banner

KHOA ĐÔNG PHƯƠNG HỌC - ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

Giới thiệu sách: Việt Nam - Huyền thoại và thực tế



Giới thiệu sách: Việt Nam - Huyền thoại và thực tế
Trong tiếng Đức, thuật ngữ “Mythos” (huyền thoại) gắn liền với một số tư tưởng và ý nghĩa khá khác nhau: Một mặt, chúng tôi đặt nó ở cấp độ siêu nhiên, một cấp độ vượt trên đời sống hang ngày: tuy nhiên, mặt khác chúng tôi cũng tìm thấy từ này trong ngôn ngữ thường nhật: “Tôi nghĩ đó là một giai thoại”, là một câu nói phổ biến, ít nhất là trong tiếng Đức đời thường. Giữa hai thái cực trên, có nhiều khoảng màu xám khác nhau để hiểu thuật ngữ này.

Trong tiếng Đức, thuật ngữ “Mythos” (huyền thoại) gắn liền với một số tư tưởng và ý nghĩa khá khác nhau: Một mặt, chúng tôi đặt nó ở cấp độ siêu nhiên, một cấp độ vượt trên đời sống hang ngày: tuy nhiên, mặt khác chúng tôi cũng tìm thấy từ này trong ngôn ngữ thường nhật: “Tôi nghĩ đó là một giai thoại”, là một câu nói phổ biến, ít nhất là trong tiếng Đức đời thường. Giữa hai thái cực trên, có nhiều khoảng màu xám khác nhau để hiểu thuật ngữ này.

Nhìn chung, chúng tôi hiểu huyền thoại là những câu chuyện, hay nói theo một từ khóa mới của Đức, là những “tự sự” (narrative). Trong sách của mình, chúng tôi hiểu huyền thoại và tự sự một cách rất riêng, và cách hiểu này có thể được mô tả bằng đoạn dưới:

“Cuốn sách này đề cập tới những câu chuyện cùng mối quan hệ của chúng với hiện thực và cách tri nhận chúng. Thuật ngữ ‘câu chuyện’ có nội hàm rất rộng: từ những câu chuyện xa rời trải nghiệm thực tế và dẫn dắt ta tới một thế giới tưởng tượng kỳ ảo, tới những câu chuyện liên quan mật thiết và cố gắng định hình thực tế. Những câu chuyện này thường được gọi là các tự sự. Chúng có thể rất khác biệt: những câu chuyện dài,  đôi khi được cấu trúc như sử thi sẽ đối lập với những câu chuyện nào được gói gọn trong một châm ngôn, thậm chí một ám hiệu.

Khi dung thuật ngữ ‘tự sự’, chúng tôi nói tới những câu chuyện nào có tiềm năng sáng tạo ý nghĩa và bản sắc, cả ở góc độ tập thể và cá nhân. Chúng truyền tải những giá trị, cảm xúc, và thúc đẩy sự hòa nhập của công dân. Chúng có thể góp phần làm suy yếu hay hóa giải những hình thức cai trị chuyên chế, nhưng ngược lại cũng có thể hỗ trợ và thậm chí củng cố quyền lực của những chế độ cai trị đó. Chúng chứa cả chân lý và bịa đặt, thậm chí có thể vừa hư vừa thực.
Những tự sự này định đoạt hình ảnh của một đất nước, xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa của nước đó. Chúng giúp tạo nên những hiện thực. Người ta hầu như có đủ hiểu biết và khả năng tin vào khả năng mô tả hiện thực của tự sự.

Do đó, ít nhất những gì chúng ta gọi là hiện thực luôn được các tự sự định hình nên, và luôn chứa các tự sự, còn những tự sự luôn chứa những hiện thực. Tự sự và hiện thực có sự tương thuộc, ảnh hưởng lẫn nhau, không thể chia tách nhau và có thể mâu thuẫn sâu sắc với nhau”.

Đoạn trích trên từ cuốn sách làm rõ rằng, theo lối hiểu của chúng tôi, huyền thoại có tính phức tạp, thậm chí mâu thuẫn rất rõ ràng. Tuy nhiên, chúng cũng tỏ ra hấp dẫn nhờ những mâu thuẫn đó, bởi chúng có thể hóa giải những đối lập và nhào trộn những ý nghĩa khác nhau vào một chỉnh thể dường như thống nhất. Theo đó, các huyền thoại đã hòa tan những thứ tưởng chừng như bí ẩn và gộp chúng lại một bộ khung tự sự chắc chắn.
Các huyền thoại có tính mập mờ, và vì chúng có nhiều chức năng khác nhau, chúng ta có thể mô tả chúng bằng một thuật ngữ xã hội học là “đa diện” (polyvalent). Điều này càng đúng với những “huyền thoại chính trị”. Tất cả những phân tích về các huyền thoại chính trị mà chúng tôi thấy ở Việt Nam, cũng như những huyền thoại nhiều tác giả khác đã khảo sát, rất ăn khớp với định nghĩa sau đây của Claus Leggewie:

