banner

KHOA ĐÔNG PHƯƠNG HỌC - ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

[Tóm tắt báo cáo] Quá trình phát triển của nhạc Trot trong văn hóa đại chúng Hàn Quốc



[Tóm tắt báo cáo] Quá trình phát triển của nhạc Trot trong văn hóa đại chúng Hàn Quốc
Báo cáo khoa học "Quá trình phát triển của nhạc Trot trong văn hóa đại chúng Hàn Quốc" được thực hiện bởi sinh viên Nguyễn Giao Linh - K58 Hàn Quốc học và được trình bày tại Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên bộ môn Hàn Quốc học năm 2016.

Khi nhắc đến văn hóa đại chúng Hàn Quốc, đa phần mọi người sẽ nghĩ ngay đến văn hóa đại chúng hiện đại như phim ảnh hay âm nhạc hiện đại hình thành nên “Làn sóng Hallyu” đang ngày càng phát triển rộng rãi trên toàn thế giới hiện nay như là một biểu tượng của sự thành công. Tuy nhiên có một thể loại nhạc truyền thống của Hàn Quốc dù không được tôn vinh nhưng lại bám rễ sâu trong nền văn hóa quần chúng Hàn Quốc – đó là Trot. Đọc đến đây có lẽ có người sẽ “à! ồ!..” vài câu rằng đã nghe đâu đó rồi nhưng có ai đã từng tự hỏi: “Nhạc Trot thực chất là gì? Bức tranh toàn cảnh quá trình phát triển của nó ra sao? ở nó có những nét nổi bật độc đáo gì để có thể ăn sâu vào văn hóa đại chúng Hàn quốc? chịu tác động thế nào từ bối cảnh xã hội đương thời?” Chính những câu hỏi đó đã thúc đấy người viết nghiên cứu về “Quá trình phát triển của nhạc Trot trong văn hóa đại chúng Hàn Quốc”để tìm hiểu rõ hơn về nhạc Trot đồng thời thấy được vai trò to lớn của nó trong đời sống thưởng thức âm nhạc của người Hàn Quốc.

Chương 1: Cơ sở lý luận và tổng quan về văn hóa đại chúng

Khái niệm văn hóa đại chúng theo nhà nghiên cứu Raymond Williams (1921-1988), về cơ bản có bốn nghĩa, tương ứng với bốn nghĩa của từ “popular”. Thứ nhất văn hóa đại chúng bao gồm những hiện tượng, sản phẩm, dịch vụ văn hóa được nhiều người ưa thích. Văn hóa đại chúng là hình thức văn hóa thấp hơn của đa số quần chúng nhân dân phân biệt với văn hóa cao hơn của một thiểu số tinh hoa, bao gồm những sản phẩm dịch vụ văn hóa người ta chủ ý tạo ra ( thường gắn với công nghiệp văn hóa, sản xuất hàng loạt) nhằm thỏa mãn thị hiếu số đông. Và cuối cùng là văn hóa đại chúng bao gồm những sản phẩm dịch vụ văn hóa mà những nhóm xã hội (nhất là những nhóm thiểu số bên lề) tự tạo nên để đáp ứng cho những nhu cầu đặc thù riêng của họ (vốn không được văn hóa thống lĩnh thừa nhận và quan tâm.

Văn hóa đại chúng Hàn Quốc hiện đại lấy bối cảnh từ năm 1981 tới nay. Hàn Quốc đã có những bước phát triển kinh tế ngoạn mục, cùng với việc vươn lên là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực phát triển ứng dụng các phương tiện truyền thông mới tạo điều kiện cho văn hóa đại chúng hiện đại trở thành trào lưu vươn ra thế giới. Từ vị thế là đất nước tiếp nhận, tiêu thụ văn hóa ngoại lai Nhật, Mỹ, ngày nay vị thế của Hàn Quốc đã hoàn toàn khác, trở thành quốc gia xuất khẩu văn hóa với mục tiêu quảng bá hình ảnh đất nước, quảng bá văn hóa ra nước ngoài. Văn hóa đại chúng hiện đại mang tính chất thương mại hóa cao, lấy mục tiêu đạt đến lợi nhuận cực đại và phương tiện truyền bá chủ yếu là các phương tiện truyền thông giải trí mới. Càng ngày văn hóa đại chúng Hàn Quốc càng ngấm sâu vào nền văn hóa của các quốc gia khác trong đó có cả Việt Nam trên mọi mặt.

