banner

KHOA ĐÔNG PHƯƠNG HỌC - ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

[Tóm tắt báo cáo] Những tương đồng và khác biệt trong "Lên đồng" của người Việt và "Kut" của người Hàn



[Tóm tắt báo cáo] Những tương đồng và khác biệt trong "Lên đồng" của người Việt và "Kut" của người Hàn
Báo cáo khoa học "Những tương đồng và khác biệt trong "Lên đồng" của người Việt và "Kut" của người Hàn" được thực hiện bởi sinh viên Bùi Khánh Ly - K57 Hàn Quốc học trong năm 2016.

A. Mở đầu

1. Đặt vấn đề

Bài viết nêu những nhận xét bước đầu từ những nghiên cứu so sánh tôn giáo Việt Nam và Hàn Quốc, mà chủ yếu qua việc nghiên cứu tìm hiểu những điểm tương đồng và khác biệt trong Nghi lễ Kut của Shaman giáo ở Hàn Quốc và nghi lễ lên đồng của Đạo Mẫu ở Việt Nam để thấy được ý nghĩa và tầm ảnh hưởng của 2 nghi lễ cũng như 2 tôn giáo nói riêng và ảnh hưởng tâm linh đến người dân 2 nước.

2. Mục đích nghiên cứu

Trong nghiên cứu so sánh văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc hiện nay, nghiên cứu tôn giáo là một lĩnh vực có ý nghĩa rất quan trọng. Từ xa xưa, tôn giáo đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của hai dân tộc. Tôn giáo là lĩnh vực của niềm tin, tâm linh nhưng cũng là nơi thể hiện khát vọng nhận thức thế giới, khát vọng về sự hoàn thiện đời sống cá nhân và xã hội, là nơi kết tụ những giá trị đạo đức và nhân sinh trong lịch sử lao động và đấu tranh của mỗi cộng đồng.  Ngày nay, tôn giáo cũng là lĩnh vực đang đặt nhiều vấn đề phức tạp và nhạy cảm không chỉ giới hạn trong phạm vi văn hóa mà còn liên quan mật thiết đời sống chính trị, an ninh của mỗi quốc gia. Cũng do vậy, việc nghiên cứu so sánh tôn giáo ở Việt Nam và Hàn Quốc là một trong những chủ đề cuốn hút trong quá trình tìm hiểu Hàn Quốc.

3. Nội dung nghiên cứu

Trong đời sống tín ngưỡng dân gian, cả người Việt và người Hàn đều có những tín ngưỡng bản địa mang tính đa thần, phản ánh khát vọng và tư duy của những cư dân trồng lúa nước và đánh cá. Shaman giáo Hàn Quốc, có nhiều nét độc đáo, phản ánh sự tích hợp nhuần nhuyễn của văn hóa tín ngưỡng các dân tộc Bắc Á với tín ngưỡng của những cư dân nông nghiệp Nam Á. Shaman giáo Hàn Quốc ngày nay là một ví điển hình về loại hình tín ngưỡng Shaman còn tồn tại trên thế giới đã trở thành một nét văn hóa độc đáo của Hàn Quốc và được các nhà nghiên cứu lưu ý, bảo tồn. Tín ngưỡng dân gian Việt Nam cũng mang đậm tính đa thần và có không ít sắc thái riêng. Đạo Mẫu, một tín ngưỡng độc đáo của những cư dân canh tác nông nghiệp Nam Á cũng như tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên tuy mang nhiều ảnh hưởng của Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo nhưng chứa đựng những nét rất riêng của người Việt. Tuy có những nét đặc thù so với Shaman giáo ở Hàn Quốc, nhưng tín ngưỡng dân gian Việt Nam như Đạo Mẫu, Đạo thờ tổ tiên... đã trở thành một trong những cơ sở văn hóa quan trọng của người Việt trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước. Mặc dù có những nét riêng, song tín ngưỡng dân gian, bản địa ở hai nước cũng có nhiều điểm tương đồng.

