Khổng học đăng - Phan Bội Châu
02/10/2016

1- Mục đích người làm bản sách này là cốt phù trì nhân đạo; nếu ai không để lòng vào nhân đạo thời xin chớ đọc.
2- Lại cốt phát huy chân lí để duy trì nhân tâm; bởi vì nhân tâm còn xấu thời thế đạo chẳng bao giờ tốt. Vậy nếu ai đã mất hết nhân tâm thời chắc không muốn đọc bản sách này, mà tác giả cũng xin chớ đọc.
3- Tác giả lại muốn cho người ta biết học cũ vẫn không phải trần hủ, mà học mới vẫn không phải phù hoa. Nếu học cho tinh thần thời ví như làm nhà: học cũ là nền tảng, mà học mới tức là tài liệu; hai bên vẫn có thể giùm cho nhau làm nên một tòa nhà hoa mĩ. Chẳng bao giờ không tài liệu mà làm nên nhà; và cần thứ nhất là chẳng bao giờ không nền tảng mà dựng được nhà. Tác giả viết bản sách này là muốn điều hòa học cũ với học mới; hai bên tương thành cùng nhau, mà quyết không tương phản.
Nếu ai chưa để mắt vào bản sách này mà trước đã có một ý kiến sẵn: hoặc bài bác học cũ, hoặc công kích học mới, hễ có ý kiến ấy thời xin chớ đọc.
4- Tác giả nói học cũ là nói chân triết lí của Á châu từ thuở xưa; nói học mới là chỉ nói khoa học tối tân thiệt có ích với nhân sinh của thế giới bây giờ.
Cái danh từ học cũ chẳng phải là cái đồ để đánh cắp áo mũ cân dai đâu! Cái danh từ học mới chẳng phải là cái mồi để hót gạt mề đay kim khánh đâu! Vậy nên tác giả xin thề trước với ba hạng người:
a - Hạng người chỉ tranh ngôi thứ xôi thịt trong đình làng;
b - Hạng người muốn lòe loẹt khoe khoang, lấy om cơm túi bạc làm mồi hạnh phúc;
c - Hạng người xu quyền phụ thế, lấy đồng bào chủng tộc làm mồi vinh thân.
Ba hạng người ấy, tác giả xin chớ đọc đến quyển sách này; mà tác giả cũng chắc trước rằng họ nhất định không thèm đọc. Bởi vì họ nhận định một cái giá trị rất cao, là muông chim, là lục súc, là ma quỷ, yêu tinh, thời bản sách này nói nhân đạo họ đọc làm gì?
5- Hễ ai đọc bản sách này, trước phải lập định một cái chí khí tự nhiên rằng: “Ta là Khổng Tử, ta là Mạnh Tử, ta là Bá Lạp Đồ (Platon), ta là Khang Đức (.Emmanuel Kant), chẳng qua đời tuy có xưa nay, đất tuy có đông tây, mà tâm lí in như nhau, thánh hiền tức là ta, ta tức là thánh hiền; ta chỉ là người hậu tiến của cổ nhân mà thôi”. Có chí khí ấy thời đọc quyển sách này mới thích.
Nếu ai chưa đọc quyển sách này mà trước đã có một ý kiến sẵn: định làm nô lệ cho người đời xưa, hay định làm nô lệ cho người đời nay, thời xin chớ đọc.
Huế, mùa xuân Kỉ Tị (1929)
SÀO NAM PHAN BỘI CHÂU
Bình luận của bạn
Tin bài liên quan
Tứ thư bình giải - Lý Minh Tuấn
Tinh hoa Đạo học Đông phương - Thu Giang Nguyễn Duy Cần
Nhập môn triết học Đông phương - Thu Giang Nguyễn Duy Cần
Đông phương luận - Edward Wadie Said
Ấn Độ - Miền đất thần thoại và sử thi - Cao Huy Đỉnh
Lịch sử văn minh Ấn Độ - Will Durant
Triết học Ấn Độ - một cách tiếp cận mới - Heinrich Zimmer
Công ty Nhật Bản - Rodney Clark
Tin bài khác
THÔNG BÁO THAY ĐỔI ĐỊA CHỈ WEBSITE
Tuyên truyền về biển, đảo cho sinh viên Khoa Đông phương học
Tổng kết Hội nghị cựu sinh viên Khoa Đông phương học năm 2022
Dấu ấn Khoa Đông phương học trong nghiên cứu khoa học sinh viên năm học 2021-2022
Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp #5
Nhà tù Hỏa Lò - Nơi khắc ghi dấu tích lịch sử "dã man" của thực dân Pháp