banner

KHOA ĐÔNG PHƯƠNG HỌC - ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

Tổng quan về Nhà nước Hàn Quốc trong thời kỳ 1962-1992



Tổng quan về Nhà nước Hàn Quốc trong thời kỳ 1962-1992
Đại chiến thế giới II kết thúc (1945), Bán đảo Hàn được giải phóng, thoát khỏi ách thống trị của Nhật sau hơn 35 năm. Trên toàn bán đảo, người dân xứ Hàn từ thành thị đến nông thôn được sống trong niềm hân hoan mừng ngày giải phóng và kỳ vọng vào việc xây dựng một nhà nước dân tộc mới (1).

Tuy nhiên, không lâu sau đó, thế giới bắt đầu đi vào thời kỳ chiến tranh lạnh, bán đảo Hàn bị chia cắt thành hai miền Nam- Bắc với hai chế độ chính trị xã hội đối lập nhau, người dân xứ Hàn đã phải trải qua những thử thách nặng nề bởi cuộc nội chiến ( 1950-1953).

Trở lại với lịch sử trước và trong Đại chiến thế giới lần thứ II, vùng bán đảo Hàn luôn được đặt trên bàn cờ quốc tế và bị chi phối bởi các nước lớn đứng đầu là Liên Xô và Mỹ. Nhìn tổng quát có thể thấy, từ Hội nghị Ianta (2/1945) đến Hội nghị Posdam ( 7-8 /1945) và nhất là Hội nghị Ngoại trưởng 5 nước họp tại Matxcơva ( 12/1945), vấn đề xây dựng một nước Triều Tiên độc lập, thành lập một chính phủ dân chủ lâm thời Triều Tiên đã trở thành một trong những chủ đề trọng tâm của hội nghị. Cuối cùng, bán đảo Hàn được đặt dưới sự uỷ trị quốc tế, miền Bắc do Liên Xô tiếp quản, miền Nam Mỹ theo sự uỷ trị của đồng minh, vĩ tuyến 38 (DMZ) trở thành khu phi quân sự giữa hai miền.

 Bên cạnh những bất đồng về quan điểm giữa Liên Xô và Mỹ trong cách giải quyết vấn đề Triều Tiên, cũng trong thời gian này, nội trị của Triều Tiên cũng diễn ra nhiều biến động phức tạp, sự đối nghịch giữa các lược lượng quốc gia dân chủ với những người cộng sản cũng trở nên căng thẳng. Sự xuất hiện của nhiều đảng phái ở hai miền ngày càng làm cho tình hình chính trị trở nên phức tạp và khó có thể đi đến hiệp thương thống nhất thành lập chính phủ lâm thời. Sự hỗn loạn đó đã khiến cho những nhân vật chủ chốt như Lee Seung-man (Lý Thừa Vãn), Kim Ku (Kim Cửu) lưu vong ở nước ngoài trở về cũng đành bất lực. Trước tình hình đó, với sự thoả thuận của Lee Seung-man, Uỷ ban lâm thời của Liên Hợp Quốc về vấn đề Triều Tiên đã quyết định tổ chức tổng tuyển cử bầu ra quốc hội riêng ở miền Nam vào ngày 10.5.1948, thông qua Hiến pháp (còn gọi là hiến pháp dân chủ) ngày 20/7/1948 và cuối cùng ngày 15.8.1948 nước Đại Hàn Dân Quốc (gọi tắt là Hàn Quốc) được thành lập. Lee Seung-man trở thành vị tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc. Kinh đô của Nhà nước Choson - Hán Thành trước đó được chọn làm  thủ đô và đổi tên thành Seoul. Ngày 18.8.1948, Đại Hàn Dân Quốc làm lễ ra mắt và sau đó được Mỹ và 50 nước khác công nhận.

Trong khi đó ở phía Bắc, dưới sự tiếp quản của Liên Xô, một Uỷ ban nhân dân lâm thời của 5 tỉnh được thành lập do Cho Man Sik (Tào Văn Thực) đứng đầu. Sau đó, Kim Il Sung ( Kim Nhật Thành) là người thay thế nắm quyền chủ tịch. Tiếp đến, Hội nghị nhân dân toàn Triều Tiên đã tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 8.1948 gồm 300 đại biểu Nam Triều Tiên và 212 đại biểu Bắc Triều Tiên. Ngày 9.9.1948, Hội nghị nhân dân toàn Triều Tiên tuyên bố thành lập nước CHDCND Triều Tiên và tiến hành thành lập chính phủ do Kim Il Sung làm thủ tướng. Hiến pháp CHDCND Triều Tiên cũng xem Seoul là thủ đô và chỉ định Pyeongyang (Bình Nhưỡng) là thủ đô tạm thời. Từ đó, tình hình phát triển của hai miền Nam- Bắc Triều Tiên diễn ra theo hai hướng khác nhau, cùng với hai chế độ và hệ tư tưởng đối lập nhau.

Như vậy, Đại chiến thế giới thứ hai kết thúc, Triều Tiên được giải phóng, nhưng vùng bán đảo này phải chịu sự uỷ trị quốc tế, mà đại diện là Liên Xô và Mỹ. Do những bất đồng về quan điểm giữa Liên Xô và Mỹ và cùng với những mâu thuẫn nội trị của Triều Tiên nên đã dẫn đến việc chia cắt và sự đối nghịch giữa hai miền.

