banner

KHOA ĐÔNG PHƯƠNG HỌC - ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

Ký ức Căm pu chia



Ký ức Căm pu chia
Trong cuộc đời làm giáo viên tiếng Việt cho người nước ngoài của tôi, thời gian làm nghĩa vụ quốc tế ở Căm pu chia là một quãng đời đặc biệt, bởi hầu như tuổi 20 của tôi đã trôi qua trên đất nước Chùa Tháp cùng những bài dạy tiếng Việt. Bao kỷ niệm của những ngày gian khó và sôi nổi đó thường trở lại trong trí óc tôi vào những dịp kỷ niệm như chiến thắng 7/1, ngày căm thù Pôn pốt 20/5 hay dịp Tết cổ truyền Căm pu chia Chol ch’năm th’mây.

Thấm thoắt, đã tròn 40 năm Căm pu chia được giải phóng khỏi bọn diệt chủng Pôn pốt, Yeng xa ri, Khiêu xam pon và 37 năm chúng tôi đi dạy tiếng Việt ở Căm pu chia.

Sau đây là một vài kỷ niệm mà tôi ghi lại để nhớ đến tuổi 20 yêu dấu của mình.

Biên chế CK

Đó là một biên chế đặc biệt do Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ GD&ĐT) giao cho Khoa Tiếng Việt, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thực hiện vào năm 1980 nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế đang diễn ra ở chiến trường K (Căm pu chia) ngay sau khi Chế độ diệt chủng Pôn pốt bị Quân tình nguyện Việt Nam và Quân nổi dậy của Mặt trận Đoàn kết cứu quốc Căm pu chia lật đổ vào ngày 7/1/1979.

Khoa Tiếng Việt, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội có nhiệm vụ tuyển các sinh viên ngữ văn vừa tốt nghiệp đại học khóa 1976-1980 về Khoa để huấn luyện nghiệp vụ giảng dạy tiếng Việt, học tiếng Anh và chuẩn bị đi Căm pu chia dạy tiếng Việt.

Khóa 21 Trường Đại học Tổng hợp đã có 18 người được tuyển về Khoa (Khoa Ngữ văn có 17 người, Khoa Sử có 1 người; năm sau tuyển thêm 5 người nữa của Khóa 22 ngành Ngôn ngữ của Khoa Ngữ văn) và tập trung học tiếng Anh, thực tập dạy tiếng Việt để chuẩn bị lên đường.

Thực ra, ngay sau ngày giải phóng Ngày 7 tháng Giêng năm 1979, 3 giáo viên gạo cội của Khoa Tiếng Việt, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã được cấp trên điều động bay ngay vào Thủ Đức để dạy cấp tốc tiếng Việt cho một số cán bộ nguồn của Mặt trận đoàn kết cứu quốc Căm pu chia trong thời gian 3 tháng.

Đoàn giáo viên dạy tiếng Việt ở Campuchia chụp ảnh cùng Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Nguyễn Đình Tứ năm 1983