“Huyền thoại chính trị là một tự sự mà qua đó một bản sắc chung được tạo nên, một “ý thức về phe ta” được hình thành và công nhận một cách mặc nhiên giữa các giai tầng xã hội, các nền văn hóa khác nhau trong nhóm.

Từ góc nhìn xã hội học, huyền thoại tạo ra một ý thức tập thể và ký ức trong những nhóm xã hội lớn, trong đó có các quốc gia, qua đó họ tạo ra sự đoàn kết nội bộ và sự xuyên suốt lịch sử vượt ra ngoài những ranh giới lãnh thổ và không gian.
Huyền thoại chính trị không hướng tới cái đang là mà tới cái nên là trong một cộng đồng, do đó nó tạo ra tính tin cậy và kế đó là tính chính đáng. Các huyền thoại chính trị luôn chứa những yếu tố hư và thực, lịch sử và dự báo, quá khứ và hiện tại. Theo đó, chúng vừa đúng vừa sai”.

Trong lịch sử tri thức Châu Âu, từ Plato tới thời Khai sang tới thời “Lý thuyết Phê phán” vào những năm 1930, 1940 và sau này, người ta vô cùng quan tâm tới việc vạch trần và hóa giải những huyền thoại để tìm ra chân lý và hiện thực đằng sau.

Trong sách của mình, chúng tôi không dựa trên nền tảng triết học sâu sắc như thế. Bởi lẽ, nói như Claus Leggewie, chúng tôi coi huyền thoại chính trị là vừa đúng vừa sai, vì chúng tôi cho rằng sẽ là phản tác dụng nếu chia tách những tiến trình mà vốn phụ thuộc vào nhau. Chúng tôi tập trung phân tích một cách thấu đáo nội dung của những huyền thoại quan trọng và khảo sát chức năng của chúng. Do đó, chúng tôi cho rằng tất cả các nhà nghiên cứu cần giải quyết những vấn đề sau về huyền thoại chính trị:

- Huyền thoại liên quan bao gồm những gì, đâu là nội dung cốt lõi của nó?

- Làm sao huyền thoại đó ra đời?

- Đâu là mâu thuẫn giữa những dữ liệu kiểm chứng được với những tuyên bố về huyền thoại đó?

- Huyền thoại chính trị đó góp phần củng cố và hợp thức hóa sự cai trị của giới cầm quyền thế nào?

- Huyền thoại có khả năng phản ứng lại sự thống trị?

- Tại sao huyền thoại đó lại hấp dẫn thế?
Chúng tôi khảo sát những huyền thoại chính trị như thế ở Việt Nam, một nước có khoảng cách địa lý xa so với Đức, có lịch sử và văn hóa ít tương đồng với Đức và những nước Châu Âu.

Nhưng mặc cho những yếu tố địa lý và lịch sử đó, quan hệ Việt Nam và Đức đã phát triển ngày càng tột bậc từ giữa thế kỷ trước. Có lẽ không nước nào ở Đông (Nam) Á lại quan yếu với Đức như Việt Nam. Điều này khiến chúng tôi khảo sát ngay cả những khả năng có phần thái quá, chúng tôi phá vỡ những định kiến, để qua đó tạo nên một hình ảnh “Việt Nam và người Việt” phong phú hơn nhưng cũng mâu thuẫn hơn so với mấy năm trước, nếu không là mấy thập kỷ trước. Tuyển tập của chúng tôi sẽ nhấn mạnh vào một góc nhìn đặc biệt hơn.

Tuy nhiên, với sách này, nếu chỉ xây dựng được một góc nhìn mới, hay ít nhất là góc nhìn khác biệt về Việt Nam thì còn khiêm tốn. Qua phân tích các huyền thoại chính trị của nước này trong các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, chính trị và kinh tế, chúng tôi muốn hé lộ bản chất và chức năng của huyền thoại chính trị tại những nước khác, trong đó có Đức. Chính sự so sánh giữa hai thế giới mà, nhìn qua rất khác biệt này sẽ giúp ta phân tích mọi thứ một cách rõ ràng, sắc bén hơn.