4. Lịch sử nghiên cứu vấn đề

Từ xa xưa, tôn giáo đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của mối dân tộc. Vì vậy nghiên cứu tôn giáo là một lĩnh vực có ý nghĩa rất quan trọng. Hơn nữa tuy có khá nhiều điểm tương đồng nhưng shaman giáo ở Hàn Quốc và Đạo Mẫu ở Việt Nam cũng có nhiều điểm khác biệt thú vị, đó cũng là lý do đã có rất nhiều bài nghiên cứu về phần nội dung này ở cả Việt Nam và Hàn Quốc.

Với đề tài này,người viết muốn tìm hiểu nghiên cứu và đưa ra những so sánh về những điểm giống và khác cũng như ảnh hưởng trong đời sống của 2 nghi lễ nổi bật Kut và Lên đồng trong Shaman giáo và Đạo Mẫu.

5. Phạm vi đối tượng nghiên cứu

Như đã nói rõ ở trên bài viết tập trung nghiên cứu tìm hiểu những điểm tương đồng và khác biệt trong nghi lễ Kut của Shaman giáo ở Hàn Quốc và nghi lễ Lên Đồng trong Đạo Mẫu ở Việt Nam,từ đó cũng tìm ra được những ảnh hưởng đến đời sống tinh thần người dân 2 nước.

6. Phương pháp nghiên cứu

Đây là nghiên cứu về Hàn Quốc nhưng do người viết không có điều kiện đi thực địa nên bài nghiên cứu chỉ dừng lại ở việc tổng hợp, phân tích, đánh giá, so sánh các tài liệu thông qua các tài liệu thu thập được từ sách, báo, internet.

 

B. Nội dung

1. Shaman giáo ở Hàn Quốc và nghi lễ Kut

+ Shaman giáo

Shaman giáo Hàn Quốc, còn được gọi là Mu giáo (tiếng Triều Tiên: 무교 Mugyo "mu [pháp sư] giáo") hoặc Sin giáo (신교 Singyo "thần giáo (神)", là tôn giáo dân tộc là của Triều Tiên và người Triều Tiên. Mặc dù sử dụng đồng nghĩa, hai thuật ngữ này không giống hết nhau: Jung Young Lee mô tả Muism như một hình thức của Sinism - shaman truyền thống trong tôn giáo.

Trung tâm của đức tin là niềm tin vào Haneullim hoặc Hwanin, nghĩa là "nguồn gốc của tất cả", và của tất cả các thần trong tự nhiên, thần tối thượng hoặc tâm cao. Mu là thần thoại được mô tả như là con cháu của "Vua trên trời", con của "Thánh Mẫu [của Vua trên trời]", với sự trao quyền thường bạn xuống cho dòng dõi hoàng tộc nữ. Tuy nhiên, các thần thoại khác liên kết di sản của đức tin truyền thống đến Dangun, con trai của Vua trên trời và khởi tạo của dân tộc Hàn Quốc.

+ Nghi lễ Kut

Nghi lễ Kut của Shaman ở Hàn Quốc là hình thức, nghi lễ tôn giáo đặc biệt của văn hóa dân gian lâu đời của người dân Hàn. Thể hiện sự tôn vinh những công trạng của các vị thần, vua, anh hùng nam, nữ và bày tỏ mong được trù phú, no đủ, con cái và có sức khỏe tốt, tươi vui về tinh thần của người dân xứ sở kim chi. Kut ở Hàn Quốc đã được Chính phủ công nhận là di sản văn hóa quan trọng của quốc gia trong 116 di sản phi vật thể. Những người thực hiện nghi lễ Kut gọi là Thanh đồng hay pháp sư, là người có "căn" bị thánh thần (thần núi, thần trời, vua, quan, anh hùng dân tộc…) bắt ra "trình đồng". Lễ vật người Hàn Quốc chuẩn bị gồm nhiều loại sản vật, tuy nhiên về cơ bản cũng vẫn gồm hoa quả và đặc biệt có "bánh gạo" Hàn Quốc. Âm nhạc (Cung văn) gồm có trống và chiêng.