Không khí chiến tranh

Trong thời gian chờ lên đường, chúng tôi được dự một cuộc họp ở Bộ với các thành viên của Khoa Tiếng Việt sẽ đi Căm pu chia. Chủ trì cuộc họp để quán triệt tinh thần nghĩa vụ quốc tế là ông Hoàng Xuân Tùy, Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp lúc đó. Ông nói về chuyện nghĩa vụ quốc tế, và nhấn mạnh: “Mỗi đồng chí có nghĩa vụ đi 1 năm, đồng chí nào dám đi 3 năm, khi về nước sẽ được Bộ cấp cho một căn hộ và tăng vượt một bậc lương”. Câu nói đó đã đúng được vế sau vì cuối cùng thì tôi là người đã đi đến hơn 7 năm. 
Chỉ sau vài tháng, nhóm đầu tiên đã phải lên đường sang Căm pu chia ngay để dạy tiếng Việt tại trường Đại học Ngoại ngữ Phnôm Pênh. Nhóm gồm một số giáo viên kỳ cựu và một nửa là “tân binh”. Sau một năm thì “thay quân”. Tôi và khoảng mươi bạn đi vào đợt hai. Hôm đó, khoảng 4 giờ sáng 21/6/1982, nhóm chúng tôi tập trung ở chỗ ngay đầu ngõ 30 đường Tạ Quang Bửu bây giờ để lặng lẽ lên sân bay Nội Bài, đáp chuyến bay sớm sang Phnôm Pênh (thật là một sự tình cờ thú vị, gần đây được biết ngày 21/6 của 5 năm trước đó, Trung đoàn trưởng Hun Sen và đồng đội cũng tìm đường sang Việt Nam nhờ giúp đỡ để chống lại Pôn Pốt). Cũng có cảnh sụt sùi của người đưa tiễn mà phần lớn là anh chị, bố mẹ, vì trừ một số anh cựu chiến binh trở về học đại học thì chúng tôi đều mới 22, 23 tuổi. Tôi nhớ chị Thuần, chị gái của bạn Thuận cùng nhóm tôi vừa mếu máo vừa dặn dò: sang đó các em nhớ che chở bảo bọc cho nhau Nam nhé.

Máy bay đáp xuống phi trường Pô chen tông lúc khoảng 10 rưỡi. Quang cảnh sân bay gần như một sân bay quân sự. Sân bay rất nhiều người mặc quân phục của bộ đội Việt Nam và bộ đội Cách mạng Căm pu chia. Rất nhiều máy bay trực thăng quân sự đậu xa xa. Điều làm tôi không thể quên là cô gái soát cuống hành lý va li, tay phải cô cầm một khẩu sung ngắn, còn tay trái thì so cuống vé. Tôi thầm nghĩ, chả trách ông thứ trưởng bảo “ai dám đi 3 năm”? Không khí chiến tranh quá! Chỉ sợ ngộ nhỡ khẩu súng cướp cò. Sau này, khi đã quen cô nhân viên đó, tôi kể lại câu chuyện này thì cô cười và bảo là, đâu có chuyện không khí chiến tranh tới mức đó mà đúng là lần đó em đang cầm hộ khẩu súng ngắn của một hành khách quân sự gửi tổ tiếp viên.

Bản nội quy của đoàn chuyên gia đại học

Sau 3 năm 8 tháng 20 ngày dưới chế độ diệt chủng Pôn pốt, một thủ đô không dân với rất nhiều khu vực đã trở thành những khu rừng hoang. Chúng tôi ở trong Khu chuyên gia Việt Nam ở khu chợ Bâng Kinh Koong từ thời Xihanuc, Lon non. Cây cối đã mọc như rừng trong và quanh những ngôi biệt thự.

Đoàn chuyên gia Đại học ở trong một biệt thự gần khu chợ Bâng King Koong. Ngay buổi tối đầu tiên, nhóm chúng tôi đã họp đoàn để nghe Trưởng đoàn chuyên gia Đại học là chú Phan Hoàng Mạnh phổ biến nội quy của Đoàn. Chú Phan Hoàng Mạnh là Vụ trưởng Vụ Trung học của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp thời bấy giờ được cử sang làm chuyên gia Đại học, giúp bạn xây dựng nền Đại học non trẻ sau chế độ diệt chủng. Bản nội quy này do chú Mạnh soạn gồm những điều rất chặt chẽ, rất chi tiết, rất thực tiễn về nếp sống trong tòa nhà của đoàn. Khi phổ biến, chú thêm vào những ví dụ cụ thể để minh họa rõ hơn làm mọi người nhìn nhau nhịn cười. Đầu tiên và nhấn đi nhấn lại là từ “cần lao”. Ví dụ, Chúng ta ở đây, xa Tổ quốc, xa gia đình cho nên phải xây dựng tập thể đoàn ta thành một gia đình ấm cúng, và phải có tinh thần cần lao, phải xây dựng lối sống cần lao, phải xây dựng cuộc sống cần lao… Rồi, đoàn ta có 2 khẩu súng và tạm phân công ra như thế này: khẩu súng lục do trưởng đoàn đeo, còn khẩu cạc-bin do đồng chí Tùng giữ, vì đồng chí Tùng là cựu chiến binh đã qua trận mạc, nhớ phải luôn luôn lau chùi cẩn thận và quan trọng nhất là không được để cướp cò. Và rất nhiều chi tiết về nhà vệ sinh nam nữ, đi khiêng nước đổ vào thùng ở nhà vệ sinh, về khách đến chơi đoàn…

