banner

KHOA ĐÔNG PHƯƠNG HỌC - ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

Đào tạo sau đại học - Nhận diện khó khăn, tiếp tục phát triển



Đào tạo sau đại học - Nhận diện khó khăn, tiếp tục phát triển
Khẳng định thương hiệu qua chất lượng đào tạo, tiên phong xây dựng các chuyên ngành đào tạo mới, chương trình đào tạo thí điểm , tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò của Khoa và Bộ môn, minh bạch và hỗ trợ học viên tối đa là những định hướng phát triển trọng tâm được

PGS.TS Phạm Văn Quyết, Trưởng phòng đào tạo Sau đại học (SĐH), Trường ĐHKXH&NV, ĐHQGHN chia sẻ khi nói về định hướng công tác tuyển sinh sau đại học của Nhà trường trong thời gian tới.

Không chủ quan về những kết quả đạt được
Năm học vừa qua, Nhà trường tuyển sinh được 443 học viên cao học (trong đó có 7 học viên nước ngoài), 139 nghiên cứu sinh (trong đó có 6 nghiên cứu sinh nước ngoài). So với các năm học trước, quy mô tuyển sinh bậc thạc sỹ có giảm đôi chút, song quy mô nghiên cứu sinh vẫn duy trì ở mức cao.
Công tác quản lý và tổ chức đào tạo tại các đơn vị được chấn chỉnh, đi vào nề nếp, bảo đảm đúng kế hoạch, lịch trình đào tạo được thực hiện theo đúng thời gian quy định. Đã tổ chức cho 876 học viên cao học và 46 NCS  bảo vệ thành công luận văn, luận án và được cấp bằng.
Năm học 2014-2015, Nhà trường đã hoàn thành việc điều chỉnh 30 chương trình đào tạo trình độ thạc sỹ theo định hướng nghiên cứu và 3 chương trình theo định hướng ứng dụng; có thêm 3 chương trình đạo tạo SĐH mới được phê duyệt và đưa vào đào tạo là Tiến sĩ Tôn giáo học, Thạc sỹ Việt Nam học và Thạc sỹ Lịch sử văn hóa Việt Nam.
Tổng số chương trình đào tạo SĐH hiện nay của Trường là 61, trong đó có 31 chương trình đào tạo trình độ thạc sỹ và 30 chương trình đào tạo trình độ tiến sỹ. Trường đang xúc tiến xây dựng 3 chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ: Khoa học Thông tin-Thư viện, Du lịch học và Công tác xã hội và 4 chương trình đào tạo thạc sĩ: Chính sách công, Quản trị Nhân lực, Quản trị Văn phòng và Tâm lý học Lâm sàng.
Trường đã hoàn thành và được ĐHQGHN phê duyệt Quy hoạch ngành và các chuyên ngành đào tạo đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2020 có 69 chương trình đào tạo SĐH, trong đó có 38 chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ và 31 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ.
Kết quả đạt được là như vậy, nhưng Ban Giám hiệu Nhà trường, lãnh đạo phòng SĐH, lãnh đạo các Khoa, Bộ môn vẫn không đặt tâm thế chủ quan trong quá trình quảng bá, tuyển sinh và đào tạo. Công tác tuyển sinh,quản lý và đào tạo bậc SĐH luôn đứng trước những khó khăn, thách thức cạnh tranh và thay đổi hàng ngày,  PGS.TS Quyết chia sẻ.

Nhận diện những thách thức đặt ra
Báo cáo tổng kết năm học 2014-2015, chỉ tiêu học viên cao học có giảm đi so với những năm trước đây. PGS Phạm Văn Quyết nhận diện đây là xu hướng chung khi thay đổi nhiều quy định trong công tác sau đại học của ĐHQGHN, điều này đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác tuyển sinh sau đại học của Nhà trường.
Bàn về những thách thức này, PGS Phạm Văn Quyết chia sẻ: Xu hướng giảm sút là do sự điều chỉnh trong một số quy định, hướng dẫn trong công tác tuyển sinh và quản lý học viên sau đại học. Cụ thể như quy định bỏ chuyển tiếp sinh viên giỏi và xuất sắc lên theo học bậc thạc sĩ, quy định không cho phép các trường đào tạo bậc sau đại học theo địa chỉ... Các quy đinh này đã làm sụt giảm một số lượng lớn học viên theo học các ngành đào tạo thạc sĩ của Trường ĐHKHXH&NV nói riêng và các trường thành viên khác của ĐHQGHN nói chung. Thêm vào đó, một số điều quy định trong hướng dẫn thi tuyển sinh với môn ngoại ngữ như năm học qua cũng gây ra một số phản ứng từ thí sinh.
Là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học XHNV hàng đầu của đất nước, một đơn vị luôn tiên phong trong việc mở các chuyên ngành mới, chương trình thí điểm, thu hút đông đảo lượng thí sinh tham gia đăng ký và theo học. Những lợi thế này cũng chỉ tồn tại một hai năm, sau đó bị cạnh tranh bởi các cơ sở đào tạo khác,với những tiêu chí và quy định phần nào thoáng hơn so với quy định của ĐHQGHN.
“Như chuyên ngành Công tác xã hội, thời điểm khi chuyên ngành này bắt đầu tuyển sinh, số lượng thí sinh đăng ký rất đông, sức cạnh tranh rất cao. Nhưng chỉ sau 2 năm, chuyên ngành này nhanh chóng xuất hiện ở nhiều cơ sở khác, nhiều khi quy định lại thuận lợi hơn. Điều này gây áp lực trực tiếp đến việc tuyển sinh chuyên ngành của Nhà trường”, PGS.TS Phạm Văn Quyết chia sẻ.

