banner

KHOA ĐÔNG PHƯƠNG HỌC - ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

Bước đầu tìm hiểu biểu tượng lửa trong văn hóa Ấn Độ



Bước đầu tìm hiểu biểu tượng lửa trong văn hóa Ấn Độ
Văn hoá Ấn Độ là một nền văn hoá vĩ đại, chứa đựng một hệ thống biểu tượng có từ giai đoạn cổ xưa nhất và hệ biểu tượng đó đã ảnh hưởng rất lớn đến cách tư duy, biểu đạt, cách sống của chính người Ấn Độ cũng như của các dân tộc chịu ảnh hưởng của nền văn hoá ấy. Trong hệ biểu tượng của văn hoá Ấn Độ, biểu tượng lửa chiếm vị trí nổi bật. Trong các thần của văn hoá Ấn Độ, thần Lửa được coi trọng nhất.

Biểu tượng Lửa trong văn hoá Ấn Độ kéo theo hai biểu tượng có liên quan là Máu (+ màu đỏ máu) và Bò. Bài viết đi sâu giới thiệu một số nghi lễ liên quan tới lửa trong văn hoá Ấn Độ như: Nghi lễ hoả táng, Lễ hiến sinh, Tục hoả thiêu goá phụ theo chồng, Lễ hội Diwali, Lễ hội Holi.

1. Biểu tượng lửa trong văn hoá Ấn Độ
Tri thức là tài sản chung của nhân loại, được tích luỹ và truyền từ đời này qua đời khác trong dân gian, góp phần thúc đẩy xã hội không ngừng tiến lên. Trong kho tàng tri thức đó, biểu tượng đóng một vai trò không nhỏ và mang tính chất thiết yếu đối với xã hội loài người. “Hãy còn là quá ít nếu nói rằng chúng ta hiện sống trong một thế giới biểu tượng hay một thế giới biểu tượng sống trong chúng ta” [Jean Chevalier và Alain Gheerbrat 1997: 5]. Từ khoa phân tâm học đến khoa nhân loại học, từ phê bình nghệ thuật đến nghệ thuật quảng cáo và tuyên truyền, các khoa học và công nghệ đang cố gắng giải mã cái ngôn ngữ biểu tượng ấy. Việc làm này vừa để mở rộng trường nhận thức và khơi sâu sự giao tiếp, vừa nhằm thuần hoá một loại năng lượng đặc biệt, hoạt động ngấm ngầm dưới những hành vi và suy nghĩ, dưới những say mê hay ghê tởm của chúng ta. Sức mạnh rất to lớn của hệ biểu tượng ấy rất to lớn và chúng ta cũng mới chỉ dần dần đoán biết chúng mà thôi.
Trong các lĩnh vực khoa học của thời đại chúng ta, “biểu tượng học” được coi là một “ngành khoa học tương đối trẻ, khai thác và tổng hợp dữ liệu của nhiều ngành khoa học khác” [Jean Chevalier và Alain Gheerbrat 1997: 158], chứa đựng một lượng thông tin phong phú, mở ra nhiều tiềm năng để chúng ta thâm nhập và nắm bắt thực tế khách quan sinh động. Jean Chevalier - một học giả người Pháp - đã khẳng định biểu tượng là “chị em sinh đôi của lí trí, nguồn cảm hứng cho các khám phá và tiến bộ... Các biểu tượng nằm ở trung tâm và là trái tim của cuộc sống giàu tưởng tượng. Chúng làm phát lộ những bí ẩn của vô thức, của hành động, khai mở trí tuệ về cái chưa biết và cái vô tận” [Jean Chevalier và Alain Gheerbrat 1997: 13-158]. Giải mã và huy động năng lượng dồn nén trong các biểu tượng văn hoá; do đó, quả thực là rất khó nhưng cũng rất cần thiết đối với chúng ta.
1.1. Bàn về khái niệm biểu tượng
Ranh giới đích thực phân biệt con người và các động vật cao cấp khác chính là khi vượn người xuất hiện một khả năng đặc biệt - khả năng biểu trưng hoá (symbolizing) trong hoạt động ý thức để trở thành người vượn. Cùng với sự phát triển của loài người, khả năng này cho phép con người sáng tạo và sử dụng những biểu tượng khác nhau. Do đó, biểu tượng là bất kì thực thể nào có chứa nghĩa và có thể qui chiếu sang thực thể khác, chúng được sử dụng và được diễn giải như là đại diện cho một loại thông tin nào đó căn cứ vào một tương ứng loại suy.
Khi con người hiện thực hoá cái khả năng biểu trưng hoá và đời sống xã hội bằng những biểu tượng thì đó là bước đột biến của hoạt động trí tuệ, làm cho con người thoát ra khỏi thế giới động vật - thế giới tối tăm ngu muội, để bước sang thế giới ánh sáng của trí tuệ. Thế là tất cả mọi thứ đều biến đổi: núi, sông, cây cỏ đều có linh hồn; thế giới thực tại của loài người được ghi thành huyền thoại; người chết trở thành tổ tiên ở bên kia và chỉ với cái mặt nạ hay hoá trang mặt là người múa điệu múa thiêng có thể đi vào thế giới tâm linh, thế giới của thánh thần huyền bí; sự giao hợp đực cái được biểu trưng cho sự sinh sôi nảy nở, cho sự hoà hợp kì diệu của đất trời. Và từ đó, xuất hiện nghi lễ phồn thực thờ sinh thực khí đàn ông đàn bà [Howard Garner 1998: 347-374].
Và như vậy, loài người sống đồng thời với ba thế giới:
Thế giới thực tại: là tồn tại khách quan ngoài ý thức của con người. Đó là môi trường tự nhiên, là cái có trước, là thế giới hữu hình, hữu hạn, khả tri. Dù các hiện tượng vũ trụ bao la từ vi mô đến vĩ mô, có thể mắt thường không nhìn thấy được, không sờ mó được như một vì sao xa hàng vạn năm ánh sáng trong vũ trụ, một tế bào trong cơ thể... nhưng tất cả đều có hình thể, có kích thước mà con người bằng những phương tiện kĩ thuật có thể đo đếm được, cảm nhận được.
Với phương thức biểu trưng hoá của hoạt động ý thức, từ cảm nhận đến thức nhận, con người đã phản ánh những sự vật khách quan vào trong trí óc của mình, tạo ra một thế giới bên trong. Ta gọi đó là thế giới ý niệm. Đó là thế giới vô hình, vô hạn, vô khả tri. Nó vừa phản ánh thực tại, vừa từ thực tại mà tưởng tượng, mà suy luận, đem lại cho con người một khả năng vô tận, khả năng trí tuệ và tâm linh. Thế giới này vô cùng huyền bí mênh mông.
Để con người có thể tư duy và thông báo với nhau bức tranh về thế giới ý niệm nằm trong óc anh ta, con người đã sáng tạo ra một thế giới biểu tượng làm vật thay thế, làm cầu nối giữa thế giới ý niệm và thế giới thực tại bằng cách mô phỏng một hiện tượng tự nhiên và cấp cho nó một ý nghĩa, một thông tin. Do đó, biểu tượng bao giờ cũng là tín hiệu hai mặt: cái được biểu hiện (signifié) là những ý nghĩa, những giá trị, những thông điệp thuộc thế giới ý niệm, và cái biểu hiện (signifiant) là những hình thức tồn tại của ý niệm dưới dạng vật thể nằm trong thế giới thực tại. Ngành nghiên cứu mối quan hệ giữa vật làm biểu tượng với giá trị mà biểu tượng hàm chứa cũng như đời sống của các tín hiệu trong sinh hoạt xã hội, được F. de Sassure gọi là tín hiệu học (sémiologie) [de Saussre F. 1973: 40-42].
