banner

KHOA ĐÔNG PHƯƠNG HỌC - ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM LẦN THỨ XIII




Một trong những sự kiện quan trọng nhất của năm nay quyết định nhân sự và phương hướng, kế hoạch hành động của đất nước 5 năm tới là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

10 dấu ấn nổi bật về Đại hội XIII của Đảng

Theo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam thì “Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc”. Theo đó Ban Chấp hành TW khóa trước sẽ quyết định triệu tập Đại hội toàn quốc 5 năm 1 lần, có thể sớm hoặc muộn hơn nhưng không quá 1 năm. Khi Ban Chấp hành Trung ương xét thấy cần hoặc khi có hơn một nửa số cấp uỷ trực thuộc yêu cầu thì Ban Chấp hành Trung ương triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc bất thường. Thực tế cho đến nay chưa có Đại hội bất thường nào diễn ra. Tại các Hội nghị Trung ương gần cuối thì Ban Chấp hành TW sẽ quyết định triệu tập Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng, quyết định thời gian và địa điểm diễn ra Đại hội. Trải qua 12 kỳ Đại hội thì Đại hội đầu tiên được tổ chức ở Ma Cao, Trung Quốc, kỳ Đại hội thứ II được tổ chức ở tỉnh Tuyên Quang, còn lại 10 lần Đại hội sau đó đều được tổ chức ở Hà Nội.

Về thành phần tham dự Đại hội: Ðại biểu chính thức dự Đại hội đại biểu toàn quốc gồm các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và Đại biểu do Đại hội cấp dưới bầu; Ðại biểu dự Đại hội phải được Đại hội thẩm tra tư cách và biểu quyết công nhận. Ngoài ra cũng sẽ có thêm một số khách mời như các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các chức sắc tôn giáo, văn nghệ sĩ, thanh thiếu niên, khách quốc tế... tham dự, thường khách mời chỉ dự vào ngày khai mạc và bế mạc Đại hội.

Trước khi tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc, các Đảng bộ trực thuộc Trung ương phải hoàn thành Đại hội Đảng bộ các cấp, bầu ra ban chấp hành Đảng ủy khóa mới và Bí thư Đảng ủy các cấp. Đại hội cấp cơ sở đồng thời đề cử đại biểu tham dự Đại hội của cơ sở Đảng trên một cấp, theo trình tự từ thấp lên cao, thấp nhất là Đảng bộ cấp xã, phường, rồi lên huyện, quận và đến tỉnh, thành phố. Tức là Đại hội xã, phường bầu Đại biểu dự Đại hội cấp huyện, quận. Đại hội huyện, quận bầu đại biểu dự đại hội cấp tỉnh, thành phố. Và cuối cùng Đại hội tỉnh, thành phố và các Đảng bộ trung ương khác bầu Đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng.

Để tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc thì khâu chuẩn bị được thực hiện trước đó khoảng 2 năm, bằng việc thành lập các tiểu ban như văn kiện, kinh tế xã hội, nhân sự, tổ chức phục vụ. Đặc biệt là 2 tiểu ban Văn kiện và Nhân sự là rất quan trọng. Sau đó trước khi Đại hội diễn ra, các dự thảo Văn kiện Đại hội được công bố toàn văn trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân trong và ngoài nước và các tổ chức tham gia góp ý kiến.

Trước ngày khai mạc Đại hội sẽ diễn ra phiên trù bị để bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký Đại hội, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu; thông qua Chương trình làm việc của Đại hội, Quy chế bầu cử và Báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu dự Đại hội. Trước đó các đại biểu sẽ vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặt vòng hoa, dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.

Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng có 4 nhiệm vụ trọng tâm:

- Đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của nhiệm kỳ vừa qua;

- Quyết định đường lối, chính sách của Đảng nhiệm kỳ tới;

- Bầu Ban Chấp hành Trung ương; Số lượng Ủy viên Trung ương chính thức và Ủy viên Trung ương dự khuyết do Ðại hội quyết định;

- Bổ sung, sửa đổi Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng khi cần.

1. Nghị quyết Đại hội Đảng

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc là kim chỉ nam cho đất nước trong 5 năm tiếp theo. Và Nghị quyết Đại hội trước là thước đo đánh giá thành tựu đạt được của đất nước trong 5 năm đã qua. Nghị quyết được xây dựng từ các dự thảo văn kiện do Ban Chấp hành khóa trước trình, qua góp ý, tham luận của các đại biểu và nhân dân. Sau đó Đại hội sẽ tiến hành biểu quyết tán thành hay không bằng hình thức giơ thẻ Đảng viên.