Những giải pháp
Trước những khó khăn do thay đổi trong quy chế và các quy định, Ban Giám hiệu Nhà trường, cùng các Phòng, Ban chức năng liên quan đã chủ động đề ra những giải pháp ngắn hạn và dài hạn, hướng tới tiếp tục giữ vững và phát triển bậc đào tạo sau đại học của Nhà trường.
Bên cạnh những đề xuất, kiến nghị gỡ bỏ hoặc điều chỉnh đối với những quy định khi áp dụng vào thực tiễn khoa học XHNV chưa phù hợp của ĐHQGHN, Phòng Đào tạo SĐH của Nhà trường cũng đề ra nhiều định hướng lớn trong hoạt động.
Đẩy mạnh, nâng cao vai trò của các Khoa, Bộ môn và các trợ lý trong hoạt động đào tạo và quản lý học viên. Việc phân cấp quản lý được thực hiện, Phòng Đào tạo SĐH giữ vai trò tiếp nhận, quản lý, xử lý hồ sơ và tập trung thực hiện các công việc chuyên môn của phòng. Các công việc liên quan trực tiếp với học viên được chuyển về các Khoa. Điều này sẽ làm quy trình đào tạo, xử lý hồ sơ… trở nên minh bạch, hiệu quả.
Ngoài ra, việc học viên liên hệ với các trợ lý các Khoa, Ban Chủ nhiệm khoa và Bộ môn làm tăng cường yếu tố gắn kết cả về thủ tục hành chính lẫn công tác chuyên môn nghiên cứu. Các thông báo hướng dẫn đều được thông tin nhanh gọn và kịp thời đến các học viên.
Bên cạnh đó, Nhà trường luôn đẩy mạnh liên kết hoạt động đào tạo với hoạt động nghiên cứu khoa học, hội thảo, tọa đàm nghiên cứu. Mỗi năm nhà trường có hàng chục các hội thảo trong nước và quốc tế, hàng trăm các buổi trao đổi, tạo đàm, gặp gỡ các chuyên gia trong và ngoài nước. Đây là môi trường trao đổi và học hỏi khoa học vô cùng quý báu cho các học viên theo học tại trường.
Ngoài ra, định kỳ hàng năm, Nhà trường còn tổ chức Hội nghị khoa học cán bộ trẻ, đây là sân chơi cho các học viên sau đại học cũng như các cán bộ trẻ Nhà trường công bố các nghiên cứu liên quan đến công trình của mình.
Nhà trường cũng tìm nhiều biện pháp để hỗ trợ những khó khăn của học viên về ngoại ngữ. Nhà trường có trung tâm ngoại ngữ, hỗ trợ cho hoạt động đào tạo ngoại ngữ của học viên. Trung tâm thường xuyên mở các lớp ôn tập, đào tạo và thi cấp chứng chỉ B1, B2 cho các học viên của Nhà trường. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng phối hợp thường xuyên và chặt chẽ với Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN trong việc đào tạo, thi cử và cấp chứng chỉ ngoại ngữ.
Tiếp tục phát hiện, đề xuất, xây dựng các chuyên ngành đào tạo mới theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội, các chương trình đào tạo thí điểm. Phân tích và đánh giá các chương trình đào tạo có yếu tố thực tiễn cao để xây dựng các chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng, phù hợp với việc triển khai đào tạo theo địa chỉ, đào tạo đội ngũ cán bộ cho các vùng khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ.
Với những giải pháp và kỳ vọng đặt ra, trong thời gian sắp tới, hoạt động đào tạo sau đại học của Nhà trường tiếp tục có những bước đi vững chắc, tương xứng với vị thế, tầm vóc của một trường đại học nghiên cứu hàng đầu của đất nước.

Các thông tin liên quan khác:

Chương trình đào tạo Thạc sĩ

Chương trình đào tạo Tiến sĩ

Thông báo tuyển sinh Sau đại học đợt 2 năm 2015

(Ussh)

Bình luận của bạn