2. Đạo Mẫu ở Việt Nam và nghi thức lên đồng

+ Đạo Mẫu ở Việt Nam

Đạo Mẫu không phải là một hình thức tín ngưỡng tôn giáo đồng nhất, mà nó là một hệ thống các tín ngưỡng tôn giáo, trong đó ít nhất nó bao gồm ba lớp khác nhau, nhưng có mối quan hệ hữu cơ và chi phối lẫn nhau, đó là lớp tín ngưỡng thờ nữ thần, lớp thờ Mẫu Thần và lớp thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Lớp thờ nữ thần mang tính phổ quát rộng rãi, phù hợp với xã hội nông nghiệp và vai trò của người phụ nữ trong xã hội.

+  Nghi thức lên đồng

Lên đồng là một nghi lễ đặc trưng của Đạo Mẫu Tứ phủ của người Việt ở cả miền Bắc và Nam, cả vùng xuôi và miền núi. Gốc của đạo Mẫu và Lên đồng của người Việt là ở miền Bắc, xuất hiện muộn nhất cũng từ thời Hậu Lê (thế kỷ XVI), sau này theo chân của người di dân vào miền Nam và lên Tây Nguyên. Lên đồng ở Bắc Bộ mang tính kinh điển, uy nghi, khuôn phép; ở Nam bộ, nhất là Sài Gòn thì cởi mở, vui nhộn, dân dã hơn.

3. Tương đồng và khác biệt trong “Lên đồng” của người Việt và “Kut”  của người Hàn

Trước hết, cả Kut và lên đồng đều không phải là một tín ngưỡng độc lập mà chỉ là một nghi lễ quan trọng và điển hình của một loại hình tín ngưỡng khác. Cũng như Việt Nam, Hàn Quốc là một đất nước ngay từ rất sớm đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Shaman giáo. Như vậy, ngay từ rất sớm, tín ngưỡng Shamn giáo đã được du nhập và phát triển trên bán đảo Hàn

3.1 Đối tượng thực hiện

Hầu hết những người có thể thực hiện lên đồng (ông đồng, bà đồng) hay kut (Mudang) đều là phụ nữ (cũng có một số ít trường hợp là nam giới). Tuy nhiên, không phải người phụ nữ nào cũng có thể thực hiện nghi lễ này mà thường phải là những người đã được “thần thánh tuyển chọn”.

3.2. Mục đích thực hiện

Về cơ bản, mục đích của hai nghi lễ này đều xuất phát từ mong muốn của con người về một cuộc sống bình yên. Thông qua các lễ ấy, con người muốn cầu mong thần thánh ban cho sức khỏe, tài lộc trong làm ăn buôn bán hay trồng trọt chăn nuôi, chữa bệnh, xua đuổi điều không may mắn…

Thực tế, không chỉ kut hay lên đồng mà nhiều nghi lễ mang yếu tố của shaman giáo như then của người Tày, Nùng; pjâo của một số dân tộc như Girai, Bana, Chu ru, Êđê… ở Tây Nguyên Việt Nam, v.v… cũng có những mục đích tương tự nhằm phục vụ nhu cầu thiết thực của con người.

3.3. Những kiêng cữ trước khi hành lễ

Là môi trường thiêng nên trước khi hành lễ, các thầy đồng đều có những kiêng cữ nhất định để làm trong sạch bản thân như không được gần gũi với người khác giới (nhất là quan hệ vợ chồng), phải kiêng các đồ ăn có nguồn gốc động vật như thịt, cá…  phải ăn chay, ăn ít, thậm chí có thể nhịn ăn… Căn nguyên của những kiêng cữ trên đây xuất phát từ việc các thầy đồng muốn tạo nên một trạng thái cơ thể có sự khác biệt đôi chút so với ngày bình thường. Cũng theo quan niệm của họ, việc “chay tịnh” cơ thể chính là sự tôn trọng thần thánh.