  1. Tổng quan về nhà nước Hàn Quốc trong thời kỳ 1962-1992

Nhìn lại hơn 60 năm hình thành và phát triển của Nhà nước Hàn Quốc kể từ khi thành lập, có thể thấy, sự phát triển của nhà nước này gắn liền với sự phát triển của các nền cộng hoà bao gồm các chính thể quân sự và dân sự nắm quyền điều hành đất nước. Trong lịch sử Hàn Quốc, trước khi chính thể quân sự nắm quyền, Nhà nước Hàn Quốc đã trải qua hai nền cộng hoà (còn gọi là đệ nhất và đệ nhị cộng hoà).

  1. Nền cộng hoà thứ nhất (1948-1960)

Có thể thấy, thời kỳ đệ nhất cộng hoà được coi là thời kỳ mở đầu trong lịch sử  hình thành và phát triẻn của nhà nước Đại Hàn Dân Quốc (1948) và kết thúc vào sự kiện tháng 4/1960 sau khi chính quyền Lee Seung-man bị sụp đổ. Trong lịch sử nhà nước Hàn Quốc, Lee Seung – man không chỉ là vị tổng thống đầu tiên đắc cử theo quy định của Hiến pháp với nguyên tắc bầu cử gián tiếp qua quốc hội, mà còn được mệnh danh là “người có công lao đầu tiên trong việc kiến thiết đất nước với tầm nhìn mang tính thế giới vượt ra khỏi khuôn khổ chật hẹp trong nước” (2).

Tuy nhiên, sau khi Lee Seung- man lên nắm quyền tổng thống chưa đầy 2 năm thì cuộc chiến tranh Nam- Bắc Triều Tiên bùng nổ (25/6/1950). Cuộc chiến tranh kéo dài hơn 3 năm và để lại hậu quả nặng nề cho cả hai miền đã làm gần 3 triệu người chết và bị thương, hàng triệu người khác mất nhà cửa, hoặc ly tán gia đình. Sự rối loạn nghiêm trọng vẫn tiếp diễn dưới chính quyền Tổng thống Lee Seung-man (3).

Là người quyết tâm theo đuổi chính sách chống cộng, Lee Seung –man đã đề ra thuyết Bắc tiến. Đối với Nhật, ông cũng đẩy mạnh chính sách chống lại nước này và đặc biệt ông cũng luôn suy nghĩ rằng sẽ  đưa Hàn Quốc trở thành một quốc gia kinh tế giống như Nhật, nhưng không hề muốn phụ thuộc vào Nhật. Mặt khác, Lee Seung – man đã khai thác triệt để tầm quan trọng của chiến lược toàn cầu của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và nhất là nâng tầm quan trọng về vị trí chiến lược của Hàn Quốc ở khu vực Đông Bắc Á nên đạt được một số thoả thuận với Mỹ và nhận được sự tài trợ từ phía Mỹ khoảng 12 tỷ USD (3). Nếu đem so sánh số tiền viện trợ của Mỹ với tổng thu nhập quốc dân ở Hàn Quốc thời điểm đó (năm 1960 GDP của Hàn Quốc đạt 2 tỷ USD/ năm) thì số tiền viện trợ của Mỹ gấp 6 lần.

Dưới thời chính quyền Lee Seung –man, chế độ dân chủ thực sự chưa có cơ sở cắm rễ, thay vào đó là một chế độ độc tài chuyên chế với mục đích nắm quyền thống trị lâu dài. Thông qua Đảng Tự Do cầm quyền, Lee Seung-man đã tiến hành cưỡng chế thông qua bản sửa đổi hiến pháp, huy động các quan chức tiến hành tuyển cử một cách bất chính, nên đã dẫn đến những cuộc biểu tình, đấu tranh của học sinh, sinh viên và nhân dân Seoul. Cuối cùng, trước áp lực của quần chúng nhân dân, chính quyền độc tài của Lee Seung-man bị sụp đổ, lịch sử Hàn Quốc gọi đây là cuộc cách mạng tháng 4/1960.

 2.2 Nền cộng hoà lần thứ hai (8.1960-5.1961)

Sự sụp đổ của chính phủ Lee Seung-man đã dẫn đến sự ra đời của một nền cộng hoà thứ hai tháng 6/ 1960, do Yoon Bo-sun làm tổng thống và bác sĩ Chang Myon làm Thủ tướng. Sau khi nắm quyền, chính phủ của thủ tướng Chang Myon đã đề ra một số chính sách tiến bộ như cố gắng xoá bỏ nền chính trị độc tài, thực hiện nền chính trị dân chủ, phát triển kinh tế…, kêu gọi tổ chức một cuộc tổng tuyển cử ở hai miền Nam- Bắc, thiết lập một thể chế chính trị mới cho vùng bán đảo Triều Tiên dưới sự giám sát của Liên hợp Quốc. Tuy vậy, Chính phủ của Thủ tướng Chang cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn nhất là nạn tham nhũng và những hậu quả của chính quyền cũ để lại như lương thấp, thiếu tài nguyên, thiếu thực phẩm và dân số tăng nhanh. Thêm nữa, theo hiến pháp mới, Thủ tướng Chang không có những quyền hành pháp cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế chưa hề xảy ra tại một quốc gia trong thời bình. Vì vậy, nhiều hiện tượng tiêu cực xã hội đã xảy ra mà không bị xử phạt, chẳng hạn như tệ trốn thuế và đầu cơ, sự đình trệ của các ngành kinh doanh và kỹ nghệ nhất là hàng triệu người thất nghiệp không được cứu trợ. Với sự hạn chế về quyền lực và một Quốc hội chia rẽ đã khiến chính phủ này nhanh chóng sụp đổ, chấm dứt hoạt động sau 9 tháng.