Vài ba tháng lại có một đợt bổ sung giáo viên mới để đáp ứng yêu cầu, và mỗi lần đoàn mới sang, dù chỉ 3 người, ngay lập tức buổi tối sẽ có họp đoàn phổ biến nội quy cho những người mới đến. Chúng tôi nhớ những chuyện này đến thuộc làu. Và nửa năm sau khi đến Căm pu chia, chúng tôi đã đón cái tết đầu tiên 1982-1983 xa Tổ quốc. Đợt ấy chú Mạnh trưởng đoàn về nước, và trong đêm khuya buồn, 3 anh em chúng tôi là anh Vũ Thanh Tùng, anh Nguyễn Trọng Tân (sau này là nhà văn) và tôi đã phổ bài Nội quy của chú Mạnh theo làn điệu ví dặm Nghệ Tĩnh. Tôi đã hát và anh Trọng Tân đã ghi vào băng cối). Tôi cam đoan với chú là rất nghệ thuật, hay và không hề bôi bác, chú cứ nghe thử. Và chú đồng ý cho tôi hát thử. Thế là tôi ôm ghi ta gõ phừng phừng hát hết bài. Chú Mạnh nghe xong cười ngất và nói: Tôốc quá, tôốc quá, bọn bay phổ như ri thì tôốc quá (chú Mạnh là người Huế). Về sau này, nhiều lần chú Mạnh liên lạc nhờ tôi cover lại cho chú bản nội quy đó. Tôi cứ hứa nhưng mãi vẫn chưa làm được vì có quên mất một câu. Thế rồi hai năm trước, một hôm vừa về nhà, vợ tôi nói, chiều nay chú Mạnh lại gọi điện bảo nói Nam cho chú xin cái bài hát Nội quy, và cũng tình cờ tôi nhớ ra được câu đã quên “nếu ai không chấp hành cẩn thận, thì phải tịch thu rồi nộp cho trưởng đoàn”. Và tôi đã hát lại, rồi nhờ vợ tôi quay bằng điện thoại rồi gửi link qua email cho chú. hi trưởng đoàn sang lại Căm pu chia, tôi định khoe “thành tích” phổ dân ca: “Chú có thích nghe bài hát “nội quy” không ?” thì đã bị chú chỉnh: “Các cậu đặt vè để bôi bác tôi thì hay ho gì?” (có người đã mách thủ trưởng về việc này).

Lời chế như sau:

Lời chế bản Nội quy (theo điệu ví dặm)

Lời gốc Nội quy: Phan Hoàng Mạnh
Lời chế: Vũ Thanh Tùng, Nguyễn Trọng Tân, Nguyễn Thiện Nam
Người cover: Nguyễn Thiện Nam

1.
Ờ ơ chơ ở đây xa Tổ quốc, xa gia đình nên ta phải xây dựng tập thể đoàn ta thành một gia đình ấm ơ cúng
Phải xây dựng cuộc đời cần lao
Phải xây dựng cuộc đời cần lao
Nếu có khách đến chơi ngủ lại
Phải báo cáo với đoàn trưởng Mạnh
Điều trước tiên ta phải tự đề ơ phòng

