banner

KHOA ĐÔNG PHƯƠNG HỌC - ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

Những đề xuất của Hồ Thích về vấn đề phụ nữ trên Tạp chí Tân Thanh niên



Những đề xuất của Hồ Thích về vấn đề phụ nữ trên Tạp chí Tân Thanh niên
Tạp chí Tân Thanh niên(新青年)có tên gọi ban đầu là Thanh niên (青年), ra đời ngày 15 tháng 9 năm 1915 tại Thượng Hải do Trần Độc Tú[1] sáng lập. Năm 1916, khi Trần Độc Tú chuyển về giảng dạy tại Đại học Bắc Kinh, tòa soạn tờ báo được dời về Bắc Kinh, tờ báo cũng được đổi tên thành Tân thanh niên.

Tạp chí Tân thanh niên và Phong trào Văn hóa mới
Tạp chí Tân Thanh niên(新青年)có tên gọi ban đầu là Thanh niên (青年), ra đời ngày 15 tháng 9 năm 1915 tại Thượng Hải do Trần Độc Tú[1] sáng lập. Năm 1916, khi Trần Độc Tú chuyển về giảng dạy tại Đại học Bắc Kinh, tòa soạn tờ báo được dời về Bắc Kinh, tờ báo cũng được đổi tên thành Tân thanh niên. Tân thanh niên là một nguyệt san ra báo vào ngày 15 hàng tháng, cứ 6 số báo được tính là 1 quyển. Tính từ số đầu tiên đến số cuối cùng ra ngày 15 tháng 7 năm 1922, Tân thanh niên đã xuất bản tổng cộng 9 quyển, với 54 số báo. 
Tân Thanh niên được coi là cơ quan ngôn luận chính của Phong trào Văn hóa mới(新文化运动)diễn ra ở Trung Quốc đầu thế kỷ XX. Phong trào Văn hóa mới là cuộc vận động cải tạo xã hội do một bộ phận trí thức Trung Quốc từng du học ở một số nước Âu Mỹ và Nhật Bản, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nền văn minh phương Tây như Hồ Thích, Trần Độc Tú, Lý Đại Chiêu, Tiền Huyền Đồng phát động. Phong trào Văn hóa mới tuyên truyền khoa học, dân chủ, nhân quyền; phản đối chuyên chế, mê tín. Trên cơ sở đó, các lãnh tụ của Văn hóa mới cũng thể hiện thái độ phê phán đối với lễ giáo, đạo đức cũ lấy học thuyết Nho gia làm trung tâm. 
Chính trong bối cảnh này, phong trào Văn hóa mới đã khởi xướng một loạt các cuộc thảo luận trên tạp chí Tân thanh niên và một số tạp chí cấp tiến khác về các vấn đề phụ nữ như vấn đề tiết hạnh, gia đình, giáo dục, tự do yêu đương và tự do hôn nhân, qua đó kêu gọi thay đổi quan niệm luân lý và lễ giáo Trung Quốc truyền thống về vấn đề phụ nữ, tuyên truyền tư tưởng bình đẳng nam nữ và giải phóng con người cá nhân, yêu cầu xem xét lại những đòi hỏi tiết hạnh đối với nữ giới, khuyến khích phụ nữ tiếp cận với tri thức khoa học và công tác xã hội.
Hồ Thích và ảnh hưởng đối với thời đại
Hồ Thích (27/12/1891- 24/02/1962), tự là Thích Chi, người Tích Khê, An Huy. Năm 3 tuổi ông bắt đầu học chữ Nho và đạo Khổng tại trường học tư thục của dòng họ. Năm 1906, ông thi đỗ vào trường Trung Quốc công học. Năm 1908, ông kiêm nhiệm công việc giáo viên tiếng Anh tại trường này. Năm 1910, ông đi Mỹ du học, chọn học ngành nông nghiệp tại trường đại học Cornell. Mùa xuân năm 1912, ông quyết định từ bỏ nông nghiệp, chuyển sang học văn học và triết học tại viện Văn học của đại học Cornell. Do bị thu hút bởi Chủ nghĩa thực dụng và trường phái triết học của đại học Columbia, sau khi tốt nghiệp đại học Cornell, Hồ Thích thi vào Khoa Triết học Đại học Columbia, theo học ngành triết với John Dewey[2]. 
Năm 1917, khi vẫn còn ở Mỹ, Hồ Thích viết bài “Văn học cải lương sô nghị”[3] gửi về Trung Quốc đăng trên Tân thanh niên, gây tiếng vang lớn. 
Tháng 7 năm 1917, Hồ Thích lấy bằng tiến sỹ triết học tại đại học Columbia và trở về Trung Quốc. Tháng 8 cùng năm, ông được mời về làm giáo sư tại Viện Văn học, Đại học Bắc Kinh. Ngoài việc giảng dạy tại Đại học Bắc Kinh và một số trường đại học khác, Hồ Thích còn tích cực tham gia viết bài cho tạp chí Tân thanh niên, đồng thời là một trong những cây bút chủ lực trên nhiều tờ báo cấp tiến khác như Tân trào, Tân nguyệt. Ông cũng là người đồng sáng lập các tạp chí Mỗi châu bình luận, Nỗ lực châu báo, Hiện đại bình luận, Độc lập bình luận, trở thành một trong những thủ lĩnh của phong trào Văn hóa mới với những đề xướng gây chấn động về cách mạng văn học, phản biện chính trị và cải tạo tư tưởng quốc dân, được coi là nhân vật có sức ảnh hưởng lớn trong đời sống văn hóa- tư tưởng ở Trung Quốc đầu thế kỷ XX. 
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi lựa chọn nghiên cứu những đề xuất của Hồ Thích về vấn đề phụ nữ trên tạp chí Tân thanh niên, đi sâu vào phân tích bốn bài viết có liên quan đến vấn đề phụ nữ của ông trên tạp chí này, coi đây là cơ sở bước đầu cho việc tìm hiểu toàn diện hơn về tư tưởng giải phóng phụ nữ của Hồ Thích nói riêng cũng như toàn bộ nội dung giải phóng phụ nữ của phong trào Văn hóa mới nói chung một cách có hệ thống. 

(Xem bài viết toàn văn tại cuốn Phương Đông: Truyền thống và Hiện đại, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2015)

Tác giả: Ths. Trần Trúc Ly

Khoa Đông phương học 

Bình luận của bạn