Ngày 16.5.1961, một cuộc đảo chính lật đổ chính phủ do một nhóm nhỏ các sĩ quan quân đội đứng đầu là Đại tướng Park Chung-hee đã xảy ra. Khoảng hai ngày sau, nền Cộng hoà thứ hai đã bị lật đổ. Sau đó, một Uỷ ban cách mạng quân sự (MRC) do nhóm đảo chính lập nên đã xuất hiện, tuyên bố bảo vệ đất nước khỏi sự đe doạ của cộng sản và loại bỏ các nhà quân sự thối nát, bất tài, phi chính trị hoá quân đội, tái tổ chức hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước, thành lập một chính phủ công bằng xã hội và trong sạch. Uỷ ban đã nhanh chóng tiếp quản chính phủ, công khai luật quân sự, giải tán Quốc hội, bãi bỏ quyền tự trị địa phương cấm mọi hoạt động chính trị, cấm sinh viên biểu tình, áp đặt quyền kiểm duyệt báo chí. Uỷ ban này cũng thuyết phục Tổng thống Yun vẫn cầm quyền và thuyết phục Tham mưu trưởng quân đội lúc đó là tướng Chang To-yong (người không tham gia vào kế hoạch đảo chính) trở thành Chủ tịch Uỷ ban quân sự cách mạng và lãnh đạo cuộc đảo chính. Ngày 19.5. 1961, thực hiện vai trò của cơ quan lập pháp, Uỷ ban đã thông qua một đạo luật để tái thiết quốc gia. Cuối tháng 5, Uỷ ban đổi tên thành Hội đồng tối cao tái thiết quốc gia (The Supreme Council for National Reconstruction - SCNR), biến Hội đồng trở thành cơ quan hành chính cao nhất quốc gia. Để củng cố quyền lực của mình nhằm chống lại những âm mưu đảo chính lật đổ Hội đồng, tháng 6.1961, cơ quan tình báo Trung ương Triều Tiên (KCIA) được thành lập, luật chống cộng được ban hành sau đó. Luật nêu rõ: các tổ chức cộng sản là các tổ chức chống nhà nước, bất kỳ người nào ca ngợi khuyến khích hay hợp tác với các tổ chức chống lại nhà nước thì đều phải chịu hình phạt khổ sai. Tháng 6.1961, sau khi loại tướng Chang ra khỏi chức chủ tịch, Park Chung-hee chính thức nắm quyền Chủ tịch Hội đồng và tuyên bố mọi hoạt động chính trị sẽ được phép hoạt động trở lại vào đầu năm 1963 và một chính phủ dân sự mới sẽ được phục hồi. Tháng 11.1961, tướng Park có chuyến thăm Mỹ và hoà giải với Chính phủ Mỹ. Tháng 3.1962, Tổng thống Yun từ chức và Park Chung-hee giữ chức quyền Tổng thống. Tháng giêng năm 1963, lệnh cấm hoạt động chính trị được xoá bỏ, các đảng phái chính trị mới lại xuất hiện, trong đó có hai đảng chính trị hàng đầu là Đảng Cộng hoà dân chủ (DRP) do Park đứng đầu và Đảng Dân trị của cựu Tổng thống Yun. Tháng 10.1963, cuộc bầu cử tổng thống diễn ra, Park Chung –hee trúng cử, Đảng DRP của Park chiếm đa số ghế trong Quốc hội, ngày 17.12, Park chính thức nhậm chức Tổng thống . Nền Cộng hoà lần thứ ba xuất hiện trên sân khấu chính trị ở Hàn Quốc.

2.3 Thời kỳ nắm quyền của chính thể quân sự

 2.3.1 Nền cộng hoà thứ ba (12. 1963-12.1972)

Khi lên nắm quyền điều hành đất nước, Chính phủ Park phải đối phó khá nhiều vấn đề nội bộ như giá cả tăng vọt, dân số tăng (27 triệu người), GDP là 98 đôla. Vốn là nhà quân sự triệt để, Park Chung-hee chủ yếu chỉ quan tâm đến thiết lập sự ổn định trật tự để phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng. Thời gian đầu, ông không quên với các nguyên tắc dân chủ và lối sống dân chủ. Theo ông, chế độ dân chủ áp dụng ở Hàn Quốc không giống chế độ dân chủ tự do theo kiểu phương Tây, mà là một chế độ dân chủ hạn chế hoặc gọi là chế độ dân chủ có hướng dẫn. Mặt khác, do quen với chế độ quan liêu và cương vị lãnh đạo quân sự, nên Park cho rằng, sự cai trị kiên quyết sẽ là điều tất yếu và nó có tác dụng làm cho quốc gia hưng thịnh và phát triển. Trên cơ sở đó, Chính phủ Park chủ yếu quan tâm đến an ninh quốc gia và sự phát triển của xã hội. Tháng 3.1964, nhiều cuộc biểu tình chống đối chính phủ diễn ra tại Seoul với lý do thiết lập quan hệ bình thường hoá với Nhật Bản. Tháng 6.1964, Chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Seoul và sau đó liên tiếp ban bố một số đạo luật nhằm thắt chặt quyền kiểm soát đối với sinh viên và báo chí. Mặc dù bị dư luận phản đối, việc bình thường hoá quan hệ với Nhật vẫn được ký kết vào tháng 6.1965 và sau đó Hàn Quốc đã vay được một khoản tiền lớn từ phía Nhật bản. Thêm nữa, do Đảng Cộng hoà Dân chủ của Park chiếm áp đảo số ghế trong quốc hội nên trong thời gian này, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua một đạo luật gửi quân đội sang Nam Việt Nam giúp Mỹ chống lại cộng sản Bắc Việt Nam.

