banner

KHOA ĐÔNG PHƯƠNG HỌC - ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

Sự ủng hộ của nhân dân Nhật Bản dành cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ



Sự ủng hộ của nhân dân Nhật Bản dành cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình của nhiều tầng lớp nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới, trong đó có nhân dân Nhật Bản.

Phong trào phản đối, đòi Mỹ phải chấm dứt chiến tranh Việt Nam do nhân dân Nhật Bản tiến hành đã nêu cao sự chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam đối với dư luận quốc tế, tạo ra một phần sức ép khiến Mỹ phải ký Hiệp định Paris (1973) và rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.

Từ năm 1954, các đảng phái đối lập và nhân dân tiến bộ Nhật Bản đã tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh vì hoà bình độc lập của nhân dân Việt Nam, phản đối chính phủ Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao và bồi thường riêng rẽ cho chính quyền nguỵ quyền Sài Gòn. Phong trào ủng hộ nhân dân Việt Nam diễn ra với những hình thức phong phú như: mít tinh, biểu tình phản đối Mỹ vận chuyển xe tăng sang Việt Nam tham chiến, tổ chức các buổi triển lãm tranh về Việt Nam, chiếu phim truyện Việt Nam, biểu diễn ca múa nhạc v.v…

Ngày 19/3/1955, Hội hữu nghị Nhật - Việt được thành lập tại Tokyo, với tôn chỉ là: “Tăng cường tình hữu nghị giữa toàn thể nhân dân hai miền Việt Nam thống nhất với nhân dân Nhật Bản, tiến hành giao lưu kinh tế và văn hoá, cống hiến cho hoà bình và thịnh vượng của khu vực châu Á và thế giới”. Hội hữu nghị Nhật - Việt đã có vai trò tích cực trong phong trào ủng hộ nhân dân Việt Nam tại Nhật Bản. Hội đã có những hoạt động tiêu biểu như: quyên góp tiền rộng rãi từ dân chúng, mua các vật tư ủng hộ như thuốc men, thiết bị y tế, máy phát điện nhỏ, văn phòng phẩm, dụng cụ thí nghiệm dùng trong giảng dạy v.v… và chuyển đến Việt Nam trên những chuyến tàu chi viện. Cho đến năm 1975, khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, Hội hữu nghị đã khuyên góp được hơn 500 triệu yên từ hơn 10 triệu người và chuyển hàng sang Việt Nam trên 11 chuyến tàu[1]. Thông qua hội hữu nghị Nhật- Việt và Phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam tại Nhật Bản trở thành nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hơn nữa, từ 1955 đến 1973, Hội hữu nghị Nhật- Việt  không chỉ liên kết với nhân dân Việt Nam mà còn nỗ lực kết nối kênh giao lưu với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong điều kiện quan hệ ngoại giao giữa hai bên chưa thiết lập

Khi Mỹ sử dụng không quân ném bom, tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam (5/8/1964) và đẩy mạnh hơn nữa “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, thì phong trào đấu tranh chống Mỹ, ủng hộ Việt Nam tại Nhật càng trở nên mạnh mẽ hơn. Phong trào do Đảng Cộng sản các lực lượng cánh tả và nhân dân yêu chuộng hoà bình, tiến bộ ở Nhật tổ chức đuợc diễn ra liên tục, phong phú cả về nôi dung và hình thức[2].