Trong thế giới biểu tượng cũng như những sản phẩm trí tuệ của nó cũng có vô số loại. Theo C. Lévy Strauss: “Mọi nền văn hoá đều có thể xem như một tập hợp các hệ thống biểu tượng trong đó xếp hàng đầu là ngôn ngữ, các qui tắc hôn nhân, các quan hệ kinh tế, nghệ thuật, khoa học, tôn giáo”[dẫn theo Jean Chevalier và Alain Gheerbrant 1997]. Vì vậy, ta cũng cần phân biệt những dấu hiệu mang tính biểu nghĩa và những biểu tượng mang tính tượng trưng của hai hình thức tư duy: tư duy khái niệm và tư duy hình tượng. Cũng là một tín hiệu nhưng các dấu hiệu chỉ là những sự biểu đạt để biểu nghĩa hoàn toàn mang tính chất võ đoán (như ngôn ngữ, các công thức toán học...), còn biểu tượng có sự đồng nhất giữa cái biểu hiện và cái được biểu hiện do thao tác của trí tưởng tượng của con người. Khi con người tiếp nhận hình ảnh bên ngoài theo phương pháp biểu trưng hoá thì nó đã làm biến dạng (làm nhoè đi) các sao chép và cải tạo chúng để xây dựng nên thế giới tinh thần nằm trong thế giới ý niệm và hiện thực hoá chúng bằng các biểu tượng. Do đó, biểu tượng bao giờ cũng là sự sao phỏng một cái gì đó đã biết và gửi vào đó một ý nghĩa nhất định theo tâm thức, theo sự lựa chọn của mỗi dân tộc. Đó chính là độ khúc xạ thông qua lăng kính của con người. Theo hướng đó, con người khát khao xây dựng một cuộc sống an sinh, bền vững trong một thế giới “Không phải là một thế giới hiện có, mà là một thế giới cần phải có” (Kant).
Tiếp cận với văn hoá là tìm cách giải mã cái tâm thức của cộng đồng dân tộc thông qua các hệ thống biểu tượng. Để thể hiện ý niệm tái sinh, mỗi dân tộc có sự lựa chọn “vật thay thế” khác nhau. Chẳng hạn, người Ê-đê tạc những bức tượng gỗ đặt ở nhà mồ để nói lên sự tái sinh: tượng người đàn ông với dương vật và tượng người đàn bà với âm hộ đứng sóng đôi ở cửa nhà mồ cho ánh sáng mặt trời chiếu qua (giao tiếp âm dương là sự thu nhận sinh lực vũ trụ); tượng người đàn bà bụng chửa; tượng thai nhi nằm trong bụng mẹ... Phải chăng đó là hệ thống tượng mồ nhằm biểu đạt ý niệm tái sinh[1]?
Để nghiên cứu và nhận diện bản sắc dân tộc và sự tiếp xúc giao lưu của mỗi nền văn hoá, người ta tiến hành sưu tầm, khảo sát sự hoạt động của các biểu tượng trong đời sống trí tuệ và tâm linh của mỗi dân tộc để giải mã tâm thức của người bản địa.
Hệ biểu tượng Ấn Độ đặc biệt phong phú và tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử nhiều nghìn năm của nền văn minh vĩ đại này. Đôi khi, ta có thể vạch ra sự tiến hoá của một biểu tượng qua một thời kì dài hơn ba thiên niên kỉ! Chính vì vậy mà cái tưởng tượng và hệ biểu tượng của Ấn Độ cổ đại đã cho phép chúng ta thâm nhập vào những điều khác thường nhất, sâu kín nhất của đất nước này.
1. 2. Biểu tượng lửa trong văn hoá Ấn Độ
Trong cuốn Thế giới Trung Hoa, M. Gernet tuyên bố: “Một trong những đặc trưng của tư tưởng Trung Hoa là trò là ảo thuật bằng những biểu tượng” [5:5] và các biểu tượng này ở đâu cũng có, không phải chỉ có Trung Hoa mà còn có ở Ấn Độ và các nước khác, nhất là các nước phương Đông.
Biểu tượng là một ngôn ngữ cho phép chuyển tải một cách cô đọng và hình ảnh những sự việc hay tư tưởng nào đó. Hình ảnh đó thể hiện bộ phận nhưng lại gợi ra toàn bộ. Biểu tượng là một “cái biểu đạt” thay thế. Bảo rằng cái biểu đạt này mang giá trị biểu tượng có nghĩa là sự xuất hiện của nó tự động gợi ra một nhóm văn hoá rộng rãi khác nhau về một nhân vật, một sự việc hoặc một nhóm sự việc, ngay cả một ý tưởng trừu tượng. “Cái biểu đạt” đều là những đối tượng có sự tồn tại vật chất, do đó, nó có thể thể hiện hoặc mô tả được. Đồng thời, hệ biểu tượng chỉ có thể được giải thích theo nền văn hoá mà nó bắt nguồn. Và sự liên hệ mang tính chất văn hoá này phải có niên đại liên quan tới sự tiến hoá của chính nền văn hoá ấy.
Trong trường quan niệm của nhân loại, lửa có hình thức biểu hiện rất phong phú, tham gia vào nhiều nghi lễ trên trái đất, thực hiện những chức năng khác nhau. Đặc biệt, biểu tượng lửa tẩy uế và tái sinh được sử dụng rộng rãi cả ở phương Đông lẫn phương Tây.
Trong Kinh Dịch của Trung Quốc, lửa ứng với phương Nam, màu đỏ, mùa hè và trái tim. Đồng thời, “Lửa tượng trưng cho nhiệt huyết, cho tinh thần, nó cũng là Khí và quẻ Li...”. Họ cho rằng “Những nhà luyện đan làm ra sự bất từ bằng lửa lò của mình, thậm chí bằng lửa của lò luyện nội tâm...” và “Những người theo Đạo giáo bước vào lửa để tự giải phóng khỏi thân phận mà con người phải chịu đựng...” [Jean Chevalier và Alain Gheerbrat 1997: 5].
Truyền thuyết phương Tây cho rằng: Chúa Kitô và các thánh, tái sinh cơ thể bằng cách đi qua lửa lò của xưởng rèn” [Jean Chevalier và Alain Gheerbrat 1997: 545,162].
Trong tiếng Sanskrít, một ngôn ngữ cổ của Ấn Độ, “trong sạch” và “lửa” chỉ là một từ. Các mặt của biểu tượng lửa được thâu tóm trong giáo thuyết đạo Hinđu. Giáo thuyết này đã dành cho ngọn lửa một tầm quan trọng lớn lao, đề cập đến mọi hình thức biểu hiện và chức năng của lửa: tồn tại ở cả ba cõi, giữ vai trò hấp thụ và huỷ diệt.
Phần lớn các mặt của biểu tượng lửa tại Ấn Độ được thu tóm từ giáo thuyết của đạo Hinđu bởi vì giáo thuyết này đã dành cho lửa một tầm quan trọng cơ bản. Agni, Indra và Surya đều là những dạng lửa của thế giới trần gian, trung gian và trời: lửa thông thường, sét và mặt trời. Ngoài ra, còn hai loại lửa khác: lửa xuyên thấu, hấp thụ (vaishvanara) và lửa huỷ diệt (mặt khác của Agni). Ngoài ra, còn có lửa nghi lễ, cũng thông qua thần Agni:
“Thần Agni đã leo lên đỉnh trời
Và trong khi tự giải thoát khỏi tội lỗi
Người đã giải thoát chúng ta khỏi lời nguyền”
                                      [Atharva Veda, 12, 2; VEVD 234].
