banner

KHOA ĐÔNG PHƯƠNG HỌC - ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

[Tóm tắt báo cáo] Biểu tượng lửa trong văn hóa Ấn Độ



[Tóm tắt báo cáo] Biểu tượng lửa trong văn hóa Ấn Độ
Báo cáo khoa học "Biểu tượng lửa trong văn hóa Ấn Độ" được thực hiện bởi sinh viên Nguyễn Thị Hưởng K58 Ấn Độ và được trình bày tại Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên bộ môn Ấn Độ năm 2016.

1. Tìm hiểu biểu tượng lửa trong tín ngưỡng của người Ấn Độ

Người Ấn Độ có tục thờ Thần Lửa đó chính là Thần Agni, lửa là thần thánh, lửa là lực lượng siêu nhiên. Agni là một trong những vị thần quan trọng  nhất  trong kinh Veda (1500 - 500 TCN).

1.1 Vị trí

Agni là vị thần tiêu biểu nhất bởi đây là vị thần cai quản cõi người. Trong kinh Veda, thần lửa Agni là người có vị trí quan trọng chỉ đứng sau thần sấm sét Indra ( người anh song sinh của thần Agni). Agni là thần lửa, vị thần tượng trưng cho sự hiến sinh. Bởi lửa là luôn sáng mãi, lửa ít khi lụi tàn mà luôn bất tử nên Agni được coi là vị thần “trẻ mãi không già”. Agni là thần cai quản hạ giới cùng với thần Vayu (thần cai quản không trung) và thần Mặt Trời Suarya ( thần cai quản Thiên giới) được coi là ba ngôi vị tối linh trong kinh Veda. Thần Agni chính là bản chất chung của cả ba ngôi vị ấy vì dù ở thiên đường, hạ giới hay giữa không trung thì nơi đâu cũng cần có hơi ấm của thần lửa Agni để tồn tại, sinh sôi và phát triển.

1.2 Tên gọi:  Agni có nhiều tên gọi khác nhau như: Vahni (người nhận lễ cúng tế); Vitihotra (người thánh hóa các tín đồ); Dhananjaya (người chinh phục sự giàu có; Jivalana ( người đốt cháy); Dhumketu ( có nghĩa là khói); Saptajihva ( người có bảy lưỡi).

1.3 Hình thức tế tự: Sáu hình thức tế tự của thần lửa là: lửa thiêng trong các buổi tế lễ (brahla agni), lửa trao cho thiếu niên tu học (brahnacharya), lửa trong lễ khai hóa (upanayaha), lửa dùng trong mỗi nhà không bao giờ tắt (garhapatya agni), lửa trong cúng tế tổ tiên hoặc vong hồn (pakshina agni), lửa thiêng trên dàn hỏa táng (kravyda agni).

1.4 Hình ảnh

Trong kinh Veda, thần Agni được miêu tả là vị thần có thân hình màu đỏ đậm hoặc vàng, có hai đầu ( hai mặt)  được bôi bơ, người Ấn Độ tin rằng đó là hai mặt thiện và ác của người, có một đôi mắt đen tuyền giống như mái tóc của người, có ba chân,  bảy cánh tay ( một tay cầm rìu, một tay cầm đuốc, một tay cầm ngọn giáo lửa, một tay cầm chuỗi hạt) và bảy lưỡi lửa mài nhọn ( dùng để liếm bơ trong các buổi lễ), răng màu vàng. Trên đầu người thường mang những cái sừng của một con bò và có một cái đuôi giống đuôi ngựa ở phía dưới, có bảy tia sáng phát ra từ cơ thể. Vật cưỡi (havana) của người thường là một con cừu ngồi trên một cỗ xe có bảy con ngựa lửa kéo hoặc là bảy con vẹt trong đó khói là cờ, gió là bánh xe. Đôi khi vật cưỡi cũng có thể là một con dê.

Thần Agni thường được so sánh với nhiều động vật như: Con bò có tiếng gầm lớn với cặp sừng sắc nhọn; khi mới sinh ra người được so sánh với con bê hay con chim thần thánh; khi ở dưới nước thì như một con ngỗng; còn khi ở trên bầu trời người  như một con đại bàng dũng mãnh.