Trong phần kết luận của sách, chúng tôi thử đưa ra một số kết luận và chỉ ra những vấn đề tương ứng trong môi trường chính trị và văn hóa Đức.

Trong bối cảnh này, chúng tôi không muốn nhắm vào những điểm song trùng, mà khuyến khích việc tìm ra những tương đồng, khác biệt, chẳng hạn khi chúng ta so sánh “Phép màu kinh tế” Đức (1947/48) với phép màu kinh tế Việt Nam sau khi chính sách cải cách “Đổi mới” ra đời (1986). Nếu nhìn nhận kỹ hơn, cả hai phép màu này có điểm chung.

Nếu coi phân tích của Adam Forde về “Huyền thoại Đại hội Đảng 1986” là điểm khởi đầu trong tuyển tập này; cân nhắc tới luận điểm của ông về một dạng “tự-hiện đại hóa” của nền kinh tế và xã hội Việt Nam vào những năm 1980; cuối cùng là kết luận của ông rằng, những chiến lược và biện pháp chính trị có tương đối ít ý nghĩa với thành công của “phép màu kinh tế Việt Nam” từ cuối những năm 1980 và đầu 1990, thì rõ ràng ta cần có so sánh ngay phép màu kinh tế gần đây nhất của Việt Nam, mà dường như được khởi sinh bởi và tại Đại hội Đảng Cộng sản lần VI, với huyền thoại về cải cách tiền tệ của Đức năm 1947-48 với tư cách là căn nguyên của phép màu kinh tế Đức.

Chúng tôi đồng tình với Forde, theo đó thì để tìm ra những “nguyên nhân” của sự phát triển kinh tế và xã hội thần kỳ ở Đức và Việt Nam, bạn không chỉ cần nhìn vào một số sự kiện và biện pháp chính trị như cải cách tiền tệ hay một đại hội đảng. Mà bạn phải chuyển hướng sang những cấu trúc kinh tế, xã hội và sự tương tác giữa nhiều chủ thể với chúng cũng như trong lòng chúng, như là những “nguyên nhân” của “phép màu”.

Trong bối cảnh này, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng ở CHLB Đức, dường như thông qua huyền thoại về cải cách tiền tệ như là nguyên nhân của phép màu kinh tế, người ta đang ngăn cản sự thay đổi chính trị, kinh tế và xã hội căn bản đối với trật tự kinh tế và chính trị hiện hành cũng như giới tinh hoa cũ lẫn mới. Huyền thoại về cải cách tiền tệ cản bước sự ra đời của một trật tự mới căn bản, thậm chí mang tính xã hội chủ nghĩa. Đối với Việt Nam, có thể nói huyền thoại về Đại hội Đảng VI giúp củng cố nền cộng hòa xã hội chủ nghĩa và kéo theo đó là trật tự chính trị hiện nay. Ngoài ra, ít nhiều thì huyền thoại cũng giúp các nhà quản lý kinh tế, chính trị duy trì vị thế.

Trong cuốn sách, chúng tôi cũng tìm hiểu một huyền thoại chính trị rất phổ biến mà mới năm ngoái được nhắc đến, trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm xảy ra những “biến cố” năm 1968. Ở đây tôi muốn nói tới huyền thoại về “tình đoàn kết với người Việt” tại Đức trong giai đoạn 1965-1975. Khi phân tích huyền thoại này, tôi khuyên chúng ta không nên coi nó cũng như chủ nghĩa quốc tế vào thời điểm đó như một sự đoàn kết ‘thuận theo-cách mạng’, đồng lòng và tự nguyện giữa phe mạnh và phe yếu mà không có bất cứ tư lợi nào.  

Theo tôi, những sinh viên và những người vinh danh Hồ Chí Minh vào những năm 60 và 70, hô vang tên ông và thể hiện tình đoàn kết với cuộc “kháng chiến của người Việt” đều theo đuổi lợi ích của họ. Ban đầu chủ nghĩa quốc tế và tình đoàn kết chủ yếu hướng tới việc thay đổi xã hội ở Đức và do đó chỉ là phái sinh.