2.
Ờ ơ chơ đoàn ta có 2 khẩu súng, nên tạm phân công như thế ê này
Khẩu súng lục do trưởng đoàn đeo
Khẩu súng lục thì trưởng đoàn đeo
Khẩu Cạc bin do Tùng giữ
Phải luôn luôn lau chùi cẩn thận
Điều trước tiên là không được để cướp cò

3.
Ờ ơ chơ ở đây có nam có nữ nên ta phải phân chia ra 2 khu vực rõ ơ ràng
Phải đổ nước đầy thùng thường xuyên
Phải lấy nước đầy thùng thường xuyên
Khi hết giấy phải lấy ngay kịp thời
Đề phòng khi đang ngồi trong nớ
Trót dở dang, biết xoay xở thế nào

4.
Ờ ơ chơ hàng hiên là bộ mặt của đoàn, phải đề cao tinh thần trách ơ nhiệm mà giữ gìn của ơ công
Đồng chí Tuyết chịu trách nhiệm tưới hoa
Đồng chí Tuyết có trách nhiệm tưới hoa
Không cho ai phơi áo quần ở cổng
Nếu ai không chấp hành cẩn thận
Thì phải tịch thu, rồi nộp cho trưởng ơ đoàn

5.
Ơ ơ chơ đoàn ta còn có thêm 1 tủ lạnh mà điện vốn thất thường nên mọi người đều phải quan ơ tâm
Nếu cắm vô tủ không nghe ục ục
Thì phải mau mau, rút ra, rút ra cho kịp ơ thời

6.
Kết: Phải xây dựng cuộc đời cần lao
Phải xây dựng cuộc đời cần lao
Phải xây dựng cuộc đời cần lao
Phải xây dựng cuộc đời cần lao

Nghịch dại

Có chuyện này, bây giờ mới dám kể.

Hồi năm 1982, nhiều người trong đoàn đều tin rằng tòa nhà mà chúng tơi ở có… ma. Nhiều người thường nghe thấy có những tiếng động kỳ lạ về đêm. Các cô giáo trẻ thường bị bóng đè. Ở phòng tôi thì cứ đến chừng 2 giờ sáng thường có những tiếng động kỳ lạ như là tiếng gõ vào tường nhà. Có hôm, tôi và một anh Nguyễn Văn Phúc ngủ cùng phòng đều ngồi dậy vì đều nghe thấy tiếng động lạ lùng, dậy bật đèn đi kiểm tra nhưng không thấy gì. Tắt đèn nằm xuống lại thi thoảng nghe.

Anh Nguyễn Trọng Tân vốn là bộ đội về học đại học cùng khóa, cùng về Khoa Tiếng Việt và đi Căm pu chia cùng đợt với tôi, có biệt tài dùng tay che miệng và nhại tiếng trẻ con khóc. Một tối, anh với tôi và anh Vũ Thanh Tùng định trêu anh Đặng Văn Đạm, là tổ trưởng, người tuyên bố chắc nịch là có ma trong nhà. Tối đó, khi đã khuya, 3 chúng tôi đến ghé vào cửa sổ chớp phòng anh Đạm và anh Tân giả vờ tiếng trẻ sơ sinh khóc. Sau đó chạy về phòng. Anh Đạm chạy ra không thấy gì. Bọn tôi trêu như thế khoảng 2 lần thì mấy anh quân báo của của Cục 2 ở biệt thự bên cạnh nghe thấy thế nên soi đèn pin tìm kiếm khắp khu vườn rậm phía sau mấy tiếng. Cuối cùng, có anh còn bực bội kêu lên: cô nào nhỡ thì nói để còn đưa đi viện nha. Ngay trong đêm, bộ phận quan trọng của nhóm quân báo đã phải di chuyển ngay. Còn anh Tân thì bảo chúng tôi tuyệt mật chuyện này, vì nếu lộ ra chắc bị kỷ luật nặng.

