banner

KHOA ĐÔNG PHƯƠNG HỌC - ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

Bài giảng Lịch sử phương Đông



Bài giảng Lịch sử phương Đông
Môn Lịch sử phương Đông là môn học bắt buộc nằm trong khối kiến thức chung của khối ngành M3 với thời lượng 03 tín chỉ (theo chương trình đào tạo chuẩn trình độ đại học, ngành Đông phương học, mã số: 52220213; Ban hành theo Quyết định số: 3596/QĐ - ĐHQGHN, ngày 30 tháng 9 năm 2015 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội). Lịch sử phương Đông là môn học có nhiệm vụ cung cấp những kiến thức cơ bản về quá trình hình thành và phát triển của các nước phương Đông từ cổ đại đến hiện đại. Bài giảng được bi

Môn Lịch sử phương Đông là môn học bắt buộc nằm trong khối kiến thức chung của khối ngành M3 với thời lượng 03 tín chỉ (theo chương trình đào tạo chuẩn trình độ đại học, ngành Đông phương học, mã số: 52220213; Ban hành theo Quyết định số: 3596/QĐ - ĐHQGHN, ngày 30 tháng 9 năm 2015 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội). Lịch sử phương Đông là môn học có nhiệm vụ cung cấp những kiến thức cơ bản về quá trình hình thành và phát triển của các nước phương Đông từ cổ đại đến hiện đại. Bài giảng được biên soạn nhằm bổ sung cho hệ thống bài giảng, giáo trình phục vụ nhu cầu dạy và học môn Lịch sử phương Đông cho giảng viên và sinh viên khoa Đông phương học, hỗ trợ kiến thức cho các môn học có liên quan trong chương trình đào tạo, nhất là các môn lịch sử của các chuyên ngành trong khoa Đông phương học. 
Bài giảng Lịch sử phương Đông được biên soạn theo đề cương môn học và có những điều chỉnh, bổ sung mỗi năm nhằm phù hợp với những thay đổi của tình hình chung của khu vực, quốc gia, quốc tế và phù hợp với điều kiện thực tiễn của giảng viên, sinh viên, nhu cầu đào tạo, điều kiện giảng dạy…
Bài giảng được cấu trúc gồm 5 phần: 
Phần I: Tổng quan về phương Đông gồm giới thiệu về khái niệm về phương Đông và các nước phương Đông.
Phần II: Phương Đông thời kỳ cổ đại gồm: Sự xuất hiện người cổ đại và người Homo sapiens ở phương Đông; Công xã thị tộc ở phương Đông; Sự hình thành và phát triển của các quốc gia cổ đại phương Đông; chế độ nô lệ, công xã nông thôn và thiết chế chính trị, kinh tế các quốc gia cổ đại phương Đông. 
Phần III: Phương Đông thời kỳ trung đại gồm: Lịch sử các quốc gia phương Đông tiêu biểu thời kỳ trung đại; Đặc điểm chế độ ruộng đất phong kiến phương Đông. 
Phần IV: Phương Đông thời kỳ cận đại gồm: Quá trình thực dân hóa và phi thực dân hóa ở phương Đông; Một số phong trào đấu tranh chống thực dân hóa ở phương Đông.
Phần V: Phương Đông thời kỳ hiện đại gồm: Bối cảnh lịch sử thế giới và phương Đông trước và sau chiến tranh thế giới lần thứ hai; Phương Đông trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và quá trình phi thực dân hoá (1945-1975); Những thành tựu và con đường phát triển của một số nước phương Đông sau khi giành được độc lập;  Phương Đông sau Chiến tranh Lạnh. 
 Trên cơ sở những kiến thức khoa học, môn học Lịch sử phương Đông nhằm góp phần xây dựng quan điểm nhân văn, cung cấp cho người đọc một cái nhìn hệ thống, cơ bản về sự hình thành và phát triển của lịch sử phương Đông, đồng thời giúp cho người đọc biết quý trọng và gìn giữ những giá trị và những bài học kinh nghiệm của lịch sử, nhất là vận dụng những giá trị đó vào việc hoàn thiện nhân cách của mỗi người, góp phần vào sự nghiệp chung trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh. 
Với thời lượng giảng dạy là 03 tín chỉ, bài giảng này không thể đi sâu vào chi tiết lịch sử các nước phương Đông mà chỉ mong muốn tạo nên cái nhìn  khái quát, hệ thống và sự hiểu biết cơ bản về lịch sử phương Đông. 
Để bài giảng này ngày càng hoàn chỉnh, chúng tôi mong nhận được sự đóng góp của người đọc. 

                                                                                        Người biên soạn 

                                                                                  PGS. TS Lê Đình Chỉnh  
 

Bình luận của bạn