Quan điểm rằng tình đoàn kết Việt Nam chỉ là sự phái sinh cũng đã được đưa ra bởi một số cựu sinh viên xuống đường biểu tình những năm 60 và 70. Trong cuộc đối thoại giữa cựu ủy viên Quốc hội Đức đại diện cho Đảng Xanh, Dietrich Wetzel, Daniel Cohn-Bendit (cựu lãnh đạo sinh viên Pháp và Đức, sau này là ủy viên Nghị viện Châu Âu của Đảng Xanh và hiện là cố vấn cho Tổng thống Pháp Macron) với Joschla Fischer (sau này là thành viên Đảng Xanh, Bộ trưởng Môi trường bang Hesse và Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang, sau này là giáo viên thỉnh giảng ở Mỹ), Dietrich Wetzel nhận định năm 1979:

“Chủ nghĩa quốc tế […] có chức năng dẫn dắt và do đó có tính phái sinh. Nếu ở các nước khác có những cuộc đấu tranh xảy ra, thì việc đồng cảm với những cuộc đấu tranh đó có ý nghĩa rộng hơn với chúng tôi. Nó có nghĩa và hàm nghĩa rằng chúng ta đấu tranh chống lại một nhà nước nhất định, mà lúc đó ủng hộ và chống lại chủ nghĩa đế quốc (Hoa Kỳ), đó là nhà nước Cộng hòa Liên bang Đức; và ít nhất với thế hệ tôi, trong bối cảnh đó thì chủ nghĩa phát xít đóng vai trò rất quan trọng…

Joschka Fischer đồng ý:

“Chúng tôi đã chọn những huyền thoại dựa trên nhu cầu của chính mình, và cũng tạo dựng và đóng khung chúng vào tâm trí mình như thế”. Chủ nghĩa quốc tế, chủ nghĩa xã hội và giấc mơ về một nền cộng hòa Đức khác, nói như Fischer, “đều là ‘suy nghĩ viển vông’, mà theo ông chúng tôi bị “mắc vào”. Rõ ràng đó là một sự “cảm thông với chủ nghĩa cộng sản”, hay nói đúng hơn: đó là “sự cảm thông […] với phong trào đấu tranh đang thành công, và cuối cùng là với nhà nước xã hội chủ nghĩa”.

Đáng chú ý hơn, điều nói trên cũng đúng với tình đoàn kết trong tổ chức “Sáng kiến Đoàn kết Quốc tế Việt Nam” cùng những tổ chức lân cận, mà sau này đã trở nên cực kỳ phổ biến ở Tây Đức vào những năm 1970 và sau này (chẳng hạn “Hội Hành động Giúp đỡ Việt Nam”). Ở đây, huyền thoại về cuộc đấu tranh thắng lợi của người dân Việt Nam và tình đoàn kết với họ đã phục vụ lợi ích của các đảng chính trị và cuối cùng phục vụ mục tiêu cải cách CHLB Đức, sau khi Bắc Việt, Cộng hòa Dân chủ Đức và Liên Xô đã làm vậy. Chúng tôi không dám bàn sâu về việc mức độ võ đoán của suy nghĩ nói trên, nhưng chỉ muốn qua chúng mà khơi dậy các hoạt động xã hội.

Dù sao đi nữa, tôi muốn gói gọn luận điểm trong sách của tôi như sau: Việt Nam là một huyền thoại đối với đa số người ở Cộng hòa Liên Bang Đức, những người đã cổ súy cái gọi là “Tình đoàn kết với Việt Nam” giai đoạn 1965-1975; và như bao huyền thoại khác nó có nhiều chức năng. Có lẽ quan trọng nhất là nó đã ít nhiều đem lại thay đổi chính trị, kinh tế và văn hóa căn bản tại CHLB Đức chúng tôi. Điều đó cũng không phải bất ngờ, bởi thay đổi chính trị, kinh tế và văn hóa căn bản như vậy chính là bản chất của các phong trào xã hội, và “Tình đoàn kết với Việt Nam” là một phần thiết yếu của cái gọi là Phong trào Thế giới thứ ba ở CHLB Đức.

Cuối cùng, tôi muốn nói hỏi liệu những nỗ lực tân dụng sự độc đáo của lịch sử và văn hóa Việt Nam, cùng việc tập hợp những câu chuyện về đấu tranh chống giặc ngoại xâm thành một tự sự dân tộc chặt chẽ của Việt Nam – phải chăng chúng cũng giống những nỗ lực còn rời rạc và ít sôi nổi hơn của Đức nhằm xây dựng, định hình những giá trị cốt lõi của “Nền văn hóa Kiểu mẫu của Đức”?

Chúng tôi cũng biết rằng quan điểm vượt biên giới quốc gia như trên có thể là hơi võ đoán và sẽ gây mâu thuẫn. Nhưng chính vì vậy mà chúng tôi muốn cuốn sách có thể gợi mở suy nghĩ chứ không lặp lại những chân lý xa xưa theo kiểu bình mới rượu cũ.

Theo USSH

Bình luận của bạn