__________________
(1) Thích Đức Nhuận, Đạo Phật và dòng sử Việt, trong https://thuvienhoasen.org/a11495/dao-phat-va-dong-su-viet-hoa-thuong-thich-duc-nhuan  (2) Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Tập 1, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1999.
(3) Vũ Quỳnh, Kiều Phú, Lĩnh Nam chích quái, Nxb. Văn học, H., 1990.
(4)Lĩnh Nam chích quái, bản dịch của Đinh Gia Khánh, Nguyễn Ngọc San, Nxb. Văn học, H., 1992.
(5) Thiền Uyển tập anh, bản in năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715), ký hiệu A.3144, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
(6) Hoàng Xuân Hãn trong Lý Thường Kiệt, Lịch sử ngoại giao và tôn giáo đời Lý, (Tập 2, 1950), chép là Tùy Cao Đế.
(7) Trần Văn Giáp, Le Bouddhisme en Annam des origins au XLLLe Siécle; BEFE, HN, 1932.
(8) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập 1, Tập 2, Lá Bối, SG, 1972, 1973, tái bản, 1977, 1978. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập 3, Nxb, Khoa học xã hội, Hà Nội., tái bản 1994.
(9) Lê Mạnh Thát, Sơ thảo lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, bản in roneo, Tre thư Phật học Vạn Hạnh, tp.Hồ Chí Minh, 1976.
(10) Bùi Văn Nguyên, Kiến thức bổ trợ cho môn văn học cổ Việt Nam, Bài giảng lớp cao học văn học Việt Nam, bản in roneo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 1977.
(11) Sách Hậu Hán thư của Trung Quốc ghi rõ là tăng sĩ từ Giao Châu đến hạ lưu sông Dương Tử bằng đường biển.
Hồ Thích trong Hồ Thích luận học cận, cho rằng, vào thế kỷ đầu Công Nguyên, các tăng sĩ từ Giao Châu đến truyền đạo ở Vũ Châu, Quảng Tây rồi đến Quảng Đông, sau đó vượt núi đi đến miền hạ lưu sông Dương Tử.
Xem thêm: Phùng Hữu Lan, Đại cương Triết học Trung Quốc, bản dịch của Nguyễn Văn Dương, trường Đại học Sư phạm Huế xuất bản, 1966.
(12) Tư liệu văn bia chùa Đót Sơn hiện lưu trữ tại Viện Viễn Đông Bác Cổ xưa và ngày nay ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm như: Hoàng Đồ Củng Cố Đót Sơn Tự Di Đà Phật Bi (1491); Tạo Thạch Phật Bi (3-5-1584); Tín Thí (9-6-1646); Tân Tạo Thiên Đài Trụ (5-1683); Tân Tạo Kế Giai Hậu Phòng Hành Lang Bi (4-1688); Tân Tạo Bồ Đề La Hán Bi Ký (5-1692);…
(13) Tư liệu thần phả, thần tích, thần sắc, đạo sắc còn lưu giữ tại Viện Thông tin khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam như: Việt Thường thị Đinh Triều khai quốc đại hữu luân lao khả gia thần tước tam vị Đại vương ngọc phả cổ lục (Ngọc phả ba vị Đại vương là bậc khai quốc có công lao lớn được phong thần tước Triều Đinh họ Việt Thường) (1572); Có khoảng 13 Đạo sắc phong của các vua đời Nguyễn như: Các Đạo sắc số 5 (ngày 18 tháng 11 năm Thành Thái nguyên niên 1889), Đạo sắc số 6 (1889), Đạo sắc số 8 (ngày 25 tháng 7 năm Khải Định 9-1924), v.v..
(14) Xem bài: “Khôi phục, phát triển di sản văn hóa lịch sử Đót Sơn, xã Cấp Tiến, Tiên Lãng, Hải Phòng” của tác giả Phạm Thắng.

Bình luận của bạn