Một trong những phong trào tiêu biểu và nổi bật nhất của nhân dân Nhật Bản ủng hộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đó là phong trào“べ平連運動- Beiheiren” với khẩu hiệu “ベトナムに平和を!市民連合” tạm dịch là “hoà bình cho Việt Nam, liên minh thị dân”. Ngày 24/4/1965, tại Nhật Bản đã diễn ra một cuộc biểu tình trên các đường phố, trung tâm thành phố Tokyo để phản đối chiến tranh Việt Nam[3]. Uỷ ban “Hoà bình cho Việt Nam – Beheiren” được thành lập tại Tokyo, do nhà văn Oda Makoto[4] đứng đầu và những người cộng sự khác của ông, nhà triết gia Shunsuke Tsurumi và nhà văn Takeshi Kaiko, cùng với đó là sự tham gia đông đảo của nhiều tầng lớp nhân dân. Các thành viên tham gia phản đối chiến tranh xuất phát từ tình cảm và sự ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa dành cho Việt Nam. Ngoài ra một lý do to lớn khác ảnh hưởng đến những người tham gia vào Uỷ ban Beheiren là lý thuyết của Oda Makoto「被害者・加害 者」tạm dịch là “nạn nhân và phạm nhân”.

Uỷ ban Beheiren là một phong trào lớn nhất trong phong trào phản đối Mỹ tiến hành chiến tranh Việt Nam, Uỷ ban đã có nhiều hoạt động cụ thể ủng hộ Việt Nam. Tại Nhật Bản các sinh viên Việt Nam đang du học ở đây lúc bấy giờ cũng đã hợp tác rất chặt chẽ với uỷ ban Beheiren để tổ chức các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh, tập trung trước cổng đại sứ quán Mỹ tại Nhật Bản, hô vang khẩu hiệu yêu cầu Mỹ chấm dứt ném bom miềm Bắc Việt Nam.  Tháng 8/1966「ベトナムに平和を!日米市民会議」tạm dịch “hoà bình cho Việt Nam, hội nghị thị dân Nhật Mỹ” do Beheiren tổ chức với mục đích hướng đến những người lính Mỹ. Ngày 10/12/1966, bắt đầu được giới thiệu trong một tờ rơi bằng tiếng Anh trước cửa căn cứ quân sự của Mỹ tại Yokosuka, Tokyo.

Đối với hầu hết những người tham gia trong Uỷ ban kinh nghiệm đầu tiên của họ đó chính là nói chuyện trực tiếp với những lính Mỹ.  Beheiren đã cùng với những người lính Mỹ phản chiến đến một bệnh viện quân y tại Akasaka, Tokyo tuyên truyền phản đối chiến tranh cho các thương binh Mỹ đang chữa trị tại đó cũng như kêu gọi các lính Mỹ rời bỏ quân ngũ. Nhiều lính Mỹ điều hưởng ứng lời kêu gọi và ủng hộ phong trào phản chiến. Hoạt động của Beheiren đã tạo ra ảnh huởng lớn tới binh lính Mỹ và khiến một số quân nhân đào ngũ. Các phong trào của Beheiren phát triển với hơn 350 nhóm Beheiren hoạt động trên khắp đất nước Nhật trong trường học, nơi làm việc, cộng đồng, nhóm... Ngày 15/6/1969 Beheiren tổ chức một cuộc biểu tình phản đối chiến tranh lớn nhất ở Tokyo với sự tham gia của hơn 70.000 người. Tại các công viên trong những ngày chiến tranh ở Việt Nam diễn ra ác liệt, những khẩu hiệu ủng hộ Việt Nam, sục sôi tinh thần quốc tế của dân dân Nhật Bản đã hô vang “Mỹ hãy rút khỏi Việt Nam!”, “Việt Nam là của người Việt Nam”, “chính phủ Nhật Bản không được bắt tay với Mỹ!”[5].

Ngoài ra, Beheiren còn tổ chức hoạt động các quán cà phê chống chiến tranh (反戦コーヒーショップ), bởi vì họ cho rằng quán cà phê là nơi thường xuyên diễn ra sự gặp gỡ và giao lưu của hầu hết các lính Mỹ tại Nhật với bên ngoài, từ đó công tác tuyên truyền phản đối chiến tranh có cơ hộ xâm nhập, tuyên truyền đối với đội ngũ binh lính Mỹ và tác động thêm phần hiệu quả[6].