Kiếm củi và say rượu

Vào năm 1983, do con số của đoàn tăng lên nên chỗ ở gần khu chợ Bâng Kinh Koong quá tải nên đoàn chuyên gia Đại học đã được chuyển ra nhà của Trạm xá 284 của Đoàn chuyên gia Việt Nam, sau khi trạm xá chuyển đến địa điểm mới trong khu chuyên gia A40. Lúc này chúng tôi không đi ăn ở bếp tập thể của A40 nữa mà tổ chức nấu ăn riêng cả đoàn cho khoảng 20 người. Bếp A40 xa và không đủ no. Thứ bảy thì các giáo viên nam thường kéo xe ba gác vào Khu chợ Bâng King Koong lúc đó như là một khu rừng rậm để kiếm củi. Có một lần chúng tôi đi từ 9 giờ sáng và trong khi đang chặt những cành khô từ bụi rậm thì phát hiện thấy 3 chiến sĩ quân báo đầu trọc lốc đang ngồi làm thịt một con chó. Hỏi chuyện thì biết mấy cậu lính trẻ này đang học tiếng Khmer, lý do cạo trọc đầu là muốn tập trung học cho tốt nên rủ nhau cạo đầu để không còn đi chơi bên ngoài. Sau khi làm quen thì 3 cậu mời bọn tôi cùng ở lại uống rượu cùng. Thấy hay hay, cả bọn chúng tôi chừng 5-6 người đồng ý, sau khi kiếm củi đầy xe, chúng tôi vào nhà của nhóm quân báo này, chừng mươi người, có một cậu trung đội trưởng, đẹp trai như diễn viên điện ảnh Chánh Tín, xin phép mọi người theo phong tục uống rượu bằng ấm và chén (bát), tức là một ấm rượu và một bát, ngồi thành vòng tròn và quay vòng mỗi người một lần, ai cũng phải uống hết. Anh Đào Văn Hùng sau khi được vài vòng, bỗng ngã gục và không biết gì, mọi người bê lên giường sau đó nhậu tiếp. Sau khi đã no say, nhạc bật lên và tất cả đám đàn ông này nhảy nhót. Đang nhảy thì Đào Hùng tỉnh và cũng dậy nhảy cùng. Chừng gần một giờ trưa thì cả nhóm ngật ngưỡng kéo xe về, cùng lúc gặp chú Mạnh trưởng đoàn và các cô giáo trẻ đi tìm vì đợi cơm trưa mãi, không thấy về sợ có chuyện gì.

