banner

KHOA ĐÔNG PHƯƠNG HỌC - ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

Ambedkar - Người thắp sáng lại ngọn lửa Phật pháp



Ambedkar - Người thắp sáng lại ngọn lửa Phật pháp
Sự biến mất của Đạo Phật ở Ấn Độ, nơi nó đã được sinh ra, trưởng thành và đạt đến những thành tựu cao nhất, là một hiện tượng đáng ngạc nhiên. Trải qua hàng thế kỷ kể từ khi Phật giáo biến mất ở nơi đây, đất nước Ấn Độ mới sinh ra một con người làm hồi sinh Phật pháp. Đó chính là tiến sĩ Bhimrao Ramji Ambedkar (1891-1856)

Giáo sư Tiến sĩ Bhimrao Ramji Ambedkar sinh ngày 14 tháng 04, năm 1891, ở Mhow thuộc tiểu bang Madhya Pradesh, Ấn Độ, ông sinh trưởng trong trong một gia đình tiện dân. Thuở nhỏ ông có trí thông minh khác thường và nhờ thế mà ông được vị vương công của tiểu bang Baroda, còn gọi là Badodara, chú ý và cho tiền đi học. 

Năm 1900, ông được đưa vào học ở trường Satara, Ambedkar nổi tiếng là một học sinh thông minh, năng động. Tuy nhiên, đời sống xã hội mang nặng không khí phân biệt giai cấp khiến cho đứa học trò thuộc giai cấp cùng đinh này muôn phần tủi nhục. Trong lớp, ông không được ngồi chung ghế với tụi học trò con nhà khá giả. Ra sân chơi, cậu học trò bất hạnh không được chơi chung các trò chơi với các bạn. Ambedkar phải đứng bên lề cuộc đời học trò với bao nỗi đắng cay và tủi nhục. Thậm chí, vị thầy môn Sanskrit cũng nhất quyết chối từ dạy cho Ambedkar học môn này, vì lẽ rằng ngôn ngữ Sanskrit là ngôn ngữ Thánh triết của Phạm thiên (vị Thượng Đế của đạo Bà-la-môn, nay là đạo Hindu), mặc dầu cậu học trò này học rất giỏi. Những vị thầy giáo khác cũng vậy, chẳng bao giờ thèm ngó đến việc kiểm tra bài tập cho học trò thuộc giai cấp đê tiện. Thật là một xã hội bất công và tàn nhẫn!

Năm 1904, gia đình ông chuyển lên Bombay, Ambedkar được vào học Trường Trung học Maratha thuộc Parel. Nhưng vì không đủ tiền để đóng học phí, ông đã đến xin học ở Trường Trung học Elphinestone của chính phủ. Môi trường học ở đây hoà đồng hơn ở Satara, ông được nói chuyện vui vẻ, được chơi cricket cùng các bạn.

Năm 1908, theo lệ tảo hôn của người Ấn, Ambedkar thành hôn với Ramabai, con gái của Bhikhu Walankar. Năm ấy cô mới 9 tuổi nhưng xinh đẹp và hiền hậu. Về sau, cô sanh được 5 người con, nhưng chỉ nuôi được một. Cô mất sớm, để lại nỗi thương tiếc khôn nguôi trong lòng ông.

Với khả năng thông minh vốn có và ý chí kiên định của mình, thanh niên Ambedkar đã trúng tuyển vào Trường Đại học ở Bombay năm 1908. Đây là một sự kiện hy hữu đối với một đứa trẻ thuộc giai cấp hạ liệt, và cũng là một sự kiện lạ đối với học đường trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Sự kiện này đã mang lại vẻ vang cho những người cùng đinh và mở ra cho ông một chân trời mới. Chỉ trong vòng bốn năm sau, ông tốt nghiệp hai bằng cử nhân, cử nhân Chính trị và cử nhân Kinh tế. Rất may là vào lúc đó, nhà cầm quyền ở bang Baroda có tâm hồn phóng khoáng mời ông làm việc tại bang này. Cũng năm ấy, ông vô cùng đau đớn khi hay tin thân phụ qua đời, và đã trở về quê nhà để thọ tang cha. Bốn tháng sau, ông nhận được học bổng của nhà cầm quyền tại bang Baroda cho đi du học tại  Trường Đại học Columbia, nước Mỹ. Ông là người đầu tiên thuộc giai cấp nô lệ được cấp học bổng du học nước ngoài. Mặc dù đã bước lên đài vinh quang trong lãnh vực học thuật, vượt hơn hẳn bất cứ những người thuộc giai cấp tiện dân khác, ông vẫn không lấy làm mãn nguyện.  Thời gian này Ambedkar thật sự đã trưởng thành và nhận thấy chỉ có sức mạnh tri thức   mới có thể chặt đứt gông cùm cho người nô lệ đã và đang bị xiềng xích, mà chính bản thân ông cũng đã kinh nghiệm, đã "thấm" nỗi khổ tủi nhục, bất công này.

