banner

KHOA ĐÔNG PHƯƠNG HỌC - ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

Công tác sinh viên: Đâu phải chỉ có quy chế - cần lắm khối óc, con tim



Công tác sinh viên: Đâu phải chỉ có quy chế - cần lắm khối óc, con tim
Hội nghị Công tác sinh viên (CTSV) năm học 2018-2019 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV) diễn ra vừa qua không chỉ tổng kết hoạt động của CTSV năm học đã qua, mà còn đặt ra những yêu cầu đổi mới đối với công tác phục vụ và hỗ trợ sinh viên Nhà trường trong thời gian tới.

Xã hội đang thay đổi quá nhanh…

Phát biểu đề dẫn Hội nghị, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) ghi nhận sự khởi sắc trong CTSV của Nhà trường năm học vừa qua, đồng thời nhấn mạnh đến yêu cầu đổi mới để thích ứng với một thế giới đang biến đổi rất mạnh và các xã hội đang thay đổi quá nhanh, với 4 từ khóa chính tạo nên khái niệm thế giới VUCA: Volatility (biến động), Uncertainy (bất định), Complexity (phức tạp), Ambiguity (mơ hồ). Thế giới VUCA hiện nay đặt ra những thách thức trên bình diện thế giới không chỉ trên các lĩnh vực chính trị và kinh tế, mà với cả cho cả nền giáo dục đại học. Vì vậy, các trường đại học đang đối diện nhiều thách thức; sinh viên đang đối diện nhiều khó khăn khi ra trường. Trong bối cảnh đó, công tác sinh viên của Nhà trường cần được đổi mới nhanh, cập nhật thường xuyên hơn nữa, nhất là trong bối cảnh Nhà trường vừa đón hơn 2.000 tân sinh viên khóa 2018 - thế hệ sinh viên 10X đầu tiên.

Những thách thức mà PGS.TS Hoàng Anh Tuấn đề cập đến là:

Thứ nhất, các nhà tuyển dụng yêu cầu ngày càng cao về phẩm chất và kỹ năng của người lao động, tạo ra áp lực đổi mới đối với Nhà trường trong giảng dạy kiến thức, đào sự kỹ năng và định hình thái độ sống-làm việc tích cực cho sinh viên. Bên cạnh đó, xu hướng nghề nghiệp biến động và thay đổi nhanh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khiến công tác đào tạo đối diện nguy cơ lạc hậu so với nhu cầu nhân lực mới. Báo cáo thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2016 dự báo: “Đối với thế hệ học sinh bắt đầu vào tiểu học hôm nay, 65% khi đi làm sẽ làm những việc cho đến nay còn chưa hiện hữu”. Cũng theo dự báo của WEF, trong giai đoạn 2015-2020, trung bình cứ 6 triệu vị trí việc làm mất đi, chỉ có khoảng 2 triệu việc làm mới, khối hành chính công giảm mạnh trong khi việc mới chủ yếu thuộc khối công nghệ cao và các ngành quản trị”.

Thứ hai, mô hình đào tạo truyền thống với các ngành khoa học cơ bản đã và sẽ còn đối diện với nhiều khó khăn trong tuyển sinh và đào tạo trong vài năm tới. Số lượng thanh niên Việt Nam đi du học tăng đều trong những năm qua và xu hướng “du học tại chỗ” thông qua các chương trình đào tạo từ xa (distance) hoặc online programs của các trường đại học nước ngoài, các chương trình liên kết quốc tế của đại học trong nước… sẽ bùng nổ mạnh trong thời gian tới. Thực tế đó thực sự thử thách các trường đại học trong nước nếu như họ không chịu đổi mới chương trình, phương pháp, cách tiếp cận hỗ trợ sinh viên, đầu tư cải tạo cơ sở vật chất… Hiện nay, hàng chục trường đại học trong nước đã đóng cửa các ngành khoa học xã hội, nhiều cơ sở đào tạo đã phải dồn ghép các ngành, khoa, bộ môn hoặc chuyển đổi sang mô hình viện đào tạo – nghiên cứu vì không thể tuyển được sinh viên khối khoa học xã hội và nhân văn. Nguy cơ đó không phải không hiện hữu đối với tương lai tuyển sinh và đào tạo của Nhà trường, đặc biệt là với những ngành khoa học cơ bản.