Một mình dạy cả nghìn người và một mình trong hai toà biệt thự

Năm 1984, tôi được biệt phái lên dạy cùng anh Nguyễn Văn Chính tại trường Đại học Y-Dược-Nha Phnôm Pênh. Chỉ 2 giáo viên nhưng dạy 2 lớp lưu học sinh học chuyên tiếng Việt để đi Việt Nam học ngành Y-Dược-Nha và ngoài ra, toàn bộ sinh viên từ năm 1 đến năm 3 của trường gồm 2 hệ đại học và trung cấp đều được nhà trường bố trí học tiếng Việt mỗi tuần 4 đến 6 tiết. Như vậy, tổng số sinh viên học tiếng Việt là vài nghìn người. Chúng tôi gộp 2 lớp lưu học sinh làm một và chia nhau dạy kết hợp cả khối không chuyên, dạy cả sáng lẫn chiều, mê mải, có lớp 400 sinh viên, giáo viên dạy bằng micro, sinh viên thì học bằng một tài liệu song ngữ tóm tắt do chúng tôi biên soạn, với việc phần từ mới song ngữ và những câu lệnh, câu giải thích đơn giản được một thầy người Căm pu chia ở trường biết tiếng Việt dịch sang tiếng Khmer. Điều quan trọng để sinh viên có thể nắm được kiến thức là nhờ tập tài liệu song ngữ có giải thích dễ hiểu này và có thi học kỳ. Một khi có thi lấy điểm thì sinh viên phải ôn thi cẩn thận. Nhà trường yêu cầu và hỗ trợ chúng tôi tổ chức thi rất nghiêm. Ngày thi chúng tôi mời 15 giáo viên tiếng Việt của một số trường Đại học Tổng hợp, Kinh tế, Giao thông, Chính trị lên hỏi thi vấn đáp hộ. Lúc thi viết thì hàng chục nhân viên nhà trường hỗ trợ trông thi để chống “gian lận” thi cử. Năm 1989-1990 thì chỉ còn tôi dạy tiếng Việt ở Trường Đại học Y-Dược-Nha Phnôm Pênh, mặc dù con số sinh viên học tiếng Việt vẫn là con số hơn nghìn người. Thời gian này tôi đã viết xong bộ “Tiếng Việt cho người Căm-pu-chia” 3 tập, có song ngữ cẩn thận. Thầy có thể ra bài tập cho trò tự học thoải mái. Đến kì thi thì tôi vẫn nhờ đoàn giáo viên tiếng Việt ở trường Tổng hợp, trường Kinh tế, khoảng 15 người lên hỏi thi vấn đáp hộ. Thời gian này tôi không ở Khách sạn Bộ Y tế nữa mà bạn chuyển tôi đến một biệt thự cũ ở phía cuối đường Monivong, gần bệnh viện Pạ đệ voát (Bệnh viện Cách mạng) bây giờ đã lấy lại tên cũ là Bệnh viện Calmet. Biệt thự này thật ra có hai toà nhà khá to. Tôi ở toà nhà đẹp hơn, có hai tầng, sáu phòng. Hai toà nhà này nằm trong một khu vườn rộng, có nhiều xoài, dừa, na, chanh… và mấy cây hoa đại, tựa như một ngôi chùa lặng lẽ. Tôi cũng không hiểu sao tôi đã có thể sống một mình trong toà nhà đó cả năm trời. Về khuya, gió từ sông Mekong thổi qua mấy cây dừa trong vườn rào rào, thỉnh thoảng mấy trái dừa già lại rụng thịch thịch tấp đầy gốc. Có hôm độ nửa đêm, đang ngủ, nghe tiếng động sầm sầm, tôi giật mình, với khẩu súng ngắn, mượn của đoàn, kê dưới gối, lặng lẽ ngồi dậy, trống ngực đập thình thình. Hoá ra tiếng cửa sổ ở phòng khác quên đóng bị gió đập.

Một lần, có đoàn giáo sư của Bộ Y tế Việt Nam sang giảng ở Trường Y. Họ gồm GS. Đỗ Trọng Hiếu, GS. Hoàng Bá Long, GS. Nguyễn Văn Thành, GS. Dương Chạm Uyên. Tôi mời các giáo sư đến thăm “tu viện”, “ngôi chùa” của tôi. Các giáo sư kinh ngạc khi biết tôi ở bên này đã lâu, sống một mình trong một khu vườn hoang, tự đi chợ, thổi cơm, ăn một mình và đi dạy tiếng Việt cho cả nghìn sinh viên, lại suốt ngày mải mê với bài vở hay những tập xtăng-xin đầy chữ ngoằn ngoèo giá đỗ. Sau đó, mỗi khi về Hà Nội, tôi liên lạc và 4 giáo sư lại hẹn tôi uống rượu ở một nhà nào đó trong nhóm họ.

Thỉnh thoảng có nhóm sinh viên đến chơi, họ hỏi, ở thế này thầy không óp xốc (buồn) à?, thầy không sợ “à Pốt à?” (À Pốt = thằng Pốt, tức là Pôn pốt). Tôi trả lời là: ở một mình thì làm được nhiều việc, còn sống hay chết thì cũng đã có số.
Hồi ấy thì tôi không sợ, nhưng bây giờ nghĩ lại thì tôi cũng thấy hãi!

Còn biên chế CK, chính những anh chị em trong biên chế CK về sau và cho đến nay, đã được nhiều người gọi là “thế hệ vàng” trong nghề dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.

 PGS.TS Nguyễn Thiện Nam (Trưởng khoa Việt Nam học và Tiếng Việt)

Bình luận của bạn