Về kinh tế, hai kế hoạch kinh tế dưới thời nền Cộng hoà thứ ba do Tổng thống Park đứng đầu (1962-1966; 1967-1971) đã liên tiếp đạt nhiều kết quả tốt với mức tăng trưởng GDP là 10%. Tuy nhiên, tình hình trong nước và quốc tế giai đoạn này không có lợi cho cuộc phát triển dân chủ. Các cuộc biểu tình của sinh viên vẫn tiếp tục nổ ra, quan hệ hoà hoãn Mỹ - Trung được cải thiện, các cuộc tiếp xúc trao đổi của Hội Chữ thập đỏ giữa hai miền Nam- Bắc được tiến hành. Để bảo vệ an ninh và trật tự xã hội, Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và sau đó, Quốc hội thông qua luật quốc phòng trao quyền đặc biệt cho Tổng thống. Cũng trong thời gian này, quan hệ giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên được mở ra, các cuộc thương lượng bí mật giữa đại diện hai chính phủ được tiến hành nhằm tìm kiếm cho một giải pháp về thống nhất Triều Tiên. Tiếp đến, cuộc bầu cử tổng thống mới được tổ chức, Park Chung - hee lại trúng cử, nền Cộng hoà thứ tư tại Hàn Quốc được thành lập.

2.3.2 Nền Cộng hoà thứ tư (12.1972-10-1979)

Ngày 28.12.1972, Park Chung–hee nhậm chức Tổng thống, nền cộng hoà thứ tư được thành lập. Tháng 2.1973, sau cuộc bầu cử Quốc hội, một hội chính trị mới có tên là Hội Chính trị huynh đệ cải cách tân sinh lực ( Political Freternal Society for Revitalizing Reform) đã ra đời. Theo hiến pháp mới, 73 thành viên của đảng được bầu theo lời giới thiệu của Tổng thống với nhiệm kỳ Quốc hội 3 năm. Tuy nhiên, nền Cộng hoà lần thứ tư cũng gặp phải nhiều khó khăn về chính trị và xã hội tác động từ nhiều phía ở cả trong và ngoài nước. Chẳng hạn, vụ bắt cóc Kim Dae-jung tại Tokyo bị Nhật và Mỹ chỉ trích, hoặc Chính phủ CHDCND Triều Tiên bất ngờ đòi chấm dứt đàm phán với Hàn Quốc, hoặc biểu tình của sinh viên đòi huỷ bỏ hiến pháp gia tăng khiến chính phủ phải ban bố các biện pháp của Tổng thống hạn chế quyền tự do cơ bản của công dân và cấm sinh viên biểu tình.

Ngày 27.12.1978, trong cuộc bầu cử tổng thống, Park lại trúng cử và đã có một số biện pháp mới như thả 1.000 tù nhân chính trị, tiếp tục kêu gọi CHDCND Triều Tiên đàm phán và đặc biệt giữa năm 1979, Tổng thống Mỹ Carter có chuyến thăm và tuyên bố huỷ bỏ kế hoạch rút quân đội ra khỏi Hàn Quốc. Mặc dù vậy, phong trào chống đối chính phủ ngày càng trở nên mạnh mẽ, nhất là Kim Young Sam- người đứng đầu của Đảng Tân dân chủ bị trục xuất ra khỏi Quốc hội đã dẫn tới nhiều cuộc biểu tình lớn của quần chúng và sinh viên tại Pusan, Massan và sau đó là Seoul. Tình hình đó đã dẫn tới cái chết của Tổng thống Park Chung-hee vào ngày 26.10.1979 do cơ quan tình báo Trung ương Nam Triều Tiên (KCIA) ám sát. Sau đó, Thủ tướng Ch’oe Kyu–hae được bầu làm Tổng thống mới của nước cộng hoà, thông báo chấm dứt sự cai trị theo đường lối của Park và nhanh chóng thông qua một hiến pháp sửa đổi nhằm thúc đẩy xã hội đi theo xu hướng dân chủ. Đây cũng là thời kỳ quá độ để dẫn đến sự ra đời của nền cộng hoà thứ năm ở Hàn Quốc.

2.3.3 Nền Cộng hoà thứ năm (3.1981- 2.1988)

Chun Doo- hwan vốn là trung tướng chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh an ninh phòng vệ thuộc lực lượng vũ trang Hàn Quốc đã tiến hành một cuộc đảo chính quân sự đẫm máu, bắt giữ người chỉ huy quân sự và giành được quyền kiểm soát quân sự. Thời gian sau đó, tình trạng trở nên xấu hơn khi Chun Doo- hwan được bổ nhiệm làm Quyền Giám đốc cơ quan tình báo Trung ương Hàn Quốc, nhiều cuộc bạo động trên đường phố giữa sinh viên và cảnh sát lại tiếp tục xuất hiện. Luật quân sự và thiết quân luật số 10 được ban bố trên toàn quốc, nhiều lãnh tụ của các đảng phái bị quản thúc, các trường đại học và quốc hội đều bị đóng cửa, tất cả các cuộc hội họp và các cuộc biểu tình đều bị cấm.