3.4. Nghi thức và đối tượng của buổi lễ

Cả Kut và lên đồng đều diễn ra trong sự chuẩn bị rất cẩn trọng của các đồng đền cũng như sự tham gia của tôi con đệ tử cùng niềm tin. Về cơ bản, Kut có 12 bước trong khi đó lên đồng của người Việt có số lượng nhiều hơn gấp bội với 36 “giá”. Tùy theo căn mạng mỗi người mà số lượng các vị thánh giáng đồng hay nhập đồng nhiều hoặc ít.

Về thời lượng, các buổi hầu đồng mà chúng tôi đã tham dự trong những năm từ 2003 - 2007 tại Lâm Đồng thường kéo dài khoảng 4 - đến 12 giờ, cá biệt có một số buổi dài hơn. Trong khi đó ở Hàn Quốc, một lễ Kut có thể kéo dài 2 ngày. Chính vì thời gian các buổi lên đồng ở hai trường hợp không giống nhau đã dẫn đến số lượng ông đồng bà đồng cũng khác nhau.

3.5 . Đồ cúng lễ

Nhìn chung, các lễ vật được sử dụng trong kut và lên đồng đều khá sặc sỡ, chúng được mua sắm bởi các đồng đền; các ông đồng bà đồng dâng khi lên đồng tại các đền hoặc do người tổ chức mua, đồng thời là sự đóng góp tùy tâm của những người tham dự. Tuy nhiên, vấn đề chúng tôi quan tâm ở đây là cách sử dụng đồ lễ sau khi cúng.

3.6. Trang phục

Để một buổi lên đồng thành công, trang phục là thứ không thể thiếu. Việc sử dụng trang phục trong khi lên đồng hay kut cũng có sự khác biệt rất lớn. Bắt đầu buổi lễ, ông đồng bà đồng sẽ ra mắt mọi người với một trang phục hoàn toàn trắng thể hiện sự trong sạch trước khi hầu thánh. Với từng giá đồng sau đó, hầu dâng sẽ có nhiệm vụ giúp ông đồng bà đồng thay trang phục tương ứng với từng vị thần. Ngược lại, trong khi hành lễ, các Mudang Hàn Quốc lại cùng một lúc mặc nhiều bộ trang phục và cởi dần ra tùy theo sự xuất hiện của mỗi vị thần. Đó là chưa kể đến việc đôi khi trang phục còn được cuốn chéo lên để họ có thể nhảy múa và cả những chiếc mũ được chụp và cột chặt lên đầu có vẻ bất cẩn, nếu không muốn nói là không tôn trọng thần thánh.

3.7. Âm nhạc

Ngoài những vấn đề nêu trên, lên đồng của người Việt và kut của Hàn còn tìm thấy một điểm chung rất rõ nét đó là sự “đồng diễn” của âm nhạc. Ngoài việc phục vụ cho hát múa, âm nhạc trong các nghi lễ này còn có tác dụng giúp người lên đồng dễ thăng hoa, ngây ngất và dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với thần thánh.

4. Kết luận

Dù đã và đang có những ảnh hưởng nhất định đến đời sống tâm linh của cư dân Việt, Hàn; song về cơ bản,lên đồng và kut hay nói đúng hơn là tín ngưỡng thờ Mẫu và shaman giáo chỉ là những loại hình tín ngưỡng do một bộ phận cư dân hai nước “theo đuổi”.

Không thể nói lên đồng hay kut là hoàn toàn tốt đẹp; song cũng không thể phủ nhận  những giá trị và ý nghĩa tâm linh mà các tín ngưỡng này mang lại cho cư dân Việt, Hàn. Vấn đề ở đây là cần phải bảo tồn những giá trị về mặt văn hóa do các nghi lễ này mang lại, đồng thời cũng phải tích cực loại bỏ hiện tượng “buôn thần bán thánh” của không ít kẻ “đội lốt thầy đồng mà làm điều bất chính”. Bởi xét đến cùng, bất cứ một tôn giáo, tín ngưỡng nào cũng có những mặt tích cực riêng của nó; những hạn chế tiêu cực thường là do con người mượn tôn giáo, tín ngưỡng để thực hiện những mưu đồ riêng cho mình.

Tác giả: Bùi Khánh Ly - K57 Hàn Quốc học

Bình luận của bạn