banner

KHOA ĐÔNG PHƯƠNG HỌC - ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

Số phận và tâm linh - GS.TS Mai Ngọc Chừ



Số phận và tâm linh - GS.TS Mai Ngọc Chừ
Xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả cuốn sách Số phận và tâm linh, tác giả: GS.TS Mai Ngọc Chừ - Nguyên Chủ nhiệm khoa Đông phương học, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo khoa Đông phương học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

LỜI NÓI ĐẦU

Con người có số phận không? Chết có phải là hết, là chấm dứt mọi thứ? Phải chăng còn có một thế giới khác, thế giới của các linh hồn? Đó là những câu hỏi đã được đặt ra từ rất lâu cho tất cả mọi người. Cuốn sách sẽ giúp bạn tự trả lời những câu hỏi đó. Tất nhiên, với tác giả của cuốn sách này thì câu trả lời là: CÓ.

Đã có một thời, người ta cho tất cả những gì thuộc về thế giới tinh thần, thế giới tâm linh là duy tâm. Mà đã là duy tâm thì chỉ có sai (!) Bây giờ nhìn lại mới thấy nhận thức như vậy thật là ấu trĩ. Cả một nền triết học Phương Đông (như triết học Ấn Độ, triết học Trung Quốc, …) mang nặng tính chất duy tâm nhưng có ai dám phủ nhận? Có chăng, chỉ là những câu nói mang tính bất lực của những người Phương Tây khi nhìn vào Phương Đông: “Phương Đông huyền bí”. Quả đúng là Phương Đông huyền bí vì có nhiều thứ người ta chưa giải thích được.

Xã hội càng phát triển, nhiều hiện tượng bí ẩn của thế giới, của vũ trụ dần dần được làm sáng tỏ. Số phận và tâm linh cũng nằm trong số đó. Cho đến bây giờ, không chỉ ở Phương Đông mà rất nhiều người Phương Tây đã công khai tuyên bố một cách dứt khoát rằng cùng với thế giới trần thế của chúng ta còn có một thế giới khác (là tương lai của những người đang sống), đó là thế giới của các linh hồn. Những cuốn sách về vấn đề này cũng đã được dịch ra tiếng Việt và xuất bản chính thức, chẳng hạn, Thông điệp và những điều kì diệu của Tiến sĩ Jane Grees (Nhà xuất bản Văn hoá – Thông tin, 2011), Thế giới vô hình của James Van Praagh (Nhà xuất bản Đồng Nai, 2008), Những hiện tượng bí ẩn (Nhà xuất bản Thời đại, 2011) của Mary Ann Winkowski, v.v.

Nằm trong Thế giới Phương Đông, lại là mảnh đất có biết bao nhiêu người đã ngã xuống cho nền độc lập tự do của tổ quốc, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có nhiều người quan tâm đến thế giới tâm linh, thế giới của các linh hồn. Một trong những nhân tố “thúc đẩy” nhanh quá trình đi tìm sự “huyền bí” đó chính là nhu cầu tìm hài cốt của những người con đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc. Rất đáng mừng là dựa vào các nhà ngoại cảm, cho đến nay, chúng ta đã tìm được hàng vạn hài cốt bằng phương pháp gọi hồn. Những chuyện kì thú xung quanh vấn đề này đã được chính các nhà ngoại cảm kể lại một cách rành rọt, cụ thể, với những người thật, việc thật có ở khắp nơi trên đất nước chúng ta. Bạn đọc có thể tìm được những thông tin cực kì hấp dẫn về “đời sống” của các linh hồn trong những bài nói chuyện của các nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, Nguyễn Khắc Bảy, Nguyễn Văn Nhã, Nguyễn Văn Liên, Thẩm Thuý Hoàn, Dương Mạnh Hùng, v.v. và những cuốn sách mới xuất bản gần đây như Những chuyện về thế giới tâm linh (Nhà xuất bản Văn hoá – Thông tin, 2005) của Trần Ngọc Lân, Một thế giới khác (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2012) của nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài, Hiện tượng ngoại cảm: Hiện thực và lí giải (Nhà xuất bản Văn hoá – Thông tin, 2007) của Phạm Ngọc Dương, Hành trình thiêng liêng tìm hài cốt liệt sĩ: Sự mách bảo tâm linh và những khả năng kì diệu của con người (Nhà xuất bản Văn hoá – Thông tin, 2007) của Nguyễn Chu Phác và Hàn Thuỵ Vũ, v.v.