Bên cạnh các phong trào tự tổ chức,  Beheiren cũng luôn đề cao công tác hỗ trợ, giúp đỡ các tổ chức do người Việt Nam sống và học tập tại Nhật Bản như tổ chức Beheito[7]. Phong trào Beheiren đã đóng góp tiếng nói quan trọng trong cuộc chiến dư luận trên thế giới ủng hộ Việt Nam chống lại đế quốc Mỹ.

Một trong những hoạt động cụ thể là:

Bức ảnh thứ nhất là chiếc túi xách phía trên có ghi dòng chữ “ Stop the Viet Nam War”, tạm dịch: dừng chiến tranh Việt Nam, đây là sản phẩm do những thanh niên là thành viên của Ủy ban Beheiren làm ra, vào năm 1986. Các Thành viên của Uỷ ban đã dùng những chiếc túi này đi khắp nơi trên đất nước Nhật Bản, kêu gọi mọi người ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ.

Bức ảnh thứ hai là chiếc tạp dề do ông Kaneko Tokuyoshi- thành viên Beheiren tự may và luôn mang trên người từ nhà đến nơi làm việc từ năm 1965 đến năm 1973. Bên trên chiếc tạp dề có dòng chữ “アメリカはベトナムから手をひけ”, tạm dịch: Mỹ hãy rút khỏi Việt Nam. Hành động sử dụng chiếc tạp dề này của ông Kaneko Tokuyoshi đã thể hiện sự ủng hộ của ông dành cho nhân dân Việt Nam. Bên cạnh đó, đây cũng là một cách để ông gây sự chú ý tới những người dân Nhật khác, từ đó lôi kéo thêm thành viên  ủng hộ cho Việt Nam.

Ngoài Uỷ ban Beheiren các tổ chức, hội đoàn khác cũng ủng hộ Việt Nam. Tháng 4/1965, Công đoàn thuỷ thủ ở Tokyo, Yokohama, Kobe… đã quyết định không vận chuyển những thiết bị phục vụ chiến tranh của Mỹ sang miền Nam Việt Nam. Tháng 10/1965 tại Tokyo có hai cuộc mít tinh lớn với hơn 50.000 người biểu  duơng lực lượng tại các thành phố lớn với những khẩu “Mỹ hãy rút khỏi Việt Nam!”.

Trong năm 1965, giới tri thức Nhật Bản cũng đã có những hành động ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam. Tháng 8, một số tri thức ở Tokyo đã tổ chức cuộc thảo luận suốt đêm về vấn đề Mỹ xâm lược Việt Nam, thông qua truyền hình trực tiếp nhiều gia đình Nhật Bản đã theo dõi được cuộc thảo luận này. Tham dự thảo luận có hơn 20 đại biểu thuộc các chính đảng, nhà báo, nhà khoa học, văn nghệ sỹ nổi tiếng, và khoảng 600 các tầng lớp nhân dân. Trong buổi thảo luận các đại biểu đã tích cực đưa ra ý kiến ủng hộ và kêu gọi giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Từ những hoạt động của giới tri thức mà nhân dân Nhật Bản đã có nhiều cơ hội hiểu hơn về cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, thấy rõ được tội ác của giặc Mỹ xâm lược[8].

Ngày 27/1/1973,  Đài truyền hình Asahi Nhật Bản đã truyền hình trực tiếp buổi họp báo về nội dung Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đài truyền hình Asahi đã đề  nghị  một du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản (Vũ Tất Thắng)[9] dịch nội dung của bản Hiệp định Pari bằng tiếng Pháp sang tiếng Nhật. Để đáp ứng nhu cầu theo dõi tin tức, quan tâm của nhân dân Nhật Bản cũng như của người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật. Ngày 30/4/1975, khi miền Nam Việt Nam vừa giải phóng, các thành viên của Uỷ ban Beheito đã lập tức chủ động đến quản lý tòa nhà của Đại sứ quán của chính quyền Sài Gòn ở Nhật tại quận Shibuya-ku (hiện là Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản). Mục đích của tổ chức Beheito là giữ gìn tài sản cho chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Chính vì việc này, các thành viên của tổ chức Beheito đã bị cảnh sát Nhật tạm giam. Tuy nhiên sáng hôm sau, nhờ sự giúp đỡ của các nghị sĩ thuộc Đảng Xã hội Nhật Bản can thiệp, giúp đỡ nên các thành viên của hội đã được thả[10].

