banner

KHOA ĐÔNG PHƯƠNG HỌC - ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

[Báo cáo NCKHSV] Nghiên cứu những hình dung từ mang bộ tâm trong tiếng Hán



[Báo cáo NCKHSV] Nghiên cứu những hình dung từ mang bộ tâm trong tiếng Hán
Chữ Hán là một bộ phận của văn hóa truyền thống, sự hình thành và phát triển của chữ Hán không thể tách rời bối cảnh lớn của văn hóa truyền thống dân tộc Trung Hoa, do vậy thông qua việc nghiên cứu chữ Hán ta có thể thấy được các hiện tượng văn hóa có liên quan.

Phần mở đầu
Chữ Hán là một bộ phận của văn hóa truyền thống, sự hình thành  và phát triển của chữ Hán không thể tách rời bối cảnh lớn của văn hóa truyền thống dân tộc Trung Hoa, do vậy thông qua việc nghiên cứu chữ Hán ta có thể thấy được các hiện tượng văn hóa có liên quan. 
Từ xưa đến nay, trong bất kì xã hội nào, chữ tâm cũng luôn được coi trọng bởi nó đánh giá phẩm chất của con người, đánh giá giá trị cốt lõi của dân tộc chữ tâm đối với mỗi cá nhân và với toàn xã hội.
Từ việc nghiên cứu chữ tâm và những chữ Hán mang bộ tâm ta có thể thấy được sự ảnh hưởng của chữ tâm đến đời sống tinh thần của người dân Trung Hoa và dân tộc Trung Hoa.
Đối tượng nghiên cứu là 125 tính từ mang bộ tâm trong cuốn “ Từ điển Hán ngữ ứng dụng” ( 应用汉语词典) do nhà xuất bản《商务印书馆》xuất bản.
Phần nội dung
1.    Quá trình hình thành và phát triển của chữ Hán và bộ thủ tâm:
Chữ Hán là một loại văn tự đặc biệt, có nguồn gốc từ lâu đời. Trong quá trình phát triển, tại những giai đoạn lịch sử khác nhau thì chữ Hán cũng có những biến đổi cả  về mặt hình thể và ý nghĩa. Quá trình hình thành của chữ Hán là một quá trình lâu dài. Chữ Hán từ khi hình thành đến chữ Hán ngày nay trải qua các hình dạng: Giáp cốt văn, Kim văn, Đại triện, Tiểu triện, Lệ thư, Khải thư, Thảo thư, Hành thư.
Giáp cốt văn được coi là hình dạng sơ khai của chữ Hán. Đây là loại chữ được khắc trên mai rùa và xương thú, là thể chữ Hán cổ xưa nhất được tìm thấy cho tới ngày nay.. Sang đến thời đại kim khí phát triển, Kim văn là sự kế thừa của Giáp cốt văn. Sau Kim văn là chữ Đại triện. Đại triện là thể chữ lưu hành thời Tây Chu. Sau khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi, nhà Tần thống nhất sử dụng chữ Tiểu triện, tuy nhiên một điểm yếu của chữ Tiểu triện đó là cách viết vẫn tương đối phức tạp và sự ra đời của chữ Lệ ( Lệ Thư) đã khắc phục điểm yếu trên của chữ Tiểu triện. Sự ra đời của chữ Lệ đánh dấu một dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển chữ Hán, đánh dấu chữ Hán hoàn toàn thoát khỏi hệ thống tượng hình, trở thành văn tự thực sự. Khải thư là bước phát triển hoàn thiện nhất của chữ Hán với kết cấu chặt chẽ, đơn giản, dễ viết và quy phạm. Lệ thư và Hành thư xuất hiện do nhu cầu ghi chép nhanh. Cho đến nay chữ Hành vẫn được sử dụng nhiều do tính thực dụng của nó.
