banner

KHOA ĐÔNG PHƯƠNG HỌC - ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

[Báo cáo NCKHSV] Tìm hiểu chính sách "kinh tế mới" và "toàn cầu hóa" ở Hàn Quốc giai đoạn 1990-1996



[Báo cáo NCKHSV] Tìm hiểu chính sách "kinh tế mới" và "toàn cầu hóa" ở Hàn Quốc giai đoạn 1990-1996
Nền kinh tế Hàn Quốc trong thời đại hiện nay là một nền kinh tế hết sức năng động trong khu vực châu Á nói riêng và thế giới nói chung. Cất cánh từ những năm 1960, Hàn Quốc đã tạo nên một sự phát triển thần kỳ còn được mệnh danh là "kỳ tích sông Hàn". Thành quả ấy chính là kết quả từ sự nỗ lực mạnh mẽ của chính phủ và nhân dân Hàn Quốc.

Qua 4 thập kỷ phát triển, Hàn Quốc đã tiến hành nhiều những chính sách, chiến lược phát triển phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế, Một trong số đó là "kinh tế mới: và "toàn cầu hóa" giai đoạn 1990 - 1996. Nghiên cứu này tập trung tìm hiểu về nội dung chính sách "kinh tế mới: và "toàn cầu hóa" mà chính phủ Hàn Quốc thực thi đầu thập niên 90 hằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển hơn.
    Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung chính của đề tài được chia làm 3 chương chính với nội dung tóm tắt như sau:
    Chương 1 (Đặc điểm cơ bản của kinh tế Hàn Quốc) tìm hiểu và phân tích 7 đặc điểm chính là đặc trưng của kinh tế Hàn Quốc, qua đó thấy được những vấn đề cốt lõi nhất của kinh tế Hàn Quốc.  Những đặc điểm đó có thể được liệt kê sơ lược là nền kinh tế Hàn Quốc xuất phát từ nông nghiệp; nền kinh tế Hàn Quốc phát triển dựa vào sự vận hành của chính phủ; nền kinh tế phát triển dựa trên yếu tố con người; nền kinh tế gắn giữa tăng trưởng và công bằng xã hội; nền kinh tế Hàn Quốc còn là nền kinh tế hài hòa trong chiến lược xuất nhập khẩu; sức mạnh cứng và sức mạnh mềm góp phần cho sự phát triển kinh tế Hàn Quốc; nền kinh tế Hàn Quốc được biểu hiện trong tính biện chứng và tính logic. 
Chương 2 (Chính sách “kinh tế mới” và “toàn cầu hóa” ở Hàn Quốc giai đoạn 1990 - 1996) tập trung phân tích nội dung trọng tâm là chính sách “kinh tế mới” và “toàn cầu hóa” ở Hàn Quốc giai đoạn 1990 – 1996 trong bối cảnh trong và ngoài nước dựa trên mối quan hệ biện chứng với các đặc điểm cơ bản của kinh tế Hàn Quốc. Có thể nói rằng, thông qua việc thực hiện quyết đoán trên cơ sở nắm bắt các đặc điểm chung của nền kinh tế trong nước, Chính phủ Hàn Quốc đã hệ thống hóa thành một Chính sách vĩ mô có mục tiêu rõ ràng, đặt trong bối cảnh quốc tế để mở ra nhiều cơ hội phát triển cho kinh tế Hàn Quốc
    Chương 3 (Liên hệ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam) trên cơ sở phân tích quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam, người viết cố gắng đưa ra những điểm có thể chọn lọc để học hỏi được từ phía Hàn Quốc cho dù ở cùng một mốc thời gian, sự phát triển giữa Hàn Quốc và Việt Nam là khác nhau. Việc rút bài học kinh nghiệm cho sự phát triển kinh tế của một quốc gia này từ quá trình phát triển kinh tế của một quốc gia khác chỉ mang tính tương đối bởi thời cơ cho mỗi nền kinh tế có khi chỉ là duy nhất và không thể lặp lại ở nền kinh tế dù là nhiều nét tương đồng. 
    Chính sách “kinh tế mới” và “toàn cầu hóa” ở Hàn Quốc giai đoạn (1990 - 1996) đã dựa trên những bối cảnh điều kiện thực tại ở trong và ngoài nước để giúp nền kinh tế Hàn Quốc tận dụng được gần như hài hòa các động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Chính sách này thật sự thành công khi nắm bắt được thời cơ dựa trên cái nhìn sắc bén từ mối quan hệ biện chứng giữa các đặc điểm cơ bản của kinh tế Hàn Quốc.

SV. Nguyễn Đức Hiệp
K57 Bộ môn Hàn Quốc học

 

Bình luận của bạn