2. Bổ sung, sửa đổi Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng khi cần

"Cương lĩnh chính trị" hiểu theo nghĩa là bản trình bày một cách khoa học nhất mục đích, tôn chỉ, phương hướng, nhiệm vụ của một chính đảng cách mạng, cũng như xác định đầy đủ lực lượng, phương thức, phương pháp tiến hành cách mạng để thực hiện mục tiêu trước mắt, và nhằm tới mục đích cuối cùng của cách mạngthì cho đến hiện nay Đảng đã có 5 cương lĩnh chính trị. Lần gần nhất Cương lĩnh chính trị được bổ sung, phát triển là năm 2011 tại Đại hội X.

Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam là văn bản pháp lý cơ bản của ĐCS VN, xác định tôn chỉ, mục đích, hệ tư tưởng, các nguyên tắc về tổ chức, hoạt động, cơ cấu bộ máy của Đảng Cộng sản Việt Nam; quy định trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của đảng viên và của tổ chức đảng các cấp.

Điều lệ Đảng do Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng thông qua và ban hành. Mọi tổ chức Đảng và Đảng viên đều phải chấp hành Điều lệ Đảng. Nghĩa là ngoài chấp hành Hiến pháp và pháp luật của nước CHXHCN Việt Nam thì mọi Đảng viên phải chấp hành Điều lệ của Đảng, vi phạm sẽ bị kỷ luật bằng 4 hình thức: khiển trách, cảnh cáo, cách chức và khai trừ.

Điều lệ Đảng được bổ sung, sửa đổi để phù hợp với tình hình hiện tại trong Đảng. Điều lệ Đảng hiện nay được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua ngày 19 tháng 01 năm 2011.

3. Nhân sự

Đây là khâu quan trọng bậc nhất trong các kỳ Đại hội. Theo Điều lệ Đảng: Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Vậy nên công tác nhân sự luôn được quan tâm hàng đầu, làm sao để chọn được người đức độ, tài năng để lãnh đạo Đảng và đất nước trong 5 năm phía trước rất quan trọng, được Ban Chấp hành TW thảo luận, bàn bạc rất kỹ rồi mới thông qua để trình Đại hội.

Công tác nhân sự của Đại hội bao gồm: bầu ra Ban Chấp hành Trung ương, sau đó bầu Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra TW và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

- Bầu Ban Chấp hành Trung ương: Các các Hội nghị Trung ương của khóa trước sẽ thảo luận, cho ý kiến về công tác nhân sự, giới thiệu ai tái cử, ai ứng cử lần đầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Tất cả các Ứng viên được giới thiệu để bầu vào Ban Chấp hành TW khóa mới đều được tham gia lớp cán bộ nguồn của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trước đó. Còn các trường hợp tái cử sẽ do Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định. Sau đó tại Đại hội Đảng toàn quốc sẽ trình danh sách để Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khóa mới gồm các Ủy viên TW Chính thức và Ủy viên TW Dự khuyết dựa trên danh sách giới thiệu. Tại Đại hội, các Ứng viên có quyền ứng cử, đề cử hoặc xin rút, sau đó Đoàn chủ tịch Đại hội sẽ xem xét. Số lượng Ủy viên TW do Đại hội quyết định. Việc bầu Ủy viên TW được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín.

➡️ Sau khi có danh sách Ban Chấp hành TW khóa mới thì Ban Chấp hành TW sẽ tiến hành Họp phiên thứ nhất để bầu ra Bộ Chính trị. Danh sách ứng viên Bộ Chính trị gồm các đồng chí được giới thiệu lần đầu tham gia Bộ Chính trị và cả Ủy viên Bộ Chính trị khóa trước được giới thiệu để bầu lại vào BCT khóa mới. Tiêu chuẩn Ủy viên Bộ Chính trị gồm nhiều quy định nhưng tiêu biểu là phải tham gia trọn 1 nhiệm kỳ Ban Chấp hành TW, không quá 65 tuổi (trường hợp đặc biệt quá 65 tuổi do BCH TW quyết định).

➡ Sau đó Ban Chấp hành TW bầu ra Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam trong số các Ủy viên Bộ Chính trị.