Xét về mặt kết cấu, chữ Hán gồm 6 kiểu: tượng hình, chỉ sự, hình thanh, hội ý, chuyển chú, giả tá trong đó chủ yếu sử dụng 3 phương pháp tượng hình, hội ý và hình thanh. Tượng hình là dùng nét bút miêu tả trực tiếp sự vật
Bộ thủ là bộ phận cốt yếu của từ và tự trong tiếng Hán. Bộ thủ Tâm (心) từ khi xuất hiện cho đến chữ Tâm được sử dụng như ngày nay cũng thông qua một quá trình biến đổi, không chỉ về mặt hình thể, mà còn có sự mở rộng về mặt ý nghĩa. 
Xét về mặt hình thể, bộ thủ Tâm (心) cũng trải qua một quá trình biến đổi từ giáp cốt văn, kim văn, tiểu triện, khải thư.
Xét về mặt kết cấu của những từ mang bộ tâm:
-    Những từ mang bộ tâm nằm (心) có một trong hai tác dụng hoặc biểu ý, hoặc biểu thanh. Ví dụ: Mang tác dụng biểu ý:忠,恶,憨. Mang tác dụng biểu hình:沁,吣. Tuy nhiên, bộ tâm nằm trong các từ chữ Hán phần lớn mang tác dụng biểu ý.
-    Những từ mang bộ tâm đứng chỉ mang tác dụng biểu ý. Ví dụ:怕,慌,恨,悟,忧
Từ đó có thể thấy, tác dụng biểu ý của những từ mang bộ tâm là rất lớn. Từ việc nghiên cứu nhũng từ mang bộ tâm chúng ta có thể hiểu được tâm lí, tình cảm của dân tộc Trung Hoa. 
2.    Phân loại những hình dung từ chữ Hán mang bộ tâm theo ý nghĩa, theo tính thông dụng
Để nghiên cứu những hình dung từ mang bộ tâm trong tiếng Hán, tôi tiến hành khảo sát toàn bộ những chữ  mang bộ tâm trong cuốn từ điển Hán ngữ ứng dụng do nhà xuất bản Thương vụ ấn thư quản xuất bản, sau đó tiến hành phân loại theo từ loại. Kết quả thu được 125 chữ Hán mang bộ tâm là hình dung từ.
a.    Phân tích những chữ Hán mang bộ tâm theo ý nghĩa:
Thông qua việc phân tích  ta có thể thấy được những chữ Hán mang bộ tâm gắn liền với những cung bậc tình cảm của con người, từ vui buồn, kinh ngạc, thất vọng đến xấu hổ, nhục nhã...Từ đó có thể thấy từ xa xưa, người Trung Quốc đã sử dụng bộ tâm ghép vào các chữ Hán để biểu thị tâm tư, tình cảm, nỗi lòng của mình bởi lẽ hiểu theo cách đơn giản nhất, tâm có nghĩa là trái tim. Những tình cảm, cảm xúc ấy đều là những cảm xúc chân thật xuất phát từ trái tim con người.
Người tộc Hán cổ cho rằng, tim là bộ phận quan trọng nhất trong ngũ tạng, “tâm chủ thần” (心主神), có nghĩa là tim có thể khống chế những hoạy động tâm lí của con người. Như Mạnh Tử nói: “ Tâm phiệt quan tắc tư”(心之官则思) cũng là vì vậy. Điều đó cho thấy rằng dân tộc Hán cổ thường đặt tâm(心) làm cơ quan điều khiển hoạt động tâm lí của con người.
Những chữ Hán mang bộ tâm bên cạnh những ý nghĩa chỉ tâm trạng còn mang nghĩa chỉ phẩm chất, tính cách của con người. Như phân tích ở trên, ta thấy những chữ Hán mang bộ tâm chỉ tính cách gồm có: trung hậu, ngay thẳng, hào phóng, rộng rãi, kiêu ngạo, khinh người, cố chấp, dũng cảm, mạnh mẽ, nhát gan, ác độc, hung dữ, ngốc nghếch....Những tính từ này chỉ cả những phẩm chất tốt đẹp và những phẩm chất xấu của con người bởi lẽ tâm điều khiển hoạt động tâm lí, tình cảm của con người