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ (1959-1975) khó khăn và ác liệt gian khổ, Việt Nam không hề đơn độc, bên cạnh luôn có những người bạn yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân Nhật Bản họ đã dành sự đồng cảm, ủng hộ cho nhân dân Việt Nam. Chính những nguồn ủng hộ quý báu đó của quốc tế, trong đó có nhân dân Nhật Bản làm cho đế quốc Mỹ phải thất bại và rút khỏi miền Nam Việt Nam, hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước.

Chú thích

[1] Phạm Thị Thu Giang, lịch sử giao lưu Việt Nam- Nhật Bản, Nxb thế giới, 2013, trang 143,144

[2] Ts.Trịnh Tiến Thuận, quan hệ Nhật Bản- Việt Nam 1954-1975, khoa lịch sử- trường đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, thứ hai, ngày 25/6/2012.

[3] Anti-Vietnam War ‘Beheiren’ activism remembered 50 years on, keiji Hirano, the Japan times, 19/5/2015

[4] Oda Makoto (2/6/1932- 30/7/2007), tại Oasaka, tốt nghiệp trường đại học Tokyo, chuyên nghành triết học Hy Lạp cổ điển và văn học , 1958 ông dành được học bổng để học tại trường đại học Harvard. Ông là một tiểu thuyết gia một nhà hoạt động hoà bình.

[5] 50 năm phong trào thị dân Tokyo phản đối chiến tranh Việt Nam, TTXVN/VIETNAM+, 27/04/2015 16:00

[6] Chủ thể chuyển đồi và vận động vượt biên (越境する運動と変容する主体), trung tâm vận động phá huỷ quân đội Mỹ,vận động đào ngũ của Jatekku ( ジャテックの脱走兵支援運動・米軍解体運動を中心に), Ono Mitsuaki (大野光明). http://www.ritsumei.ac.jp/acd/gr/gsce/ce/2008/om02.pdf

[7] Beheito tổ chức  tranh đấu cho hoà bình và thống nhất đất nước, tổ chức do các sinh viên Việt Nam yêu nước sống tại Nhật thành lập

[8] Nhân dân và dư luận Nhật Bản nhiệt liệt ủng hộ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta (15/11/1965), báo cáo của chiến sỹ, báo nhân dân số 42412 và 4242 ngày 14 và 15 tháng 11 năm 1965.

[9] Ông Vũ Tất Thắng sinh năm 1941 tại Hải Dương và là một người theo đạo Thiên chúa. Năm 1961, ông sang Nhật Bản du học và sau khi hoàn thành học vị Tiến sĩ Kinh tế, ông đảm trách vai trò Tổng Đại diện của Isuzu ở Brussel (Bỉ) từ năm 1988 và ở Đức từ năm 1990). Năm 1992, để có cơ hội làm việc tại quê hương, ông Vũ Tất Thắng làm Phó Tổng Đại diện cho Tập đoàn Itochu tại Hà Nội. Năm 1996, ông làm Phó Tổng Giám đốc Isuzu Việt Nam ở Tp.HCM cho đến khi về hưu vào năm 1998.

[10] Người không quốc tịch ở Nhật Bản, Chiến tranh Việt nam- cổng thông tin tư liệu về chiến tranh Việt Nam, Khánh Nguyễn. 5/6/2013.

Tác giả: Mai Thị Khánh Giang,

sinh viên khóa 57, Ngành Nhật Bản học-

Khoa Đông Phương học

Bình luận của bạn