banner

KHOA ĐÔNG PHƯƠNG HỌC - ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

Công bố quốc tế: Không khó nhưng phải quyết tâm !



Công bố quốc tế: Không khó nhưng phải quyết tâm !
Ngày 3 và 4/8 vừa qua, Trường ĐHKHXH&NV tổ chức toạ đàm trao đổi về kinh nghiệm công bố quốc tế dành cho cán bộ, giảng viên, nhà nghiên cứu trong trường. Các diễn giả chính gồm GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV), TS. Trần Quang Tuyến (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), TS. Nguyễn Thị Nguyệt Minh (Đại học Bielefeld, CHLB Đức).

Tại toạ đàm, GS.TS Phạm Quang Minh nhấn mạnh rằng công bố quốc tế là con đường tất yếu để các nhà khoa học Việt Nam vươn lên hội nhập với khoa học thế giới. Đây còn là yêu cầu cấp thiết đối với các nhà nghiên cứu, bất kể là ở lĩnh vực khoa học nào. Giáo sư Hiệu trưởng cũng chỉ ra những khó khăn đang cản trở sự hội nhập của các nhà khoa học Việt Nam hiện nay, đó là rào cản về ngôn ngữ, thiếu thông tin khoa học, sự khác nhau về phương pháp luận nghiên cứu khoa học và đặc biệt là rào cản về nhận thức.

Bên cạnh đó, bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam cũng đem đến nhiều cơ hội: Việt Nam ngày càng trở thành đối tượng nghiên cứu hấp dẫn, nhận được sự quan tâm của giới khoa học trên thế giới; việc truy cập thông tin và kết nối khu vực và quốc tế ngày càng dễ dàng; đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam học tập và nghiên cứu tại nước ngoài ngày càng tăng...

Từ năm 2010, Trường ĐHKHXH&NV đã có những chính sách thúc đẩy hoạt động công bố quốc tế. Năm 2010, toàn trường mới có 13 công bố quốc tế nhưng con số này tăng nhanh theo từng năm. Đến năm 2015, toàn trường đã có 50 công bố quốc tế và năm 2017, con số này là 55. Trong đó, số bài trên các tạp chí ISI và Scopus không nhiều, giai đoạn 2012-2016, toàn trường có 26 bài. Không chỉ khen thưởng và hỗ trợ trực tiếp các tác giả có bài viết công bố quốc tế, Nhà trường còn tổ chức nhiều toạ đàm, hội thảo xoay quanh việc chia sẻ kinh nghiệm công bố quốc tế; các khoá học về academic writing; hình thành diễn đàn, mạng lưới khoa học giúp thúc đẩy công bố quốc tế trong cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ. Gần đây, Nhà trường ban hành chính sách mới nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động này, theo đó hỗ trợ tối đa lên tới 250 triệu cho một cuốn sách được xuất bản tại các nhà xuất bản uy tín của nước ngoài. Nhờ đó, nhận thức về vai trò quan trọng của hoạt động công bố quốc tế đã và đang dần thay đổi theo hướng tích cực trong đội ngũ cán bộ.

Theo GS.TS Phạm Quang Minh, công bố quốc tế trong khoa học xã hội và nhân văn không khó như mọi người nghĩ nhưng để làm được, phải có quyết tâm cao. Để bắt đầu, các nhà khoa học trẻ cần tích cực tham gia các hội thảo khoa học quốc tế, từ đó xây dựng mối quan hệ chuyên môn với các học giả quốc tế, hợp tác cùng nhau trong những dự án nghiên cứu chung... Bên cạnh đó, các thầy cô phải có ý thức nâng cao năng lực tiếng Anh học thuật như là điều kiện tiên quyết cho hội nhập khoa học.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Trần Quang Tuyến cho rằng hiện nay, xu hướng liên ngành và đa ngành ngày càng phát triển mạnh đã mở ra nhiều cơ hội cho các nhà khoa học thuộc khối ngành khoa học xã hội và nhân văn. Các công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín không chỉ giúp nâng cao vị thế và uy tín cho cá nhân nhà khoa học mà còn giúp nâng hạng ranking cho khoa và trường đại học của mình, có thêm cơ hội để thu hút các nguồn tài trợ cho nghiên cứu. Do đó, các nhà khoa học cần xác định cho mình động cơ đúng đắn và một quyết tâm cao, không nản lòng trước những khó khăn.