Chương 2: Quá trình phát triển nhạc Trot giai đoạn từ năm 1910 đến nay

Trot (tiếng Hàn là 트로트) là một thể loại nhạc pop Hàn Quốc và được công nhận là dạng lâu đời nhất của nhạc pop Hàn Quốc. Nhạc Trot Hàn Quốc hình thành trên cơ sở fox-trot được hình thành trong suốt thời kỳ Triều Tiên thuộc Đế quốc Nhật Bản đầu những năm 1900, thể loại nhạc này bị ảnh hưởng bởi các yếu tố âm nhạc Nhật Bản, phương Tây và Triều Tiên. Nhưng trong quá trình du nhập và phát triển tại Hàn Quốc thể loại này trải qua rất nhiều thăng trầm, biến đổi.

Chương 2 người nghiên cứu đi sâu vào phân tích các giai đoạn phát triển của nhạc Trot đi liền với các giai đoạn lịch sử và sự phát triển của nền văn hóa đại chúng. Từ giai đoạn hình thành và thời kì đầu phát triển từ năm 1910-1945 đến giai đoạn 2 từ năm 1945-1960 với sự ngoại lai vào cả văn hóa đại chúng cũng như âm nhạc và đặc biệt là Trot. Trong giai đoạn tiếp theo (1961-1980) trong bối cảnh sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế kéo theo đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cũng là lúc nhạc Trot phát triển rất mạnh mẽ để lại kho tàng các bài hát còn sống mãi đến ngày nay. Và giai đoạn cuối từ những năm 1981 đến nay với sự phát triển vượt bậc của nền văn hóa đại chúng cũng như làn sóng Hàn Quốc – Hallyu thì nhạc Trot đã có một thời gian dài nghỉ ngơi lui về nhường chỗ cho một nền âm nhạc mới có tính thương mại hóa cao. Gần đây nhạc Trot cũng cho thấy những dấu hiệu quay trở lại và được người dân vô cùng đón nhận

Chương 3: Sự tác động của làn sóng âm nhạc mới trong xã hội hiện đại đối với nhạc Trot

“Làn sóng Hàn Quốc” hay còn gọi là Hallyu trong những năm 90 khi tự do hóa truyền thông ở châu Á đã có sự thành công vượt bậc. Cho đến ngày nay Hallyu ngày được mở rộng và được yêu mến không chỉ tại châu Á mà còn rất nhiều các nước khác trên thế giới. Tại Hàn Quốc sự phát triển mạnh mẽ này có ảnh hưởng lớn tới các dòng nhạc truyền thống. Nhạc Trot giờ đây đã lui về các sân khấu nhỏ hơn như phòng trà, các bữa tiệc.. Cho đến ngày hôm nay, tuy không phải là loại nhạc được đông đảo giới trẻ ưa chuộng nhưng mức phủ sóng của các bài hát Trot vẫn không ngừng được lan rộng.

Kết luận, qua những phương tiện truyền thông đại chúng ngày nay Trot đang đân được phục hồi và ngày càng được yêu mến. Xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển Trot luôn nằm trong lòng văn hóa đại chúng Hàn Quốc, phát triển đi liền với nó và có tác động qua lại lẫn nhau.

Tác giả: Nguyễn Giao Linh - K58 Hàn Quốc học

Bình luận của bạn