banner

KHOA ĐÔNG PHƯƠNG HỌC - ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

[Tóm tắt báo cáo] Tình trạng nghiện điện thoại thông minh ở Hàn Quốc hiện nay



[Tóm tắt báo cáo] Tình trạng nghiện điện thoại thông minh ở Hàn Quốc hiện nay
Báo cáo khoa học "Tình trạng nghiện điện thoại thông minh ở Hàn Quốc hiện nay" được thực hiện bởi sinh viên Nguyễn Thị Hợp K58 Hàn Quốc học trong năm 2016.

TÌNH TRẠNG NGHIỆN ĐIỆN THOẠI THÔNG MINH

Hàn Quốc là đất nước có vị trí vững chắc về công nghệ thông tin (IT). Ở Hàn Quốc, từ tuổi thanh thiếu niên trở nên đều sở hữu ít nhất một chiếc điện thoại, việc sử dụng điện thoại trở nên phổ biến và người Hàn Quốc ngày một phụ thuộc vào nó đã gây tình trạng nghiện điện thoại thông minh (ĐTTM) nghiêm trọng khiến chính phủ Hàn Quốc lo lắng. Vì muốn tìm hiểu, phân tích rõ nguyên nhân, tác động cơn nghiện và người Hàn Quốc đã dùng biện pháp như thế nào để khắc phục tình trạng nghiện điện thoại thông minh nên tôi đã chọn đề tài “Tình trạng nghiện điện thoại thông minh ở Hàn Quốc hiện nay” làm chuyên đề.

Điện thoại thông minh là một chiếc điện thoại có các chức năng hỗ trợ cá nhân (PDA) và có thể truy cập Internet, không quan tâm đến tính mở của hệ điều hành của chiếc điện thoại đó. Bản thân từ điện thoại thông minh cũng đã có nhiều vấn đề. Nó là một thuật ngữ không có định hướng và dễ gây hiểu nhầm.

Nomophobia (No-mobile-phone phobia) - Hội chứng nghiện ĐTTM hay còn gọi là hội chứng sợ khi không có điện thoại. Sự gia tăng đột ngột những lo lắng, căng thẳng về việc không truy cập điện thoại thông minh đã được nói đến nhiều năm. Tại một số xã hội châu Á, nơi mà học sinh - sinh viên thường được giao rất nhiều bài tập về nhà, thì điện thoại chính là kết nối duy nhất của họ với bạn bè để chơi đùa và chia sẻ thông tin. Nomophobia chỉ là một phần nhỏ của vấn đề lớn hơn đó là nghiện Internet. Vì smartphone là công cụ giúp người dùng có thể dễ dàng truy cập Internet. Bạn càng tiếp cận nhanh với công nghệ, bạn càng dễ bị nhiễm độc. Chúng ta có thể biết được người nào đang có nguy cơ nghiện điện thoại thông minh thông qua một số biểu hiện như: liên tục kiểm tra điện thoại mà không có lý do gì; tránh các mối quan hệ xã hội thực để dành thời gian truy cập điện thoại; dễ bị xao nhãng bởi thư từ hay các ứng dụng khác trên điện thoại, không thể tập trung vào cuộc hội thoại hoặc công việc; mê chụp tự sướng, đi đâu cũng phải có điện thoại để chụp ảnh rồi đưa lên mạng xã hội...Chính vì vậy nhân lúc chưa bị nghiền điện thoại đến mức độ không thể buông tay, đề nghị chúng ta nên kịp thời nhìn thẳng vào vấn đề, dùng hành động thực tế cải thiện tình trạng quá đam mê điện thoại.

Theo cuộc nghiên cứu mới đây tiết lộ con số những thiếu niên Hàn Quốc nghiện smartphone đang gia tăng đáng kể.Theo báo cáo điều tra đối với 15.600 người dùng smartphone tuổi từ 10 đến 54 được công bố vào tháng 3 vừa qua của Cơ quan Thông tin Xã hội Quốc gia (NIA), 1 trong 4 học sinh trung học Hàn Quốc có chiều hướng nghiện điện thoại thông minh - tăng 11% so với năm 2012. Nghiên cứu của NIA cũng cho thấy 9% người lớn có nguy cơ phụ thuộc vào smartphone. Đây là một thực tế khiến chính quyền Hàn Quốc rất lo ngại.Hiện nay, khoảng 70% người Hàn Quốc sử dụng smartphone, cao hơn người Mỹ (58% tính đến tháng 1/2014) và người Canada (55% năm 2013).Chính quyền Hàn Quốc còn có tham vọng triển khai mạng 5G vào năm 2017 cho phép người dùng smartphone tải xuống trọn một bộ phim trong thời gian chỉ… 1 giây! Theo số liệu của chính phủ, hơn 80% người Hàn Quốc tuổi từ 12-19, sở hữu điện thoại thông minh trong năm 2012, gấp đôi con số của năm 2011. Gần 40% con số trên mất hơn 3 giờ để vào mạng xã hội, tán gấu hoặc chơi game, dù các giáo viên đã nỗ lực tịch thu tất cả điện thoại vào mỗi buổi sáng và trả lại cho học sinh khi lớp học kết thúc.