Năm 1912 ông được nhận vào trường Elfinstone College ở Bombay, và sau đó lại được đưa sang Mỹ để học thêm. Ông đỗ tiến sĩ về kinh tế ở Đại học Columbia và sau đó sang Anh quốc tiếp tục học ở trường London School of Economies.

Trong suốt thời gian 3 năm ông học ở Columbia, ông đã theo học khoa Kinh tế học, Xã hội học, Sử học, Triết học, Nhân chủng học, Chính trị học. Tháng 6 năm 1915, Ambedkar đệ trình luận án "Thương Mại Ấn Độ Cổ Đại " (Ancient Indian Commerce) cho học trình Cao học. 

Tháng 05 năm 1916 ông trình luận án Tiến sĩ với đề tài “Quá Trình Phát Triển Tài Chính Tỉnh Lỵ ở Ấn Độ thời Anh Đô Hộ" (The Evolution of Provincial Finance in British India). Sau khi hoàn tất học trình ở Mỹ, Ambedkar qua London, nước Anh. Tại đây, ông ghi danh vào bộ môn Kinh tế và Khoa học - Chính trị. Một  năm sau, học bổng của ông hết, ông phải trở về Ấn Độ.

Khi trở về quê hương ông hoạt động chính trị nhưng không tránh khỏi những khó khăn vì nguồn gốc tiện dân của mình, khiến ông bị các giai cấp khác tìm đủ mọi cách ám hại. Tuy nhiên ông vẫn quyết liệt bênh vực và nhất định đứng về phía giai cấp tiện dân, bất đồng chính kiến cả với Gandhi về những các biện pháp thiếu quyết liệt để bảo vệ những người tiện dân, chẳng hạn như những đề nghị thiết lập luật bầu cử riêng và thành lập quốc hội riêng cho họ. Chủ trương của Bhimrao Ramji Ambedkar là đòi hỏi sự bình đẳng tuyệt đối của người tiện dân trong xã hội. Ông tổ chức những cuộc kháng cự bất bạo động chống lại việc cấm người tiện dân không được phép bước vào các đền thờ Ấn giáo và uống nước ở các vòi nước công cộng, vì các hành vi ấy sẽ làm dơ bẩn đền thờ và ô nhiễm nước uống.

 Khi người Ấn giành được độc lập, Nerhu đứng ra thành lập chính phủ đầu tiên và đã bổ nhiệm Bhimrao Ramji Ambedkar làm bộ trưởng tư pháp và giao cho ông trọng trách soạn thảo bản hiến pháp đầu tiên cho nước Ấn. Ông đưa vào hiến pháp Ấn các điều khoản như sau : cấm tất cả mọi hình thức kỳ thị giữa các tầng lớp dân chúng, bình đẳng cho người tiện dân và bình đẳng cho người phụ nữ, tự do tôn giáo... Hơn nữa ông còn đưa ra nhiều biện pháp cải thiện vai trò của người phụ nữ trong xã hội, nâng đỡ người nghèo khó, giúp con cái họ được đi học, mọi người đều được quyền xin việc làm tương xứng với khả năng của mình, không được căn cứ vào giai cấp từ trước của họ.

Chịu ảnh hưởng các nền dân chủ Tây phương, B.R. Ambedkar chống lại toàn bộ hệ thống phân chia giai cấp trong xã hội Ấn. Ông bất đồng chính kiến với Gandhi khi Gandhi cho rằng phân chia giai cấp là phù hợp với Ấn giáo và cũng chính vì quan điểm quyết liệt này mà ông đã gặp nhiều khó khăn và thất bại. Là một người Phật giáo trung kiên ông nhất quyết bước theo con đường của Đức Phật, một con đường mở rộng để xoá bỏ mọi giai cấp và tất cả những hình thức kỳ thị. Chính Đức Phật đã xem sự phân chia giai cấp trong xã hội chỉ mang tính cách văn hoá, ý thức hệ và tín ngưỡng đơn thuần mà thôi. Đức Phật đặt con người ra ngoài mọi hệ thống gò bó và giả tạo, đưa người phụ nữ lên ngang hàng với nam giới. Ngài xem tất cả mọi chúng sinh đều bình đẳng với nhau trên phương diện tâm linh và đều có quyền như nhau trên đường giác ngộ. Tăng đoàn là một hình thức dân chủ, đón nhận tất cả mọi giai cấp trong xã hội.

