banner

KHOA ĐÔNG PHƯƠNG HỌC - ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

Nhà tù Hỏa Lò - Nơi khắc ghi dấu tích lịch sử "dã man" của thực dân Pháp



Nhà tù Hỏa Lò - Nơi khắc ghi dấu tích lịch sử "dã man" của thực dân Pháp

Cuối thế kỷ XIX, nhằm đối phó với các phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam, thực dân Pháp đã tăng cường bộ máy đàn áp: bổ sung lực lượng cảnh sát, hoàn chỉnh hệ thống tòa án và xây dựng mạng lưới nhà tù. Năm 1896, trên đất làng Phụ Khánh - tổng Vĩnh Xương - huyện Thọ Xương - Hà Nội, thực dân Pháp đã xây dựng nhà tù Hỏa Lò. Đây là một trong số những nhà tù lớn nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương.

Từ một làng nghề thủ công làm đồ gốm có tiếng, thực dân Pháp đã biến mảnh đất Hỏa Lò thành nơi giam cầm và đày ải về thể xác và tinh thần của hàng ngàn chiến sĩ yêu nước, cách mạng Việt Nam. Sống trong ngục tù đế quốc, với chế độ giam cầm hà khắc, sinh hoạt đọa đày nhưng các chiến sĩ yêu nước, cách mạng vẫn giữ vững khí tiết, biến nhà tù thành trường học và là nơi phổ biến lý luận cách mạng. Nhiều người đã mưu trí vượt ngục trở về với nhân dân, với tổ chức, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Có rất nhiều nhà lãnh đạo yêu nước và cách mạng Việt Nam bị thực dân Pháp giam giữ ở nhà tù Hỏa Lò, tiêu biểu như: Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Lương Bằng… và năm đồng chí Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam gồm: Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười.

Tháng 10/1954, sau khi miền Bắc được giải phóng, Chính phủ Việt Nam đã quản lý và tạm thời sử dụng nhà tù Hoả Lò để giam giữ những người vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, từ ngày 05/8/1964 đến 31/3/1973, nhà tù Hỏa Lò còn được dùng để giam giữ phi công Mỹ bị bắn rơi khi ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam. Trong thời kỳ này, phi công Mỹ đặt cho Hỏa Lò tên gọi hài hước “Hà Nội Hilton”. Những phi công Mỹ bị giam giữ tại đây có cả Douglas Peter Peterson, sau này trở thành Đại sứ Mỹ đầu tiên tại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và John Mccain - hiện là Thượng nghị sĩ Mỹ.

 Năm 1993, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của Thủ đô, Chính phủ Việt Nam quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng của nhà tù Hỏa Lò. Một phần phía Đông Nam còn lại được gìn giữ, tu bổ, tôn tạo để xếp hạng trở thành Di tích lịch sử của Hà Nội. Nơi đây có Đài tưởng niệm các chiến sĩ yêu nước và cách mạng Việt Nam đã anh dũng hy sinh tại nhà tù Hỏa Lò vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Nguồn: hoalo.vn

Bình luận của bạn