Lửa có một mối liên hệ không đổi thay, cho dù lửa tượng trưng cho nhiệt huyết (nhất là tình yêu và sự giận dữ) hay tượng trưng cho tinh thần (Atman) hay nhận thức trực giác mà sách Gita đã nói đến trong chương 4, 10, 4, 27. Ý nghĩa siêu nhiên của lửa trải rộng từ những linh hồn lang thang cho đến những anh linh thánh thần. Sách Gita đã nói: “Brahma với lửa là một” [Jean Chevalier và Alain Gheerbrat 1997: 25].
Trong các thần của văn hoá Ấn Độ, thần Lửa được coi trọng nhất:
Trong Rig Veda có hơn 200 bài ca ngợi thần Lửa, thần có mặt khắp ba cõi, mỗi nơi có hình dạng và nhiệm vụ khác nhau: hạ giới làm trung gian giữa con người và thần linh, thiêu đốt các lễ vật hiến tế; ở không trung thì giúp thần Indra - thần Mưa làm ra sấm sét, ở trên trời thì giúp thần Mặt Trời - Surva toả ra sức nóng. Agni được gọi là đấng thâm nhập khắp nơi, biết mọi việc, soi sáng tất cả, đốt cháy tất cả. Agni vừa hiền dịu, vừa mạnh mẽ hung dữ. Trong đám cưới, các đôi vợ chồng phải đi bảy vòng xung quanh đám lửa vừa đọc bảy lời thề chung thuỷ. Trong nghi lễ hoả táng, người Ấn Độ coi lửa như một phương tiện vận chuyển, hay là sứ giả, từ thế giới người sống sang thế giới người chết. Trong đám tang thì thiêu huỷ “ảo ảnh tạm thời” là cái xác khiến con người được siêu thoát. Thần Agni cũng là người theo dõi đạo đức của con người, tiêu diệt tội ác: hai lễ hội Diwalee, Holi đốt lửa để trừ tà.
Trong văn hoá Ấn Độ, lửa là biểu tượng thần thánh chủ yếu với ý nghĩa tẩy uế hoặc tái sinh. Thuật Yôga cho rằng con người có thể tu tâm bằng lò lửa nội tâm với huyệt luân xa ba - Manipura-chakra.
Các kinh Upanishads quả quyết rằng thiêu cháy ở bên ngoài không phải là thiêu cháy. Lửa trong chức năng của nó đã chuyển các sự vật sang trạng thái tế vi bằng cách đốt cháy cái vỏ bề ngoài thô lậu. Từ đó, văn hoá Ấn Độ xuất hiện biểu tượng “Kundalini thiêu cháy” trong Yoga Ấn Độ hay lửa tâm của giáo phái Mật Tông Tây Tạng. Giáo phái này cho rằng chỉ có năm trung tâm tế vi của cơ thể con người và đặt lửa ứng với trái tim. Cũng tại Ấn Độ, Taijasa - trạng thái nhân sinh, ứng với chiêm bao và các thể thức tinh vi khác, đều có nguồn gốc từ tejas - lửa.
Trong Phật giáo, ngọn lửa thiêng của đạo Hinđu đã được thay bằng ngọn lửa bên trong, nó đồng thời là tri thức xuyên suốt, là sự giác ngộ và sự huỷ bỏ cái vỏ bọc bên ngoài mang tính chất hình thức của con người.
Ý nghĩa giới tính của lửa liên hệ với kĩ thuật tạo lửa đầu tiên bằng cách cọ sát, giống với hình ảnh tính giao còn ý nghĩa tinh thần của lửa lại gắn với sự va đập. Vì thế, có hai xu hướng, hai cụm tâm lí trong biểu tượng của lửa, tuỳ vào cách tạo lửa như đã nói ở phần trên.
- Trong trường hợp thứ nhất - va đập: lửa như tia chớp, như mũi tên, có giá trị tẩy uế và soi sáng, nó được coi như lửa của ánh sáng.
- Trong trạng thái thứ hai - tinh thần: Trong tiếng Sanskrít, trong sạch và lửa chỉ là một từ. Ngọn lửa tinh thần hoá này gắn với những nghi lễ hoả táng, với mặt trời, với những dạng lửa của sự lên cao và sự thăng hoa, mọi thứ lửa đều chuyển tải một ý nguyện tẩy uế và ánh sáng. Nó đối lập với lửa giới tính, thu được bằng cách cọ sát, như là ngọn lửa tẩy uế đối lập với trung tâm sinh dục của gia đình mẫu hệ; như sự kích thích của ánh sáng trời phân biệt với nghi lễ kích thích khả năng sinh sản.
Biểu tượng của lửa có định hướng như vậy đánh dấu một giai đoạn tối quan trọng của sự trí tuệ hoá vũ trụ và ngày càng đưa con người cách xa trạng thái động vật. Kéo dài biểu tượng lửa theo hướng ấy, người Ấn Độ coi lửa là vị thần sống và tư duy mang tên Agni. Đó là bởi vì ngọn lửa bốc lên trời thể hiện khí thế hướng tới thăng hoa tinh thần.
Tuy nhiên, lửa cũng có mặt tiêu cực: khói của nó hun đốt hoặc làm người ta tối tăm, chết ngạt; nó đốt cháy, tàn phá; lửa của những dục vọng, của sự trừng phạt, của chiến tranh…
Tuy cùng có tính tẩy uế và tái sinh như nước nhưng lửa khác nước ở chỗ: lửa tượng trưng cho sự thấu hiểu, bằng ánh sáng và chân lí, đạt đến trạng thái thông tuệ siêu việt nhất, còn nước tượng trưng cho sự thanh tẩy dục vọng, hướng tới dạng thức trong sạch nhất, đó là lòng nhân từ.
Chính Shiva đã hát một bài thánh ca để ca ngợi nữ thần lửa Agni trong một Purănas:
“Nữ thần là cội nguồn của sự chuộc tội... Tội lỗi được người có tội tích luỹ lại trong hàng triệu lần sinh thành có thể sẽ biến mất chỉ cần tiếp xúc với một ngọn gió được tạo nên từ bà... Giống như khi ngọn lửa thiêu trụi nhiên liệu, dòng chảy này thiêu trụi tội lỗi của những kẻ xấu xa” [Ramayana 1985: 97].
Ở Ấn Độ, một trong những phép tu luyện với lửa là lên đường tới một trung tâm hành hương thần thánh để hiến tế Shiva, một nơi tên là Gokarna (tai bò) ở miền Nam Ấn Độ. Ở đây, con người phải hiến mình cho sự sám hối mãnh liệt, cố gắng tích luỹ một năng lượng siêu nhiên thông qua sự hành xác. Đứng với một cánh tay không nâng lên (urdhavabăhu), anh ta thực hành sự “sám hối của năm ngọn lửa” (păncatapas).
Huyền thoại này đề cao sức mạnh phi thường của sự tự nguyện. Thông qua sự chịu đựng những nỗi đau khổ nhờ lòng vị tha cao cả mà con người có thể tích luỹ được một năng lượng khổng lồ cả về tâm lí và sinh lí. Trong con người anh ta, sức mạnh của vũ trụ trở nên tập trung tới mức cao độ trong sự rực sáng chói loà, đến mức nó có thể làm tan chảy sự kháng cự cả những sức mạnh ma quỉ của vũ trụ hiện diện trong các con quỉ. Sự dự trữ của nguồn năng lượng tập trung này được gọi là tapas - nhiệt năng của cơ thể. Tapas, khi loé lên, có thể xuyên qua và làm tan chảy mọi sự kháng cự.