 B.R. Ambedkar quan niệm Phật giáo là một con đường giải thoát nhưng đồng thời cũng phải hướng Phật giáo vào những cải cách xã hội. Theo quan điểm của ông, Phật giáo còn là một nền triết học về đạo đức và đã thật sự đem đến cho ông một lý tưởng giúp ông dấn thân vào những hoạt động xã hội. Lý tưởng đạo đức đó hàm chứa vừa tính cách cá nhân lẫn tập thể, ảnh hưởng trực tiếp vào đời sống xã hội, vì thế ông thường xuyên bày tỏ ước vọng là Phật giáo sẽ có thể giúp con người đạt được lý tưởng đạo đức đó mà ông hằng mong ước. Ông hô hào những người tiện dân hãy trở về với Phật giáo vì đó là con đường có thể giải thoát cho họ. Ngày 14 tháng 10, năm 1956 có 380 000 người tiện dân xin quy y tập thể, quả thật đấy là một ngày lịch sử đã đánh dấu sự hồi sinh của Phật giáo trên đất Ấn. Nhưng tiếc thay, chưa đầy hai tháng sau đúng vào ngày 06 tháng 12 thì ông lại qua đời.

Phong trào xin quy y tập thể của người tiện dân tiếp tục lan rộng từ tiểu bang này sang tiểu bang khác nhưng đồng thời cũng có rất nhiều trở ngại lớn lao. Những trở ngại cấp bách nhất là không có tăng đoàn đủ khả năng hướng dẫn, không có chùa chiền, người tiện dân thì lại nghèo khó, không người lãnh đạo, không đủ phương tiện đóng góp vào những hoạt động tập thể. Những trở ngại khác là các cấp chính quyền Ấn giáo tìm mọi cách ngăn chận phong trào quy y của người tiện dân, họ cho rằng người tiện dân khi đã theo Phật giáo thì đương nhiên phải phủ nhận mọi quyền lợi mà nhà nước đã ưu đãi họ theo sự yêu cầu của B.R. Ambedkar. Gần đây hơn có một vị lãnh đạo khác là Udit Raj, sinh ngày 1 tháng giêng 1958, là một cựu công chức cao cấp trong chính quyền, nhưng ông đã từ chức và đứng ra thành lập một đảng chính trị gọi là đảng Công lý. Ông quy y Phật giáo ngày 4 tháng 11 năm 2001 và tiếp tục hô hào người tiện dân hãy tiếp tục trở về với Phật giáo và tổ chức những khoá ẩn cư cho họ.

Biến cố Tây tạng vào năm 1950 đã đưa hàng loạt người dân và cả hàng tăng lữ Tây tạng sang tị nạn ở Ấn độ. Họ tích cực xây dựng chùa chiền và thuyết giảng Đạo Pháp khắp nơi, đó cũng là một trợ lực không nhỏ cho phong trào quy y của người tiện dân Ấn độ. Sự hồi sinh của Phật giáo trên đất Ấn là một biến cố không thể phủ nhận đuợc, nhưng khó khăn còn nhiều. Một nền Phật giáo « phôi thai » còn lỏng lẻo, không tránh khỏi những hình thức thương mại như buôn bán ảnh tượng như những vật lưu niệm, thu hút người du lịch bằng những hình thức màu mè, và hàng tăng lữ còn bị mê hoặc bởi những tiện nghi vật chất.

Dù sao sự hồi sinh của Phật giáo trên đất Ấn cũng là một niềm hy vọng chung cho những ai mang hoài bảo muốn nhìn thấy một xã hội công bằng hơn, ít kỳ thị hơn và hạnh phúc hơn. Ngày nay người ta đã thấy rõ tiến bộ vật chất và những xu hướng bảo thủ và cực đoan đã và đang tàn phá xã hội con người như thế nào. Văn minh vật chất và các xu hướng tín ngưỡng cực đoan không thể giải thoát con người mà chỉ nô lệ hoá con người mà thôi. Giàu có vật chất sẽ tạo ra bất công, tham vọng và những xung đột ngấm ngầm, tất cả những thứ ấy ăn sâu một cách kín đáo vào các tầng lớp xã hội để tạo ra hận thù và lan tràn ra khỏi biên giới quốc gia để gây ra chiến tranh khắp nơi. 

Nếu những khối dân chúng đông đảo như Ấn độ và các quốc gia khác ở Á châu thực tâm quay về với Phật giáo, nhìn thấy giá trị của Từ bi và Đạo đức để cùng nhau tái lập sự công bằng, hài hoà và an vui trong xã hội, thì đấy sẽ là một niềm hy vọng chung cho mỗi người trong chúng ta, và biết đâu cái viễn ảnh ấy, cái sức mạnh ấy cũng có thể thay đổi được cả tương lai của nhân loại trên hành tinh này, hay ít ra cũng giữ được truyền thống tín ngưỡng của quê hương mình.

(Theo phatphap.org.vn)

Bình luận của bạn