banner

KHOA ĐÔNG PHƯƠNG HỌC - ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

[Báo cáo] Ảnh hưởng của Phật giáo đến chính trị và xã hội Tân La (thế kỷ V - thế kỷ VII)



[Báo cáo] Ảnh hưởng của Phật giáo đến chính trị và xã hội Tân La (thế kỷ V - thế kỷ VII)
Báo cáo "Ảnh hưởng của Phật giáo đến chính trị và xã hội Tân La (thế kỷ V - thế kỷ VII)" được thực hiện bởi nhóm sinh viên Trần Tùng Ngọc - Nguyễn Thị Tuyết Vân K59 Hàn Quốc học dưới sự hướng dẫn của ThS. Lê Thị Thu Giang. Báo cáo đã đạt giải Nhì tại Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên khoa Đông phương học năm 2016.

CHƯƠNG I: KHÁT QUÁT BỐI CẢNH LỊCH SỬ TÂN LA

Vương quốc Tân La hình thành năm 57 TCN, ban đầu là một tiểu quốc nhỏ bé nhất trong Tam quốc sau đó đã liên tục phát triển, đạt được nhiều thành tựu, thu phục Già Da, làm chủ lưu vực sông Hán,... Đến năm 676, Tân La hoàn thành sự nghiệp thống nhất Tam quốc. Nếu tính thời gian từ khi thành lập đến khi kết thúc thời kỳ Tân La thống nhất, vương triều này đã tồn tại gần 1000 năm, trở thành một trong những vương triều phong kiến tồn tại lâu nhất trong lịch sử.

Về kinh tế, nông nghiệp được đặt lên hàng đầu, tuy nhiên, thủ công nghiệp và thương nghiệp cũng đạt được nhiều thành tựu, Tân La trực tiếp tham gia vào con đường giao lưu buôn bán Đông - Tây. Về chính trị, ban đầu Tân La là nhà nước liên minh bộ lạc, sau đó phát triển thành nhà nước quân chủ quý tộc và cuối cùng là quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền. Về xã hội, chế độ Cốt phẩm khắc nghiệt được thực thi, số phận của một người được quy định bởi dòng máu, không thể thay đổi. Về văn hóa, thịnh hành các tín ngưỡng bản địa, đến thế kỉ thứ V, Tam giáo bắt đầu du nhập và phát triển tại Tân La, trong đó đặc biệt là Phật giáo.

CHƯƠNG II: QUÁ TRÌNH TRUYỀN BÁ CỦA PHẬT GIÁO

Phật giáo truyền bá vào Tân La từ đầu thế kỉ V song đã liên tiếp vấp phải sự phản đối từ giới quan lại quý tộc. Phải chờ đến năm 527 - 528, đời vua Pháp Hưng, với sự kiện tử đạo của Di Thứ Đốn, Phật giáo mới chính thức được công nhận và trở thành quốc giáo tại Tân La. Sau khi được công nhận, phật giáo Tân La đã có những bước tiến nhanh chóng và mạnh mẽ, tạo sức ảnh hưởng sâu rộng đến hầu khắp các phương diện của đời sống xã hội. Đặc biệt, phật giáo đã trở thành nền tảng tinh thần, nguồn động lực thúc đẩy Tân La thống nhất Tam quốc sau này.

CHƯƠNG III: ĐẶC TRƯNG VỀ TƯ TƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO TÂN LA

Phật giáo Tân La là cái nôi sản sinh ra nhiều nhà tư tưởng lỗi lạc có sức ảnh hưởng trong tiến trình phát triển của Phật giáo Hàn Quốc nói riêng và Phật giáo thế giới nói chung. Các tư tưởng đặc trưng của Phật giáo Tân La liên quan trực tiếp đến vấn đề chính trị và xã hội bao gồm có tư tưởng Phật giáo hộ quốc, tư tưởng Phật quốc thổ và tư tưởng Đại chúng hóa Phật giáo.

Tư tưởng Phật quốc thổ được hình thành trên cơ sở hộ trì kinh Nhân vương hộ quốc bát nhã ba la mật đa với đóng góp to lớn của pháp sư Từ Tạng. Tư tưởng này nhấn mạnh tinh thần nhập thế của đạo Phật, Phật giáo phải dấn thân gánh vác trọng trách phụng sự quốc gia, dân tộc. Trong khi đó, tư tưởng Phật quốc thổ được khơi gợi từ kinh Diệu pháp liên hoa, chỉ ra mối tiền duyên của Phật giáo với đất nước Tân La. Tân La trong tương lai sẽ trở thành một quốc độ của chư Phật, một đất nước thái bình, thịnh vượng. Ngoài ra, ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ cúng Di Lặc, các nghi lễ mang tính chú thuật (Bát quan trai, Bách cao tọa pháp hội) và quan niệm về Chuyển luân thánh vương đã củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân vào chính quyền, góp phần xây dựng chế độ Trung ương tập quyền tại Tân La.

