banner

KHOA ĐÔNG PHƯƠNG HỌC - ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

Tiếng Việt lai căng 'loạn' thuật ngữ, thiếu chuẩn hóa



Tiếng Việt lai căng 'loạn' thuật ngữ, thiếu chuẩn hóa
Nhiều thời điểm, có đến hàng nghìn thuật ngữ tiếng Việt ra đời mà không có bất kỳ quy định nào của Nhà nước. Việc chuẩn hóa tiếng Việt dường như bị chìm vào quên lãng.

Suốt từ năm 1984 (thời điểm mà Bộ Giáo dục ban hành Quy định về chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt), chưa có bất kỳ một văn bản nào của Nhà nước quy định về chuẩn hóa tiếng Việt. Có lẽ vì thế mà càng ngày, vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt càng được người ta nói đến nhiều hơn. Tôi rất đồng tình với nhiều nhà trí thức và những người tâm huyết đã gửi thư lên Quốc hội kiến nghị xây dựng Luật bảo vệ tiếng Việt. Tôi cũng rất hoan ngênh báo Đất Việt đã mở diễn đàn Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đây là một việc làm vô cùng ý nghĩa đối với văn hóa Việt, con người Việt.

               Ồ ạt thuật ngữ ngoại nhập

               Hiện tượng tiếng Việt lai căng, pha trộn, không trong sáng…như nhiều người lên tiếng là có thật. Nhưng nếu nói rằng tiếng Việt đang bị ô nhiễm nặng nề hay xuống cấp trầm trọng thì e rằng không thỏa đáng. Đó là cách nhìn phiến diện và mang tính cảm tính. Ngôn ngữ cũng như đời sống, chảy theo dòng chảy xã hội, luôn tiếp nhận cái mới, sự thay đổi trong xã hội. Lớp trẻ, thậm chí cả giới trí thức có cách nói, cách viết thế này thế khác, xét cho cùng cũng là điều bình thường. Bởi lẽ, với cơ chế mở, chính sách mở, việc tiếp nhận các luồng văn hóa mới là đương nhiên. Điều đó giống như cuộc sống của chúng ta, xuất hiện những thứ mà trước đây không có. Vấn đề là trước thực tế ấy, chúng ta nghiên cứu và giải quyết thế nào.

              Là người nghiên cứu ngôn ngữ, đương nhiên tôi rất quan tâm đến việc giữ gìn và bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Trong đó, tôi đặc biệt chú ý tới vấn đề chuẩn hóa thế nào đối với thuật ngữ tiếng Việt. Vì những từ ngữ mới vào Việt Nam, tuyệt đại bộ phận là trong bộ phận khoa học. Chưa bao giờ, thuật ngữ lại xuất hiện trong đời sống ngôn ngữ với tốc độ ghê gớm như thời gian qua. Tính từ năm 1986 - 2005 đến nay, có đến 359 cuốn thuật ngữ của các ngành ra đời, với dung lượng rất đồ sộ, hàng trăm nghìn thuật ngữ. Có thời điểm, có đến 130.000 thuật ngữ ra đời. Trong khi đó, không có bất kỳ quy định nào của Nhà nước liên quan đến việc chuẩn hóa thuật ngữ tiếng Việt. Cứ với tốc độ phát triển và hội nhập của nhiều ngành khoa học như hiện nay thì liệu rằng vài năm nữa thuật ngữ của chúng ta sẽ ra sao, tiếng Việt sẽ ra sao?
               Cần ban hành Luật Ngôn ngữ

               Cách đây 7-8 năm, khi đó anh Vũ Đình Cự là Phó chủ tịch Quốc hội, đã giao cho Viện Ngôn ngữ làm tờ trình phiên âm một số từ nước ngoài trên báo chí. Sau đó, đưa xuống lấy ý kiến của các tờ báo lớn và các địa phương thì không đạt được sự thống nhất. Đến nay, mọi việc vẫn chưa đi đến đâu. Một việc đơn giản như thế mà còn chưa làm được thì việc xây dựng một đạo luật về ngôn ngữ quả là không đơn giả, vì đây là lĩnh vực liên quan đến văn hóa tinh thần. Như thế nào là đúng luật, như thế nào là phạm luật quả thật không đơn giản.

               Cũng cách đây khoảng hai năm, chúng tôi có đến xin ý kiến cố giáo sư viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, lúc đó là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam về việc tổ chức Hội thảo về vấn đề thuật ngữ. Cố giáo sư Vũ Tuyên Hoàng lúc bấy giờ rất quan tâm đến vấn đề này và đã đồng ý để Hội Ngôn ngữ học Việt Nam tổ chức một hội thảo lớn. Tuy nhiên, hội thảo mới dừng lại ở việc “xới” vấn đề. Để thực hiện chuẩn hóa tiếng Việt thì không thể không quan tâm đến vấn đề thuật ngữ. Thuật ngữ là quan trọng nhất. Đã là thuật ngữ thì liên quan đến giới khoa học.

               Cho nên khi đặt vấn đề này, tôi nghĩ Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam nên đứng ra làm đầu mối, cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia. Khi đó, may ra mới có thể giải quyết được. Theo tôi, cần phải có Luật Ngôn ngữ để vừa bảo vệ tiếng Việt, vừa bảo vệ cả 53 ngôn ngữ của các dân tộc anh em, quy định về việc dạy và học ngoại ngữ, quy định về thuật ngữ tiếng Việt…

               Ngay trong những năm chiến tranh ác liệt nhất, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã hai lần chủ trì hội nghị giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Vậy thì vì sao suốt từ năm 1984 đến nay, chưa có hội nghị tương tự nào diễn ra? Bây giờ chúng ta mở cửa, nếu không tỉnh táo, có thể lọt cả những cái xấu, cái không hay lọt vào. Ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng cũng không phải là ngoại lệ.

GS.TS Lê Quang Thiêm (Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam)
 Nguồn: http://www.baodatviet.vn/Home/congdongviet/Tieng-Viet-lai-cang-loan-thuat-ngu-thieu-chuan-hoa/20096/46531.datviet

Bình luận của bạn