banner

KHOA ĐÔNG PHƯƠNG HỌC - ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

Một số giá trị truyền thống trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Hoa ở Việt Nam



Một số giá trị truyền thống trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Hoa ở Việt Nam
Việt Nam nằm bên bờ biển Đông với bờ biển kéo dài từ bắc xuống nam, từ xa xưa đã có sự giao lưu thương mại đường biển với các nước trong khu vực và trên thế giới. Do vị trí phía bắc có sự tiếp giáp với Trung Quốc cả trên đất liền và vùng lãnh hải, nên trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Việt Nam đã trở thành địa điểm gần nhất, thuận lợi về mặt địa lý, thu hút đông đảo người Hoa di cư đến sinh sống.

Trong khuôn khổ bài viết này, người viết chủ yếu khai thác phân tích các nguồn tư liệu chữ Hán, Hán Nôm của người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh, Hội An, Vĩnh Long… hiện vẫn còn lưu giữ đến ngày nay, đồng thời kết hợp với các thành quả nghiên cứu của người đi trước để phác họa nên bức tranh sơ thảo về các giá trị truyền thống trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Hoa ở Việt Nam trong các thế kỉ trước.
1. Đôi nét về cộng đồng người Hoa và ý thức thờ cúng tiền hiền
Các chính sách đối xử thân thiện, ưu đãi của chính quyền phong kiến Việt Nam qua các thời kỳ đã thu hút nhiều người Hoa di cư đến sinh sống làm ăn. Từ cuối thời Lê do tình hình chính trị rối ren, và do nhu cầu mở rộng thị trường buôn bán của các chúa Nguyễn đã tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt cho người Hoa đến định cư và tổ chức hoạt động thương mại ở Đàng Trong, dần hình thành nên những khu cư trú của người Hoa ở các địa phương, hay còn gọi là phố người Đường. Cộng đồng này đã đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển hưng thịnh của thương mại quốc tế ở Việt Nam trong nhiều thế kỷ qua.
Vào thời Nguyễn, cộng đồng người Hoa ở Việt Nam chia thành hai bộ phận rõ rệt là Hoa Ngũ bang (còn gọi là người Thanh, hoặc Hoa kiều) và Hoa Minh Hương. Minh Hương ban đầu là tên gọi của nhóm người Hoa bao gồm những cựu thần, quan lại, thần dân của nhà Minh di cư đến Việt Nam tỵ nạn sau những biến động chính trị tại Trung Quốc. Họ định cư lâu dài tại Việt Nam từ nhiều thế kỉ trước, lại có sự thông hôn với cư dân người Việt, nên trên thực tế là một xã hội của những người Hoa lai. Từ năm 1842, chính quyền nhà Nguyễn đã cho đăng ký người Hoa Minh Hương tách biệt khỏi người Hoa nhập cư, và tổ chức quản lý cộng đồng theo kiểu làng xã của người Việt. Những người gốc Hoa đã nhập quốc tịch Việt Nam (tức nhập tịch vào xã Minh Hương) được gọi là người Minh Hương để phân biệt với những người Hoa không định cư hoặc mới di cư đến Việt Nam từ thế kỉ XIX trở đi (người Hoa Ngũ Bang). Họ là những thương khách chủ yếu đến từ vùng đông nam duyên hải Trung Quốc, không nhập quốc tịch Việt Nam, chỉ đến tạm cư buôn bán. Nhóm người Hoa này cũng được quyền tự chủ quản lý hành chính nhưng theo các bang hội, một mô hình liên kết đồng hương, cùng địa vực quê quán, hay nói chung phương ngữ. Trong đó, có không ít người sau một thời gian bôn ba buôn bán đã quyết định ở lại địa phương làm ăn sinh sống, lấy vợ sinh con đẻ cháu. Con cháu những này được nhập cư vào làng Minh Hương theo quy định về quản lý hộ tịch của nhà Nguyễn.
    Nhắc đến đời sống văn hóa của cộng đồng người Hoa ở Việt Nam hay ở bất cứ nơi đâu họ di cư đến, trước hết phải nhắc đến sinh hoạt tín ngưỡng dân gian vốn là một nét đặc trưngriêng, thể hiện bản sắc dân tộc của cộng đồng người Hoa. Trong đó, một dấu nhấn khá nổi bật trong đời sống tín ngưỡng của họ chính là ý thức thờ cúng tiền hiền và tấm lòng đền ơn đáp nghĩa với những người có công với cộng đồng làng xã. Cộng đồng người Hoa ngay từ khi lựa chọn an cư lập nghiệp lâu dài ở Hội An đã quyên góp xây nên một ngôi Tổ đình (Cẩm Hà Cung), ngày nay là Đình Tiền hiền Minh Hương (hoặcMinh HươngTụy Tiên Đường). Ngoài ra, Hội quán Minh Hương (Minh Hương Gia Thạnh) ở thành phố Hồ Chí Minh vốn là hội quán của hậu duệ các di thần phản Thanh phục Minh, chủ yếu thờ các quan lại là người Minh Hương nổi tiếng ở Việt Nam như Trần Thượng Xuyên, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh. Bên cạnh đó, Hội quán còn thờ cúng một viên quan người Việt là Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh. 
