banner

KHOA ĐÔNG PHƯƠNG HỌC - ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

Nhìn lại việc biên dịch các yếu tố Nhật Bản trong tiểu thuyết của Yeom Sang-Sup



Nhìn lại việc biên dịch các yếu tố Nhật Bản trong tiểu thuyết của Yeom Sang-Sup
Ở các nước khác, ngành nghiên cứu về dịch thuật, hay còn gọi là phê bình dịch thuật (Translation Criticism) được phát triển như một ngành học thuật riêng biệt nhưng ở Việt Nam điều này chưa được quan tâm đúng mức. Phê bình dịch thuật văn học (Literature Translation Criticism) thường được nói đến khi luận bàn về chất lượng dịch tác phẩm văn học.

Vấn đề này luôn thu hút được sự quan tâm của độc giả và đặc biệt là những người làm công tác biên dịch nhằm nâng cao chất lượng các bản dịch ngày một tốt hơn. Sẽ không quá lời nếu như nói rằng dịch thuật văn học khó mà phát triển nếu như không có phê bình dịch thuật văn học. Nhưng việc đánh giá và phê bình tác phẩm dịch của người khác là việc làm không dễ. Khác với các nhà phê bình khác, người phê bình dịch thuật nếu không thông hiểu cả hai ngôn ngữ thì khó có thể tiến hành phê bình dịch thuật. Nếu chỉ phê bình dựa trên bản dịch mà không đối chiếu với bản gốc thì sự phê bình ấy không phải là phê bình dịch thuật mà gần với bình tác phẩm (book review) hơn. 
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của dịch thuật trong giao lưu học thuật, trong đó bao gồm cả lĩnh vực văn học. Nói một cách khác, thông qua dịch thuật mà nhân loại cùng sở hữu văn hóa của các nền văn minh khác nhau và cùng phát triển. Trong quá trình này, biên dịch được coi là một môn khoa học độc lập chứ không chỉ là phương tiện truyền tải thông tin đơn thuần. Tác phẩm văn học là sản phẩm của hoạt động nhận thức tổng hợp, là nghệ thuật phát huy tối đa sức sáng tạo của ngôn ngữ nên việc nỗ lực tôn trọng cấu trúc và ý nghĩa vốn có cũng như đặc trưng của tác phẩm được coi là mục tiêu cuối cùng mà biên dịch văn học hướng tới. Nhưng quả nhiên người dịch có thể dịch “một cách đầy đủ” tới mức độ nào vẫn còn là câu hỏi với các nhà nghiên cứu, các nhà phê bình dịch thuật, độc giả và ngay cả đối với chính dịch giả. 
    Ở Việt Nam thì việc phê bình dịch thuật đối với các tác phẩm văn học Hàn Quốc hầu như chưa được thực hiện. Trong lịch sử nghiên cứu ngắn ngủi về Hàn Quốc học ở Việt Nam, những thành viên dịch văn học Hàn Quốc đều là quan hệ thầy trò, tiền hậu bối, bạn học chung hoặc ít ra là cũng biết về nhau thì việc đánh giá và phê bình tác phẩm dịch của nhau ít nhiều có ảnh hưởng nên người ta thường e ngại khi đề cập tới nó. Và hơn ai hết họ hiểu rằng hiện nay ở Việt Nam nếu một tác phẩm dịch ra đời thì sẽ được chào đón và khích lệ, chứ không phải là đi phán xét, phê bình nó. Trong tình hình như vậy thì ngay cả người có khả năng phê bình dịch thuật cũng ngại đưa vấn đề này ra để bàn luận. 
Phê bình dịch thuật có nhiều cách để tiếp cận. Người viết đã rất lo ngại sợ bị hiểu lầm rằng đây không phải là phê bình dịch thuật công bằng vì ngay từ tiêu đề bài viết đã cho thấy ý đồ của người viết muốn nhấn mạnh tới những hạn chế mà không đề cập tới những ưu điểm khi so sánh bản gốc và bản dịch. Đối tượng khảo sát của bài viết là hai tiểu thuyết Trước phong trào Manse  và Ba thế hệ  đã được dịch sang tiếng Việt của nhà văn Yeom Sang-sup . Phạm vi nghiên cứu được khoanh vùng ở việc khảo sát những hạn chế trong việc biên dịch các yếu tố liên quan tới Nhật Bản được thể hiện trong hai tiểu thuyết trên của Yeom Sang-sup. Công nhận đóng góp của những người đi trước trong việc biên dịch văn học Hàn Quốc, người viết nỗ lực đưa ra những phân tích mang tính khách quan, mang tính xây dựng trong bài viết của mình. Hy vọng từ những nghiên cứu phân tích nhỏ như thế này sẽ góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng dịch thuật văn học Hàn Quốc sang tiếng Việt. 
