banner

KHOA ĐÔNG PHƯƠNG HỌC - ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

Giao thương voi giữa miền Trung và Nhật Bản



Giao thương voi giữa miền Trung và Nhật Bản
Loài voi hiện đang sống ở Việt Nam là voi châu Á Elephans maximus, nhưng trong các di chỉ văn hoá thời tiền sử (cách đây từ 30 vạn năm đến 1 vạn năm) ở Lạng Sơn, Lào Cai, Nghệ An... các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu tích về sự tồn tại của loài voi răng kiếm Stegodon Orientalis Owen, voi phương Nam Archidiscodon meridionalis, voi Palaeoloxodon namadicus…

Trong thời kì văn hoá Đông Sơn (thiên kỷ I TCN-thế kỉ I-II), Sa Huỳnh (thiên niên kỉ I TCN-thế kỉ II), bên cạnh xương voi, răng voi, người ta đã tìm thấy hình voi được khắc trên mặt trống đồng, cán dao găm, cán muôi khắc hình voi… và các quả chuông cỡ lớn để buộc vào cổ voi. Đặc biệt một số hình điêu khắc voi thể hiện rõ chi tiết bành trên lưng voi, dây chằng buộc quanh bụng voi chứng tỏ từ khoảng thiên niên kỷ I TCN, người Việt cổ đã biết bắt voi rừng thuần dưỡng thành voi nhà. 
Trong khi đó, ở Nhật Bản, tại các di chỉ khảo cổ học thời nguyên thủy, người ta đã tìm thấy xương và răng của một số loài voi, như voi ma mút, voi Java (Indonesia) và Ấn Độ, voi Naumann  và đặc biệt là loài voi Nhật Bản có kích thước nhỏ hơn, gọi là Aomori (cách đây khoảng 1 vạn năm). Tuy nhiên, sau đó, từ thời kì văn hóa Jomon (8000 năm đến 300 năm trước công nguyên), dấu vết loài voi đã biết mất. Vì vậy, voi được người Nhật coi là một loài động vật quí hiếm và việc voi được chở sang Nhật Bản trở thành sự kiện trọng đại được sử sách lưu truyền. Đặc biệt, lần tiến voi sang Nhật Bản được phản ánh nhiều nhất trong tư liệu là vào tháng 6 năm Hưởng Bảo thứ 13 (1728), khi hai thớt voi Quảng Nam, một đực một cái, được một thuyền buôn Trung Quốc chở đến Nagasaki (Trường Kị). 
Sự kiện trên đã được một số học giả Nhật Bản nghiên cứu, nhưng các tác giả chủ yếu phân tích hành trình của voi trên các tư liệu còn lưu giữ ở Nhật Bản, mà ít quan tâm đến quá trình đặt hàng mua bán, vận chuyển voi, đặc điểm của voi khi sống ở Việt Nam, cũng như chưa khai thác các nguồn tư liệu ngoài Nhật Bản. Đây là những khía cạnh mà tác giả tham luận muốn tập trung làm sáng rõ. 
Trong thời gian qua, tác giả tham luận đã công bố một số nghiên cứu về đời sống và ảnh hưởng của voi Quảng Nam ở Nhật Bản; nghiên cứu phân tích nội dung ghi chép về sự kiện voi Quảng Nam sang Nhật Bản năm 1728 trong tác phẩm “An Nam kỉ lược cảo” (Annan kiryakugo) của Kondo Juzo. Trong bài viết này, thông qua việc phân tích chéo một số tư liệu của hai nước về quá trình đặt hàng, vận chuyển voi, vai trò của voi trong giao lưu ngôn ngữ giữa hai nước, tác giả hy vọng đóng góp một số thông tin cụ thể về lịch sử quan hệ giao lưu giữa miền Trung Việt Nam và Nhật Bản. 
Nội dung bài viết gồm 3 phần chính: 1) Tư liệu về voi Đàng Trong; 2) Vấn đề đặt hàng, mua bán, mục đích vận chuyển voi sang Nhật Bản; 3) Ảnh hưởng của voi trong giao lưu văn hóa và ngôn ngữ, cùng một số vấn đề rút ra thông qua nghiên cứu trường hợp giao thương voi.