Việc sản xuất ra một nhiệt năng nóng như vậy, trữ nó và sử dụng nó cho những mục đích ma thuật là mục đích của hầu hết mọi dạng luyện yoga cổ đại. Trong Kinh Vêđa Ấn Độ, năng lượng như vậy được các vị thánh thần sử dụng để đáp ứng nhiều nhu cầu. Đặc biệt, vì mục đích sáng tạo, các thần thường tự hun nóng mình rồi sau đó tạo ra cả vũ trụ; bằng nội lực phân thân bên trong, họ đem lại sinh lực cho mọi vật qua hơi thở của mình hay ấp một quả trứng vũ trụ. Tương tự như vậy khi tu luyện, một ảnh hưởng ma thuật sẽ tự động biến đổi bản chất của người hiến tế. Điều đó giống như một tiến trình hoá học về sự thanh khiết hoá và chuyển đổi, bản chất cứng rắn như kim loại của anh ta trở nên thăng hoa, anh ta trở nên hiện thân của bản chất thần thánh của thực tại vĩnh cửu. Chính vì vậy mà người Ấn Độ thường hoả táng người chết như một cách để họ có thể siêu thoát vì lửa vừa có sức mạnh tẩy rửa vừa có khả năng tái tạo sự sống.
Cũng giống như nước, tại Ấn Độ, lửa cũng được dùng để làm một phương tiện thử tội. Nhưng người ta cho rằng lửa không phán xử mà những kẻ bị thiêu đã tự phán xử mình.
Có hai biểu tượng liên quan đến biểu tượng Lửa trong văn hoá Ấn Độ:
a. Máu và màu đỏ máu
Máu tượng trưng cho tất cả những gì liên quan đến lửa, với sức nóng và sự sống, gắn với mặt trời. Tất cả những gì là đẹp, quí phái, hào hiệp, cao thượng đều gắn với những giá trị đó. Máu cũng tham gia vào ý nghĩa tượng trưng phổ quát của màu đỏ.
Ở khắp mọi nơi, máu đều được coi là phương tiện truyền dẫn sự sống. Máu chính là sự sống. Đôi khi, máu cũng được coi là bản nguyên của sự sinh thành.
Máu còn ứng với nhiệt, nhiệt của sự sống và nhiệt của cơ thể, trong thế đối lập với ánh sáng, ứng với hơi thở và với tinh thần. Cùng quan niệm ấy, máu là bản nguyên của thân xác và là phương tiện để truyền dẫn những đam mê.
Máu bao gồm một biểu tượng kép: máu của Trời, gắn với Mặt Trời và Lửa; máu kinh nguyệt gắn với Mặt Đất và Mặt Trăng. Qua hai cặp đối lập này, ta nhận ra được tính nhị nguyên cơ bản của ánh sáng và bóng tối. Ở nhiều nơi tại Ấn Độ, người ta coi máu người là cần thiết cho việc tái sinh theo chu kì của Mặt Trời vì nó chứa mầm sống, là sức mạnh nội tại của con người, là tượng trưng cho sự can đảm và sự trung thành, chân thực. Do đó, trong văn hoá Ấn Độ cổ đại, nguời ta có tục hiến sinh khi làm lễ tế Thánh thần hay Trời Đất. Đồng thời, người ta cũng có lễ tế thần Kali - một hoá thân khác của thần…
Trong Mahabharata, máu được đề cập đến 22 lần, chủ yếu là qua hai màu “đỏ thắm” và “đỏ lòm”. Đặc biệt, là hình ảnh của máu được ví với sắc thắm của hoa rừng. Điều này cũng xuất hiện trong sử thi Ramayana:
“Máu chảy tuôn khắp thân mình, hai dũng sĩ nom như hai cây Kinxuka phủ đầy hoa đỏ thắm” [Mahabharata 1979: 407].
Từ ngàn xưa, trong nhận thức của con người, màu sắc cũng có ý nghĩa vũ trụ và xuất hiện như những thần linh trong thần thoại.
Trong quan niệm nói chung của con người, màu đỏ thuộc gam màu nóng, biểu tượng cho vật chất đang bốc cháy, là màu của ban ngày, biểu tượng của sinh lực sống, kích thích các hoạt động khác bởi ánh chói của nó, là màu của lửa và máu, hình ảnh của nhiệt tình và hăng say, của vẻ đẹp và sức mạnh... Khi sử dụng để mô tả chiến trận, màu đỏ tượng trưng cho năng lực chiến trận, sự được thua trong giao tranh. Đặc biệt, màu đỏ tượng trưng cho vật dẫn linh hồn, phương tiện truyền dẫn những đam mê, là màu của sự sống, lòng trung thành và sự bất tử, màu của sự giàu có và hoà hợp...
Trong các sử thi Mahabharata và Ramayana, màu máu đỏ là cảm quan tươi sáng thuộc về cái đẹp – cái bất tử. Hình ảnh “máu đỏ thắm như hoa rừng” được sử dụng như một biểu tượng cho sự giải thoát cao cả, gia nhập cõi vĩnh hằng của người chiến binh anh hùng trên chiến địa. Với Mahabharata, màu của máu không được nhấn mạnh ở giá trị chiến công mà chú trọng đến ý nghĩa siêu thoát và bất tử hoá người anh hùng. Chỉ có tâm hồn một dân tộc mộ đạo như Ấn Độ mới có thể biến màu máu thành một phương tiện nghệ thuật đặc thù để nhìn nhận sự hi sinh và chiến công của người anh hùng trong các sử thi.
Trong Ramayana, trở đi trở lại nhiều lần là hình ảnh máu nở thành hoa. Hình ảnh người anh hùng hiện lên trong cảm hứng hùng tráng được đo bằng chiều kích vũ trụ:
“Hai người dũng sĩ (Lakmana và Indragit) người đỏ lòm máu, nom như hai cây Kinxuka nở hoa, và với các mũi tên cắm trên người, họ nom như hai trái đồi có cây mọc trên đó. Với thân hình đầy máu đông, họ nom như hai cột lửa cháy sáng rực” [Ramayana 1989: 183].
Khi chiến đấu chống lại Ravana, hình ảnh của Rama cũng phi thường và đẹp đẽ không kém:
“Nhưng Rama vẫn đứng hiên ngang không động thần, như một ngọn núi, gạt rơi mọi mũi tên bắn vào chàng. Ravana tay đưa thoăn thoắt đánh vào cạnh sườn Rama bằng những mũi tên lấp lánh như ánh mặt trời. Chàng bị thương nom như một cây Kiaxxuka nở hoa và trong cơn điên giận, chàng sáng rực rỡ, không ai có thể nhìn vào được chàng, chẳng khác mặt trời chói loá vào kì tận thế” [Ramayana 1989: 201].
Sắc thắm đó của máu đã tô đậm chiến trường Kurukshentra:
“Bhima mình đỏ lòm với những vết thương toé máu trông như một cây Ashoka đang thời kì nở rộ”.
“Với những vết thương đẫm máu, họ hiện ra như một khu rừng mà thân cây bị bão gió nhổ bật rễ, phải nằm sóng xoài trên mặt đất với những bông hoa đỏ thắm của chúng” [Mahabharata 1979: 407].
b. Bò
Kinh Vêđa viết rất nhiều về con bò.
“... Con bò nhảy múa trên đại dương thiên không
Cho ta thưởng thức những vần thơ và giai điệu.
... Con bò lấy lễ hiến sinh làm khí giới
Và từ lễ hiến sinh đã phát sinh trí thông minh.