1.5 Thức ăn: Thức ăn của thần Agni chủ yếu là bơ tươi và gỗ bởi vì thần mang tính chất là đốt cháy. Người thường thích ăn hay uống đồ của Soma làm (người phục vụ bữa ăn cho các vị thần). Agni được so sánh là miệng của các vị thần, những tia lửa là những chiếc thìa mà thần Agni dùng để mang thức ăn đến cho các vị thần.

1.6 Vai trò

Thần Agni luôn là biểu tượng của tuổi trẻ, của thực tế rằng người sẽ tái sinh thần kỳ mỗi ngày bằng cách cọ xát  hai cây gậy nhưng người cũng luôn bất tử. Thần Agni đi đến đâu là lửa cháy đến đó hung hãn nhưng mãnh liệt. Người luôn sống hòa  mình vào cuộc sống giản dị đời thường, người giấu mình trên những ngọn lửa trong từng căn bếp, trên bàn cúng,…

Thần lửa Agni vẫn có mặt ở khắp mọi nơi, mặc dù người ta không trực tiếp thờ Người. Người biết tất cả suy nghĩ của mọi người và được coi là nhân chứng cho mọi hành động quan trọng của con người. Người là thần bảo hộ cho loài người, vị chủ tể trong các buổi lễ, ban phát ánh sáng và sưởi ấm cho nhân loại, do đó người Ấn Độ sử dụng lửa trong những buổi lễ quan trọng của cuộc đời họ như đám cưới hay đám ma. Trong đám cưới của người Hindu giáo, cô dâu và chú rể sẽ phải đi quanh ngọn lửa thiêng bảy lần và gọi tên thần Agni. Người quan trọng như thế bởi người Ấn Độ coi lửa là thứ để duy trì sự sống và nó là một phần của quá trình tiến hóa.

Trong Rig Veda có hơn 200 bài ca ngợi thần Lửa, thần có mặt khắp ba cõi, mỗi nơi có hình dạng và nhiệm vụ khác nhau: hạ giới làm trung gian giữa con người và thần linh, thiêu đốt các lễ vật hiến tế; ở không trung thì giúp thần Indra - thần Mưa làm ra sấm sét, ở trên trời thì giúp thần Mặt Trời - Surva toả ra sức nóng. Agni được gọi là đấng thâm nhập khắp nơi, biết mọi việc, soi sáng tất cả, đốt cháy tất cả. Agni vừa hiền dịu, vừa mạnh mẽ hung dữ.

1.7 Thần Lửa trong các nghi lễ

Trong đám cưới, các đôi vợ chồng phải đi bảy vòng xung quanh đám lửa vừa đọc bảy lời thề chung thuỷ. Trong nghi lễ hoả táng, người Ấn Độ coi lửa như một phương tiện vận chuyển, hay là sứ giả, từ thế giới người sống sang thế giới người chết. Trong đám tang thì thiêu huỷ “ảo ảnh tạm thời” là cái xác khiến con người được siêu thoát. Thần Agni cũng là người theo dõi hành vi đạo đức của con người, tiêu diệt tội ác, điều này được thể hiện qua hai lễ hội Diwali và Holi đốt lửa để trừ tà.

Ở Ấn Độ, một trong những phép tu luyện với lửa là lên đường tới một trung tâm hành hương thần thánh để hiến tế Shiva, một nơi tên là Gokarna (tai bò) ở miền Nam Ấn Độ. Ở đây, con người phải hiến mình cho sự sám hối mãnh liệt, cố gắng tích luỹ một năng lượng siêu nhiên thông qua sự hành xác.

Tại Ấn Độ, lửa cũng được dùng để làm một phương tiện thử tội. Nhưng người ta cho rằng lửa không phán xử mà những kẻ bị thiêu đã tự phán xử mình.

KẾT LUẬN

Thần Agni có vị trí đặc biệt quan trọng trong thế giới tâm linh tín ngưỡng của người Ấn Độ

Thần Agni có mặt trong cả đời sống sinh hoạt và đời sống tình cảm của người Ấn Độ.

Tác giả: Nguyễn Thị Hưởng - K58 Ấn Độ học

 

Bình luận của bạn