1. Tư liệu về voi Đàng Trong
    Ở Việt Nam nói chung và Đàng Trong  nói riêng, việc thuần dưỡng voi được bắt đầu từ sớm, ít ra trong thời cổ đại và trung đại, voi đã được sử dụng phổ biến, từ chở người, vận chuyển vật liệu nặng, đến diễu hành trong các nghi lễ triều đình. 
Nguồn cung cấp voi cho chính quyền, ngoài săn bắt, chủ yếu dựa trên thuế của các địa phương và mua bán từ Lào sang. Sách “Đại Việt sử lược”  cung cấp thông tin về việc nhà vua thân chinh đi bắt voi và nhiều vùng miền nạp thuế bằng voi trong các năm 1060, 1061, 1068, 1079… Thành viên đoàn phái bộ Anh John Barrow trong Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792-1793), cho biết: đến cuối thế kỉ XVIII, việc săn bắt voi vẫn được các vua xứ Nam Hàtổ chức để tiêu khiển với các sứ thần ngoại quốc . “Phủ Biên tạp lục”  của Lê Quí Đôn cho biết: đến thế kỉ XVIII voi và ngà voi là những hạng mục quan trọng trong danh mục thuế của các châu ở Đàng Trong . Voi nạp thuế phải có chiều cao 5 thước 5 tấc. Người dân miền núi thường dùng voi chở hàng hoá xuống các chợ bán. Một thớt voi chở được 30 gánh gạo (tương đương với 30 người), mỗi gánh 20 bát. Voi được mua bán nhiều ở vùng núi tiếp giáp với Lào, như chợ phiên ở Cam Lộ: Tại một phiên chợ, người ta đánh trâu đến. Có 300 con trâu được đưa đến bán. Mỗi con trâu không quá 10 quan. Mỗi thớt voi giá 2 hốt bạc . Trong đó, một hốt tương đương với 10 lượng bạc.
Ngà voi là biểu tượng của quyền quí, được dùng để trang trí, làm đồ ngự dụng đồ trang sức... Ngoài ra, trong nghiên cứu về thuật nhuộm rang đen ở An nam của bác sĩ người Pháp Gaide - Giám đốc Nha y tế Trung kì - vào đầu thế kỉ XX, có ghi rằng: ngà voi là một vị trong công thức chế thuốc xỉa răng của hoàng tộc Huế .
     “An nam kỉ lược cảo” do Mạc thần Kondo Juzo biên soạn trong các năm Khoan Chính thứ 7-9 (1795-1797) đã ghi lại về voi Quảng Nam thông qua lời kể của các quản tượng Quảng Nam: Voi là con vật có ích, khi xuất chiến thì đi đầu… Tùy theo số lượng địch mà có thể đưa ra trận từ vài chục đến vài trăm thớt voi. Nếu hai bên đều dùng voi thì khi xuất chiến, bên nào đông voi hơn bên ấy thắng là chuyện thường tình… . Kondo cũng cho biết: Voi mua bán ở chợ Quảng Nam là voi chiến của quốc vương, do chức dịch quản, dân thường không được phép nuôi voi.
Về lực lượng tượng binh, nếu ở Đàng Ngoài có khoảng 200-700 thớt (theo Alexandre de Rhodes, Jean-Baptiste Tavernier, William Dampier), thì theo John Barrow, quân đội Đàng Trong vào cuối thế kỉ XVIII có 16 tiểu đoàn tượng binh với 200 thớt voi . Việc luyện và chăm sóc voi được giao cho quản tượng và thái y chuyên trách. Chính tượng binh được huấn luyện công phu đã trở thành lực lượng trọng yếu trên chiến trận. “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” quyển 47 đã ghi lại trận Ngọc Hồi ngày mồng 5 Tết Kỉ Dậu (1789), khi Quang Trung Nguyễn Huệ dùng 100 thớt voi chiến trên lưng đặt hoả pháo tấn công khiến kị binh quân Thanh hoảng hốt tháo chạy: Văn Huệ xắn tay áo đứng dậy, đốc thúc quân sĩ rầm rộ tiến lên, thân chinh đốc chiến, cho hơn trăm thớt voi đực đi đầu. Tờ mờ sáng quân Thanh lùa toán kỵ binh tinh nhuệ ồ ạt tiến lên, chợt thấy bầy voi, ngựa tất thảy sợ hãi, hí vang, tháo chạy quay về, dẫm đạp lẫn nhau. 