... Con bò, nó là hoá thân của tất cả:
Thần và Người, những Asura, Mabe và Thiên sứ”
Nhiều đoạn trong Kinh Vêđa cũng mô tả sự linh thiêng của con bò:
“Là Thánh thần, là Nhiệt huyết Vũ trụ,
Đúng, con Bò truyền sự sống cho các Thần,
Con Bò truyền sự sống cho loài người”
(Kinh Vêđa, 262 - 263)
Con bò còn một chức năng khác là dẫn linh hồn về bên kia thế giới. Khi một người Ấn Độ sắp chết, người ta dẫn một con bò cái đến đầu giường của anh ta. Trước khi tắt thở, người hấp hối tóm chặt lấy đuôi con vật. Người chết sau đó được chở đến dàn thiêu trên một chiếc xe có mấy con bò cái kéo và một con bò đen theo sau. Người ta sẽ giết thịt con bò đen này, thịt nó đặt lên xác người chết rồi da nó phủ lên toàn bộ những gì đặt lên giàn thiêu. Khi dàn thiêu bốc lửa, những người dự lễ cất tiếng cầu nguyện cho con bò cùng với người quá cố được thăng thiên nhập vào vương quốc của các sinh linh chân phúc chạy dọc giải ngân hà.
Theo Kinh Vêđa, bò cái tượng trưng cho Mẹ màu nhiệm, bản nguyên là giống cái, là nguồn gốc của cả Trời và Đất. Con bò sữa khoang tượng trưng cho người lưỡng tính nguyên thuỷ, còn bò cái trắng cũng như bò cái đen thì có quan hệ với việc hiến sinh. Bản thân con bò là biểu trưng cho ánh sáng.
Con bò đực gợi ý niệm về thể lực và huyết khí không thể kiềm chế. Trong Rig - Vêđa, con Rudra hung dữ có tinh dịch làm cho đất đai màu mỡ, đơm hoa kết trái dồi dào. Được đồng hoá với Nhiệt huyết của Vũ trụ, con bò là khí nóng làm sống động muôn loài. Con bò đực Indra là sức mạnh nồng nhiệt, truyền sự sống. Nó gắn liền với tổ hợp phồn thực: sừng, trời, nước, sấm, mưa... Trong đạo Hinđu, nếu bò đực là biểu tượng của thần Indra thì nó cũng còn là biểu hiện của thần Shiva. Cũng như vị thần này, nó trắng ngần, quí phái, cái bướu của nó gợi lên sự liên tưởng về một ngọn núi phủ tuyết. Nó biểu thị năng lực tính dục. Cưỡi bò đực như Shiva làm lại có nghĩa là chế ngự và chế biến năng lực ấy, sử dụng nó để luyện yoga và tu luyện tinh thần.
Nandi, con bò đực của thần Shiva là tượng trưng cho công lí và sức mạnh. Nó biểu thị Dharma, trật tự của vũ trụ.
2. Một số nghi lễ liên quan tới lửa
2.1. Nghi lễ hoả táng
Trong văn hoá Ấn Độ, lửa dùng để “chuyển sự vật sang trạng thái tế vi bằng cách đốt cháy cái vỏ ngoài thô lậu” [Jean Chevalier và Alain Gheerbrat 1997: 546] cho nên trong nhiều trường hợp, lửa cũng tượng trưng cho sự ra đi nhẹ nhàng, thanh thản, như một sự giải thoát kì diệu khỏi số kiếp con người.
Trong sử thi Mahabharata, vua Dhritarashtra, Gandhari và Kunti sống ở trong rừng để tu luyện và sám hối trong ba năm. “Một ngày nọ, khi Dhritarashtra vừa tắm gội xong và trở về am thì khu rừng bỗng bắt lửa. Gió thổi mạnh và lửa lan khắp nơi... Dhritarashtra nói: “Lửa sẽ bao bọc lấy tất cả bọn ta”. Rồi ông vua mù, Gandhari và Kunti “ngồi xuống đất, mặt quay về hướng Đông trong tư thế Yoga và bình tĩnh nạp mình vào cho lửa” [Mahabharata 1979: 482]. Trong hình ảnh này, hình ảnh ngọn lửa được đặt trong mối quan hệ với cái chết càng lộ rõ giá trị thẩm mỹ. Đây là ngọn lửa hoá giải, giải thoát cho nỗi khổ cực của Dhritarashtra, Gandhari và Kunti với tư cách là những người trần, đồng thời đăng quang cho họ với tư cách là những người Trời. Tâm hồn của họ đã trở nên chói sáng thoát tục.
Trong Kinh Vêđa, thần Agni là nhịp cầu nối giữa thế giới thần linh và thế giới trần tục.
Mahabharata dùng biểu tượng ngọn lửa để mô tả cái chết: “Khi đấng Bàlamôn sáng tạo ra muôn loài, Người hết sức lo lắng". “Muôn loài sẽ sinh sôi nảy nở và chẳng bao lâu nữa sẽ gia tăng số lượng đến Trái Đất cũng không mang nổi. Như vậy thì không nên sao chép lại việc đó”. Ý nghĩ đó của Đấng Bàlamôn liền biến thành ngọn lửa lớn ấy, bắt nó phục tùng một luật lệ mà chúng sinh gọi là cái chết” [Mahabharata 1979: 384].
Qua hình ảnh đó, sử thi Mahabharata đã đi đến kết luận rằng cái chết là một qui luật sinh thành không thể tránh thoát được, đặt ra vì hạnh phúc của thế gian. Vì thế, người Ấn Độ cho rằng: không thể gọi là sáng suốt chân chính nếu tỏ ra nôn nóng trước cái chết hoặc đau buồn vô độ đối với cái chết. Thương xót những ai đã qua đời là không phải lẽ. Chúng ta có thể có lí nếu tỏ ra đau buồn đối với những ai còn ở lại. Thật là một cách nhìn đầy tính triết lí sâu xa!
Khi hoả táng, người Ấn Độ đã sử dụng ngọn lửa như “một biểu tượng linh thánh, của sự giác ngộ tuyệt đích và sự huỷ bỏ vỏ bọc bề ngoài” [Jean Chevalier và Alain Gheerbrat 1997: 545].
2. 2. Lễ hiến sinh
Văn hoá Ấn Độ quan niệm sống hoà hợp chính là đạo lí, đạo người đồng thời phải phù hợp với đạo trời. Người Ấn Độ tin rằng thế giới không thể cứu vãn được nếu mọi người đều cướp bóc, thế giới chỉ phát triển khi con người và vạn vật, tất thảy đều làm tròn bổn phận của mình. Tất thảy đều hành động vị tha, cho thì được nhận, nhận thì phải đáp đền. Các sử thi Ấn Độ cố gắng vẽ ra một bức tranh rộng lớn về sự hoà điệu trong vũ trụ.
Hiến sinh là một hình thức của nghi lễ hiến tế, nghi lễ đóng vai trò trung tâm của Kinh Vêđa. Con người dâng thực phẩm để tái hồi sức lực mà thần thánh đã phân tán vào quá trình sáng tạo và duy trì sự sống muôn loài trong vũ trụ. Nhờ năng lực được phục hồi như thế, thần thánh có thể tiếp tục sáng tạo và duy trì sự sống. Cho nên, trong lễ hiến sinh, sự hi sinh sự sống của một cá thể này là để chuyển vận không ngừng dòng sự sống bất tuyệt của vũ trụ như một cái toàn thể. Mahabharata đã nhìn cuộc chiến tranh trên cánh đồng Kurukshetra như một cuộc hiến tế vĩ đại: phá huỷ để sáng tạo, tử mở đường cho sinh. Karna mãn nguyện vì được làm vật hi sinh trong lễ tế vĩ đại của chiến tranh, mở đường cho một trật tự thế giới mới.
“Chính nhờ lễ hiến sinh mà các thần được nuôi dưỡng. Chính nhờ lễ hiến sinh mà gió thổi. Chính nhờ lễ hiến sinh mà thần Mặt Trời Surya không ngủ, ngày nào cũng chiếu sáng, và tạo ra ngày - đêm làm nhịp điệu hoạt động - nghỉ ngơi cho con người, thần Mặt Trăng không ngủ hết tháng nọ tiếp tháng kia, thần Lửa Agni không ngủ đỡ gánh nặng vĩ đại của mọi động vật và bất động vật, những dòng sông không ngủ, mang dòng nước chảy đi muôn nơi, nơi thần Dông tố Indra hùng mạnh không ngủ, ban mưa cho Trái Đất” [The Mahabharata 2000: 48].