Thứ ba, cơ cấu việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp trong vài năm trở lại đây đang có xu hướng dịch chuyển sang khu vực ngoài công lập (tư nhân, quốc tế, phi chính phủ, khởi nghiệp...) Điều đó đặt ra những yêu cầu về việc điều chỉnh cơ cấu chương trình đào tạo, đầu tư thêm cho kỹ năng, thái độ chủ động và tư duy học tập để sinh viên có thể thích ứng được với những môi trường làm việc khác nhau. Hội nghị thượng đỉnh về đổi mới giáo dục quốc tế (WISE) diễn ra tại New York vào tháng 9 vừa qua đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong giáo dục nhận thức và tư duy “học tập suốt đời” bởi kiến thức học được ở trường đại học sẽ bị lạc hậu rất nhanh trong xã hội 4.0 nên chỉ khi có quan điểm học tập thường xuyên, tư duy học tập suốt đời thì người lao động mới có thể thích ứng được với sự biến đổi của nghề nghiệp.

Thứ tư, nhiều nhà quản lý và chuyên gia giáo dục đã liên tục cảnh báo về tình trạng chậm đổi mới tư duy quản trị đại học, đặc biệt là ở khối các trường công lập, không bắt nhịp được với các xu thế đào tạo đại học của khu vực và thế giới, không nhận thức kịp và không dự báo được xu hướng thị trường nhân lực, thậm chí không hiểu được sự thay đổi trong nhu cầu của chính người học…dẫn đến tình trạng quản trị giáo dục đại học “chạy không theo kịp so với nhu cầu của người học” như Bộ Giáo dục - Đào tạo và Hiệp hội các trường đại học - cao đẳng Việt Nam đã khuyến cáo.

Thứ năm, yêu cầu của người học và phụ huynh về chất lượng đào tạo ngày một cao hơn, không dừng lại ở nội dung kiến thức mà cả dịch vụ đi kèm trong quá trình đào tạo. Nếu như trước đây người học chủ yếu quan tâm đến phạm trù giảng đường (tiếp nhận kiến thức) thì ngày nay họ yêu cầu cả những hoạt động và dịch vụ khác đi kèm theo như: cơ sở vật chất và thiết bị học tập, không gian sinh hoạt và tự học, canteen, thực tập, thực tế (đặc biệt là đi nước ngoài), các câu lạc bộ về chuyên môn, văn-thể-mỹ, kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt là chất lượng hỗ trợ và chăm sóc sinh viên trong quá trình đào tạo…

Tất cả những biến động và thách thức đó đặt ra những yêu cầu và nhiệm vụ mới cho hoạt động chăm sóc, hỗ trợ và tư vấn cho sinh viên: “Liệu tư duy của chúng ta về đào tạo và công tác sinh viên đã thực sự bắt kịp và hòa nhịp được với những thay đổi ngày càng nhanh và yêu cầu ngày càng cao của xã hội?” PGS.TS Hoàng Anh Tuấn cho rằng, để làm được điều đó, cần “thực tiễn hóa và thực chất hóa hoạt động tư vấn học tập và chăm sóc sinh viên; các đơn vị đào tạo cần tăng cường định hướng học tập cho sinh viên theo phương châm “tất cả các sinh viên đều được quan tâm chăm sóc trong suốt quá trình học tập”, thông qua hoạt động tư vấn học tập để kịp thời phát hiện, đầu tư, bồi dưỡng những sinh viên ưu tú của các ngành đào tạo…”

Cần đi vào thực chất – Phải tính đến hiệu quả

PGS.TS Nguyễn Quang Liệu (Trưởng phòng CT&CTSV) cho biết, trong năm học vừa qua, hoạt động CTSV đã có những đổi mới, đi vào thực chất và hướng đến tính hiệu quả. Nhà trường đã triển khai hiệu quả cơ chế “một cửa”, giảm thiểu các thủ tục hành chính để phục vụ sinh viên tốt hơn. Các buổi gặp mặt giữa lãnh đạo Nhà trường và cựu sinh viên thành đạt được tổ chức thường xuyên hơn, qua đó kết nối chặt chẽ hơn với mạng lưới cựu sinh viên Nhà trường. Quan hệ hợp tác giữa Nhà trường và doanh nghiệp được đẩy mạnh tạo thêm các cơ hội thực tập, thực tế và việc làm cho sinh viên.

ThS. Đào Minh Quân (Phó Trưởng phòng Đào tạo) cho rằng vẫn còn sự chồng chéo nhất định trong hoạt động hỗ trợ, tư vấn sinh viên: đứng từ phía các đơn vị thì có cố vấn học tập (CVHT), giáo viên chủ nhiệm (GVCN); đứng về phía Phòng Chính trị và Công tác sinh viên thì có Trung tâm hỗ trợ và tư vấn (CASA) và đội ngũ chuyên viên của Phòng... Vì vậy, để nâng cao hiệu quả của công tác CVHT và GVCN, cần tăng cường tương tác giữa các CVHT và sinh viên, có các đánh giá định kỳ về hoạt động của CVHT, tập huấn định kỳ cho các CVHT, ghi nhận xứng đáng những đóng góp của các CVHT.