Ở Hàn Quốc, việc thanh thiếu niên nghiện điện thoại thông minh vốn dĩ đang là một vấn đề nhức nhối nhưng hiện nay đến các nhân viên từ 20-30 tuổi cũng bị nghiện điện thoại thông minh. Theo kết quả tiến hành điều tra gần đây nhất có tên gọi là “ Tính nguy hiểm nghiện điện thoại thông minh của người như thế nào” với 487 người làm việc mà sử dụng điện thoại thì mức độ cần cảnh cáo chiếm 61,6%. Mức độ hoàn toàn không bị nghiện điện thoại đã thu hút sự chú ý của người đọc bởi chiếm tới 25,9%. Ngoài ra, những người làm việc sử dụng bình quân điện thoại trên 3 giờ một ngày và trong đó 81,7% trả lời rằng nhìn điện thoại bởi thói quen không có mục đích rõ ràng.

Hàn Quốc đã nhận thức được những hậu quả nghiêm trọng từ cơn nghiện internet. Chứng nghiện điện thoại thông minh được xác định bởi các một loạt các triệu chứng như, lo lắng và chán nản khi bị cách ly khỏi điện thoại, liên tục thất bại trong nỗ lực giảm thời lượng sử dụng điện thoại và cảm thấy vui vẻ khi sử dụng điện thoại hơn là ở bên bạn bè và gia đình. Thường xuyên bị mất khả năng tập trung, tính tình thường hay cáu gắt và thậm chí cảm thấy bị công kích, nhiều hơn hẳn những người ít khi dùng điện thoại.Mắc bệnh cận thị, bị mất ngủ nếu đặt điện thoại gần với chỗ nằm do thay đổi sóng điện não, làm giảm hoạt động của não…Nguyên nhân gây ra tai nạn khi vừa lái xe hoặc vừa điều khiển máy móc, lại vừa nghe điện thoại; gây giảm thính lực - thậm chí là điếc nếu nghe nhạc với tai nghe (earphone) liên tục trong nhiều giờ đồng hồ, và kéo dài nhiều ngày.Nếu để điện thoại trong túi quần lâu dài ở chế độ mở có thể làm giảm tính di động của tinh trùng, làm phân mảnh ADN của tinh trùng khiến người đàn ông khó có con…Nghiện smartphone cũng gây những tác hại về mặt tương tác trong xã hội tương tự như nghiện game, tivi và Internet.

Sự phát triển về các sản phẩm công nghệ đã khiến các bậc phụ huynh lo lắng về ảnh hưởng của nó đối với con cái còn trẻ của họ, thậm chí là rất trẻ. Các nền kinh tế phát triển khác trên thế giới cũng có lo ngại này, nhưng chính phủ Hàn Quốc tỏ ra quyết liệt nhất trong việc đối phó."Chúng tôi nhận thấy sự cấp bách nhằm thực hiện một nỗ lực sâu rộng để giải quyết mối nguy hiểm ngày càng gia tăng về cơn nghiện mạng..., đặc biệt là do sự phổ biến của các thiết bị thông minh", Bộ khoa học Hàn Quốc cho biết khi công bố một gói chính sách hôm 13/6/2013. Sáng kiến, được phối hợp với Bộ y tế và Bộ giáo dục, yêu cầu các trường học phải tổ chức các lớp học đặc biệt về nghiện internet và tổ chức các “trại huấn luyện” du lịch để giúp các sinh viên cai nghiện mạng. Chính sách giáo dục của chính phủ được áp dụng với cả các trường tiểu học và thậm chí là các trường mẫu giáo.

Theo tờ Korea Times: Một nhóm cộng đồng có tên School Beautiful Movement (tạm dịch Phong trào trường học đẹp), cùng với hãng di động lớn nhất Hàn Quốc SK Telecom, Tổ chức Hàn Quốc về Thúc đẩy và cơ hội Số (KADO) đã phát động một chiến dịch nhằm giáo dục cho giới thanh niên sử dụng điện thoại di động như thế nào là thích hợp.

Giải pháp một ngày không điện thoại di động: Giới phụ trách giáo dục ở thủ đô Seoul bắt đầu chiến dịch phát các tờ rơi cho học sinh mọi độ tuổi để hướng dẫn việc sử dụng ĐTDĐ sao cho tế nhị và lịch sự. Các chuyên gia tâm lý Hàn Quốc cho rằng xã hội không nên chỉ tập trung vào những đối tượng nghiện Internet mà còn phải chú ý tới những người yêu ĐTDĐ quá mức.   

Biện pháp của chính phủ Hàn Quốc: Trước tình hình đáng lo ngại này, chính quyền Hàn Quốc đề ra "lệnh giới nghiêm" buộc trẻ dưới 16 tuổi không được sử dụng smartphone sau nửa đêm nhằm ngăn chặn giới trẻ chơi thâu đêm các game "League of Legends" và "Sudden Attack" vốn rất phổ biến ở quốc gia này.

Giữa thời đại công nghệ thông tin ngày càng phát triển chóng mặt như hiện nay, rất nhiều người chỉ mải mê đắm chìm trong thế giới ảo mà quên mất những con người thực sống xung quanh mình, để rồi đến khi nhận ra sai lầm của bản thân thì đôi khi đã quá muộn và không còn cách nào vãn hồi được nữa. Chúng ta chỉ suốt ngày say sưa với những sản phẩm công nghệ mà vô tình quên mất sự tồn tại của những người thân xung quanh đang rất cần sự yêu thương và chỉ bảo của mình. Thậm chí có thể nói, những chiếc smartphone hiện đại chính là một trong những nguyên nhân chính chia cắt tình cảm giữa con người với con người. Sử dụng điện thoại không là điều gì sai trái, chỉ cần không ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường, không ảnh hưởng đến bản thân hoặc người khác, không chiếm mất thời gian của các hoạt động bình thường khác, điện thoại di động vẫn là người bạn tốt của chúng ta.

Tác giả: Nguyễn Thị Hợp - K58 Hàn Quốc học

Bình luận của bạn