banner

KHOA ĐÔNG PHƯƠNG HỌC - ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

Cơ sở hoạch định chiến lược phát triển của Hàn Quốc và Singapore: Một nghiên cứu so sánh



Cơ sở hoạch định chiến lược phát triển của Hàn Quốc và Singapore: Một nghiên cứu so sánh
Trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, mỗi một một quốc gia muốn tồn tại và phát triển cần xây dựng được một chiến lược phát triển phù hợp để có thể phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân và khẳng định được vị thế của mình trên trường quốc tế.

Trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, mỗi một một quốc gia muốn tồn tại và phát triển cần xây dựng được một chiến lược phát triển phù hợp để có thể phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân và khẳng định được vị thế của mình trên trường quốc tế. Với xuất phát điểm không mấy thuận lợi như nhiều quốc gia khác ở Đông Á, sau hơn hai thập kỷ nỗ lực phấn đấu, đến đầu thập kỷ 80 thế kỷ XX, Singapore và Hàn Quốc đã vươn lên thành những nước công nghiệp hóa mới (NICs) ở Đông Á. Cùng với Đài loan và Hồng công, hai quốc gia này đã tạo nền một “sự thần kỳ” nữa về kinh tế nữa ở Đông Á.
Các nước Đông Á đã bắt đầu quá trình công nghiệp hóa trên những cơ sở chính trị, kinh tế và xã hội khác nhau. Trong số bốn “con rồng nhỏ" Đông Á, cơ sở phát triển của Singapore và Hàn quốc có một số nét tương đồng bên cạnh khá nhiều khác biệt rất cơ bản. Những tương đồng và khác biệt này là những nhân tố rất quan trọng tác động trực tiếp và lâu dài tới quá trình hoạch định chiến lược phát triển của hai quốc gia trên. 
Sau những biến động chính trường, năm 1961 Park Chung-hee lên cầm quyền đã quyết định đặt kinh tế lên trên quân sự. Triết lý của ông có thể tìm thấy trong Tuyên bố năm 1962 rằng "trong đời sống con người, những vấn đề kinh tế đi trước những vấn đề chính trị hay văn hóa" . Điều này đã trở thành một triết lý cơ bản dẫn dắt những chính sách thương mại và công nghiệp của Hàn Quốc những năm đầu thập kỷ 60. Thời điểm bấy giờ, Singapore cũng mới giành được quyền "Quốc gia tự trị" từ thực dân Anh năm 1959 và đứng trước những thách thức lớn đối với sự tồn tại và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng Hành động Nhân dân. Chính quyền Singapore do Lee Kwan-yew lãnh đạo đã xác định rằng nền kinh tế của họ phải trải qua những thay đổi nhanh chóng và lớn lao về cơ cấu nếu như họ muốn trở nên thịnh vượng.
Vậy những cơ sở cho sự phát triển của kinh tế Hàn Quốc và Singapore là gì? Đâu là những điểm chung và riêng trong cơ sở phát triển của hai quốc gia trên? Nghiên cứu so sánh này sẽ góp phần trả lời những câu hỏi trên.
1. Những cơ sở chung cho quá trình hoạch định chiến lược phát triển của Hàn Quốc và Singapore
1.1. Chịu ảnh hưởng sâu sắc từ quá trình quốc tế hóa kinh tế 
Từ nửa cuối thế kỷ XX, xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Có thể ví nó như sóng và gió, những yếu tố ảnh hưởng tới tốc độ của con tàu kinh tế. Sóng yên, biển lặng, gió thổi thuận chiều thì con thuyền sẽ lướt sóng tiến nhanh; ngược lại, sóng to gió lớn sẽ khiến con thuyền chao đảo, chênh vênh.
Trong điều kiện mới, mỗi quốc gia không chỉ phải tăng cường tiềm lực kinh tế nội sinh của mình, mà còn mở rộng giao thương với các nước khác, tham gia tích cực vào quá trình phân công lao động quốc tế. Điều này đòi hỏi mỗi quốc gia phải tự thay đổi cơ cấu kinh tế trong nước cho phù hợp với sự phân công lao động quốc tế. Yêu cầu dịch chuyển nền kinh tế không chỉ đòi hỏi của bản thân sự phát triển nội tại nền kinh tế, mà còn là đòi hỏi của xu hướng quốc tế hóa đời sống kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Những thay đổi về cơ cấu kinh tế thế giới cũng dẫn tới những thay đổi về thị trường: thị trường của hàng hoá có hàm lượng kỹ thuật cao và thị trường dịch vụ sẽ ngày càng được mở rộng, trong khi thị trường hàng hoá truyền thống sẽ ngày càng thu hẹp và chịu sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. 
    Thời điểm bấy giờ, sự phát triển thần kỳ về kinh tế của Nhật Bản mở ra khả năng rút ngắn quá trình công nghiệp hóa nền kinh tế quốc gia. Trong quá trình hoạch định phát triển, các quốc gia không ngừng tìm kiếm một mô hình phát triển thích hợp. Những thành tựu phát triển đáng kinh ngạc của Nhật Bản đã làm cả thế giới hướng sự chú ý tới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn liền công bằng xã hội của nước này. Sự phát triển thần kì của kinh tế Nhật Bản trở thành mẫu hình lí tưởng, làm tăng niềm hi vọng rút ngắn thời gian hiện đại hóa cho các quốc gia phát triển .
    Không chệch khỏi tiến trình phát triển thế giới, Singapore hay Hàn Quốc đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của quá trình quốc tế hóa kinh tế. Đây là những cơ sở khách quan nhưng có tác động tích cực tới nền kinh tế trong nước. Nếu biết ‘bắt đúng tần sóng’ và biết tận dụng để phát triển thì những yếu tố này sẽ là động lực phát triển đất nước. Nhưng nó cũng chính là thách thức, đòi hỏi phải tự vận động, kích ứng sự thay đổi để phát triển. Chính các mối quan hệ quốc tế này giúp Singapore và Hàn Quốc có thể tranh thủ được sự ủng hộ, nguồn viện trợ hay thiết lập thêm mối quan hệ thương mại mang lại nhiều ngoại tệ và vốn để phát triển đất nước. Không những thế, thông qua quá trình hợp tác, Singapore và Hàn Quốc có thể học hỏi thêm không chỉ những bài học kinh nghiệm phát triển, quản lý nền kinh tế mà còn được chuyển giao các công nghệ sản xuất tiên tiến để đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.

(Xem bài viết toàn văn tại cuốn Phương Đông: Truyền thống và Hiện đại, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2015)

Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Thu Hường 

Khoa Đông phương học

 

 

Bình luận của bạn