Trước những biến động phức tạp về chính trị và xã hội, ngày 16.8. 1980, Tổng thống Ch’oe từ chức, tướng Chun được Hội nghị Quốc gia về thống nhất quốc gia (NCU) bầu làm Tổng thống. Sau đó, các phong trào thân dân chủ lên cao trong suốt thập niên 1980 và chế độ bầu cử tổng thống bằng chế độ phổ thông trực tiếp đã được khôi phục trong Hiến pháp được sửa đổi năm 1987. 

Trong lĩnh vực kinh tế, sau khi hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ tư, năm 1981, nền Cộng hòa lần thứ năm hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ năm (1982-1986). Năm 1987, chính phủ đề xướng kế hoạch 5 năm lần thứ 6 (1987-1991). Về đối ngoại, Tổng thống Chun đã có chuyến viếng thăm năm nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vào tháng 6.1981, 4 quốc gia châu Phi và Canada tháng 8.1982, Nhật tháng 9.1984, Mỹ tháng 2.1981, tháng 4.1985 và 5 nước châu Âu tháng 4.1986.

Mặc dù vậy, Chính phủ của Chun cũng gặp phải không ít khó khăn về chính trị và xã hội, nhất là không hoàn toàn thúc đẩy chế độ dân chủ, sử dụng quyền lực để củng cố việc kiểm soát, làm lợi cho đảng cầm quyền, cá nhân và các công ty ủng hộ chính phủ. Trên thực tế, dưới con mắt của nhân dân, Chính phủ Chun là chính phủ tham nhũng về những tin đồn tài chính mờ ám của vợ chồng tổng thống, cũng như những người thân thuộc của ông.

Mùa xuân năm 1986, không khí chính trị trở nên hỗn loạn khi cảnh sát quản thúc 270 chính trị gia đối lập và ngăn chặn một cuộc biểu tình của quần chúng do Đảng NKDP (Đảng Dân chủ Triều Tiên) dự định tiến hành. Các cuộc tập hợp lớn của quần chúng tại Seoul, Inch’on, Kwangju, Taegu và Pusan đòi chính phủ sửa đổi hiến pháp. Tiếp đó là các cuộc biểu tình của hàng trăm ngàn sinh viên và quần chúng chống chính phủ. Thành phố Seoul đã trở thành bãi chiến trường giữa những người biểu tình và cảnh sát chống bạo loạn. Trước tình thế đó, ngày 1.5.1987, Tổng thống Chun đã cải tổ nội các, sử dụng Kim Young Sam làm Chủ tịch đảng và Kim Dae-jung làm cố vấn cho ông, đồng thời tuyên bố quyết định tiến hành cuộc tranh đấu đòi dân chủ hoá. Thêm nữa, Tổng thống Chun còn chỉ định Roh Tae woo Chủ tịch của đảng DJP (Đảng công lý dân chủ) làm ứng cử viên tổng thống đã gây ra sự phản ứng của đảng đối lập. Ngày 29.6, Roh Tae woo đã trình bày bản tuyên ngôn dân chủ hoá với 8 điểm đề nghị cải cách. Tháng 10. 1987, Quốc hội Hàn Quốc thông qua việc sửa đổi hiến pháp, quy định bầu cử trực tiếp tổng thống. Ngày 16.12.1987, Roh Tae woo đã trúng cử với 36 % số phiếu nhiệm kỳ 5 năm.

2.3.4 Nền Cộng hoà thứ sáu (2.1988- 2.1993)

Ngày 25.2.1988, Roh Tae-woo nhậm chức tổng thống đem lại sự chuyển giao quyền lực êm thấm lần đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc. Sau lễ nhậm chức, Roh Tae-woo tuyên bố một kỷ nguyên của những con người bình thường đã đến, chứng kiến một thời kỳ chuyển tiếp từ chế độ độc tài sang chế độ dân chủ với nhiệm kỳ tổng thống 5 năm do Hiến pháp quy định bằng phương pháp bầu cử trực tiếp. Với chủ trương lấy tự tôn dân tộc, dân chủ hoà hợp, phát triển cân bằng làm mục tiêu, Chính phủ Roh tiếp tục đưa nền kinh tế - xã hội Hàn Quốc bước vào giai đoạn phát triển.

Tuy nhiên, nền Cộng hoà thứ sáu cũng phải đối phó với nhiều vấn đề phức tạp trong nước. Trong đó, khó khăn nhất là vấn đề gây rắc rối có liên quan đến cuộc nổi dậy ở Kwangju, hoặc những việc làm sai trái của Tổng thống Chun trước đó. Để giải quyết tình trạng trên, Chính phủ Roh đã trực tiếp giải quyết hàng loạt các vấn đề chính trị như phóng thích tù nhân, tự do hoá luật báo chí, thực hiện chính sách tự do hoá về văn hoá, ...Thêm nữa, Chính phủ Roh cũng tập trung chú ý vào việc thúc đẩy đoàn kết quốc gia để có thể đăng cai thế vận hội được tổ chức tại Seoul. Nhằm xoa dịu sinh viên, chính phủ cũng hứa bãi bỏ chương trình huấn luyện quân sự cưỡng bách, của sinh viên, phục hồi quyền tự trị của đại học để chọn hiệu trưởng và trưởng khoa của các trường cũng như sẽ sửa đổi luật lao động. Từ ngày 7.9 đến ngày 2.10.1988, Hàn Quốc đã đăng cai tổ chức thế vận hội mùa hè lớn nhất không chỉ nâng cao uy tín, mà còn tạo ra một hình ảnh mới của nước này trên trường quốc tế. Cũng trong giai đoạn này, Tổng thổng Roh đã mở rộng chính sách ngoại giao thượng đỉnhchính sách ngoại giao phương Bắc. Với chính sách ngoại giao này, Chính phủ Roh đã đặt quan hệ với nhiều nước xã hội chủ nghĩa trong đó có Liên xô, Trung Quốc…