Tư tưởng Đại chúng hóa Phật giáo là đóng góp của pháp sư Nguyên Hiểu nhằm đem tinh thần của đạo Phật hòa nhập sâu rộng vào đời sống xã hội. Phật giáo Tân La ban đầu chỉ thịnh hành trong hoàng thất và giới quý tộc nay đã được quần chúng tiếp nhận một cách tích cực. Phật giáo thấm sâu vào trong lòng xã hội, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Tân La

CHƯƠNG IV: ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO ĐẾN CHÍNH TRỊ TÂN LA

Ảnh hưởng của Phật giáo đến chính trị Tân La được xem xét dưới các góc độ: 1. Các chính sách phát triển, sự ủng hộ của hoàng thất và giới quý tộc đối với Phật giáo; 2. Vai trò của các tăng sĩ trong hệ thống chính trị Tân La; 3. Ảnh hưởng của Phật giáo trên các lĩnh vực quân sự và ngoại giao.

Phật giáo Tân La được sự hậu thuẫn tích cực từ phía hoàng thất và giới quý tộc bằng các biện pháp cụ thể như: ban hành các chính sách khuyến khích phát triển, quyên góp tiền bạc, của cải xây dựng chùa chiền, đắp chuông, đúc tượng, cử hành các nghi lễ mang tính quốc gia; vua Pháp Hưng và vua Chân Hưng cuối đời đều thoái vị xuất gia, các vị vua kế tục đều có tinh thần học hỏi giáo lý, tôn kính tăng sĩ; nhiều vị tăng sĩ tài danh có xuất thân từ tầng lớp quý tộc Chân cốt.

Tân La là nước đầu tiên và duy nhất trong Tam quốc thiết lập chế độ tăng quan. Các vị tăng quan Tân La đã trở thành những cố vấn đắc lực cho nhà vua, trong nhiều trường hợp, họ đóng vai trò can gián và cung cấp đối sách cho các vấn đề quan trọng mang tầm quốc gia.

Trong lĩnh vực quân sự, tư tưởng Phật giáo cụ thể là Thế tục ngũ giới đóng vai trò định hướng cho Hoa Lang (đội ngũ tinh hoa của quân đội Tân La). Các nhà sư trực tiếp tham gia vào Hoa Lang quân, cử hành các nghi lễ cầu phúc và siêu độ cho binh sĩ, đóng vai trò như một cố vấn quân sự. Trong lĩnh vực ngoại giao, Phật giáo là yếu tố cầu nối, giúp cải thiện quan hệ của Tân La với các nước láng giềng, đặc biệt là nhà Đường, tạo điều kiện để Tân La thống nhất Tam quốc sau này. Ngoài ra, một số trường hợp, các nhà sư còn đóng vai trò tiếp đón sứ thần.

CHƯƠNG V: ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO ĐẾN XÃ HỘI TÂN LA

Sự du nhập của Phật giáo đã gây nên những xáo trộn nhất định trong cấu trúc xã hội Tân La. Tư tưởng về một xã hội hòa hợp, bình đẳng, không có giai cấp của Phật giáo cùng sự xuất hiện của tầng lớp tăng sĩ, với nhiều đặc quyền, được cả xã hội kính trọng đã làm lung lay chế độ Cốt phẩm hà khắc tồn tại lâu đời ở Tân La. Phật giáo đã góp phần điều hòa các mâu thuẫn xã hội, nối kết tinh thần của người dân phục vụ cho mục tiêu thống nhất.

Trên phương diện văn hóa, Phật giáo đã có sự tiếp biến sâu rộng đối với các tín ngưỡng bản địa, cụ thể là đạo Shaman. Quá trình tiếp biến văn hóa đã tạo điều kiện để đạo Phật bén rễ sâu vào đời sống tinh thần, tạo sức sống bền bỉ trong xã hội Tân La.

Bên cạnh đó, Phật giáo cũng có nhiều tác động đến giáo dục và nghệ thuật, khai sinh ra một nền văn hóa - nghệ thuật đặc trưng, phát triển rực rỡ chưa từng có. Về mặt giáo dục, Phật giáo khuyến khích tất cả mọi giai tầng tập trung tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, các vị tăng sĩ được tạo điều kiện du học, tìm cầu Phật pháp, đem tư tưởng Phật giáo Tân La truyền bá ra nước ngoài. Văn học Phật giáo chớm nở với sự xuất hiện nhiều loại hình mới từ văn học đại chúng như Hương ca, các tiểu truyện thiền sư,… đến các bản dịch kinh, triết luận Phật giáo. Sự ra đời của chữ Idu, chữ viết riêng của người Tân La cũng là một trong những đóng góp tiêu biểu của Phật giáo thời kỳ này. Ngoài ra, kiến trúc và điêu khắc Phật giáo cũng đạt được nhiều thành tựu, trong đó phải kể đến công trình Mộc tháp chín tầng chùa Hoàng Long và tượng Trượng lục tôn đã trở thành báu vật hộ quốc của Tân La. Các lễ hội mang yếu tố Phật giáo cũng được tổ chức phổ biến.

PGS.TS. Đỗ Thu Hà trao giải Nhì nghiên cứu khoa học sinh viên năm 2016

Tác giả: Tùng Ngọc - Tuyết Vân K59 Hàn Quốc học

Bình luận của bạn