Chính vì vậy mà trong Mahabharata, hình ảnh ngọn lửa luôn cháy lên như một tín hiệu thẩm mĩ quen thuộc. Chỉ trong cuốn Mahabharata rút gọn, tác giả cũng đã 53 lần sử dụng hình ảnh ngọn lửa với nhiều sắc thái biểu cảm khác nhau: khi là ngọn lửa hữu hình, ngọn lửa thiêu huỷ toà lâu đài bằng sáp; khi là ngọn lửa vô hình – ngọn lửa của sự thù hận, đố kị, dự báo một sức huỷ diệt ghê gớm. Hình ảnh “những bó đuốc cháy rần rật” ở đêm thứ mười bốn của chiến trận, khi ranh giới giữa ngày và đêm, xấu và tốt, thiện và ác đã bị xoá nhoà, được đặt bên hình ảnh “những ngọn lửa ghen tuông, tị hiềm trong tin Duryodhana vẫn rực cháy lên” [Mahabharata 1979: 105-106]. Chỉ riêng lửa đốt rừng và đám cháy rừng cũng đã được dùng tới 16 lần trong sử thi vĩ đại này[2].
Sử thi Mahabharata đã nhìn cuộc chiến tranh trên cánh đồng Kurukshetra như một thiết kế vĩ đại: phá huỷ để sáng tạo, tử mở đường cho sinh. Dũng sĩ Karna lấy làm mãn nguyện vì được làm vật hi sinh trong lễ hiến tế vĩ đại của chiến tranh, mở đường cho một trật tự thế giới mới.
“Hỡi Krishna, người con của dòng dõi Vrishni, một lễ hiến sinh vĩ đại sắp được hoàng tử của vua Dritarashtra tổ chức. Ngài sẽ là Upadrashtri của lễ tế sinh này. Cung thần Gandhiva sẽ là cái muôi (dùng trong lễ tế sinh), năng lực của các chiến binh sẽ là bơ tinh khiết (được đốt cháy). Các vũ khí mà Arjuna sử dụng sẽ là các câu thần chú. Giống như cha chàng, hoặc có lẽ còn xuất sắc hơn cả cha chàng nữa, Abhimanyu sẽ là khúc tụng thi chính thức được hát lên. Bhima sức mạnh vô song, sư tử giữa loài người, người anh hùng tiêu diệt những đàn voi gầm rống dại điên trên chiến địa, sẽ là Udgatri và Prastotri trong lễ hiến sinh này. Vua Yudhisthira đức hạnh sẽ là thần Brahma. Tiếng tù và, tiếng trống chiêng... ầm vang như tiếng gầm sư tử sẽ là tiếng gọi các khách mời đến ăn uống. Hai con trai của thứ phi Madri, anh hùng Nakula và anh hùng Sahadeva, danh tiếng, tài năng lỗi lạc, sẽ là người gọi các con thú tế sinh – hàng dãy những chiến xa màu trắng kia để chở những con thú đó. Những mũi tên nhọn tựa răng bò dùng làm thìa để uống rượu thiêng Sôma, máu các chiến sĩ là bơ trong. Các ngọn giáo, các cây chuỳ sáng loáng là đầu để cời ngọn lửa và các cọc dựng ở góc đàn tế lễ giữ cho củi khỏi đổ... Hỡi Krishna đôi tay mạnh, khi dạ lễ bắt đầu, Ghatotkacha hùng dũng sẽ xả thịt các con mồi được dâng hiến. Hỡi Krishna, lúc ngài thấy tôi bị Arjuna giết, ấy là lúc nghi thức Prachiti bắt đầu. Khi nam tử thứ hai của Pandu uống máy Duryodhana và rống lên, đó chính là nghi lễ uống rượu Sôma. Khi hai hoàng tử nhà Panchala (Dhrishtadyumna và Sikhadin) tiêu diệt Drôna và Bhissma, buổi tế lễ đó sẽ nghỉ giải lao một chút. Lễ tế sinh của hoàng tử của vua Dhrishtarashtra sẽ kết thúc khi Bhima giết Duryodhana. Lúc các goá phụ của Kaurava, không người chở che, bảo vệ, than khóc chồng con họ trên cánh đồng cát bụi, chó quạ, diều hâu bu xúm lại thì đó sẽ là cuộc tẩy uế cuối cùng của lễ tế sinh” [Mahabharata 1979: 273-274].
Trong Ramayana, ngọn lửa cũng có tầm quan trọng trong khi mô tả nhân vật và khung cảnh hoành tráng của chiến trường.
“Lửa bắt đầu thiêu đốt các căn phòng. Cổng thành bốc cháy nom như một đám mây sáng loá trong một ánh chớp, và các ngôi nhà đang cháy hiện ra như nhiều ngọn núi bị ngọn lửa rừng quay tròn. Trong cái đêm tai hoạ này, những phụ nữ ngủ say trong các dinh thự bảy tầng bị lửa đốt, vội vứt bỏ các thứ trang sức và đau đớn la hét. Những ngôi nhà cháy đổ sụp xuống rầm rầm, như những đỉnh núi bị sét đánh bạt và ánh lửa toả lan ra xa, như những ngọn núi Himalaya bị lửa rừng thiêu đốt. Ngọn lửa tàn bạo soi sáng các dinh thự. Vào lúc đó, Lanka hiện ra như cây Kinxuka nở hoa. Dân chúng khiếp đảm, cởi dây buộc cho ngựa voi. Lanka ầm ầm huyên náo hiện lên như một đại dương cuộc sống lúc nhúc những cá mập, cá sấu. Ở đâu đó, con ngựa bỏ chạy lúc nom thấy con voi, trong khi tại nơi khác, con voi chạy trốn một con tuấn mã. Nước đại dương đỏ lên trong ánh lửa dữ dội và các ngôi nhà bốc cháy xuống mặt nước xao động. Lanka đã bốc cháy như vậy đấy” [Ramayana 1989: 159].
Không chỉ dùng lửa để mô tả chiến tranh, Ramayana còn dùng lửa để mô tả những cơn bão đang gào xé trong lòng người. Trên đường đi tìm kiếm Sita, cuộc sống đôi lứa của muôn loài đã đốt cháy lên khát vọng yêu đương của Rama và khơi gợi nỗi thiếu vắng Sita:
“Mùa xuân, như lửa, đang thiêu đốt chàng đến khổ. Hoa Axôka là than hồng, tiếng vo ve của đàn ong là tiếng lửa vèo vèo, và màu đồng thau là ngọn lửa” [4:6].
Hay mô tả cơn giận trong khi chiến đấu:
“Rama giận dữ nâng chiếc cung lên, nhìn chằm chằm vào Kumhakarna như muốn thiêu đốt y bằng lửa giận của mình” [Ramayana 1989: 134].