và hành động là sự biểu hiện của quá trình tư duy ấy. Chính vì thế mà trong những chữ Hán mang bộ tâm có một bộ phận không nhỏ mang ý nghĩa chỉ phẩm chất, tính cách của con người. Những chữ Hán mang bộ tâm không chỉ mang ý nghĩa trạng thái tâm lí, mà còn chỉ phẩm chất, tính cách của con người hay nói một cách khác, chữ tâm ở đây đã được mở rộng về mặt ý nghĩa, đó chính là tâm đức, là đạo làm người. Như chúng ta đã biết, dân tộc Trung Hoa vốn là dân tộc coi trọng những luân lí đạo đức, coi trọng luân lí đạo đức đã trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa Trung quốc truyền thống, là chất keo gắn kết cộng đồng. Có thể lấy quan niệm của Nho gia về chữ tâm là một ví dụ minh chứng cho sự coi trọng những giá trị về luân lí đạo đức của dân tộc Trung Hoa. Khi bàn đến chữ tâm, Khổng Tử chú trọng đến việc làm người như thế nào, nghĩa là nhấn mạnh đến đạo đức. Theo đạo Nho thì tâm là trời, là đạo, đạo chẳng xa người và chẳng ở ngoài tâm. Như vậy có nghĩa là Đạo và Tâm đã hòa làm một.Từ đó có thể thấy với người Trung Quốc luân lí, đạo đức luôn được đề cao.
Cách  phân biệt những chữ Hán mang bộ tâm theo tính thông dụng từ đó ta có thể tìm ra cách học đối với những chữ Hán mang bộ tâm thông dụng. Như đã trình bày ở trên, chúng ta đã biết bộ tâm đứng có tác dụng biểu ý rất mạnh do vậy, những chữ Hán mang bộ tâm đứng phần lớn đều có kết cấu hình thanh mà bộ tâm là phần biểu thị ý nghĩa, phần còn lại biểu thị âm đọc. Xét từ những chữ Hán trong bảng trên ta thấy rất rõ đặc điểm này. Ví dụ: Chữ忣 được ghép bởi bộ tâm mang tác dụng biểu ý và chữ 及 mang tác dụng biểu thanh,Chữ 忙được ghép bởi bộ tâm mang tác dụng biểu ý và chữ 亡 mang tác dụng biểu thanh, Chữ忧 được ghép bởi bộ tâm mang tác dụng biểu ý và chữ 尤 mang tác dụng biểu âm.Tương tự, các chữ:怅, 忻, 快, 怯, 怵, 怦, 恍... cũng có cấu tạo như vậy. Do vậy, để dễ dàng ghi nhớ những chữ Hán mang bộ tâm, ta chỉ cần nhớ ;Dựa vào đặc điểm nổi bật này, ta có thể dễ dàng hơn trong việc ghi nhớ những chữ Hán mang bộ tâm.
Phần kết luận
Thông qua quá trình thống kê, phân loại, phân tích chúng ta có thể thấy được những chữ Hán mang bộ tâm và ý nghĩa của nó đặt trong mối quan hệ với văn hóa Trung Hoa truyền thống. Những hình dung từ chữ Hán mang bộ tâm mang ý nghĩa chỉ tâm tư, tình cảm, phẩm chất, tính cách của con người, thể hiện văn hóa coi trọng những chuẩn mực đạo đức xã hội của con người Trung Quốc. Thông qua việc nghiên cứu những chữ Hán mang bộ tâm phần nào đã thể hiện được thái độ coi trọng đạo đức ấy của người Trung Quốc đã có từ rất lâu, kể từ khi con người sáng tạo ra chữ viết. Trong suốt quá trình phát triển và biến đổi của lịch sử, tinh thần ấy không những không bị mai một mà đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong văn hóa Trung Hoa. 

SV. Lưu Thuỳ Dung
K57 Bộ môn Trung Quốc học

Bình luận của bạn