Đối với CHDCND Triều Tiên, Chính phủ Roh cũng cố gắng giải toả quan hệ trên bán đảo và thiết lập quan hệ thân ái. Trong bài phát biểu tại Quốc hội, Tổng thống Roh đã ra một thông báo về kế hoạch thống nhất mới,  kêu gọi thành lập cộng đồng hai nước Triều Tiên như là một giai đoạn hướng tới sự thống nhất và ông cũng kêu gọi một cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai miền vào thời điểm thích hợp. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo của những nhóm công dân ở Hàn Quốc biết được ở CHDCND Triều Tiên đang thiếu hụt lương thực, nên họ đã huy động vốn mua khoảng 800 tấn gạo và đã chuyển cho CHDCND Triều Tiên vào tháng 7.1990. Sau đó, Chính phủ Roh còn cho biết sẵn sàng hiến tặng CHDCND Triều Tiên 800 tấn gạo nếu Chính phủ CHDCND Triều Tiên chấp nhận.

Bước vào năm 1992, khi nhiệm kỳ của Tổng thống Roh sắp kết thúc, hoạt động của các đảng phái để tranh cử tổng thống lại trở nên sôi động. Sau nhiều tháng vận động tranh cử, tháng 5.1992, Kim Young – sam được đảng cầm quyền DLP (đảng Tự do dân chủ ) chỉ định làm ứng cử viên tổng thống. Ngày 8.12.1992, trong cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức mang tính tự do và công bằng, Kim Young Sam - vị Tổng thống dân sự đầu tiên sau 32 năm kể từ khi Hàn Quốc ban hành hiến pháp đã trúng cử, mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử Hàn Quốc, mở đầu cho giai đoạn nắm quyền của tổng thống dân sự.

3. Tổ chức nhà nước Đại Hàn Dân Quốc

Đại Hàn Dân Quốc là nhà nước TBCN theo chế độ cộng hoà gồm các cơ quan hành pháp, đứng đầu nhà nước là Tổng thống nắm quyền lực cao nhất và Thủ tướng là người đứng đầu chính phủ. Nhiệm kỳ Tổng thống là 5 năm được bầu cử theo hình thức phổ thông đầu phiếu. Tiếp đến, cơ quan lập pháp là Quốc hội với số lượng 299 ghế hiện nay được bầu theo phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 4 năm. Cơ quan tư pháp là toà án tối cao, các thẩm phán do Tổng thống bổ nhiệm với sự nhất trí của Quốc hội. Chế độ bầu cử ở Hàn Quốc quy định là 20 tuổi trở lên với chế độ phổ thông đầu phiếu. Hàn Quốc là quốc gia dân chủ theo chế độ đa đảng. Hiện nay có một số đảng phái lớn thay nhau nắm quyền thống trị ở Hàn Quốc gồm: Đảng Dân tộc lớn (GNP); Đảng Quốc hội vì một Nền Chính trị Mới (NCNP); Đảng Các nhà dân chủ tự do thống nhất ( ULD),…

Về Hiến pháp, Hiến pháp Hàn Quốc được thông qua lần đầu tiên vào ngày 17.7.1948, trải qua những biến động về chính trị nhằm tiến tới xây dựng một quốc gia dân chủ nên Hiến pháp đã trải qua 9 lần sửa đổi, lần sửa đổi cuối cùng là ngày 29.10.1087. Để xây dựng một nền dân chủ hoá thực sự, quyền lực của tổng thống được quy định trong Hiến pháp đã bị hạn chế hơn, đồng thời bảo vệ quyền con người cũng được đề cập rõ trong Hiến pháp. Những nguyên tắc cơ bản chung của Hiến pháp Hàn Quốc đó là chủ quyền dân tộc, sự phân chia quyền lực theo đuổi công cuộc thống nhất hai miền Nam- Bắc… Chẳng hạn, điều 10 Hiến pháp quy định “ Tất cả các công dân đều được bảo đảm giá trị, nhân phẩm con người và quyền mưu cầu hạnh phúc. Nhà nước có nhiệm vụ xác định, đảm bảo quyền cơ bản và không thể xâm phạm cá nhân”( 4).

 Nhìn chung, Hiến pháp Hàn Quốc đã mang lại cho mỗi cá nhân những quyền lợi về chính trị, và xã hội. Đó là những quyền bao gồm bình đẳng trước pháp luật, quyền tự do cá nhân, quyền xét xử nhanh chóng và công bằng, quyền tự do đi lại, quyền tự do ngôn luận và hội họp…Ngoài những nội dung nêu trên, Hiến pháp Hàn Quốc còn quy định mọi công dân phải có nghĩa vụ cơ bản như đóng thuế, làm việc, học tập và quốc phòng, khuyến khích một nền kinh tế thị trường tự do… Việc sửa đổi Hiến pháp đòi hỏi những thủ tục khá đặc biệt như phải có sự đồng thuận của 2/3 số đại biểu Quốc hội và trên 50% số phiếu bầu hợp lệ cuộc trưng cầu dân ý trên phạm vi toàn quốc.