2. 3. Tục hoả thiêu goá phụ theo chồng
Sự hiến sinh goá phụ đã từng tồn tại trong số những thổ dân tại vùng đất nay là lãnh thổ Ấn Độ và đã được người Aryan thời Veda mô tả trong các tác phẩm của mình như Rig Veda và Atharva Veda. Các thổ dân thời đó đã tin rằng sức mạnh của một linh hồn trải qua shakti là siêu nhiên và vô cùng to lớn, đặc biệt là có ảnh hưởng đến những người mà người đàn bà đó yêu mến khi còn sống. Người ta còn tin rằng người đàn bà đã qua hoả thiêu có thể xuống tận địa ngục và buộc các lực lượng ma quỉ phải trợ giúp hoặc tránh xa những người thuộc tổ tiên, gia tộc nhà mình, bạn bè và có thể giải thoát sau khi chết. Niềm tin luôn luôn được nhấn mạnh rằng của cải của một người đàn ông nên được gửi kèm theo để ông ta dùng vào kiếp sau, nhất là nếu chúng được thiêu cùng anh ta. Vợ anh ta chính là tài sản quí nhất và là nguồn vui của anh ta trên trần gian cho nên bà ta cần phải chết theo để phục vụ anh ta trong kiếp sau. Người Hy Lạp nói rằng luật shakti là để ngăn một người vợ đầu độc chồng mình, việc người vợ buộc phải chết theo chồng mình chính là để ngăn cản bà ta có những dự định xấu đối với chồng mình. Một lí do khác mà những người ủng hộ shakti có thể cư xử sai và khinh thường gia đình nếu bà ta có quyền sử dụng tài sản của chồng sau khi chồng chết. Việc phải chu cấp người goá phụ và muốn giành được tài sản của bà ta cũng là lí do khiến có những người ủng hộ luật shakti.
Thực ra, danh dự giành cho những người đàn bà chịu shakti là để làm mờ mắt những người đàn bà để họ chịu chết theo chồng. Trong một số ngôi nhà của những người theo đạo Hindu, những dấu bàn tay làm bằng bột màu in ở trên tường của những người đàn bà đã chịu hoả thiêu, nhiều dấu vết của những người đàn bà chịu hoả thiêu khác thậm chí được nâng niu như là “những viên đá shakti” đã ghi lại đạo đức và những công đức của họ, ghi lại dấu ấn của họ...
Shakti đã trở thành một phần của phong tục tập quán của người Hindu cho đến khi Raja Ram Mohan Roy đứng lên chống lại nó năm 1818. Sau này, Thống sứ Lord William Bentinck đã đưa ra một lệnh trong năm 1829 tuyên bố rằng, nếu ai bắt phụ nữ phải chịu shakti thì người đó sẽ bị trừng phạt như những kẻ giết người, lệnh này có hiệu lực trên toàn đất Ấn Độ thuộc Anh.
Ngày nay, tình trạng hiến sinh phụ nữ theo tục shakti đã hầu như không còn trên đất Ấn Độ và cũng không còn lệnh cấm tái giá đối với goá phụ. Họ có thể tái giá cũng như được quyền sử dụng tài sản của người chồng đã chết. Luật hôn nhân và gia đình hiện nay tại Ấn Độ đã quan tâm đến cuộc sống và quyền lợi của những goá phụ và đem lại quyền tự do cũng như điều kiện sống tốt đẹp cho họ.
2. 4. Lễ hội Diwali
Đây có thể là lễ hội nổi tiếng nhất, lớn nhất trong các lễ hội tại Ấn Độ. Nó được tổ chức khắp đất nước Ấn Độ, cũng như trong các cộng đồng Ấn kiều tại nước ngoài. Lễ hội này thường kéo dài sau lễ Dusshera - Lễ đốt quỉ. Người dân thường gọi nó với tên gọi là “Lễ hội ánh sáng”, có lẽ vì vào dịp này, người ta thường thắp sáng những ngọn đèn dầu nhỏ, được gọi diyas - và bày chúng xung quanh nhà, trong sân, trên tầng cao nhất của ngôi nhà, trong vườn hay trên các bức tường. Tại thành thị, người ta thường thắp nến thay cho những ngọn đèn này, và trong các gia đình trưởng giả mới nổi, người ta thậm chí thắp những ngọn đèn nêong thay cho nến!
Diwali hay “Lễ hội ánh sáng” là một trong những dịp cầu khấn các vị thần của sự phồn vinh, thịnh vượng, nó được người dân Ấn Độ kỉ niệm rộn rã, huy hoàng khắp đất nước. Diwali là cách gọi tắt của từ Deepawali - có nghĩa là những chùm tia sáng. Lễ hội bắt đầu vào ngày 15 Ashwin (tức là tháng 10 hay 11). Đây là lúc đêm trăng non hay còn gọi là Amavasya sẽ được con người biến thành một đêm vô cùng huy hoàng, rực rỡ với ánh sáng tràn ngập nơi nơi.
Đối với đa số người dân Ấn Độ, Diwali là một lễ hội kéo dài ba ngày, bắt đầu bằng ngày 13 - Dhan Teras, ngày hôm sau là ngày Choti Diwali hay Roop Chaturdashi vào ngày thứ 14 và kết thúc vào ngày trăng rằm đêm 15.
Ngày Roop Chaturdashi/Choti Diwali
Ngày tiếp theo Dhanteras là Roop Chaturdashi khi số mệnh sẽ an bài cho người ta sự may mắn cho một năm mới. Vào ngày này, người dân phải tắm rửa sạch sẽ, vui tươi, khoẻ mạnh và trang điểm đẹp đễ để nhận được phước lành từ các vị thánh thần vì con người có bổn phận phải giữ gìn cho cơ thể mình ở tình trạng tốt đẹp nhất, vì đây chính là hình dạng tương tự như Thánh thần mà họ được ban cho. Khi bình minh tới, không khí lễ hội càng trở nên vui tươi. Một chiếc đèn được đốt bằng bơ tươi với những bấc đèn được đặt theo bốn hướng được thắp lên cùng với 16 ngọn đèn nhỏ hơn và ngôi nhà đã sẵn sàng để đón tiếp nữ thần Mahalakshmi ghé thăm.
Diwali - Những chùm tia sáng
Vào ngày Diwali, số đèn được thắp sáng lên tới 26 ngọn được đặt dưới chân của tượng thần Lakshmi và thần Kuber - vị thần của sự phồn vinh thịnh vượng. Ganesha - vị thần luôn giúp con người vượt qua mọi trở ngại, thần Indra - người quyết định quyền lực và sự hạnh phúc của con người; thần Vishnu - người gia ân cho những lời ước và nữ thần Saraswati, nữ thần Trí tuệ sẽ chứng giám cho những ước nguyện của con người cùng nữ thần Mahalakshmi. Người ta sẽ phân phát bánh kẹo cho người nghèo và những người không may mắn để san sẻ sự hào phóng của nữ thần.
Lễ mừng Diwali còn đi kèm theo việc tặng quà, bánh kẹo cho nhau, những lễ đốt pháo bông rực rỡ huy hoàng. Cũng giống như những lễ hội khác tại Ấn Độ, Diwali có tầm quan trọng và ý nghĩa khác nhau đối với từng vùng. Tại miền Bắc Ấn Độ, Diwali là lễ chào đón chàng Rama trở về nhà tại Ayodhya sau khi đánh bại Ravana và đăng quang. Tại Gujarat, đây là lễ hội tôn vinh nữ thần Lakshmi, nữ thần của sự phồn vinh, thịnh vượng. Tại Bengal, lễ hội này lại gắn với nữ thần Kali. Dù ở đây thì Diwali cũng nhấn mạnh sự tái sinh của sự sống, người ta thường mặc quần áo mới trong lễ hội này hay chào đón một mùa Đông qua đi, một mùa Xuân mới bắt đầu với mùa gieo hạt - giống như lễ xuống đồng của người Việt Nam.
2. 5. Lễ hội Holi
Trong Ấn Độ cổ đại, Holi có thể coi là dịp để con người quên sự tách biệt giữa các đẳng cấp và giới tính, và được phép làm nhiều điều mà có thể ngày thường bị coi là cấm kị.