Phát biểu tại Hội nghị, nhiều thầy - cô lãnh đạo các đơn vị đào tạo bày tỏ sự kỳ vọng vào việc đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, hỗ trợ cho sinh viên. TS. Phạm Hoàng Giang (Phó Trưởng Khoa Triết học) chia sẻ kinh nghiệm “tâm truyền” để phát hiện và bồi dưỡng những nhóm sinh viên đam mê với chuyên môn, tạo nguồn nghiên cứu khoa học và học sau đại học. TS. Nguyễn Ngọc Bình (Phó Trưởng Khoa Ngôn ngữ học)  chia sẻ kinh nghiệm quý từ nhiều năm học tập và giảng dạy tại môi trường đại học Thái Lan, gợi ý mô hình 6D (Disarm, Discover, Dream, Design, Deliver, and Don't Settle) của Jennifer Bloom trong tư vấn học tập cho sinh viên. TS Đặng Hoàng Giang (trợ lý Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt) chia sẻ kinh nghiệm bản thân trong việc hỗ trợ sinh viên quốc tế hội nhập và học tập hiệu quả… 

Hội nghị xác định, trong năm học 2018-2019, một số hoạt động trọng tâm của CTSV được Hội nghị thảo luận và thông qua như: tăng cường kỷ cương học tập, thúc đẩy xây dựng văn hóa học đường, thực chất hóa và hiệu quả hóa hoạt động của GVCN-CVHT, cập nhật cẩm nang và tổ chức tập huấn cho đội ngũ GVCN-CVHT gần 100 người của Nhà trường, chính quy hóa và tăng cường vai trò và trách nhiệm của đội ngũ GVCN-CVHT…

Công tác sinh viên và công tác đào tạo: phải gắn bó khăng khít !

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh: “Công tác sinh viên cũng chính là công tác đào tạo. Đây là hai nhiệm vụ không tách rời”. Do đó, CTSV không chỉ là nhiệm vụ của các thầy cô làm việc tại các phòng chức năng, không chỉ là nhiệm vụ của các GVCN-CVHT, mà đó còn là nhiệm vụ của cả đội ngũ giảng viên. Qua các bài giảng của mình, các thầy cô truyền cảm hứng cho sinh viên về mục tiêu học tập, phương pháp học tập, thái độ với công việc và cuộc sống. Mỗi người thầy không chỉ giúp trang bị cho sinh viên kiến thức chuyên môn mà còn phải phải chia sẻ và đồng cảm với từng hoàn cảnh của các em, phải hiểu tính cách và năng lực của từng em.

“Hiện nay chúng ta cần đào tạo những kỹ năng, phẩm chất gì cho sinh viên?”, theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, đó phải là “tầm nhìn”, là hoài bão, là lý tưởng; từ đó mới xác định những phẩm chất, kiến thức, kỹ năng phù hợp. Nhà trường và thầy cô còn phải rèn luyện cho sinh viên một bản lĩnh vững vàng, được tôi luyện trong thử thách khó khăn. Do đó, CTSV phải gắn liền với tầm nhìn và thời đại.

Kết luận hội nghị, Phó Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn khẳng định yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao tính hiệu quả của công tác sinh viên trong thời gian tới: “cố gắng làm sao để tất cả các sinh viên đều được quan tâm chăm sóc chu đáo trong suốt quá trình học tập”. Để thực hiện mục tiêu đó, Nhà trường đề nghị các đơn vị xem xét tích hợp hai vị trí GVCN-CVHT để tiết kiệm nhân lực và nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường hiệu quả liên thông giữa các phòng liên quan, cập nhật và tích hợp cẩm nang GVCN-CVHT để các thầy cô tiện sử dụng, đầu tư tương xứng cho các giáo viên tham gia nhiệm vụ GVCN-CVHT...

Nhưng trên tất cả, “công tác sinh viên đâu chỉ là làm theo những quy chế có sẵn; muốn mang đến những điều tốt đẹp nhất cho sinh viên của mình, hãy làm bằng cả khối óc và con tim: khối óc đem đến cho chúng ta những sáng tạo và giải pháp hữu hiệu hơn là những quy chế khô cứng, tình yêu và trách nhiệm với sinh viên sẽ giúp kết nối, sẻ chia, hỗ trợ được nhiều hơn cho các em” - Thầy Phó Hiệu trưởng nhấn mạnh và kêu gọi mọi người chung tay vì sự phát triển trong công tác sinh viên của Nhà trường trong thời gian tới.

Theo USSH

Bình luận của bạn