    Cùng có chung lòng thành kính tôn vinh các bậc tiền hiền, năm Tự Đức thứ XVIII, “hương chủ Trương Ngọc Lang xã Minh Hương, tỉnh Vĩnh long cùng dân xã lập bản truy ước. Nay xét các bậc tiền triết trong xã từ đời Cảnh Hưng đến Thiệu Trị, có người quy dân lập ấp, nối theo người trước mở mang cho đời sau, thật có công với hậu thế. Mà việc nhớ gốc về nguồn, nếu người sau không hết lòng thì làm sao hiển dương được công đức người trước, cho nên làm nghề nông thì tôn Hậu Tắc làm đầu, nuôi tằm thì tôn Luy Tổ làm đầu, đó cũng là ý nghĩa theo nguồn nối bước. Nay bản xã ghi lại công trạng của các bậc tiền hiền ngày trước, kê theo thứ tự, định lệ mỗi năm cúng tế hai lần vào dịp xuân thu, hương hỏa ngày càng đổi mới... Có thể noi theo những người đạo đức làm rạng tiếng thơm, đời đời nối dõi, cho đến vĩnh viễn”. [2, 247] Trong thời gian được bầu làm Hương chủ, bá hộ Trương Ngọc Lang “lại trù tính một khoản: phàm các chức sắc trong xã, ai đã lãnh bằng làm Xã trưởng hoặc hết nhiệm kỳ làm Xã trưởng, thiết nghĩ các viên chức này đã có công lao từ lâu năm, nên xuất tiền xã nộp thuế cho suốt đời, còn như các Phó xã, Xứng cân trong năm cũng được giảm sưu thuế. Xã đã xuất tiền công quỹ nộp thay như thế, sau này hết nhiệm kỳ, các viên chức này sẽ phải nộp theo quy định”. [2, 316]
    Có thể thấy ý thức tôn kính tiền hiền là đặc điểm chung của cộng đồng người Hoa ở Việt Nam thời trước. Họtin tưởng rằng việc thờ cúng các bậc tiền hiềnsẽ phù hộ giúp cho các phương diện đời sống của cộng đồng sớm ổn định, phát triển tại nơi đất khách quê người. Điều này phần nào được phản ánh qua mô tả trong bia ký trùng tu đình Tiền Hiền Minh Hương, Hội An lập năm Duy Tân 2 (1908) do cử nhân Trương Đồng Hiệp biên soạn, nội dung như sau: “Xưa, các bậc tiên sinh của làng quá vãng thờ cúng tại xã vì các vị có công đức được tôn vinh và báo đáp. Khi xây dựng làng tất phải nhớ công lao của tiền nhân. Người đời không thể quên đức tốt đã truyền lưu. ...Tiền nhân lúc đầu trồng dâu, lập địa bộ, khai khẩn đất hoang, lấy đất bồi làm khu dân cư, mở cửa hàng để tập họp buôn bán. …Trải qua lâu ngày, xóm làng trở nên đông đúc, quan chức nối tiếp. Lãnh quản làng có ba vị tú tài, có gấp đôi hai mươi chức thông dịch. Nửa số dân đinh gồm hơn ba trăm người làm các công việc của tỉnh. Phải nói rằng nhiều nơi khác không đâu sánh bằng như thế. Nhìn quê hương nhớ gốc tích, người làng đồng lòng. Tâm tưởng ấy trước sau như một”. [1, 45-46] 
    Ý thức tôn vinh, thờ cúng các bậc tiền hiền trong cộng đồng người Hoa càng thể hiện rõ nét vào thời Nguyễn do ảnh hưởng của khuynh hướng chấn hưng Nho giáo cũng như hoàn cảnh lịch sử đặc thù trong thời kỳ này. Thông cáo “khuyến khích lạc quyên” của Đồng hội Văn Miếu tỉnh Vĩnh Long vào ngày 16 tháng 3 năm Kỷ Tỵ (1869) viết: “...Thường nghĩ nhớ đức người trước, trọn kiếp không quên, chịu ơn tiền nhân, suốt đời báo đáp. Điều đó xưa nay ai cũng nói thế. Nghĩ Kinh lược Phan đại nhân là Đẩu Sơn sáu tỉnh, quan lớn ba triều, lúc sinh tiền vốn có công đức với dân rất nhiều vậy. Không may qua đời, quyên thân giữ tiết... Chúng ta là người Nam Trung hiếu nghĩa lẽ nào điềm nhiên không truy niệm sao? Vì vậy nên thờ phụng, đại nhân được cúng tế, hương khói sớm tối, lưu truyền về sau đời đời không dứt, để tỏ ra là Nam Trung chúng ta có người vậy”. [2, 502]
    Kinh lược Phan Thanh Giản giống như nhiều nhân sĩ Minh Hương khác đã tích cực tham gia vào phong trào yêu nước ở Việt Nam khoảng nửa cuối thế kỉ XIX. Ví dụ như tại Quảng Nam, trước tình hình đất nước bị thực dân Pháp xâm chiếm, một số trí thức Minh Hương trong vùng cũng đã tham gia vào các phong trào Cần Vương, Đông Du, Duy Tân, phong trào chống sưu thuế... Một số người đã hi sinh trong cuộc đấu tranh chống Pháp sau này, góp phần tô điểm truyền thống yêu nước ở Việt Nam. 
 

(Xem bài viết toàn văn tại cuốn Phương Đông: Truyền thống và Hiện đại, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2015)

Tác giả: Ts. Nhâm Thị Thanh Lý

Khoa Đông phương học 

Bình luận của bạn