Ngọn lửa trong lễ Holi được coi là một loại dàn thiêu vì nó được coi là dàn lửa dùng để thiêu quỉ cái Holika. Theo như truyền thuyết, Hiranyakshipu là vua của loài quỉ, hắn muốn trả thù cho cái chết của em trai bị thần Vishnu giết. Hắn đã tu luyện nhiều năm và có đủ quyền năng để trở thành đức vua của cả ba thế giới. Tham vọng và quyền năng của hắn lớn đến nỗi lửa bắt đầu bốc lên từ trên đầu hắn và đe doạ thiêu huỷ toàn bộ trần gian. Quá lo sợ, các thần vội vàng chạy đến cầu cứu thần Brahma. Thần Brahma bèn xuất hiện trước mặt quỉ vương và hắn xin thần một ân huệ là sẽ không ai có thể giết chết hắn, không phải là thần cũng không phải là người hay thú, không chết ban đêm cũng chẳng chết ban ngày, không chết trên trần gian, địa ngục hay ở thiên đàng. Thần Brahma đồng ý ban ân huệ đó cho vua quỉ.
Tin rằng mình sẽ được bất tử nhờ ân huệ của thần Brahma và quyền phép đã tu luyện được, vua quỉ trở nên kiêu căng và bắt tất cả mọi người trên trần gian chỉ được thờ phụng mình hắn. Tuy thế, con trai vua quỉ tên là Prahalad thì lại là người thờ phụng cuồng nhiệt thần Vishnu nên vẫn tiếp tục thờ phụng vị thần này. Vua quỉ tức giận, quyết định giết con để ra uy nhưng mọi nỗ lực của hắn đều thất bại. Vua quỉ bèn nhờ em gái là Holika là người vốn có sự miễn nhiễm với lửa để trừng phạt con trai. Hắn ta đốt một đống lửa lớn, bảo Holika ngồi lên đống lửa, tay ôm chặt Prahalad. Thần Vishnu bèn hiện hình để cứu Prahalad và quỉ cái Holika đã bị trừng phạt. Ngọn lửa được đốt trong đêm Choti Holi được người Ấn Độ tin rằng là biểu tượng của sự tiêu diệt ma quỉ và bóng tối. Đây chính là thời điểm lí tưởng để tẩy rửa thanh sạch sau những tháng ngày lạnh lẽo, mây mù u ám của mùa Đông.
Trước ngày lễ này, mọi người đi thu nhặt củi rác, phân bò, quần áo cũ và vào ngày lễ sẽ cùng nhau nhóm một đống lửa lớn. Đàn ông và đàn bà, mọi người từ mọi đẳng cấp khác nhau đều tụ hợp cùng nhau để ca hát nhảy múa. Người ta vùi một bình lớn chứa những hạt kiều mạch và thức ăn dưới đống lửa để hầm. Khi lửa tàn, người ta sẽ ăn uống cùng nhau. Tình hình của vụ mùa tới sẽ được dự đoán qua tình trạng đống lửa cháy có đượm không, to không, thức ăn trong bình có tơi ngon không. Đôi khi, người dân còn mang những viên than hồng lấy từ đống lửa chung về nhóm bếp tại nhà. Tro của đống lửa trong lễ Holi cũng được coi là có quyền năng xua đuổi tà ma, tật bệnh.
Sang ngày hôm sau mới bắt đầu tục té nước có phẩm màu để chúc phúc.
Ngoài những nghi lễ và lễ hội như đã nêu trên, ở Ấn Độ còn nhiều nghi lễ khác liên quan đến biểu tượng lửa như Dusshera - Lễ đốt quỉ, Lễ đốt và thi pháo bông… mà chúng tôi không thể kể hết ở đây.
Kết luận
Dù chúng ta có nhận thức được hay không thì hàng ngày, chúng ta vẫn đang sử dụng biểu tượng để diễn đạt và giao tiếp với mọi người xung quanh ta. Cách thức hình thành, lối sắp đặt, cách giải thích các biểu tượng được rất nhiều ngành khoa học quan tâm, cố gắng hợp lực nhau lại để giải mã những ẩn ngữ do các biểu tượng đặt ra, huy động các năng lượng được dồn nén trong các biểu tượng ấy.
Văn hoá Ấn Độ là một nền văn hoá văn minh vĩ đại, nó chứa đựng một hệ thống biểu tượng ngay từ giai đoạn cổ xưa nhất của xã hội loài người và hệ biểu tượng đó đã ảnh hưởng rất lớn đến cách tư duy, biểu đạt, cách sống của chính người Ấn Độ cũng như của các dân tộc chịu ảnh hưởng của nền văn hoá ấy.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt
Jean Chevalier và Alain Gheerbrat 1997: Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, Nxb. Đà Nẵng và Trường viết văn Nguyễn Du, Dịch từ nguyên bản tiếng Pháp Dictionnaire des symboles (Édition revue et augmentée, Robert Laffont, Paris 1992).
Phan Thu Hiền 1999: Sử thi Ấn Độ, Tập I, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
Nguyễn Thị Mai Liên 1999: Nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật trong sử thi Ramayana. - Luận án Tiến sĩ.
Ramayana 1989: 3 tập (I, II, II) do Phạm Thuỷ Ba dịch. – H.: Nxb. Văn học.
Mahabharata 1979: bản dịch của Cao Huy Đỉnh và Phạm Thuý Ba. – H.: Nxb. Khoa học Xã hội.
Maurice Louis Tournier 1991: L'imaginaire Et La Symbolique Dans La Chine Ancienne. – Paris: L'Harmattan, 575 p. (Cái tưởng tượng và Hệ biểu tượng của nước Trung Hoa cổ đại, Bản dịch của Đỗ Thu Hà).
Nguyễn Thị Tuyết Thu 2002: Sự thể hiện nhân vật anh hùng trong sử thi cổ đại Mahabharata. - Luận án Tiến sĩ.
Howard Garner 1998: Cơ cấu trí khôn. – H.: Nxb. Giáo dục.
de Saussre F. 1973: Giáo trình ngôn ngữ học đại cương. – H.: Nxb. Khoa học Xã hội.
Tiếng Anh
Debiprasad Chattopadhyaya 1976: What is Living and What is Dead in Indian Philosophy. - People’s Publishing House.
Mahabharata 1955: C. Rajagopalachari. - Pulishing House Bharatiya Vidya Bhavan, New Delhi, India.
Ramayana 1985: N.K. Narayan, do Đào Xuân Quý dịch, Nxb. Đà Nẵng.
The Mahabharata 1955: Tập I, II, III, IV, V và VI, bản dịch của Pratap Chandra Roy, C.I.E., xuất bản lần thứ hai, tại Oriental publishing Co. IID, Arpuli Lane, Calcutta - 12 của Krishna Dwaipayana Vyasa.
The Mahabharata 2000: Tập I, II, III và IV qua bản dịch của Kisari Mohan Ganguli, xuất bản tại Mushiram Manoharlal Publishers Pvt. Ltd., New Delhi, của Krishna Dwaipayana Vyasa.
Wendy Donicer O’flaherty 1975: Hindu Myths. - A Penguin Book, India.
Heinrich Zimmer: Myths and Symbols in Indian Art and Civilization, ed. by Joseph Campbell. - Motilal Banarsidass Publishers, Private Limited, Delhi.
Nguồn: In trong: Những vấn đề Khoa học Xã hội & Nhân văn – Chuyên đề Văn hoá học, Nxb Đại học Quốc gia, 2013


[1] Tác giả xin cảm ơn sự hướng dẫn và gợi ý của GS. Phạm Đức Dương.
[2] Theo Nguyễn Thị Tuyết Thu, luận án Tiến sĩ Sự thể hiện nhân vật anh hùng trong sử thi cổ đại Mahabharata, 2002.

 

Tác giả: PGS.TS. Đỗ Thu Hà

Khoa Đông phương học

Bình luận của bạn