    1. Yeom Sang-sup và yếu tố Nhật Bản 
    Yeom Sang-sup được coi là một trong những cây đại thụ của nền văn học Hàn Quốc. Đặc biệt, nhắc đến văn học cận đại thì người ta không thể không đề cập tới Yeom Sang-sup và những tác phẩm của ông. Kể từ năm 1918, sau khi cho ra mắt tác phẩm đầu tiên cho đến năm 1961, tức là trong suốt gần 40 năm hoạt động trong lĩnh vực văn học ông đã để lại một sự nghiệp văn học đồ sộ với khoảng 148 truyện ngắn, gần 300 bài phê bình và tản văn, cộng với 28 tiểu thuyết. Sinh thời, ông đã giành được nhiều giải thưởng, có những đóng góp to lớn cho văn đàn Hàn Quốc. Chính vì vậy mà cho tới thời điểm hiện tại đã có tới khoảng 700 luận văn và các bài phê bình nghiên cứu  trên những quan điểm và phương pháp đa dạng về con người và sự nghiệp văn chương của Yeom Sang-sup. 
Du học Nhật Bản từ năm 1912 khi mới 15 tuổi, ông tốt nghiệp trường Trung học phủ lập Kyoto(京都府立中學), rồi vào học Khoa Sử học của trường Đại học Keio(慶應大學校) nhưng bị nghi ngờ có dính líu đến phong trào đòi quyền độc lập từ Nhật Bản nên có thời gian bị bắt đi tù, rồi sau đó trở về nước vào năm 1920, trở thành kí giả của nhật báo Đông Á và bắt đầu tham gia hoạt động sáng tác văn học. Xuất thân từ tầng lớp trung sản gốc Seoul, lại được tiếp thu nền giáo dục cận đại tại Nhật Bản nên ông được coi là tri thức tân tiến lúc bấy giờ. Những chi tiết về tiểu sử cũng như trải nghiệm du học của tác giả cùng với bối cảnh lịch sử, xã hội Joseon  chịu ách thống trị thực dân thời bấy giờ được thể hiện rõ nét trong nhiều tác phẩm của ông.   
Trước phong trào Manse  vốn có tên là Nghĩa địa khi xuất bản lần đầu tiên vào năm 1922, miêu tả về một xã hội Joseon trước khi diễn ra Phong trào Manse đen tối và u ám chẳng khác gì một nghĩa địa. Truyện kể về nhân vật chính Lee In-hwa đang du học ở Nhật Bản thì hay tin vợ ốm nặng sắp mất nên phải bỏ cả kì thi cuối kì để trở về Joseon. Câu chuyện tiếp theo xoay quanh các sự kiện, các nhân vật mà nhân vật chính gặp trên đường từ Đông Kinh (Tokyo) về Seoul. Đến đâu cũng gặp cảnh người Joseon bị giám sát, bị coi khinh tới mức thậm chí ngay bản thân người Joseon cũng chán ghét chính mình. Cảnh sát thì theo sát nhân vật chính, những người lao động Joseon thì bị lừa bán sức lao động bởi những kẻ môi giới người Nhật, cô gái lai Nhật cũng không thèm nhìn nhận mẹ ruột người Joseon của mình... là những gì anh tận mắt chứng kiến trên đường đi. Khi anh về đến quê hương thì thấy cảnh anh em tranh giành của cải, cảnh người vợ ốm yếu đáng thương mà anh đã kết hôn không vì tình yêu… Cả xã hội như chìm vào một màu u ám, khiến anh lại muốn trốn chạy, quay sang Nhật Bản để mong thoát ra khỏi “nấm mồ” ấy. Tác phẩm mang ý nghĩa to lớn trong việc tả thực hiện thực của Joseon dưới chế độ thực dân và tâm tình của người thanh niên tri thức Joseon thông qua hành trình về nước từ Đông Kinh và khép lại bằng sự ra đi hướng tới Đông Kinh của nhân vật chính. 

(Xem bài viết toàn văn tại cuốn Phương Đông: Truyền thống và Hiện đại, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2015)

Tác giả: TS. Hà Minh Thành 

Khoa Đông phương học

Bình luận

Lương Tán
25/04/2016 9:09:45 CH

Dịch thuật đúng là vấn đề lớn hiện nay. Hầu như khi đọc các tác phẩm dịch, người biết ngoại ngữ đều có thể nhận ra, đây đó có những lỗi dịch thực sự ngớ ngẩn. Hy vọng công tác dịch thuật và dịch xuất bản sẽ được cải thiện khi công lao người biên dịch được trả xứng đáng.

Bình luận của bạn