➡ Ban Chấp hành TW bầu ra Ban Bí thư gồm Tổng bí thư và các Bí thư TW Đảng. Bí thư TW Đảng được bầu trong số các Ủy viên TW Đảng khóa mới và do Bộ Chính trị chỉ định một số Ủy viên BCT tham gia Ban Bí thư.

➡ Ban Chấp hành TW bầu ra Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau đó bầu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong số các ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng là công tác Đảng nên chỉ bầu ra các chức vụ trong Đảng. Nhiều người có thắc mắc về các chức vụ của Nhà nước là Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội bao giờ bầu? Nước CHXHCN Việt Nam do ĐCSVN lãnh đạo nên công tác chính quyền và công tác Đảng gắn liền với nhau. 3 vị trí then chốt của Nhà nước sẽ do Quốc hội khóa mới bầu ra. Như vậy 3 vị trí lãnh đạo cao nhất của Nhà nước sẽ có sau khi tiến hành xong bầu cử các cấp và bầu cử Đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên trước đó tại các Kỳ họp gần cuối của Ban Chấp hành TW khóa trước sẽ thảo luận và đề cử các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị khóa trước cho các vị trí lãnh đạo này. Ban Chấp hành Trung ương khóa cũ sẽ thảo luận và biểu quyết thông qua nhân sự là Ủy viên Bộ Chính trị khóa cũ thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khóa mới và danh sách đề cử các đồng chí vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ khóa mới. 4 chức danh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội đều phải tham gia trọn một nhiệm kì Bộ Chính trị trở lên (các trường hợp khác do BCH TW quyết định, ví dụ như đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ tham gia Bộ Chính trị khóa 11 nửa nhiệm kì nhưng vẫn được BCH TW đề cử vị trí Chủ tịch Quốc hội để Quốc hội bầu).

Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng là sự kiện quan trọng bậc nhất của Đảng và đất nước nên công tác tổ chức, chuẩn bị được thực hiện hết sức kỹ càng. Công tác an ninh được đảm bảo cao nhất với nhân sự và khí tài của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Tư lệnh Thủ đô. Công tác trực chiến và sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống 24/24. Điều này dễ hiểu khi Đại hội diễn ra, tất cả những con người quan trọng nhất của Đảng và đất nước đều có mặt. Công tác hậu cần gồm ăn uống, ngủ nghỉ của Đại biểu được bảo đảm, các suất ăn của đại biểu khi chế biến và vận chuyển luôn có cảnh vệ túc trực. Xe đưa đón đại biểu được gắn biển số tạm phục vụ Đại hội và có xe dẫn đoàn của công an hộ tống. Thủ đô cũng cấm nhiều tuyến đường để phục vụ đại hội diễn ra thuận lợi, tránh ùn tắc giao thông. Về y tế luôn có lực lượng bác sĩ và quân y cùng trang thiết bị túc trực. Đặc biệt năm 2021 khi đại dịch Covid-19 vẫn diễn ra phức tạp thì công tác y tế được chú trọng hàng đầu. Tất cả đại biểu, phóng viên và nhân viên phục vụ Đại hội đều được xét nghiệm Covid-19, toàn bộ Hội trường và xe đưa đón, nơi ngủ nghỉ đều được khử khuẩn thường xuyên.

Đại hội cũng thành lập trung tâm báo chí riêng để phục vụ các phóng viên trong và ngoài nước đến đưa tin. Toàn bộ đại biểu và phóng viên khi vào Trung tâm hội nghị Quốc gia đều phải có thẻ và qua cổng soi chiếu an ninh.

Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng nhận được sự quan tâm của nhiều chính đảng, tổ chức và bạn bè quốc tế. Trong các kỳ Đại hội Đảng đã qua luôn nhận được điện mừng từ các chính đảng, tổ chức và cá nhân trên toàn thế giới.

Phiên bế mạc Đại hội sẽ nghe Ban Chấp hành TW khóa mới báo cao về công tác bầu nhân sự, sau đó Đại hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội. Tổng bí thư Ban Chấp hành TW mới sẽ đọc diễn văn bế mạc Đại hội và sau đó chủ trì họp báo trước các phóng viên trong và ngoài nước.

Ảnh: Gettyimages, Zing, Tiền phong

Tổng hợp từ Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo Chính phủ, Thông tấn xã Việt Nam, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo Tuyên giáo, Báo Giao thông.

Bình luận của bạn