TS. Trần Quang Tuyến cũng cảnh báo về hiện tượng các tạp chí khoa học quốc tế “dởm” không có trong danh sách ISI, Scopus, được xuất bản bởi các công ty tư nhân nhỏ, các nhóm học giả không có uy tín và thiếu đạo đức. Thông thường, để đăng bài viết trên các tạp chí này phải nộp phí, thời gian chấp nhận bài nhanh, không cần phản biện... Nếu không nắm rõ được thông tin, các thầy cô rất dễ gửi nhầm bài viết trên các tạp chí này, gây mất uy tín cá nhân, phí công sức và giá trị công trình mà mình tâm huyết.

Về phương pháp nghiên cứu, có sự khác nhau giữa các ngành về kinh tế, kinh doanh, tài chính... vốn thiên về nghiên cứu định lượng và các ngành khoa học xã hội và nhân văn thiên về nghiên cứu định tính. Phương pháp thống kê đem lại rất nhiều lợi ích và giá trị cho các nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn.

TS. Nguyễn Thị Nguyệt Minh cho rằng, điều quan trọng nhất làm nên chất lượng và giá trị của một công bố quốc tế là phải làm rõ được những yếu tố về nền tảng nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu của tác giả. Đó là tác giả nghiên cứu gì, sử dụng những phương pháp nghiên cứu nào, đưa ra kết luận dựa trên cơ sở dữ liệu gì, và vai trò của tác giả đến đâu trong nghiên cứu ấy.

TS. Nguyễn Thị Nguyệt Minh cho rằng một công trình nghiên cứu tốt cần làm rõ: tác giả nghiên cứu gì, sử dụng những phương pháp nghiên cứu nào, đưa ra kết luận dựa trên cơ sở dữ liệu gì và vai trò của tác giả đến đâu trong nghiên cứu ấy. Để các nghiên cứu của mình được chấp nhận đăng, TS. Nguyễn Thị Nguyệt Minh khuyên các nhà khoa học trẻ phải ứng xử chân thành và tiếp thu những lời bình luận, nhận xét của phản biện quốc tế. Những biên tập viên của các tạp chí khoa học uy tín thế giới thường là những nhà khoa học hàng đầu, thậm chí với việc từ chối hay chấp nhận bài đăng, họ còn có thể tạo ra những xu hướng mới trong nghiên cứu. Do đó, các nhà khoa học hãy tìm hiểu kỹ về “khẩu vị” của từng tạp chí, của đội ngũ biên tập viên để có thể định hướng cho mình nội dung nghiên cứu phù hợp.

Nữ nhà khoa học cũng cho rằng cần luôn có ý thức xây dựng uy tín khoa học cho mình ngày từ giai đoạn sớm của quãng đường nghiên cứu, khi bạn là sinh viên, hoặc là trợ lý cho các giáo sư. Đơn giản chỉ là bạn làm việc có trách nhiệm, không bỏ cuộc, luôn quan tâm đến các ý tưởng khoa học mới, luôn tham vấn ý kiến của đồng nghiệp và các nhà khoa học đi trước, tích cực tham gia và kết nối với mạng lưới các nhà khoa học trong lĩnh vực của mình... Nếu bạn là một nhà nghiên cứu trẻ tiềm năng thì sẽ luôn có những nhà khoa học lớn quan tâm giúp đỡ.

Cũng tại toạ đàm, các cán bộ trẻ của Nhà trường đã đề xuất việc thành lập mạng lưới các nhà nghiên cứu trong và ngoài trường để chia sẻ, cập nhật thông tin về tình hình công bố quốc tế. Nhà trường cũng cần mở thêm các diễn đàn học thuật, các lớp học chuyên gia về các nội dung chuyên sâu để hỗ trợ như: cách sử dụng phương pháp định lượng trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, cách sử dụng phần mềm truy xuất dữ liệu trong nghiên cứu, các lý thuyết mới trong nghiên cứu khoa học nhân văn, nghiên cứu liên ngành và đa ngành trong khoa học xã hội...

Theo USSH

Bình luận của bạn