Trong cuộc sống thời bình, voi là người bạn thông minh của con người. Hình ảnh voi ở Quảng Nam đã được một họa sĩ người Nhật đi cùng thương nhân Chaya Shinroku (Trà Ốc Tân Lục) khắc họa sinh động trong bức tranh cuốn “Trà Ốc Tân Lục Giao Chỉ độ hàng đồ” hiện còn được lưu giữ ở chùa Jomyo (Tình Diệu, Nagoya). Bức tranh được vẽ vào thế kỉ XVII, gồm 6 cảnh, miêu tả hành trình và hoạt động của đoàn thuyền châu ấn từ Nagasaki đến Quảng Nam. Trong đó, cảnh cuối cùng phản ánh sinh hoạt của cư dân Quảng Nam với hình ảnh 3 thớt voi do quản tượng điều khiển bên bờ sông ở góc trên bên trái bức tranh. Trong số 3 thớt voi, có 2 voi trắng và một voi xám (ở giữa). Việc biểu hiện màu sắc không hẳn là ngẫu nhiên. Những con voi sinh ra đã có màu lông trắng rất quí hiếm. Ngoài ra, voi có thể sống lâu trên trăm tuổi. Voi càng già lớp lông màu tro đen trên thân voi sẽ rụng, để lộ màu da trắng nên cũng được dân gian gọi là “voi trắng”. Vì, vậy, voi trắng là biểu tượng của sự quí hiếm, sức mạnh và trường thọ, và là loài thú quí do Quan Âm Bồ Tát ngự. Ở Việt Nam, việc bắt được voi trắng là điềm may mắn, đôi khi được lấy làm mốc để đổi niên hiệu. “Đại Việt sử kí toàn thư” ghi lại sự kiện thời Lý Cao Tông, năm Bính Ngọ Trinh Phù thứ 11 (1186): Bắt được voi trắng, ban tên là Thiên Tư Tượng, bèn đổi niên hiệu thành Thiên Tư Gia Thụy nguyên niên . 
Mặc dù hình ảnh voi và quản tượng trong tranh tương đối nhỏ nhưng các chi tiết bành voi và gậy điều khiển được đặc tả khá rõ nét. Điều này thống nhất với những ghi chép của Kondo Juzo về tầm quan trọng của gậy tobiguchi - biểu tượng cho nghệ thuật thuần dưỡng voi của người An Nam: Cách điều khiển voi: Quản tượng khi cưỡi hay dắt voi không nói năng gì. Khi quản tượng ra lệnh voi nghe hiểu từng mệnh lệnh và tuân theo. Nếu voi trái lệnh, (quản tượng) dùng gậy đánh vào đầu voi sâu khoảng 5 phân. Thông thường không cần dùng gậy đánh, chỉ cần lời nói điều khiển hoặc giơ gậy lên là voi sợ. Vết thương do gậy gây ra qua đêm sẽ khỏi . Kondo cho biết: Voi sống ở vùng núi Quảng Nam nếu là voi hoang có thể phá ruộng nương nhưng voi nuôi trong nhà không phá ruộng nương bừa bãi .
Như vậy, voi là loài động vật thông minh là biểu tượng của sức mạnh và sự quí hiếm, được người Việt thuần dưỡng từ sớm. Ở Đàng Trong, voi không chỉ là đội quân hùng hậu, quyết định thắng lợi trong chiến tranh, mà còn gần gũi với đời sống con người trong thời bình. 
2. Vấn đề đặt hàng, mua bán, mục đích vận chuyển voi sang Nhật Bản

(Xem bài viết toàn văn tại cuốn Phương Đông: Truyền thống và Hiện đại, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2015)

Tác giả: PGS.TS. Phan Hải Linh 

Khoa Đông phương học

Bình luận của bạn