Như đã đề cập, Quốc hội Hàn Quốc là cơ quan lập pháp cao nhất và chỉ có một viện với 299 thành viên và nhiệm kỳ 4 năm. Ứng cử viên của Quốc hội phải là người đủ 25 tuổi trở lên và do khu vực lựa chọn bằng đa số phiếu bầu. Ngành lập pháp có hai loại phiên họp gồm phiên thường kỳ và phiên đặc biệt. Phiên họp thường kỳ được tổ chức 1 năm/ lần với thời gian họp không quá 100 ngày và phiên đặc biệt được tổ chức theo yêu cầu của Tổng thống thời gian họp không quá 30 ngày. Chức năng chính của Quốc hội là lập pháp và một số chức năng khác như phê chuẩn ngân sách quốc gia, các vấn đề liên quan đến đối ngoại, tuyên bố chiến tranh, … Ngoài ra, Quốc hội còn có quyền phê chuẩn một kiến nghị buộc tội, trong đó, việc buộc tội tổng thống phải được đa số đại biểu Quốc hội và 2/3 số đại biểu bỏ phiếu thuận thông qua. Quốc hội Hàn Quốc bao gồm 16 Uỷ ban thường trực, trong đó có các ban Lập pháp, Tư pháp, Chính sách, Thống nhất, Quốc phòng, Giáo dục…, ngoài chức năng về chuyên môn, các uỷ ban thường là những diễn đàn chủ yếu để hoà giải những khác biệt giữa đảng cầm quyền và đảng đối lập.

Tổng thống Hàn Quốc là người đứng đầu cơ quan hành pháp, thông qua bỏ phiếu kín bình đẳng và trực tiếp trên phạm vi toàn quốc, với nhiệm kỳ 5 năm và không có nhiệm kỳ liên tiếp thứ hai. Trong trường hợp Tổng thống không thể tiếp tục công việc hoặc qua đời thì Thủ tướng sẽ là người tạm thời giữ chức Tổng thống theo quy định của pháp luật. Với tư cách là nguyên thủ quốc gia, Tổng thống là người nắm quyền điều hành đất nước, chịu trách nhiệm về đối nội và đối ngoại, nắm quyền chỉ huy lực lượng vũ trang, hoạch định chính sách và đề xuất những dự thảo luật lên Quốc hội … Về hành pháp, Tổng thống thực hiện chức năng quản lý thông qua Hội đồng Nhà nước gồm 15 đến 30 thành viên, đồng thời là người chỉ định Thủ tướng được Quốc hội thông qua. Dưới Tổng thống là Thủ tướng và các Phó Thủ tướng, bên dưới là các bộ. Ngoài Hội đồng nhà nước, Tổng thống còn trực tiếp chỉ đạo một số các cơ quan khác để hình thành và thực hiện chính sách quốc gia như các Cục tình báo, Cục Kiểm toán và Thanh tra, Uỷ ban dân chính….

 Ngoài các tổ chức quan trọng trên, trong bộ máy nhà nước Hàn Quốc còn có các ngành Tư pháp bao gồm các cấp toà án, toà án hiến pháp và các cấp chính quyền địa phương. Hiện nay ở Hàn Quốc có 16 chính quyền địa phương cấp cao, gồm 7 chính quyền thành phố, 9 chính quyền tỉnh,  và 234 chính quyền địa phương…Chính quyền địa phương lãnh đạo việc quản lý và giám sát các vấn đề hành chính khác.

  1. Một vài nhận xét về kinh tế Hàn Quốc thời kỳ 1962-1992 thay cho lời kết luận

Từ năm 1962 đến 1979, dưới thời Tổng thống Park cầm quyền, Hàn Quốc bắt đầu bước vào một giai đoạn phát triển mới với những bước đi thăng trầm và sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục. Đây là giai đoạn Hàn Quốc xây dựng kinh tế theo mô hình hướng ngoại chiến lược công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, dựa vào khai thác thị trường thế giới và liên kết quốc tế. Để thực hiện mục tiêu chiến lược kinh tế nêu trên, Chính phủ Park đã thực hiện một số biện pháp sau:

Một là, mở rộng chức năng kinh tế của nhà nước và thực hiện cải cách hành chính, trong sạch hoá bộ máy chính phủ.

Hai là, thực hiện kế hoạch hoá kinh tế bằng các kế hoạch kinh tế 5 năm, cụ thể:

