banner

KHOA ĐÔNG PHƯƠNG HỌC - ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

"Xã hội Hàn Quốc hiện đại" - Một bức tranh toàn diện về Hàn Quốc



"Xã hội Hàn Quốc hiện đại" - Một bức tranh toàn diện về Hàn Quốc
Hàn Quốc, với những thành công của quá trình công nghiệp hoá dồn nén (compressed industrialization), có thể được xem như là một mẫu hình phát triển cho những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Những bài học của Hàn Quốc, cả những bài học thành công và những bài học thất bại đều sẽ giúp ích cho Việt Nam một nước đang bắt đầu bước vào quá trình công nghiệp hoá đất nước.

Hàn Quốc, với những thành công của quá trình công nghiệp hoá dồn nén (compressed industrialization), có thể được xem như là một mẫu hình phát triển cho những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Những bài học của Hàn Quốc, cả những bài học thành công và những bài học thất bại đều sẽ giúp ích cho Việt Nam một nước đang bắt đầu bước vào quá trình công nghiệp hoá đất nước.
Trong những năm vừa qua các hoạt động đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam ngày càng gia tăng. Năm 2007, Hàn Quốc đứng đầu các quốc gia và vùng lãnh thổ về lượng vốn FDI vào Việt Nam.
Bên cạnh những thành công của các doanh nghiệp Hàn Quốc ở Việt Nam cũng đã xuất hiện những xung đột giữa chủ doanh nghiệp Hàn Quốc với công nhân Việt Nam. Ngoài ra, sự phát triển của phong trào "lấy chồng Hàn Quốc" trong những năm gần đây đã đặt ra nhiều vấn đề xã hội nóng bỏng cho cả phía Việt Nam lẫn phía Hàn Quốc.
Trong nhiều lí do của những xung đột và căng thẳng được nêu ra, có một lí do quan trọng là cả hai phía còn thiếu sự thiếu hiểu biết đầy đủ những đặc điểm văn hoá xã hội của nhau. Trong bối cảnh như vậy, việc xuất bản những tài liệu giới thiệu về văn hoá Hàn Quốc cho người Việt Nam, cũng như những tài liệu giới thiệu về văn hoá xã hội Việt Nam cho người Hàn Quốc là hết sức cần thiết. Cuốn sách "Xã hội Hàn Quốc hiện đại" là một công trình đáp ứng được nhu cầu cấp bách đó.
Được các giáo sư hàng đầu về xã hội học của Đại học Quốc gia Seoul biên soạn, cuốn sách gồm 10 chương trình bày theo logic đi từ "truyền thống" sang "hiện tại" và hướng đến "tương lai"; đi từ "tĩnh học xã hội" sang "động học xã hội". Cuốn sách đã cung cấp cho người đọc những kiến thức về các vấn đề quan trọng của xã hội học như truyền thống, sự phát triển kinh tế thần kì, vấn đề như dân số và gia đình, giáo dục, nghề nghiệp, cơ cấu xã hội, xã hội dân sự, quan hệ xã hội, những biến đổi về văn hoá cũng như tương lai của Hàn Quốc.
Nhìn chung, những vấn đề cốt yếu của xã hội học về Hàn Quốc đã được lựa chọn để trình bày. Người đọc có thể dễ dàng thấy rõ hình ảnh một xã hội Hàn Quốc hiện đại được hình thành từ lịch sử và phát triển trong giai đoạn hiện nay như thế nào. Không quá nhấn mạnh những kiến thức lí luận trừu tượng, cuốn sách đã cung cấp cho người đọc những kiến thức lí thuyết phù hợp, kết hợp với việc vận dụng các lí luận đó để giải thích cho thực tiễn cũng như xu hướng phát triển của Hàn Quốc. Những người quan tâm đến các lí thuyết xã hội học cấp độ trung bình (middle range theory) có thể tìm thấy những ứng dụng hữu ích từ những trang sách để áp dụng nó ở Việt Nam.
Bản dịch tiếng Việt cuốn sách này được các giảng viên Trường ĐHKHXH&NV thực hiện. Nó không chỉ là giáo trình quan trọng cho sinh viên ngành Hàn Quốc học mà còn là tài liệu tham khảo quý báu cho sinh viên ngành xã hội học, nhân chủng học và những người quan tâm nghiên cứu về Hàn Quốc tại Việt Nam.
Những tri thức cung cấp trong cuốn sách sẽ thực sự góp phần vào việc tăng cường hiểu biểt giữa hai quốc gia đồng thời góp phần vào sự đẩy mạnh hợp tác về kinh tế và trao đổi văn hoá giữa hai nước.

Bình luận của bạn