Tiếp theo “mạch chuyện” như trên, cuốn sách mà bạn đọc đang có trong tay cũng nhằm vào thế giới tâm linh và những điều huyền bí. Tuy nhiên tác giả không phải là nhà ngoại cảm như các anh, các chị Nguyễn Văn Nhã, Nguyễn Văn Liên, Nguyễn Ngọc Hoài, Phan Thị Bích Hằng, v.v. Do vậy, tác giả chỉ “kể chuyện” với tư cách là người đã thể nghiệm bằng chính cuộc đời mình và những người thân của gia đình mình trong mấy chục năm qua về những điều liên quan đến số phận và tâm linh. Do vậy cũng có thể coi đây là hồi kí của tác giả. Tuy nhiên tác giả không muốn gọi là hồi kí bởi những điều được viết ra ở đây chưa phải là những trang viết về toàn bộ cuộc đời mà chỉ là những chuyện liên quan đến tâm linh và số phận của tác giả. Hơn nữa cuốn sách được trình bày không theo kết cấu của một cuốn hồi kí thông thường mà mọi người thường làm, đó là kể chuyện từ lúc trẻ thơ cho đến khi về già.

Cuốn sách không chỉ bàn về vấn đề gọi hồn mà còn đề cập đến nhiều hình thức bói toán như xem tư thế ngồi, xem tử vi, xem tay, xem trầu cau, v.v. và tất cả những chuyện kể ra ở đây đều có thật trong cuộc đời tác giả.

Mặc dù đã có vài chục năm nghiên cứu và giảng dạy về văn hoá Phương Đông nhưng thành thực mà nói, cho đến nay, còn rất nhiều điều tác giả chưa lí giải nổi. Điều đó cũng hợp lí bởi hiểu biết của con người chỉ như một hạt cát trong một sa mạc mênh mông. Tuy nhiên với tư cách là nhà nghiên cứu, trong một mức độ nhất định, tác giả cũng sẽ cố gắng làm sáng tỏ thêm những điều mà cha ông mình đã truyền lại cho hậu thế.

Trước khi đưa in, bản thảo đã được gửi qua email tới một số người bạn của tác giả. Họ đều là những người đã ngoại lục tuần (hơn 60 tuổi), do đó đã có những năm tháng trải nghiệm cuộc đời. Điều đáng nói là ai cũng hào hứng đọc và cho tác giả biết là cuốn sách rất cuốn hút. Nhiều người “đọc liền một mạch” từ đầu đến cuối, rồi gọi điện ngay cho tác giả biểu thị thái độ ủng hộ nhiệt thành. Đáng chú ý là họ đều tin vào những điều tác giả viết và công nhận có một thế giới khác. Và họ cũng cho rằng con người có số phận…

Nhân cuốn sách được xuất bản, tác giả xin gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hoá học lí luận và ứng dụng Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), người đã đọc kĩ bản thảo và viết Lời giới thiệu cho cuốn sách, đến Thiếu tướng Triệu Văn Thế, nguyên Cục trưởng Cục Quản lí Xuất – Nhập cảnh (Bộ Công An), về những góp ý thực sự chân thành, hữu ích; và đến Nhà sách Minh Khai (Thành phố Hồ Chí Minh), đơn vị đã hợp tác chặt chẽ và rất có hiệu quả với tác giả trong việc cho ra mắt bạn đọc những ấn phẩm về văn hoá và ngôn ngữ Phương Đông.

Chắc chắn có nhiều điều người đọc sẽ tự rút ra sau khi gấp lại cuốn sách này.

Tác phẩm nào cũng có những hạn chế và khiếm khuyết nhất định. Tác giả sẵn sàng tiếp nhận mọi sự góp ý của bạn đọc để khi có điều kiện tái bản, cuốn sách sẽ đạt được chất lượng tốt hơn. Mọi góp ý, trao đổi, xin gửi về địa chỉ email: mai_ngoc_chu@yahoo.com.vn. Xin cảm ơn quý độc giả.

Mùa Xuân Quý Tỵ 2013

Mai Ngọc Chừ

Bình luận của bạn