Dưới thời Park Chung- hee, với sự thành lập của EPB (5), các kế hoạch hoá kinh tế mới trở thành hệ thống. Đó là các kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1962-1966), kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1967-1971), kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1972-1976), kế hoạch 5 năm lần thứ tư ( 1977-1981). Trải qua hai thập kỷ xây dựng và phát triển quốc gia, mặc dù còn có những hạn chế nhất định, nhưng Chính phủ Park Chung-hee đã đạt được những thành tựu bước đầu rất cơ bản, đưa đất nước vượt qua khỏi cảnh nghèo nàn, lạc hậu, trở thành một nước có nền kinh tế phát triển khá trong khu vực. Nền kinh tế luôn giữ được tốc độ tăng trưởng khá cao về GNP và GDP trong các thời kỳ (trừ năm 1980 sau cái chết của Tổng thống Park, GNP giảm 5.2 %, GDP giảm 3.2 %). Tuy nhiên, nếu tính bình quân thì trong 15 năm, GNP tăng 19 lần và GDP cũng có có sự gia tăng tương ứng. Cụ thể, về công nghiệp, tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao đạt 13.5%/năm (1967-1971), 18.1 %/ năm (1972-1976) và 10,3 %/năm (1978-1981) [6]. Bên cạnh những thành tựu kể trên, trong giai đoạn 1961-1979, Hàn Quốc cũng phải đối mặt với những khó khăn thách thức và đòi hỏi chính phủ phải có những biện pháp để khắc phục như nền kinh tế phát triển thiếu cân đối trong các ngành sản xuất, nợ nước ngoài tăng nhanh, các tập đoàn kinh tế lớn (Chaebol) do được chính phủ ưu tiên nên dễ dẫn đến sự độc quyền về kinh tế và lấn át về chính trị, lạm phát gia tăng.

Kinh tế Hàn Quốc trong giai đoạn 1979 đến trước khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 gồm các kế hoạch 5 năm lần thứ năm (1982-1986), lần thứ sáu ( 1987-1991) và lần thứ bảy ( 1992-1996). Nội dung chủ yếu của nền kinh tế Hàn Quốc trong giai đoạn này được tập trung vào một số vấn đề sau:

Trước hết là, sự đổi mới về vai trò kinh tế của nhà nước và cơ chế vận hành kinh tế. Nói cách khác là tính chỉ huy trong kinh tế của chính phủ phải được loại bỏ và thay vào đó là nhà nước phải hoạt động trong khuôn khổ của nền kinh tế thị trường.

Thứ hai là, kinh tế Hàn Quốc tiếp tục thực hiện kế hoạch hoá, chuyển từ mô hình tăng trưởng mất cân đối sang mô hình tăng trưởng cân đối, đẩy mạnh việc tự do hoá thị trường, hạn chế sự can thiệp của nhà nước

Thứ ba là, nhà nước có chính sách hỗ trợ và thúc đẩy bộ phận công nghiệp nhỏ và vừa phát triển, nhằm khắc phục sự mất cân đối trong cơ cấu công nghiệp và hướng hoạt động của các bộ phận này vào xuất khẩu.

 Cuối cùng là, Hàn Quốc tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp bằng việc phát triển các ngành kỹ thuật- công nghệ cao của dân tộc nhằm thay thế nguồn công nghệ nhập khẩu từ các nước tư bản phát triển, gắn liền với việc đẩy mạnh khoa học kỹ thuật đi vào chiều sâu phục vụ đắc lực cho tăng trưởng kinh tế.

Về thành tựu kinh tế, sau hơn thập kỷ xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của các Chính phủ Chun Doo Hwan và Chính phủ Roh Tae Woo cũng như những năm đầu Chính phủ Kim Young Sam, Hàn Quốc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực kinh tế. Nền kinh tế tiếp tục giữ được mức tăng trưởng GNP và GDP với mức cao và ổn định, bình quân hàng năm là 8.1 %. Sản xuất kinh tế công nghiệp có sự phát triển cao theo chiều sâu, bình quân tăng hàng năm là 12.6 %. Năm 1994, công nghiệp điện tử chiếm vị trí thứ 5 thế giới. Hàn Quốc cũng là nước xuất khẩu tiêu biểu trong các nước NICs. Chẳng hạn, xuất khẩu tầu biển năm 1992 đạt 4,11 tỷ USD chiếm 5 % giá trị xuất khẩu quốc dân.

Như vậy, mô hình kinh tế của Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ qua đã chứng tỏ về sự thành công của nó và hiện nay Hàn Quốc đang phấn đấu trở thành đầu mối của khối kinh tế hùng mạnh ở khu vực châu Á trong thế kỷ 21.

 

 

 

 

CHÚ THÍCH

(1) Ban biên soạn giáo trình Hàn Quốc học; Lịch sử Hàn Quốc; Nxb Đại học Quốc gia Seoul 2005, tr 227

(2).  Trường ĐHKHXH&NV, Khoa Đông Phương học; Tập hợp các bài giảng chuyên đề Hàn Quốc học, Hà Nội 2006, tr. 21

(3). Hàn Quốc đất nước con người; Cơ quan thông tin Hải ngoại Hàn Quốc www.korea.net ; tr 29.

(4) Hàn Quốc đất nước- con người; Cơ quan thông tin hải ngoại Hàn Quốc www.korea.net; tr 32.

(5) FPB là cơ quan Kế hoạch hoá Trung ương (EPB) bao gồm cả cục Ngân sách thuộc Bộ Tài chính và Cục Thống kê thuộc Bộ Nội vụ nằm trong dinh tổng thống thường gọi là “Nhà xanh” chỉ đạo mọi hoạt động kinh tế của quốc gia do Phó Tổng thống trực tiếp điều hành.

(6) Hoàng Văn Hiển, Quá trình phát triển xã hội của Hàn Quốc (1961-1993) và kinh nghiệm đối với Việt Nam; Nxb CtQG, tr: 76.

Tác giả: PGS.TS. Lê Đình Chỉnh

Khoa Đông phương học

 

Bình luận

Nguyễn Thị Thùy Linh
15/11/2017 10:06:25 CH

Cho em hỏi là HQ trải qua bao nhiêu chế độ xã hội ạ. Từ phong kiến... Tư bản.... TBCN ???

Bình luận của bạn