banner

KHOA ĐÔNG PHƯƠNG HỌC - ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

Tiến trình đàm phán dẫn tới Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai tại Việt Nam



Tiến trình đàm phán dẫn tới Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai tại Việt Nam
Hội nghị thượng đỉnh CHDCND Triều Tiên - Hoa Kỳ lần thứ nhất là một cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên và Hoa Kỳ diễn ra vào ngày 12 tháng 6 năm 2018 tại tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa ở Singapore.Cuộc đàm phán tổ chức thượng đỉnh lần hai được khởi động chỉ một tháng sau cuộc gặp đầu tiên giữa hai lãnh đạo.

Một quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền Tổng thống Donald Trump, Trong buổi trả lời báo giới qua điện thoại hôm 21/2 đã cho biết khá chi tiết quá trình hai nước đàm phán để tiến tới cuộc hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai dự kiến diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27-28/2.

Theo đó, một tháng sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên diễn ra ở Singapore, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến công du tới thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên và gặp vị quan chức được lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chỉ định là người phụ trách các tiếp xúc với Mỹ về vấn đề phi hạt nhân hóa Kim Yong-chol. Cả Mike Pompeo và Kim Yong-cho cùng thảo luận về các bước thực hiện Tuyên bố chung 4 điểm được lãnh đạo hai nước thống nhất tại hội nghị lần 1. 

Vào giữa tháng 9/2018, tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Ngoại trưởng Pompeo gặp Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cùng xem xét các bước tiếp theo và tiến trình thảo luận giữa chính phủ Mỹ - Triều.

Đầu tháng 10 cùng năm, Ngoại trưởng Pompeo một lần nữa tới thăm Bình Nhưỡng, có các cuộc thảo luận với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng em gái Kim Yo-jong và Kim Yong-chol, người phụ trách và tiếp tục đàm phán với Mỹ về tiến trình phi hạt nhân hóa.

Tuy nhiên, với các cuộc tiếp xúc cấp cao liên tục như vậy, trong hai tháng tiếp theo, Mỹ vẫn còn gặp khó khăn trong quá trình đàm phán với Triều Tiên do liên quan đến một số vấn đề nội bộ.

Đến cuối tháng 12/2018, thông qua trao đổi thư giữa lãnh đạo hai nước, quá trình đàm phán được khởi động lại, theo sau đó là một chuỗi sự kiện diễn ra nhanh chóng vào tháng 1, bắt đầu bằng bài phát biểu chúc mừng năm mới của Kim Jong-un, trong đó lãnh đạo Triều Tiên tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu tập trung các nguồn lực vào phát triển và hiện đại hóa nền kinh tế đất nước.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng phu nhân Ri Sol-ju đang có chuyến thăm 4 ngày tới Trung Quốc theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình. Theo hãng thông tấn trung ương Triều tiên KCNA, Nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Trung Quốc chiều 6/1/2019 . Tân hoa xã của Trung Quốc cũng đã xác nhận chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Đây là chuyến thăm thứ 4 của ông Kim Jong-un tới nước láng giềng đồng minh. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Triều Tiên đang đàm phán để lựa chọn địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh thứ 2 giữa Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Chuyến thăm này được đánh giá là “một diễn biến tích cực” và đang được dư luận quốc tế, đặc biệt những nước liên quan như Hàn Quốc và Nhật Bản hết sức quan tâm. Phát biểu với báo giới ngày hôm nay (8/1), Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihida Suga khẳng định, chính phủ nước này đang rất quan tâm tới chuyến thăm, tuy nhiên từ chối bình luận về ý định của Triều Tiên cũng như Trung Quốc, và những tác động của chuyến thăm vào thời điểm nhạy cảm hiện nay.

Chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Kim Jong Un đang làm dấy lên đồn đoán rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên rất có thể muốn tận dụng cơ hội tham vấn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi có cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cũng có ý kiến lại cho rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có vẻ như đang muốn tăng cường mối quan hệ với ông Tập Cận Bình để tạo đòn bẩy buộc Mỹ phải nhượng bộ trong cuộc đàm phán hạt nhân.

Kim Yong-chol lúc này thực hiện chuyến thăm Mỹ, vốn ban đầu được lên kế hoạch thực hiện vào tháng 11. Ông ở Washington trong hai ngày, gặp Ngoại trưởng Pompeo và Tổng thống Trump tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng.

Quan chức Nhà Trắng giấu tên kể trên cũng có mặt tại cuộc gặp và ông được giới thiệu một gương mặt mới trong hoạt động đàm phán Mỹ - Triều, ông Kim Hyok-chol, đặc phái viên về Mỹ thuộc Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên.

Trong các phiên thảo luận vào tháng 1, Mỹ và Triều Tiên bắt đầu phác thảo một lịch trình và kế hoạch đàm phán nhằm hiện thực hóa tầm nhìn được đưa ra trong tuyên bố chung ở Singapore.

Đến tháng hai, quan chức giấu tên Nhà Trắng dẫn đầu một đoàn công tác 15-16 người, gồm các chuyên gia hạt nhân, chuyên gia luật quốc tế và nhà đàm phán, tới Bình Nhưỡng.

Hai bên thảo luận trong ba ngày, chủ yếu nhằm đánh giá trước các vấn đề mà mỗi bên sẽ gặp phải, đồng thời đạt được thỏa thuận tiếp tục thảo luận trong tuần trước hội nghị thượng đỉnh lần hai.

Quan chức cấp cao Nhà Trắng hiện có mặt tại Hà Nội và đã bắt đầu làm việc với các quan chức Triều Tiên về các biện pháp thu hẹp khoảng cách trước những vấn đề quan trọng giữa hai chính phủ.

Theo ông, hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim lần hai sẽ được tổ chức tương tự hội nghị đầu tiên ở Singapore. Hai lãnh đạo sẽ gặp nhau, cùng dùng bữa và tham gia vào các cuộc họp mở rộng của phái đoàn hai nước. Mục tiêu quan trọng nhất của hội nghị lần này vẫn là vấn đề phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. Ngoài ra, Tổng thống Trump đang tìm cách thảo luận sâu hơn về tương lai mà Triều Tiên có thể đạt được nếu tuân thủ hoàn chỉnh cam kết về phi hạt nhân hóa.

ĐPH Tổng hợp 

Bình luận của bạn